Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 2: May mà có 'Bao
Công' Trịnh Quốc Anh
Cập nhật lúc 10:29
Ai là người đã dùng nhục hình với họ, ai
ép họ nhận tội, ai đã đẩy 3 gia đình vào vòng lao lý… vẫn là một câu hỏi lớn
mà tới tận hôm nay chưa được làm rõ...
Bà Thương cạnh di ảnh chồng là ông Nguyễn Thành Nghị
và các con cùng bị bắt oan. ẢNH: LAM NGỌC
“Vụ án cướp vàng” kéo dài 3 năm 9 tháng 14 ngày, tưởng bị lãng
quên và những người bị án oan cứ thế mà sống kiếp tội tù. Nhưng mọi việc chợt
thay đổi khi ông Trịnh Quốc Anh được luân chuyển từ tòa án về làm Phó viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Sau khi tiếp nhận công việc mới, ông Trịnh Quốc Anh đã cùng các
đồng sự lật lại hồ sơ nhiều vụ án. Kết quả, hàng chục vụ được kết luận oan sai, trong đó có vụ án cướp vàng
tại nhà máy xay xát của ông Nguyễn Văn Đơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận,
H.Trảng Bàng).
7 người đang mang thân phận bị can. ẢNH: LAM NGỌC
Đấu
tranh quyết liệt để thả người
Đã
hơn 3 năm từ ngày đại gia đình 8 người của ông Nguyễn Bá Tòng bị bắt, hầu hết
các bị can đã cam chịu phận tù tội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (con gái ông Tòng)
nhớ lại, một ngày nọ có người đàn ông cao lớn xuất hiện ở phòng giam. “Đó là
ông Trịnh Quốc Anh. Hôm đến nhà lao ông mặc chiếc áo măng tô đen, dáng người
cao lớn, không quát nạt mà nhìn tôi bằng ánh mắt nhân từ. Ông kéo ghế ngồi
đối diện với tôi và bảo kể hết sự thật. Ông nhắc nhở tôi một điều trước khi
trình bày là có nói có, không nói không, chứ đừng thêm bớt một lời nào”, bà
Lan kể.
“Tôi
đánh liều kể chuyện oan khuất của cả gia đình. Tôi nói với ông rằng vợ chồng,
anh em ruột thịt của tôi đã quá mệt mỏi, tuyệt vọng. Em trai tôi là thằng
Chiến bị người ta đánh liệt hai chân mất sáu tháng không đi lại được; tai
điếc đặc vì bị đánh, bị vỗ khi hỏi cung”, bà Lan nói và run run kể tiếp: “Ông
ấy tiếp tục hỏi tôi vì sao không có tội mà lại nhận. Tôi kể thật với ông vì
chúng tôi không thể chịu nổi đòn roi. Không thể chịu được cảnh người ta đánh
anh, đánh em trước mặt nên đành phải nhận tội để giữ tính mạng và chờ đợi
phép màu có ngày được giải oan”.
Nghe
bà Lan kể xong, ông Trịnh Quốc Anh không nói gì nhưng gương mặt trở nên trầm
mặc, suy tư, kèm một cái gật đầu. Khi bước ra, ông ngoái đầu nói với bà Lan
một câu mà bà bảo “giờ nhớ lại tim vẫn đập thình thịch”, rằng: “Chị chuẩn bị
đi”.
Bà Ngọc Lan cùng hai em
trai là ông Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Dũng (bên phải ảnh) bị bắt oan do
nghi cướp vàng
Sau
này, mọi người mới biết, khi đó để làm rõ một số tình tiết, ông Trịnh Quốc
Anh tìm tới nhà ông Hồ Thủy Trực (ba của ông Hồ Long Chánh, bị bắt trong vụ
án) hỏi về tang vật 5 chỉ vàng của vụ án. Ba của ông Chánh đã mất cách đây
một năm nên không thể trực tiếp kể cho chúng tôi về cuộc gặp muộn màng ấy,
nhưng nhiều năm sau khi gặp ông Trịnh Quốc Anh, ông Trực vẫn luôn nhắc nhở
con mình phải coi ông Trịnh Quốc Anh như một ân nhân.
Ông
Chánh thuật lại: “Sau khi tôi bị bắt ở xã Đôn Thuận, ba tôi nhận được thông
báo của Công an H.Trảng Bàng là muốn chuộc tôi về thì mang 5 chỉ vàng xuống
nộp. Dù nhà mới bị cháy, chẳng còn gì nhưng ba tôi vẫn đi vay mượn, gom góp
đủ 5 chỉ vàng giao cho công an mong tôi được thả. Lúc nộp vàng ba cứ nghĩ tôi
sẽ được thả luôn, nhưng không ngờ chỉ là tạm tha. Sáu tháng sau tôi bị bắt
lại và 5 chỉ vàng của ba tôi nộp trở thành tang vật để kết tội tôi”.
Từ
những ký ức của ông Chánh và bà Lan, chúng tôi tìm tới nhà ông Trịnh Quốc Anh
ở TP.Tây Ninh, mong tìm hiểu toàn bộ câu chuyện. Tiếc là ông đã mất cách đây
gần 20 năm. Dù vậy, vụ “đại án oan” phần nào được tái hiện qua lời kể của
người con trai Trịnh Minh Quốc.
Ông
Quốc bảo thường được nghe ba tâm sự về việc giải quyết những vụ án hóc búa
khi làm Phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh, trong đó vụ cướp vàng ở
nhà máy xay xát ông không thể quên. Theo ông Quốc, để đưa vụ án cướp vàng ra
thẩm định và kết luận là cả một hành trình đầy căng thẳng. Nhiều hôm ông chứng
kiến ba thức cả đêm nghiên cứu tài liệu, hồ sơ để xâu chuỗi chứng cứ, manh
mối vụ án. “Ba nói với tôi vụ án này kéo dài quá thời gian cho phép mà không
củng cố được chứng cứ và cụ thể được hành vi nên cần nhanh chóng kết luận, giải oan cho
các bị can. Không để kéo dài thời gian giam giữ họ. Có lần tôi nghe ba nói
phải đấu tranh với khối nội chính của tỉnh rất căng để thả những người này”.
Khẳng định bị dùng nhục hình
Và,
ông Trịnh Quốc Anh đã ký quyết định đình chỉ vụ án. Quyết định đình chỉ dù
muộn màng nhưng hết sức có ý nghĩa, giúp 8 người tù trở về với cuộc đời sau
hơn 3 năm bị hàm oan, tù tội.
Quyết định đình chỉ điều tra nêu rõ vụ án bị nhục hình dẫn đến oan
sai
Theo
Quyết định số 15/KSĐT-TA ngày 11.5.1983 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây
Ninh, do ông Trịnh Quốc Anh ký, đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Văn
Dũng, nội dung vụ án được nêu rõ:
“Vào
khoảng 23 giờ đêm ngày 26.7.1979 xảy ra vụ cướp có vũ trang, cướp tại nhà
Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Do Ấp
đội và công an nghe Nguyễn Văn Đơ báo cáo, trong đám cướp ngoài súng M16 -
Carbine và súng ngắn, ngoài ra còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán
bánh mì. Công an Ấp và Ấp đội nghi vấn là tên Hồ Long Chánh, có con dao loại
này, nên chỉ sau 30
phút xảy ra vụ cướp đã bắt ngay Hồ Long Chánh để điều tra qua ấp, xã hăm dọa và
công an đánh Chánh, nên Chánh đã nhận và khai thêm cho Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn
Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thành Nghị, xã bắt tiếp những người này.
Sau đó đưa về công an huyện điều tra đã nhục hình họ, buộc họ phải nhận tội
cướp lấy tài sản của anh Đơ đem về cho vợ con họ cất giấu, và cơ quan điều tra
lại bắt tiếp vợ con họ là Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan,
cũng nhục hình buộc họ nhận có cất giấu tài sản cướp được, nhiều lần công an
dẫn đến lấy nhưng không có, mà chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực cha của
Chánh đem nộp để được lãnh Chánh về. Ngoài con dao của Chánh và 5 chỉ vàng của
ông Trực thì không thu được gì là tang vật trong vụ án.
Như vậy việc họ đều đã nhận tội
cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình
buộc họ nhận, chớ họ không phạm tội này”.
Quyết
định này đối với những người bị bắt là bằng chứng giúp họ minh oan, thoát
khỏi cảnh tù tội, nhưng với cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh lúc ấy là cả một
vấn đề nghiêm trọng. Để rồi, gần 40 năm qua, nỗi đau án oan tù tội, bi kịch
sau khi ra tù vẫn dai dẳng đeo bám 8 thân phận bất hạnh này.
Ai
là người đã dùng nhục
hình với họ, ai ép
họ nhận tội, ai đã đẩy 3 gia đình vào vòng lao lý… vẫn là một câu hỏi lớn mà
tới tận hôm nay chưa được làm rõ... (còn tiếp)
(Theo Thanh Niên) Lam Ngọc – Trung Hiếu
|
Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét