Ngăn chặn
sự lạm quyền
Cập nhật lúc 13:45
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã công bố
một con số đáng suy ngẫm: hơn 5.600 văn bản trái pháp luật đã được các địa
phương, ban - ngành ban hành trong năm 2017.
Hầu như mỗi năm Cục Kiểm tra văn
bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, đều "bêu tên" cả trăm cơ quan
ra văn bản trái pháp luật, thế nhưng "bệnh" này vẫn không giảm. Chỉ
1 năm mà có bấy nhiêu văn bản trái pháp luật được ban hành thì thật kinh
khủng! Những văn bản trên trải khắp các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp,
kinh doanh, giao thông... Ai cũng biết mỗi văn bản được ban hành đều có tác
động đến xã hội và đời sống của người dân. Vì vậy, không thể chỉ vì muốn
thuận lợi cho công việc của đơn vị mình thì ban hành văn bản áp đặt các cơ
quan khác và người dân phải thực hiện.
Căn bệnh này xuất phát từ sự lạm
quyền của các cơ quan công quyền. Nhiều nơi không hiểu hoặc cố tình hiểu sai
quyền hạn được pháp luật cho phép nên sử dụng quyền lực của mình vượt khung
pháp luật. Qua đây cũng cho thấy năng lực kém của đội ngũ giúp việc cho lãnh
đạo ở nhiều cơ quan. Năng lực yếu thì tham mưu trật chìa là hiển nhiên. Nếu
lãnh đạo cũng "mù mờ" về chức năng và quyền hạn của mình thì sẵn
sàng ký ban hành những văn bản đó. Đáng lo hơn, nhiều văn bản được ban hành
nhằm bảo toàn lợi ích của một cơ quan, đơn vị hoặc chỉ của một nhóm người.
Trong báo cáo của Bộ Tư pháp
trình Quốc hội nêu rõ: Văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến
lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với
các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số văn bản trái
pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình
hình phát triển kinh tế và môi trường đầu tư - kinh doanh.
Tác hại ai cũng thấy và cũng
không khó để định lượng. Thế nhưng, nhiều năm qua chưa có tổ chức hoặc cá
nhân lãnh đạo nào bị xử lý về những tác hại do ban hành văn bản trái luật.
Biện pháp phổ biến nhất hiện nay chỉ là yêu cầu thu hồi văn bản, còn tác hại
đến đời sống xã hội thì để dần quên. Làm vậy là không sòng phẳng với người
dân và trái với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Lần này, Phó Thủ tướng Thường
trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các địa
phương khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác
hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra;
kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu,
tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu
quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30-11-2018.
Phải xử lý trách nhiệm thật
nghiêm khắc mới ngăn chặn được tình trạng ban hành văn bản trái luật như hiện
nay.
(Theo
Người Lao Động) Duy Phương
|
Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét