Thẩm phán PHÙNG LÊ TRÂN & Vụ án
TẠ ĐÌNH ĐỀ:
THẨM PHÁN PHÙNG LÊ TRÂN
- NGƯỜI ĐÃ TUYÊN TẠ ĐÌNH ĐỀ VÔ TỘI
Cập
nhật lúc 14:47
Hơn 40 năm trước, phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề - một bị cáo khác thường,
gây nên sự chú ý đặc biệt ở Hà Nội. Thẩm phán đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm
tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa. Thẩm phán
đó là bà Phùng Lê Trân, năm nay tròn 10 năm ngày bà về với tổ tiên.
Phiên tòa lịch sử
Ngày 6/6/1976, Tòa án Hà Nội, khi đó ở tầng một của trụ sở Tòa án
nhân dân tối cao, 48 phố Lý Thường Kiệt, mở phiên tòa đặc biệt, thu hút sự
quan tâm theo dõi của đông đảo người dân thủ đô vì bị cáo là ông Tạ Đình Đề –
một người hào sảng, nghĩa hiệp, cuộc đời gắn với quá nhiều giai thoại. Phiên
tòa kéo dài đến 6 ngày, hôm nào quảng trường Tòa án cũng đông nghịt.
Bà Phùng Lê Trân (1921-2007)
Ông Tạ Đình Đề là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng
Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Năm 1970, theo chủ trương của lãnh
đạo Tổng cục, Xưởng phải chuyển từ 65 Quán Sứ xuống Giảng Võ. Khu đất
15 ha nguyên là bãi tha ma, Xí nghiệp phải di dời gần 400 ngôi mộ và đắp
đường. Tháng 12/1972 cơ sở ở Quán Sứ lại bị cháy nên kế hoạch xây dựng càng
gấp rút hơn, để có thể tiếp tục sản xuất vào năm 1973. Mở rộng sản xuất xưởng
cao su cần đến nhiều nguyên vật liệu và máy móc, lúc đó lại khan hiếm, Tạ
Đình Đề nảy ra sáng kiến, tận dụng những máy móc phế liệu do chiến tranh phá
hoại còn lại vứt dọc đường Quốc lộ 5. Ông liền đến xin ông Đinh Đức Thiện –
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và được ủng hộ ngay.
Nhờ tâm huyết của Tạ Đình Đề và lãnh đạo xí nghiệp nên trên mảnh
đất tha ma ấy, nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc
lên… Không ngờ công ấy trở thành vấn đề họ hạch tội ông sau này.
Để khuyến khích người lao động, ông Đề và lãnh đạo xí nghiệp áp
dụng hình thức khoán và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng
13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn
giữa ca không mất tiền. Nhờ vậy mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa
dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất khẩu cho thị trường 9 nước
XHCN. Bây giờ nghĩ đó là những việc làm bình thường nhưng lúc ấy là sự
kiện chấn động tư duy kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp triệt để của thời chiến.
Trong đội ngũ công nhân của xí nghiệp có những người có tiền án
tiền sự, người không có nghề nghiệp, người thất cơ lỡ vận… Có hai nghệ sĩ lúc
đó còn chưa mấy người biết đến là thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc
Hoa. Nhờ sự cưu mang của ông mà sau đó ngành đường sắt có bài “ngành ca” nổi
tiếng “Tàu anh qua núi” và cũng từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa.
Lưu Quang Vũ sau nay trở thành kịch tác gia nổi tiếng, đã lấy từ nguyên mẫu
Tạ Đình Đề và Xí nghiệp cao su này để làm chất liệu dựng vở kịch “Tôi và
chúng ta”…
Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27/11/1974,
Tạ Đình Đề và phó xưởng Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố
cáo ông Đề ba tội: Chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phần tử xấu và rút
tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…
Sau 18 tháng giam cứu, Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra
xét xử, bà Thẩm phán Phùng Lê Trân, chủ tọa phiên tòa đã làm rõ từng
nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng
xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy
việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác,
cách gì cũng làm bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là
tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến
thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp
trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi
khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau
muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.
Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng Thẩm phán Phùng Lê Trân
phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về
nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo
thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào
được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy
người… nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.
Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong Công văn số 72
ngày 4/12/1974 khẳng định: “Có những việc liên quan đến Tổng cục Đường sắt và
Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”… Được sự ủng hộ của
một vị Hội thẩm, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã quyết định, Tạ Đình Đề và 7 bị
cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt
hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị
cáo khác được trả tự do.
Lời tuyên án vang lên gây bất ngờ không chỉ cho các bị cáo, mà cả
những ai quan tâm đến vụ án này. Trong tiếng hoan hô vang dội của những người
tham dự và theo dõi phiên tòa qua loa phóng thanh, người ta ào vào công kênh
ông Tạ Đình Đề rồi tặng hoa như chào đón anh hùng.
Áp lực lên gia đình bé nhỏ
Phiên tòa chấn động dư luận vì nhiều khía cạnh, nhưng không mấy
ai biết Thẩm phán Phùng Lê Trân là ai, để có được lời tuyên án đề cao pháp
luật và công lý giữa “thanh thiên bạch nhật” như thế, bà Phùng Lê Trân đã
phải trải qua những thử thách khắc nghiệt như thế nào. Vụ án đã mang đến cho
gia đình bé nhỏ của bà những áp lực ghê gớm.
Bà Phùng Lê Trân có một gia đình bé nhỏ theo cả nghĩa thực lẫn
nghĩa bóng. Nhà chỉ có ba người, hai ông bà và anh con trai Nguyễn Chí Tâm.
Gia đình họ sống trong căn phòng 16m2 ở tầng ba, tầng cao nhất trong một
ngôi nhà cũ ở con phố nhỏ, phố Cao Bá Quát, Hà Nội.
Anh Nguyễn Chí Tâm nhớ lại những ngày đó, khi mẹ anh xử vụ Tạ
Đình Đề, dù anh không biết cụ thể vụ án hay công việc mẹ anh đang làm nhưng
ấn tượng không thể nào quên là không khí nhà anh rất căng thẳng. Ngay từ lúc
chuẩn bị xét xử, đã rất nhiều người ra vào nhà anh, họ đến bất kể buổi nào,
mẹ anh thường bảo anh đi chơi cho mẹ làm việc với khách. Anh không biết mẹ
bàn chuyện gì nhưng sau mỗi lần như vậy anh thấy mẹ rất trầm ngâm. Có khi đêm
đã khuya còn có người gõ cửa. Mẹ anh ra ngoài hành lang bàn bạc gì đó rất
lâu. Anh nghe loáng thoáng, họ đang thuyết phục mẹ anh điều gì đó mà bà không
chịu.
Vị Công an hộ tịch đến bảo: “Chị
làm thế nào thì làm, còn con chị nữa. Nó quan hệ quá rộng đấy”. Bà bảo: “Nếu con tôi có tội thì các anh
cứ xử lý”. Hồi đó anh Tâm mới 16 tuổi, ham chơi, hay tụ tập bạn bè đàn
hát. Mẹ anh dặn: “Con đi
đâu, quan hệ với ai cũng phải cẩn thận, họ đã nói như vậy đấy, nếu có chuyện
gì thì không cứu được đâu”.
Hôm khai mạc phiên tòa, bố anh không đi làm. Ông không ra
khỏi nhà, chỉ đi lại, hết đứng lại ngồi, bồn chồn trong căn phòng hẹp. Lòng
ông như lửa đốt, nhất là lúc trước khi đi, bà bảo: “Hôm nay có thể em không
về”.
Sau này, bà Phùng Lê Trân trả lời một nhà báo: “Ông Đề không có tội, tôi không
thể vẽ tội cho ông ấy. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải
xử nặng, phải xử tù giam 10 – 15 năm chi đó, nhưng tôi không nghe. Sau thấy diễn
biến phiên tòa khó luận tội, dư luận nghiêng về phía các bị cáo thì lại có
người gợi ý, ít nhất cũng phải tuyên án treo 18 tháng. Nhiều lúc tôi muốn
điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm gợi ý thế”
Lúc đầu, mỗi khi có gợi ý như thế bà đều tranh luận rất mệt mỏi,
nhưng sau đó bà rút kinh nghiệm, chỉ nghe và hứa sẽ xem xét kỹ. Và bà đã
tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nhưng làm cho nhiều người
rất bực bội. Nhiều cuộc họp, nhiều buổi chất vấn sau phiên tòa, nhưng cuối
cùng bản án hình như có kháng nghị nhưng không có phiên tòa giám đốc thẩm.
Vụ án Tạ Đình Đề đã khiến bà kiệt sức, Thẩm phán Phùng Lê Trân
phải đi nằm viện hơn một tháng trời. Sau đợt nghỉ chữa bệnh, năm 1978 bà về
nghỉ hưu, năm đó bà 57 tuổi.
Một người kiên định
Khi viết bài này tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Chí Tâm, trò
chuyện với con cháu cụ Phùng Lê Trân. Chị Thanh Huyền, vợ anh Tâm kể về mẹ
chồng: “Tôi rất thương cụ,
nhất là những khi về già. Cụ là người tốt quá mà khi về già lại nhiều bệnh
tật, ốm đau luôn. Anh Tâm cũng thương mẹ hết lòng, “mẹ là nhất”. Mẹ tôi rất
nghiêm khắc, nhiều lúc thật khó tính nhưng tôi vẫn hết lòng chiều mẹ. Vợ
chồng tôi có được cuộc sống như hôm nay là nhờ phúc đức mẹ tôi để lại” – chị Huyền nói mà nước mắt chan hòa.
Chị cứ thương mẹ chồng, vừa chuyển về nhà mới rộng rãi, khang
trang hơn căn phòng 16m vuông ở Cao Bá Quát được vài tháng thì cụ đã ra đi.
Căn phòng của cụ trên tầng hai bây giờ là phòng thờ. Bàn thờ Thẩm phán Phùng
Lê Trân đặt trên chiếc tủ gỗ nhỏ, vốn cụ thân sinh của bà đóng cho con gái từ
gỗ cây nhãn vườn nhà. Đây là tài sản giá trị nhất mà chị Huyền thấy khi về
nhà chồng.
Anh Tâm nói: Mẹ tôi là một người nhân hậu nhưng tính rất kiên
định, đã định làm gì là làm bằng được.
Chị Nguyên Bình, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân, gọi bà
Trân bằng bác dâu thì nói: Bác Trân là một người đẹp, dáng người cao, học vấn
cũng cao nữa nên rất kén chồng. Mãi sau này gặp bác Trí, bác ấy mới kết hôn.
Bác Trân là người không chỉ giỏi giang trong công tác mà còn rất khéo tay,
nấu ăn giỏi, nhà cửa hết sức sạch sẽ, ngăn nắp. Trong công việc, bà không
chấp nhận sự áp đặt.
Quả thật, nhìn lại cuộc đời bà, người ta thấy rõ tính kiên định
ấy. Bà là người làng Bát Tràng, Gia Lâm. Con gái của ông giáo Phùng Văn Trinh
(hiện nay Hải Dương có trường mang tên ông. Một người em trai của bà sau này
là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu). Năm 13 tuổi, bà được cha mẹ gả cho
con trai một gia đình khá giả ở Hải Phòng. Bà đã hai lần đình quyên sinh vì
không muốn lấy người chồng ấy nhưng cuối cùng bà nghĩ đến đạo làm con, cha mẹ
đặt đâu con phải ngồi đấy theo lề lối gia phong. Tuy thế, bà chấp nhận làm
người con dâu hiếu thuận, chu toàn nhưng không chịu làm vợ. Bà không chê chú
rể điểm gì, anh ấy cũng đẹp trai, có học, nhưng bà không chịu được sự áp đặt,
vậy thôi. Đêm động phòng, cô dâu khóa trái cửa buồng. Sau nhiều đêm không
chinh phục được vợ, anh chồng đành chấp nhận giao ước, ăn cùng mâm, ở cùng
nhà nhưng không ngủ cùng giường với cô vợ xinh đẹp nhưng sắt đá.
Trong một Hồi ký ngắn viết trong lúc nằm bệnh viện đề ngày
30/10/1977, bà Phùng Lê Trân nhớ lại, đúng lúc đang bế tắc như thế thì “có phong trào Cách mạng. Ta đến
với cách mạng như mũi tên lao trúng hồng tâm”. Năm 1948, bà bị địch bắt
tại Hồng Gai. Trong nhà giam, vì dám giúp đỡ, chăm sóc một bạn tù bị tra tấn
nên bà bị địch bẻ hết hàm răng. Thẩm phán Phùng Lê Trân phải mang răng giả từ
khi đó. Bà cũng bị Pháp đưa ra xét xử, bà viết: “Từng hiên ngang đứng trước vành
móng ngựa, cãi lý với quan tòa thực dân mệnh danh “mẫu quốc”. Tòa đệ nhị cấp
rồi lên Tòa thượng thẩm, ta có sợ chi đâu”.
Năm 1951, bà Phùng Lê Trân vào ngành Tòa án, với cương vị Hội
thẩm ở Tòa án Quảng Yên. Sau khi được học nghiệp vụ, bà được bổ nhiệm và phân
công làm Thẩm phán Tòa án khu Ba Đình, rồi lên Thẩm phán Tòa án Hà Nội. Năm
1956, sau khi đã được giải phóng khỏi tờ hôn thú cũ, bà gặp người bạn đời là
ông Nguyễn Văn Trí, một Việt kiều, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp trở về. Ông
Trí là trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy da Thụy Khuê cho đến lúc nghỉ hưu.
Khi anh Tâm đi lao động xuất khẩu về chưa có việc làm, bà bảo:
Con vào chỗ ba mà làm, mẹ không thể luồn lọt, xin xỏ việc làm cho con đâu.
Bà về hưu, phải đan len thêm để cải thiện cuộc sống, nhưng khi có
người kiện tụng qua nhờ bà giúp, tất nhiên kèm theo đó là sự hậu tạ, bà từ
chối thẳng thừng: “Tôi không phải thầy cò”.
Ông Tạ Đình Đề và lòng biết ơn
Anh Tâm kể: Sau phiên tòa ít lâu, anh thấy ông Đề và ông Luật đến
chơi. Họ xách theo một túi quà, mẹ anh bảo, nếu các anh mang quà đến thì tôi
xin lỗi, tôi phải mời các anh ra khỏi nhà tôi. Cuối cùng, họ phải để túi quà
ở ngoài cửa để vào nhà. Từ đó, ông Đề thực hiện một cam kết là mỗi năm xin
đến chúc Tết bà một lần và chỉ đi tay không. Vì thế, suốt nhiều năm, cứ đến
ngày áp Tết, anh lại thấy vợ chồng ông Tạ Đình Đề đến chơi chúc Tết.
Chị Huyền kể: Mãi đến năm 1997, ông Đề đến thăm, mang theo một
cái đồng hồ điện tử treo tường hiệu “Tuổi trẻ” và nói: “Tôi không biếu được chị chút quà
nào để cảm ơn nên tôi thấy rất áy náy. Cái đồng hồ này cũng không đáng bao
nhiêu, xin chị vui lòng nhận cho tôi. Chúng ta đều đã quá già rồi…”. Không hiểu linh cảm thế nào mà bà
nhận chiếc đồng hồ, đó là món quà đầu tiên và cuối cùng của ông Tạ Đình Đề
tặng ân nhân của mình vì cuối năm đó ông Đề qua đời.
Sau đó, đến gần Tết, anh con trai ông Tạ Đình Đề, nghe đâu là một
người thành đạt ở trong Nam ra, đã mang quà bánh đến chúc Tết bà và nói: Ba
cháu dặn là sau khi ba cháu mất, cháu phải thay ba đến chúc Tết bác mỗi năm.
Vì thế, cháu xin phép bác cho cháu được qua lại. Bà nói: Bác xử bố cháu là
theo nhiệm vụ được phân công, bố cháu không có tội thì phải được tuyên là
không phạm tội, vì thế không phải mang ơn huệ gì cả. Ba cháu dặn thế nhưng
cháu không phải câu nệ đến thăm bác nữa. Bây giờ cháu mang túi quà này về.
Bác không muốn như vậy… Từ đó gia đình ông Tạ Đình Đề mới thôi đi lại. Ngày
Thẩm phán Phùng Lê Trân tạ thế, anh Tâm cũng không báo tin cho họ.
Trong hồi ký ghi tại bệnh viện đã dẫn, có lẽ trong tâm trạng ốm
đau, Thẩm phán Phùng Lê Trân có viết: “Các
em ạ, con ạ – Hôm nay, người ta thiên về thế mạnh, người ta đánh giá chị,
đánh giá mẹ không ra gì đâu, nhưng chị, mẹ tin rằng: Một trăm năm sau, tên tuổi
của chị, mẹ sẽ được ghi vào sử sách rằng, một trăm năm trước đây đã có nữ
Thẩm phán của Tòa án nhân dân thủ đô dám hy sinh phần mình đấu tranh công
khai, trực diện với các ngành hữu quan… để bảo vệ chân lý, bảo vệ chế độ, mà
đỉnh cao nhất là vụ án Tạ Đình Đề, tiến hành xét xử vào những ngày 6,7,8,9,10
và 11 tháng 6 năm 1976”.
Đọc đoạn hồi ký này xong, tôi xin phép thắp một nén hương lên bàn
thờ Thẩm phán Phùng Lê Trân, và nói cũng như nói với vợ chồng anh Tâm rằng:
“Thưa bác, không phải đợi đến 100 năm sau. Bác là tấm gương sáng cho các thế
hệ hôm nay và sau này noi theo về phẩm chất không khuất phục trước uy
vũ, không bị cám dỗ bởi lợi ích, luôn thượng tôn pháp luật và lẽ công bằng.
Công cuộc cải cách tư pháp đang được thực hiện cũng hướng về những mục tiêu
như thế”.
Năm 2007, ông Tạ Đình Đề, người mà Thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên
vô tội năm xưa – cũng đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Hẳn ở nơi xa xôi, bà cũng có thể mỉm cười.
Theo Tạp chí Tòa án
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét