Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Từ vụ ca sĩ Noo Phước Thịnh bị kiện: Vi phạm bản quyền là do làm liều

Cập nhật lúc 09:00  

Không thể cho rằng những trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc trong thời gian qua, như trường hợp ca sĩ Noo Phước Thịnh, là do không hiểu biết pháp luật. Thực tế cho thấy đa phần là do thói quen làm liều

Vụ kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh vi phạm bản quyền của nhạc sĩ Zack Hemsey (đại diện là Công ty Epic Elite vì công ty đã mua độc quyền ca khúc "The way" của nhạc sĩ Zack Hemsey) tại TAND TP HCM đang chấn động dư luận, đặc biệt trong giới showbiz. Chuyện vi phạm bản quyền không hiếm thấy tại Việt Nam nhưng đây có lẽ là vụ kiện đến tòa hiếm hoi.
Dàn xếp không thành
Theo đơn kiện của phía Zack Hemsey, phân cảnh từ 6 giờ 5 phút đến 7 giờ 30 phút trong MV (video ca nhạc) "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của ca sĩ Noo Phước Thịnh có sử dụng một đoạn nhạc trong tác phẩm "The way" của ông để làm nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên mà chưa xin phép tác giả hoặc quyền sở hữu tác phẩm. 
Trong đơn kiện, nhạc sĩ Zack Hemsey nêu rằng tháng 10-2017, ông phát hiện ca sĩ Noo Phước Thịnh chia sẻ trực tuyến MV có tên "Chạm khẽ tim anh một chút thôi". MV này nhanh chóng đạt mức 30 triệu view trên YouTube. Hiện bản sao MV này vẫn được lưu trữ, chia sẻ và có thể truy cập từ nhiều địa chỉ trên mạng internet. 
"Hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp tới sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như độc quyền cho phép người khác khai thác khả năng thương mại của tác phẩm. Vì vậy, theo điều 28 và 35 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi của ca sĩ Noo Phước Thịnh đã xâm phạm bản quyền tác giả/quyền liên quan đang được bảo hộ của nhạc sĩ Zack Hemsey" - đơn kiện viết.
 Từ vụ ca sĩ Noo Phước Thịnh bị kiện: Vi phạm bản quyền là do làm liều - Ảnh 1.
Cảnh trong MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của ca sĩ Noo Phước Thịnh (Ảnh cắt từ MV)
Nhạc sĩ Zack Hemsey yêu cầu Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" có sử dụng tác phẩm "The way" (bản ghi âm) khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận; bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng; bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng; công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey trên một vài phương tiện truyền thông.
Từ vụ ca sĩ Noo Phước Thịnh bị kiện: Vi phạm bản quyền là do làm liều - Ảnh 2.
Vụ tranh chấp bản quyền này đã diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, khán giả bất ngờ phát hiện ca khúc "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" bị "bốc hơi" khỏi YouTube với lời nhắn "Video này không có sẵn do xác nhận sở hữu bản quyền bởi Epic Elite". Ca sĩ Noo Phước Thịnh chấp nhận mất 30 triệu lượt view đang có để tạm gỡ MV khỏi YouTube và cắt bỏ đoạn nhạc vi phạm rồi phát hành trở lại. Tuy nhiên, trên một số trang mạng khác, MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" có đoạn nhạc vi phạm bản quyền vẫn đang tồn tại. Noo Phước Thịnh nói rằng đó là những trang mạng anh không hề ký kết hợp đồng khai thác nên nằm ngoài phạm vi kiểm soát của mình.
Không riêng gì MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" bị gỡ khỏi YouTube vì vi phạm bản quyền sau khi phát hành, cùng thời điểm còn có ca khúc "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của ca sĩ Bảo Anh, "Có em chờ" của Min, "Ghen" của Erik và "Chưa bao giờ mẹ kể" của Min và Erik... Trước đó, MV "Anh thì không" của ca sĩ Mỹ Tâm bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố vi phạm tác quyền phần lời Việt của ông. MV này sau đó đã bị gỡ xuống. Xa hơn nữa, làng nhạc Việt đã từng chứng kiến việc YouTube thẳng tay xóa MV "Em của ngày hôm qua" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP với lý do MV này bị "tố" đạo nhái trắng trợn sản phẩm "Every night" của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc) vào năm 2014.
Hầu hết những vụ vi phạm bản quyền âm nhạc gần đây đều được giải quyết theo hướng dàn xếp ổn thỏa. Ca sĩ tìm đến công ty sở hữu quyền tác phẩm hoặc tác giả để thương lượng và trả một khoản tiền mua bản quyền theo yêu cầu, có khi chỉ mang tính tượng trưng. Riêng vụ vi phạm bản quyền của ca sĩ Noo Phước Thịnh lại dàn xếp không thành.
Cảnh báo có sức nặng
Vụ kiện chính là lời cảnh báo có sức nặng đối với showbiz Việt bởi ngày nay, trong thế giới phẳng, việc tôn trọng luật pháp về sở hữu trí tuệ và tuân thủ thực thi quyền tác giả là điều cần thiết. Sự kiểm soát bản quyền của các công ty kinh doanh âm nhạc quốc tế ngày càng chặt chẽ nên dù chỉ một đoạn nhạc ngắn sử dụng trong MV vẫn bị phát hiện. Trước đây, các vụ vi phạm bản quyền, dư luận gọi là "đạo nhạc" diễn ra khá phổ biến nhưng sau những ồn ào trên công luận hầu như chìm vào quên lãng. Có thể quyền tác giả nước ngoài lúc đó chưa quan tâm đến thị trường Việt Nam còn quyền tác giả trong nước thường giải quyết theo hướng dàn xếp. Duy chỉ có vụ kiện của nhạc sĩ Trần Tiến đối với một công ty sản xuất băng đĩa nhạc tại TP HCM cách đây hơn 20 năm là phải giải quyết bằng phiên tòa dân sự tại TAND TP HCM với yêu cầu bồi thường một đồng danh dự và xin lỗi công khai tác giả.
Vì giải quyết theo hình thức dàn xếp nên người vi phạm và cả người chưa vi phạm nhận thấy việc xâm phạm bản quyền không có gì nghiêm trọng, sai đến đâu giải quyết đến đó. Kỳ cựu như ca sĩ Mỹ Tâm vẫn vi phạm tác quyền đến mức ngây ngô khi lấy một bản nhạc ngoại lời Việt làm MV mà không biết tác giả của nó là ai.
Qua những sự việc vi phạm bản quyền trong các MV cho thấy một vấn đề khác là giới ca sĩ Việt dễ dãi khi khoán trắng sản phẩm của mình cho ê-kíp thực hiện mà không kiểm tra và hệ quả là vi phạm bản quyền, thậm chí phải hầu tòa. Chẳng hạn MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi", phần ca khúc cùng tên do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác nhưng đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư thực hiện MV. Việc vi phạm bản quyền của MV nằm ở khâu hậu kỳ, khi đạo diễn quyết định sử dụng đoạn nhạc có sẵn trên mạng làm nền cho một phân cảnh quay. Tin tưởng tuyệt đối vào đạo diễn làm MV là lỗi của ca sĩ. Hơn thế, đây không phải lần đầu tiên, Noo Phước Thịnh và Đinh Hà Uyên Thư đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền. Nếu bản thân họ chịu rút kinh nghiệm từ sai sót đầu tiên, chắc hẳn sản phẩm "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" đã không gặp rắc rối lớn như bây giờ. Đinh Hà Uyên Thư cũng là đạo diễn cho MV bị vi phạm bản quyền của Bảo Anh. Một số đoạn nhạc trong MV đã được sử dụng làm nhạc nền chưa được nhạc sĩ Ivan Torrent (cũng do Công ty Epic Elite làm đại diện) cho phép.
Tình trạng cắt, ghép một hình ảnh đâu đó vào MV của ca sĩ Việt hoặc tự ý đưa vài đoạn hòa âm có sẵn vào bản nhạc của nhạc sĩ Việt cần phải chấm dứt khi V-pop đã bước vào sân chơi chính thống, nơi ca sĩ có thể thu lợi thì cũng phải tuân thủ "luật chơi" quốc tế.
Nhất là khi Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc trực tuyến, các nhạc sĩ đều có đơn vị đại diện khu vực để kiểm soát, quản lý "tài sản trí tuệ" của họ. 
Cứng rắn hơn với hành vi xâm phạm bản quyền
Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay khá phổ biến, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã được ban hành. Cần cứng rắn hơn với hành vi xâm phạm bản quyền mới mong giảm thiểu tình trạng này. Có hiệu lực từ tháng 4-2018, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan) có chỉnh sửa một số nội dung phù hợp thực tế hơn. Nổi bật nhất là quy định tăng mức độ, hình thức xử phạt. Cụ thể, cơ quan chức năng có thể phạt hành chính từ 50 - 300 triệu đồng; nặng hơn là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với hành vi phân phối bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình không có bản quyền.
Phát biểu tại một hội nghị triển khai Nghị định số 22, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng nhìn nhận dù có chế tài nhưng việc bắt đúng người, đúng tội là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng.
Đối với vụ kiện của nhạc sĩ người Mỹ, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh (TP HCM), cho rằng nguyên đơn có quyền và nghĩa vụ chứng minh sai phạm của ca sĩ Noo Phước Thịnh và ngược lại. Nếu cần thiết, các đương sự có quyền yêu cầu tòa án thu thập tài liệu chứng cứ.
Luật sư này cho biết thêm, căn cứ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật Hình sự 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Cụ thể, hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình có thể bị xử phạt 35 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Về trách nhiệm dân sự, bị hại có quyền yêu cầu bồi thường số tiền lớn nếu chứng minh được hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bản thân. Mặt khác, nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội "xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án. Người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; áp dụng hình phạt bổ sung lên đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề.
Di Lâm
(Theo Người Lao Động) Thùy Trang
Người sáng tác mà lại “đạo nhạc” chứng tỏ đó không phải là một tài năng. Đó chỉ như một người “thợ lắp ráp” khéo tay mà thôi. Trong những chất liệu được “lắp ráp” thành sản phẩm đó liệu còn bao nhiêu % là chất liệu của những tác giả khác mà họ không muốn kiện tụng? Hiện không ít tác giả trẻ của VN ta đang đi theo con đường như thế này.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét