Cải cách bộ máy hành chính: Không đánh trống bỏ dùi
Cập nhật lúc
09:45
“Trước
đây, chúng ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm đổi mới tổ chức bộ máy
nhưng nhiều khi “đánh trống, bỏ dùi”, hô hào rồi để đấy nên hiệu quả không
cao. Lần này thì khác, sau khi Trung ương (T.Ư) ban hành Nghị quyết 18, Bộ
Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát quá
trình thực hiện một cách chặt chẽ, không cơ quan nào đứng ngoài cuộc nên hiệu
quả đạt được khá rõ rệt”, ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều
lệ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết.
Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. ảnh: PV
Gắn trách nhiệm người đứng đầu với tinh
gọn bộ máy
Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp lại
tổ chức bộ máy đã có hiệu lực được gần một năm, nay nhìn lại ông đánh giá thế
nào về quá trình thực hiện của các cơ quan Trung ương cho đến địa phương
trong việc thực hiện chủ trương lớn này?
Ông Nguyễn Đức
Hà: Về công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có việc đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy nói riêng thì quả thực hiếm có nhiệm kỳ nào thực hiện quyết liệt
như nhiệm kỳ này. Ví như sắp xếp tổ chức bộ máy, trước khi có Nghị quyết 18,
Đảng ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, nhiều quy định nhưng hiệu quả đạt
được cũng không như mong muốn. Có Nghị quyết rồi nhưng bộ máy, biên chế vẫn
cứ ngày càng phình to ra. Năm 2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39 về
tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng
sau hơn hai năm thực hiện thì không những không giảm mà còn tăng thêm tới
96.000 người.
Rút kinh nghiệm, lần này T.Ư quyết liệt
trong quá trình thực hiện, không “đánh trống bỏ dùi”. Ngay sau khi Nghị quyết
18 có hiệu lực, Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời liên
tiếp lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở các bộ,
ngành, địa phương. Điều này tạo sức ép để các bộ, ngành, địa phương có ý thức
và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện.
Đến nay, hầu hết các địa phương đều xây
dựng kế hoạch và có lộ trình thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Nhiều địa
phương đã thực hiện việc hợp nhất các cơ quan Đảng với cơ quan chính quyền,
nhất thể hóa các chức danh. Điển hình như Lào Cai, Hà Giang, không chỉ thực
hiện việc nhất thể hóa chức danh mà còn hợp nhất các sở, ngành, hợp nhất cơ
quan chính quyền với cơ quan Đảng có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau.
Ở cấp Trung ương, ngoài việc dừng hoạt
động 3 Ban Chỉ đạo là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ các bộ, ngành cũng
quyết liệt cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Bộ Công Thương cắt giảm 5 đầu mối, từ
35 vụ, cục xuống còn 30. Đặc biệt, Bộ Công an xóa bỏ 6 tổng cục, đồng thời có
60 đơn vị cấp cục được tinh gọn khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy…
Việc các đơn vị vào cuộc quyết liệt và
chủ động phải chăng còn bắt nguồn từ quy định “xử lý nghiêm minh những tổ
chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không
đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế” được
ghi trong Nghị quyết 18?
Ông Nguyễn Đức Hà
Đúng là như thế. Trong Nghị quyết 18 đã
nêu rõ, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những
tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, miễn
nhiệm cán bộ. Do đó, nếu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không thực
hiện hoặc thực hiện không hiệu quả thì không những bị phê bình mà còn có nguy
cơ mất đi cơ hội được giới thiệu, bổ nhiệm vị trí mới.
Tăng kiểm tra, giám sát
Trong việc thực hiện sắp xếp, cải cách
tổ chức bộ máy, dư luận đánh giá rất cao Bộ Công an đã tiên phong trong việc
thực hiện. Ông bình luận thế nào về việc này?
Bộ Công an đã đi đầu trong việc sắp xếp
tổ chức bộ máy. Trước khi việc này được thực hiện, rõ ràng trong thời gian
dài, tổ chức bộ máy của Bộ Công an phình ra quá lớn và thực sự chồng chéo về
chức năng. Trong bộ có quá nhiều cấp trung gian, với 6 tổng cục, dưới tổng
cục lại có các cục, các vụ trực thuộc. Tuy nhiên, đây cũng là thực trạng
chung trong tổ chức bộ máy của cả nước chứ không riêng gì Bộ Công an. Ví như
trước năm 2011 cả nước mới chỉ có 21 tổng cục nhưng đến 2017, con số này là
42 tổng cục, tăng gấp đôi, mà cứ thêm tổ chức tức là thêm người, thêm phòng
ốc, thêm chi ngân sách và thêm con dấu, văn phòng, thủ quỹ, thủ kho…, gây tốn
kém vô cùng đến ngân sách Nhà nước.
Làm gì để tiếp tục duy trì được sự
quyết tâm và quyết liệt trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong thời gian tới?
Không ai nói việc sắp xếp, tổ chức bộ
máy, tinh giản biên chế là việc dễ. Đây là việc rất khó vì động chạm tới tổ
chức là động chạm tới con người. Động chạm tới con người là động chạm tới lợi
ích, tâm tư, là cuộc sống, tình cảm, thậm chí cả danh dự. Nghị quyết nhấn
mạnh phải chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mọi cán bộ đảng
viên đều có chung nhận thức. Có cơ chế chính sách hợp lý đối với những tổ
chức, đối với những người trực tiếp bị tác động do quá trình sắp xếp, tinh
giản biên chế. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn
chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Rút kinh
nghiệm, lần này T.Ư quyết liệt trong quá trình thực hiện, không “đánh trống
bỏ dùi”. Ngay sau khi Nghị quyết 18 có hiệu lực, Bộ Chính trị đã ban hành kế
hoạch thực hiện, đồng thời liên tiếp lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát, đôn
đốc việc thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Điều này tạo sức ép để các
bộ, ngành, địa phương có ý thức và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện.
(Theo Tiền Phong) VĂN KIÊN (THỰC
HIỆN)
|
Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét