Không chỉ cao tốc 34.000 tỷ Đà
Nẵng-Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng
Cập nhật lúc 15:36
Mỗi km đường
cao tốc ở Việt Nam trung bình khoảng 10 triệu USD, vào loại cao trên thế
giới, nhưng luôn “có vấn đề”, nhiều tuyến vừa thông xe đã hỏng.
Sự việc cao tốc hơn 34.000 tỷ (tương đương 1,65 tỷ USD) Đà
Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe toàn tuyến chưa lâu đã có nhiều hỏng hóc khiến
dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Tuy
nhiên, đây không phải là tuyến cao tốc nghìn tỉ đầu tiên mới xong đã hỏng. Nhìn lại quá trình gần 10 năm phát triển cao
tốc tại Việt Nam, nhiều người sẽ không khỏi giật mình bởi chuyện đường cao
tốc đầu tư hàng chục nghìn tỷ vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng, phải sửa
chữa, "vá chằng vá đụp" như những tấm áo rách, nhưng phải bỏ số
tiền khổng lồ ra để mua vải trước đó.
Điểm mặt những
cao tốc nghìn tỷ vừa thông xe đã hỏng
Cao tốc Long
Thành - Dầu Giây đầu tư 20.000 tỷ lún, nứt ngay sau khi vừa thông xe: Được đưa vào khai thác sử dụng
từ đầu tháng 1/2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu
Giây đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5cm trên đoạn nối từ đi qua huyện
Long Thành (Đồng Nai), thuộc gói thầu số 3.
Kết quả kiểm tra hiện trường của Hội
đồng nghiệm thu Nhà nước chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A
còn một số tồn tại, như vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so
với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm
tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng
phẳng; đất đắp mang cống chưa đắp đúng thiết kế về chủng loại vật liệu là vật
liệu thoát nước; ta luy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã
xuất hiện hiện tượng xói lở.
Cao tốc Cầu Giẽ
– Ninh Bình lún, nứt sau 5 tháng thông xe: Sau 5 tháng
thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý
Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng.
Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu
xuất hiện gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Lý giải về việc này, đại diện Tổng công
ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, các vị trí hư
hỏng nằm trong khu vực nền đất yếu, theo thiết kế cần gia tải chờ lún 4 đến 7
tháng nhưng để chạy đua tiến độ, các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ
tải sớm và trong thời gian đầu khai thác, đơn vị thi công vẫn theo dõi và bù
lún, đồng thời lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ.
Đại diện chủ đầu tư thừa nhận, do đoạn
đường chưa đủ thời gian chờ lún nên nền đường bị lún không đều, gây trồi sụt,
ổ gà.
Mặt khác, tại vị trí tiếp giáp giữa mặt
đường bê tông nhựa với mặt đường láng nhựa dễ chịu tác động của lực phanh hãm
xe khi giảm tốc độ nên gây bong tróc mặt đường.
Cao tốc Nội Bài
- Lào Cai sụt lún, nứt mặt đường chỉ sau 3 ngày thông xe:Tháng 9/2014,
chỉ sau 3 ngày thông xe, trên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam là Nội
Bài – Lào Cai đã xuất hiện tình trạng sụt lún và cả những vết nứt kéo dài tại
Km 83 (đoạn qua tỉnh Phú Thọ), chiều từ Yên Bái về Phú Thọ.
Đại diện VEC cho biết, địa điểm này
chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và
đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 – Km83+500. Ngoài nguyên
nhân nền đất yếu, VEC cho rằng sau hai cơn bão liên tiếp với lượng mưa lớn,
đất nền và xung quanh bão hòa tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên
nhân sinh ra vết nứt.
Cao tốc Đà Nẵng
- Quảng Ngãi phải dừng thu phí sau hơn 1 tháng thông xe:Dự án đường cao
tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công ngày 19/5/2013 với tổng vốn đầu tư
giai đoạn 1 là 1,64 tỉ USD, tương đương gần 34.520 tỉ đồng từ vốn vay của Cơ
quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng
trong nước.
Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo
tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe và 1 làn dừng xe
khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/giờ với đầy đủ hệ thống biển báo. Sau nhiều
lần trễ hẹn, gia hạn tiến độ thì vào sáng 2/9/2018, Bộ GTVT và VEC tổ chức
thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến.
Ngày 8/10, nhiều lái xe phát hiện
"ổ trâu, ổ gà" trên cao tốc, đoạn từ Km 0+00 đến Km 65+00. Sau khi
đi kiểm tra, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Thành
cho biết: tuyến cao tốc 34.000 tỷ này bị hỏng do xe quá tải và do mưa.
Ngày 11/10 Phó thủ tướng Trương Hòa
Bình đề nghị Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường, trách nhiệm đơn vị
thi công. Đến chiều 11/10 Bộ trưởng Bộ GTVT ký văn bản yêu cầu dừng thu phí,
khắc phục các điểm hư hỏng. Ngày 12/10 Tổng giám đốc VEC và Ban quản lý dự án
bị xử lý trách nhiệm.
Dự án liên tục
đội vốn, chậm tiến độ
Nhắc tới các “dự án công đội vốn, chậm
tiến độ”, không thể không kể đến một số dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh -
Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu là 9.890,62 tỷ
đồng, nhưng giá trị điều chỉnh lần 1, theo Quyết định 2445/QĐ-BGTVT ngày
08/8/2008 giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh là 15.891 tỷ, tăng 6.001 tỷ; giá
trị điều chỉnh lần 2 là 20.630 tỷ đồng (tăng 4.738 tỷ đồng).
Theo kết quả kiểm toán dự án xây dựng
đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1), dự án có nhiều vi phạm, sai
sót về khảo sát, thiết kế, thi công, phải điều chỉnh dự toán hai lần, đội
kinh phí đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Trong lần đầu điều chỉnh (tháng 8/2007),
tổng mức đầu tư tăng thêm 3.959 tỷ đồng, điều chỉnh lần hai (năm 2010), tổng
mức tăng thêm 1.282 tỷ đồng. Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước, qua hai
lần điều chỉnh, dự án bị "đội vốn" lên hơn 5.200 tỷ đồng, từ 3.734
tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
dài 245 km, cũng bị chậm tiến độ và điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án lần cuối tại quyết định số 3008/QĐ-BGTVT
ngày 07/8/2014 của Bộ GTVT giai đoạn 1 là: 1,464 tỷ USD bao gồm vay ưu đãi và
vay thông thường của ADB.
Tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành,
dự án này đang bị chậm tiến độ. Hiện sản lượng các gói thầu xây lắp mới đạt
khoảng 77%, chậm 9% so với kế hoạch ban đầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư,
với tiến độ này, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành rất khó đáp ứng
tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018.
Tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi bị
chậm tiến độ dài hạn. Mục tiêu ban đầu là thông xe vào cuối năm 2017, nhưng
chủ đầu tư đã 2 lần xin gia hạn tiến độ hoàn thành dự án. Trong đó, lần đầu
vào ngày 30/6 và lần 2 vào 31/7, phải đến 2/9/2018 dự án mới chính thức thông
xe toàn tuyến và khi đưa vào khai thác hơn một tháng đã bong tróc nghiêm trọng./.
(Theo VOV.VN) Nguyễn Hoàng
|
Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét