Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Hà Nội: Hơn 300 hộ dân
bỗng dưng "mất nhà" vì... tấm bản đồ
 

 
Cập nhật lúc 10:50  

(Dân Việt) Sau 33 năm nỗ lực khai hoang, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, hơn 300 hộ dân thôn Minh Tân (xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội) bỗng “trắng tay” khi được biết toàn bộ đất đai, tài sản của họ bất ngờ nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, không được phép cấp sổ đỏ. 

Cả thôn bỗng nhiên bị “xóa sổ” 

Từ năm 1982, hơn 200 hộ dân tại 5 xã Kim Lũ, Xuân Thu, Tân Hưng, Bắc Phú, Minh Trí đã được UNBD huyện Sóc Sơn phát động phong trào lên khu kinh tế mới Đồng Đò để khai hoang, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. 

Sau đó, thôn Minh Tân được thành lập hệ thống chính trị gồm: Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp.

 
Năm 1985, khi người dân mới lên lập khu kinh tế mới Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, Sóc Sơn, HN) còn là vùng đấy hoang sơ (ảnh người dân cung cấp)

Sau nhiều năm ăn đói, mặc rét, chịu sự hành hạ của những cơn sốt rét ác tính, người dân khu kinh tế mới Đồng Đò đã trồng lên những vạt rừng xanh tốt với hàng trăm nóc nhà nằm xen kẽ, tạo ra một vùng nông thôn mới trù phú, đẹp như “Đà Lạt của Sóc Sơn”. Nhiều năm qua, các hộ dân sinh sống nơi đây vẫn đóng thuế nông nghiệp, thuế sử dụng đất ở theo đúng quy định nhà nước. 

Hơn 30 năm sau, cuộc sống đang từng ngày khởi sắc, nhiều gia đình có đến 3 – 4 thế hệ được sinh ra, lớn lên, an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất mà cha ông đã đổ mồ hôi gây dựng. Bỗng một ngày, người dân Minh Tân nhận được tin cả vùng đất ở, đất rừng của khu Kinh tế mới Đồng Đò xưa, Minh Tân nay đã nằm gọn trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ. Chỉ với một vài nét vẽ của bản đồ quy hoạch, hơn 300 nóc nhà đột nhiên bị “xóa sổ”, người dân thấy mình như những “đứa con hoang”, bị bỏ rơi bên rìa thành phố. 

“Tôi làm trưởng thôn Minh Tân từ năm 2003, trước đó là công an viên xã Minh Trí, nhưng đến tận năm 2018, tôi mới được biết có tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ “phủ kín” toàn bộ khu dân cư đi làm kinh tế mới, đã tồn tại từ năm 1985”, ông Nguyễn Đình Cường, trưởng thôn Minh Tân nói. 

Bà Dương Thị Lỡ, cũng sống tại Minh Tân từ năm 1985, thời điểm thành lập khu kinh tế mới, run run chìa ra nhiều bức ảnh về cuộc sống kham khổ thời ấy. “Người có trước, rừng có sau. Thuở đó khu này toàn sim, lau, lách, làm gì có rừng. Dân chúng tôi đổ mồ hôi nước mắt bao năm, nay bỗng dưng không có một cái gì sở hữu cả”.

 
Người dân Thôn Minh Tân bức xúc vì bỗng nhiên nhà cửa, đất đai họ khai hoang, gây dựng suốt 30 năm qua bỗng nhiêm nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Sự “lạ lùng” trong việc vẽ bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ đã khiến hơn 300 hộ dân thôn Minh Tân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Nhiều gia đình 4 thế hệ vẫn buộc phải ở chung một nhà, vì không thể xây dựng thêm nhà mới trên vùng đất rừng phòng hộ. 

“Con cháu lập gia đình, không thể ra riêng vì cứ xây là cán bộ xã, huyện, xuống lập biên bản, nói rằng chúng tôi xây dựng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ”, ông Nguyễn Đình Trang, người dân thôn Minh Tân cho biết. 

Tương tự ông Nguyễn Mạnh Hùng (người dân thôn Minh Tân) bức xúc về việc không thể vay vốn phát triển sản xuất, do không có giấy tờ sở hữu hợp pháp về đất ở, đất làm nông nghiệp. “Hồi đó chính quyền huyện Sóc Sơn bảo chúng tôi cứ đi làm kinh tế mới, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Họ nói chúng tôi sẽ được quan tâm, đầu tư, nhưng bây giờ bỏ rơi chúng tôi như con hoang vậy”, ông Hùng bức xúc. 

Quy hoạch có sai sót? 

Trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí khẳng định: “Đúng là ở đây (thôn Minh Tân – PV) dân có trước, rừng có sau. Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ nằm trùm lên khu dân cư”. 

Theo Chủ tịch xã Minh Trí, sai sót có lẽ bắt đầu từ giai đoạn 1990-1993, khi có cán bộ về đo vẽ bản đồ rừng phòng hộ, song chính quyền xã “vì nhiều lý do chưa chủ động” trong công tác dẫn đạc (dẫn người đi đo vẽ bản đồ). Ông Nhuận cũng thông tin về việc năm 1998, có quy hoạch về rừng phòng hộ Sóc Sơn, song “người dân không được thông báo”. 
Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bỗng nhiên 
xuất hiện, trùm lên cả khu dân cư đã tồn tại từ nhiều năm.

Vì sao một tấm bản đồ quy hoạch xuất hiện có hàng chục năm mà tất cả người dân trong khu vực quy hoạch đều không được biết, đây thực sự là điều khó hiểu. 

Trao đổi với phóng viên, đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn thừa nhận có sự bất thường trong việc vẽ bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ: “Bản đồ vẽ năm 2008, khu dân cư làm kinh tế mới có từ năm 1985, song điều lạ lùng là trên bản đồ, toàn bộ khu dân cư biến thành rừng phòng hộ”. 

Trong văn bản gửi tới phóng viên, huyện Sóc Sơn lại quy trách nhiệm cho xã “không dẫn đạc đo bản đồ địa chính”. Tuy nhiên, khi được hỏi trách nhiệm của huyện tới đâu, khi để cho tấm bản đồ tồn tại suốt 10 năm, dù biết nó trùm lên khu dân cư của những người đi làm kinh tế mới từ năm 1985, đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn không trả lời. 

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Cường, trưởng thôn Minh Tân, có thể do khu vực này được thiên nhiên ưu đãi, cộng với nỗ lực vun trồng của người dân Minh Tân hơn 30 năm qua, tạo ra những cánh rừng xanh mướt trải dài khiến khung cảnh nơi đây đẹp như “Đà Lạt của Sóc Sơn”, nên tấm bản đồ kia mới xuất hiện. (?) 

Ông Cường bảo, vài năm trước ông nghe nói về một doanh nghiệp muốn vào khu vực này xây khu du lịch sinh thái, song đợi quá lâu nên đã “bỏ chạy”. 

“Đến giờ phút này, bản thân tôi và hàng trăm hộ dân ở đây chỉ mong mỏi chính quyền địa phương không lãng quên chúng tôi, không biến người dân Minh Tân thành “con hoang” trên chính mảnh đất mà chúng tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt để khai hoang, xây dựng suốt hơn 30 năm qua”, Trưởng thôn Minh Tân nói.
   (Theo Dân Việt) Hoàng Lan 

Sai thì phải sửa, sao lại bảo là khó. Vậy dân có khốn khó không. Cần có biện pháp xử lí trách nhiệm cả những người làm sai trước kia nếu nay họ còn sống.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét