Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

IPC và những phi vụ khó hiểu thất thoát trăm tỉ

Cập nhật lúc 14:11


Nhiều phi vụ bán cổ phần, thoái vốn đình đám trong năm 2016-2017, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã khiến nhà nước thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

IPC và những phi vụ khó hiểu thất thoát trăm tỉ - Ảnh 1. 
Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM giai đoạn 2 được chuyển chủ đầu tư từ Công ty ICP sang Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Động cơ, sai phạm từ các phi vụ gây thiệt hại lớn cho nhà nước của công ty IPC đã được chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ xử lý theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.
“Các sai phạm nêu trên có dấu hiệu nhóm lợi ích, có khả năng gây thiệt hại cho vốn nhà nước do công ty IPC làm đại diện, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho nhà nước...”.
Kết luận thanh tra nêu
Giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco
Tháng 3-2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu tại công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty cổ phần bất động sản Exim (Exim), giá hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, giảm tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8%, giảm còn 44%.
Đến tháng 9-2016, Exim bán toàn bộ số cổ phiếu trên cho công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phiếu. Cuối năm đó, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và đề nghị cùng phát triển 2 dự án bất động sản (79B Lý Thường Kiệt, Tân Bình và Khu dân cư Rạch Chiếc, Thủ Đức).
Sadeco có nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược, và được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý.
Tháng 1-2017, Sadeco kí hợp đồng với Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC) để xác định giá trị doanh nghiệp (DN), và HSC định giá mỗi cổ phiếu của Sadeco hơn 36.500 đồng. 
IPC và những phi vụ khó hiểu thất thoát trăm tỉ - Ảnh 3.
Khu dân cư Sadeco Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM là một trong những dự án thành phần nằm trong Công ty Sadeco mà Công ty IPC có góp vốn - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Đến tháng 6-2017, khi còn chưa trình UBND TP duyệt chủ trương tăng vốn góp, IPC đã bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền 360 tỉ đồng thu được Sadeco đem gửi ngân hàng lấy lãi.
Thanh tra kết luận thời điểm phát hành cổ phiếu Sadeco chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Thương vụ bán cổ phiếu giá 40.000 đồng/cổ phiếu (tháng 6-2017) này, nếu chỉ so sánh giá cổ phiếu Exim bán cho Nguyễn Kim (tháng 6-2016 là 57.000 đồng/cổ phiếu) cũng đã gây thiệt hại cho Sadeco 153 tỉ đồng.
Phi vụ bán chỉ định cổ phiếu này đã giúp Nguyễn Kim "thâu tóm" Sadeco khi nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 54%, đẩy tỉ lệ của IPC tại DN này xuống còn hơn 28%, trong khi hoạt động kinh doanh tại Sadeco rất hiệu quả, tỉ lệ chia cổ tức cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 10%).
Điều đáng nói là Sadeco đã nhờ HSC xác định giá trị cổ phiếu trong khi công ty chứng khoán này không có chức năng thẩm định giá, và không được cung cấp đầy đủ hồ sơ để đánh giá đầy đủ. Phía HSC cũng đã có cảnh báo rằng mức giá 36.500 đồng đưa ra nói trên "chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị pháp lý là giá thẩm định".
Phi vụ bán Hiệp Phước cho Tuấn Lộc

IPC và những phi vụ khó hiểu thất thoát trăm tỉ - Ảnh 4.
Trụ sở Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - Ảnh: TỰ TRUNG
Cách làm tương tự cũng được sử dụng trong phi vụ Công ty CP khu công nghiệp Hiệp Phước bán 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được chỉ định là công ty Tuấn Lộc.
Trước khi phát hành cổ phiếu, Hiệp Phước có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, IPC nắm hơn 60%. Theo kế hoạch, Hiệp Phước tăng vốn điều lệ lên gấp đôi thành 600 tỉ đồng. IPC chọn Công ty TNHH thẩm định giá MHD thẩm định giá, và "chốt" ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu. 
Tháng 10-2016, Hiệp Phước phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), và bán 20 triệu cổ phiếu cho Tuấn Lộc (giá 15.000 đồng/cổ phiếu), giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn hơn 40%.
Thanh tra TP khẳng định việc bán chỉ định cổ phiếu giá thấp hơn thực tế đã làm thiệt hại cho vốn nhà nước. Hiệp Phước là công ty làm ăn rất hiệu quả, từ năm 2012 đến 2015 cổ tức nhận được là hơn 140 tỉ đồng trên tổng số hơn 182 tỉ vốn đầu tư), vì thế nếu tiếp tục đầu tư vào công ty này thì khả năng thu hồi vốn và sinh lợi cao.
Hợp tác để mua cao bán thấp

 IPC và những phi vụ khó hiểu thất thoát trăm tỉ - Ảnh 5.
Theo báo cáo tài chính quý 1-2018 của Công ty IPC, công ty đang thực hiện nhiều dự án có giá trị đầu tư lớn tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Trong ảnh: dự án khu dân cư Long Thới do Công ty IPC đầu tư tại huyện Nhà Bè - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Ngoài hai vụ việc trên, một dự án hợp tác đầu tư vô cùng khó hiểu được IPC thực hiện với Công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh. IPC được Long An chấp thuận là chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Long Hậu. 
Toàn bộ diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000 m2, trong đó tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án Khu công nghiệp Long Hậu (do công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) và Khu dân cư Long Hậu.
Năm 2006, IPC ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Hồng Lĩnh, theo đó Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu theo sổ sách khi đầu tư vào dự án trên, đổi lại Hồng Lĩnh tiếp tục thực hiện dự án và toàn quyền khai thác kinh doanh, và IPC được mua lại nền để tái định cư với giá 630.000 đồng/m2 cho toàn bộ hơn 60.000 m2 trên.
Cơ quan thanh tra cho rằng phi vụ này thực chất là IPC bán dự án cho Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh chưa giao đủ đất tái định cư cho IPC, chưa hoàn thiện hạ tầng, và bán ra thị trường nhiều nền đất thương mại, giá từ 700.000 đồng/m2 đến 4,5 triệu đồng/m2.
Đáng nói là IPC phải mua đất nền tái định cư giá cao (630.000 đồng/m2) nhưng bán lại giá thấp (chỉ từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2) để bố trí cho 100% nhu cầu tái định cư từ dự án Khu công nghiệp Long Hậu.
Đến tháng 8-2018, khi Thanh tra vào cuộc, Hồng Lĩnh mới chi trả cho IPC hơn 69 tỉ trên tổng số150 tỉ đồng, còn công ty Long Hậu chi trả hơn 74 tỉ đồng.
Theo thanh tra, công ty Long Hậu là pháp nhân độc lập đáng lẽ IPC phải bán đất theo giá thị trường, và IPC thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm soát để Long Hậu và Hồng Lĩnh chiếm dụng vốn thời gian dài, dẫn đến thiệt hại cho IPC.
Vụ việc này đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Sau khi Thanh tra TP vào cuộc, cuối tháng 8-2018, Sadeco báo cáo cho Thanh tra về việc công ty này đã thu hồi 9 triệu cổ phiếu bán cho Nguyễn Kim. 
Tương tự Hiệp Phước cũng mua lại toàn bộ 20 triệu cổ phiếu đã bán cho Tuấn Lộc. Tuy nhiên, Thanh tra TP nhận định việc làm trên của IPC, Sadeco và Hiệp Phước là có dấu hiệu đối phó, cản trở hoạt động thanh tra, vì thế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý. 
Cùng với đó, thanh tra cũng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra việc thẩm định giá của HSC và công ty MHD
Vay ngân hàng 400 tỉ để nộp lợi nhuận
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, hai năm 2016-2017, IPC kinh doanh có lợi nhuận nhưng mỗi năm lại vay ngân hàng 200 tỉ đồng để nộp lợi nhuận vào ngân sách.
Giải trình vấn đề này, IPC cho rằng vay tiền là để tạo quan hệ tài chính với ngân hàng. Tuy nhiên, hệ quả là phát sinh khoản lãi hơn 8 tỉ đồng. Các cá nhân, tập thể liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn khoản lãi này.
Dự án cảng SPCT lỗ khủng
IPC hợp tác với tập đoàn DP World (Dubai) lập công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (công ty SPCT) để đầu tư Cảng SPCT. Trong tổng vốn điều lệ hơn 101 triệu USD của SPCT, IPC góp hơn 20%.
Đến nay, cảng SPCT mới hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, với tổng vốn hơn 216 triệu USD, trong đó IPC phải góp vốn và hỗ trợ vốn hơn 30 triệu USD và phải chịu bảo lãnh khoản vay gần 19 triệu USD.
Từ khi xong giai đoạn 1, đi vào hoạt động, SPCT liên tục lỗ, lũy đến cuối 2017, cảng này lỗ hơn 139 tỉ đồng.
Trước nguy cơ mất vốn, từ 2014, IPC phải xin Chính phủ duyệt chủ trương cho phép công ty tiếp tục vay để góp vốn tiếp tục dự án.
(Theo Tuổi trẻ) Ái Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét