Bà Phạm Khánh Phong Lan:
Tín nhiệm thấp, "nói thẳng ra là không tín nhiệm"
Cập nhật lúc 16:00
Đó là bình luận của đại biểu
Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM) ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại
Quốc hội, chiều 25/10.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Bà Lan cũng
nhấn mạnh sự băn khoăn khi mà một người vừa được 137 phiếu tín nhiệm thấp
(cao nhất trong số 38 người được lấy phiếu) đồng thời cũng được 140 phiếu tín
nhiệm cao.
Thưa bà, qua ba lần lấy phiếu (nhiệm kỳ
trước 2 lần) số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất đều rơi vào thành viên Chính
phủ. Khóa 13 đã có những thành viên Chính phủ lần 1 tín nhiệm cao rất thấp,
nhưng lần 2 lại cao hơn rất nhiều. Bà có kỳ vọng nhiệm kỳ này các vị tư lệnh
ngành cũng sẽ có sự bứt phá tương tự?
Tôi rất kỳ vọng
vào việc này và đây cũng chính là bản chất của việc lấy phiếu. Lấy phiếu
không phải đơn thuần là chê hay khen. Những người được khen thì không vì thế
mà ngủ quên trên chiến thắng, những người bị chê thì cũng thấy được hiệu quả
công việc của mình chưa thuyết phục.
Quốc hội khóa
13 có tới 2 kỳ đánh giá nên các bộ trưởng có cơ hội được đánh giá lại. Rất
tiếc kỳ này sẽ chỉ có 1 lần, nên các vị lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm sẽ
phải tự phấn đấu và người dân sẽ tự đánh giá, chứ không có sự đánh giá nào
nữa của các vị đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, tôi
cũng rất băn khoăn. Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và đào tạo bị đánh giá với số phiếu tín nhiệm thấp rất cao (137 phiếu). Nhưng
điều này xuất phát từ thực tế ngành giáo dục có rất nhiều khó khăn và thời
gian vừa qua có những việc không thể chấp nhận được. Không phải một mình
ngành giáo dục có khó khăn, mà ở đây phải thể hiện được vai trò của người bộ
trưởng, có những định hướng, xử lý tình huống làm sao để đại biểu và người
dân tin tưởng là tình hình sẽ khá hơn.
Chúng tôi bỏ
phiếu không phải chỉ riêng ý kiến của chúng tôi, mà ý kiến của cử tri. Tôi
rất băn khoăn, 137 phiếu tín nhiệm thấp, nhưng 140 phiếu tín nhiệm cao, sự
đánh giá là quá chênh lệch. Vậy thì anh đứng ở góc nhìn nào để anh đánh giá.
Tôi cũng chia
sẻ góc nhìn của tôi với cách chúng ta gọi tên phiếu. Tại sao là tín nhiệm
cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp? Tín nhiệm thấp là gì? Nói thẳng ra là tôi
không tín nhiệm. Có như thế thì thuốc đắng mới dã tật. Để sau đó tổng kết lại
tất cả các phiếu thì ta có thể nhìn thấy Bộ trưởng đó được Quốc hội tín nhiệm
cao hay tín nhiệm thấp hay tín nhiệm vừa vừa. Còn ta gọi thế này vừa dài dòng
vừa không phản ánh được thực chất của vấn đề.
Tôi nghĩ lần
này Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhận được một tiếng chuông rất lớn để cảnh tỉnh
để làm sao toàn ngành cùng với bộ trưởng cải thiện niềm tin của người dân,
của đại biểu. Mà chắc chắn là phải làm thôi, bởi vì chúng tôi đánh giá những
việc xảy ra của ngành giáo dục thì phản ứng của Bộ như vậy chúng ta không thể
coi là việc nhẹ nhàng, việc có thể bỏ qua được, vì nó phá vỡ mọi tiêu chuẩn
của xã hội này và nó phá vỡ niềm tin của người dân vào ngành giáo dục. Cho
nên, các đại biểu đã đánh giá rất chính xác.
Tuy nhiên, với
con số 140 phiếu tín nhiệm cao tôi có thể nói thẳng ra một câu, nếu như chúng
tôi có quyền đánh giá những thành viên do Quốc hội bầu ra thì người dân cũng
có quyền đánh giá đại biểu mà họ bầu ra khi có đánh giá chênh lệch như vậy.
Mới đây Đảng ban hành nghị quyết về nêu
gương, trong đó có nội dung lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu công việc thì
nên từ chức. Một trong những mục đích của đợt lấy phiếu tín nhiệm cũng
vậy. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định thì không ai phải làm việc này. Bà đánh
giá thế nào?
Tôi cho rằng
chúng ta còn đánh giá các chính khách rất mong manh dễ vỡ, ngay cả tên phiếu
cũng phải tín nhiệm từ thấp tới trung bình tới cao chứ không dám dùng từ
"không tín nhiệm".
Tuy nhiên, thực
tế chúng ta phải thấy người dân đánh giá về công việc của mình thế nào. Lãnh
đạo, chính khách phải là người đủ bản lĩnh để chấp nhận sự thật. Với cách
trên 50% tín nhiệm thấp phải xin từ chức, 2/3 tín nhiệm thấp Quốc hội miễn
nhiệm thì rất khó xảy ra, đặc biệt khi có 137 phiếu tín nhiệm thấp rồi mà vẫn
có tới 140 phiếu tín nhiệm cao.
Cả nhiệm kỳ mới
có 1 kỳ bỏ phiếu, nhưng cái quan trọng hơn là đánh giá của người dân, bởi vì
tôi cho rằng hiện giờ người dân đã có dư khả năng đánh giá công việc của từng
người. Đương nhiên chúng ta cũng phải đánh giá một cách công bằng, rằng bộ
đó, ngành đó còn những khó khăn. Song, tôi nghĩ rằng, chính trong những tình
huống khó khăn thì càng có điều kiện mà làm, thể hiện bản lĩnh và luôn luôn
người dân đánh giá cao những ai chịu làm. Tuy nhiên, chúng ta phải xem lại
đánh giá và phải tập dần văn hóa từ chức, xin nói thẳng là như vậy.
Có những ý kiến cho rằng dù ai ngồi vào ghế
Bộ trưởng giáo dục, y tế thì phiếu tín nhiệm cũng sẽ "đội sổ" thôi,
vì đó là ngành đụng đến tất cả mọi người và người dân có đòi hỏi rất cao. Bà
có chia sẻ quan điểm đó không?
Tôi không chia
sẻ quan điểm này. Tôi chia sẻ đấy là những ghế nóng, rất khó khăn, nhưng xã
hội cũng có cái nhìn về các ngành này rất bao dung. Vấn đề ở đây là thể hiện
bản lĩnh như thế nào. Thứ hai nữa là có đấu tranh cho ngành không. Tôi đồng ý
đây là những ngành rất khó khăn, nhưng không phải vì như thế mà bất cứ ai
ngồi vào ghế này cũng bị đánh giá thấp. Không có đâu. Tôi nghĩ rằng trong quá
khứ chúng ta đã từng có những vị bộ trưởng giáo dục, y tế uy tín rất tốt,
được đánh giá rất cao. Đấy là cái bảnh lĩnh, tâm huyết và trình độ của mỗi
người. Càng khó khăn thì càng là môi trường khiến chúng ta chứng tỏ được bản
lĩnh của mình. Người dân luôn hiểu được cái tâm, cái tầm của mỗi vị lãnh đạo.
(Theo VnEconomy) Hà Vũ
|
Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét