Cổ phần hóa DNNN: Doanh nghiệp mua trâu được cả nghé
Cập nhật lúc 15:29
PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng cần xem xét lại toàn diện những thương vụ
cổ phần hóa có nguy cơ gây thất thoát để tìm ra giải pháp xử lý.
Trao đổi với
báo Đất Việt, vị chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Việc xem
xét lại toàn diện sẽ giúp chúng ta đạt được hai mục đích. Một là có được
nguồn lực lớn từ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn từ các DNNN để phục vụ mục
đích đầu tư, phát triển trong nước. Thứ hai, là giúp thiết lập cơ chế quản lý
chặt chẽ nguồn tài chính, không cho phép để lọt dù chỉ một đồng tiền của Nhà
nước, của nhân dân”.
Sai phạm phổ
biến
PV: Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết
luận quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), theo đó, hàng
loạt sai phạm đã được chỉ ra. Ông bình luận thế nào về việc này? Theo ông,
những sai phạm như thương vụ cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam có phải là
cá biệt không và vì sao?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: Trước hết, cần
định nghĩa lại khái niệm cổ phần hóa và thoái vốn. Đối với doanh nghiệp tư
nhân, việc thoái vốn cũng giống như câu chuyện kinh doanh trên thị trường.
Một doanh nghiệp không có năng lực kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ, nếu
vẫn cố lao vào làm, trước sau cũng phá sản. Ngược lại, nếu muốn tổ chức lại,
cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp hoạt động
tốt hơn, hiệu quả hơn, thì phải thực hiện tái cơ cấu hoặc có thể thoái vốn
nhường lại việc kinh doanh cho người khác. Quá trình thoái vốn tại các DNNN
cũng có thể được hiểu như vậy.
Về trường hợp
VFS, yêu cầu cổ phần hóa VFS cho thấy, chúng ta đã nhận rõ những yếu kém
trong hoạt động kinh doanh của hãng phim này. Đồng thời, việc kinh doanh phim
ảnh vốn không phải là thế mạnh, không phải là lĩnh vực Nhà nước phải tham gia
vào, do đó muốn ngành phim truyện Việt Nam phát triển thì phải cổ phần hóa,
giao cho tư nhân làm. Chỉ một nền điện ảnh có cạnh tranh mới cho ra đời những
sản phẩm tốt.
Như vậy, việc
thoái vốn là đương nhiên. Vấn đề chỉ là thoái vốn thế nào để Nhà nước không
mất vốn, mà vẫn có được nền điện ảnh tốt. Nhìn từ phương diện này có thể
khẳng định cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam chưa thành công, cả hai mục
tiêu trên đều không đạt được.
Những sai phạm
được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là cơ sở cho thấy quá trình mua bán tài sản,
thương hiệu của Nhà nước tại VFS có quá nhiều vấn đề mờ ám, không rõ ràng.
Đầu tiên là hàng loạt vấn đề về quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa như:
lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa; quản lý,
sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; quản lý tài sản,
tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu... đều có
sai sót, vi phạm.
Như vậy đã rõ,
cổ phần hóa mà chỉ tính toán dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng, máy móc đã cũ
kỹ, chỉ dựa vào các hoạt động đơn thuần của Hãng Phim truyện thì cổ phần hóa
chẳng khác nào "cho không, biếu không".
Về vấn đề sử
dụng đất, việc thoái vốn tại Hãng Phim truyện Việt Nam, Thanh tra Chính phủ
đã nói rõ, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp không tính giá trị lợi thế
quyền thuê đất nhà nước vào giá trị doanh nghiệp. Vì thế, mới có câu chuyện
nhập nhèm, xác định giá thuê bèo bọt, không đúng giá thị trường.
Trong khi đó,
với quyền thuê đất vài chục năm (thường là 50 năm) và sẽ được gia hạn thêm
nếu không tranh chấp, thì một khi mua được DNNN cổ phần hóa tức gần như đồng
nghĩa rằng mảnh đất đó thuộc về bên mua. Đáng chú ý, theo phương án cổ phần
hóa DNNN, Nhà nước bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp, VIVASO sở hữu 65% cổ
phần VFS cũng đồng nghĩa là sau cổ phần hóa, nhà đầu tư có thể chi phối số
phận các khu đất vàng này.
Thông qua việc
chi phối, gia tăng quỹ đất chính là cách nhanh nhất giúp tài sản của một số
nhà đầu tư, một số nhóm người nhanh chóng "nở" ra, còn tài sản của
Nhà nước thì ngày càng teo tóp lại.
Đây không phải
là trường hợp cá biệt. Thực tế, một số DNNN có lợi thế về đất đã bị các nhà
đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai các dự án bất động sản.
Điểm lại hàng loạt thương vụ cổ phần hóa đình đám trước đó như Kem Tràng
Tiền, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Khách sạn Kim Liên, khu
Triển lãm Giảng Võ, đất của Cao su Sao Vàng... sẽ thấy hầu hết các thương vụ
cổ phần hóa đều rơi vào tay các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản. Điều này
càng cho thấy, nhà đầu tư tham gia vào cổ phần hóa DNNN không phải vì mục
đích tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, mà thực chất là quan
tâm tới quỹ đất lớn, vị trí đắc địa mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.
Vì lý do trên
mà dư luận luôn hoài nghi rằng việc mua cổ phần Hãng Phim truyện Việt Nam chủ
yếu để nhắm vào đất vàng, cổ phần hóa thực chất là chờ cơ hội hóa giá tài sản
của nhà nước, biến tài sản của nhà nước thành tài sản tư nhân. Hoặc cổ phần
hóa nhưng thực chất là mua đi bán lại, tự mình bán cho mình, là sang tên,
chuyển nhượng cho các doanh nghiệp thân hữu, sân sau, cho nhóm lợi ích để sở
hữu tài sản của nhà nước một cách hợp pháp, đúng quy trình.
PV: Song song với việc công bố những sai phạm trong
công tác cổ phần hóa, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo
“Bộ VH-TT-DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ
tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược VIVASO rút vốn trước thời hạn.
Vậy phải hiểu thế nào về động thái trên của VIVASO? Có ý kiến cho rằng, đây
là động thái "bỏ của chạy lấy người", thấy khó mà bỏ của nhà đầu
tư, ông có đồng tình với nhận định trên không?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: Như đã
phân tích ở trên, nếu cổ phần hóa chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng như nhà xưởng,
máy móc, thiết bị của VFS thì giá trị gần như bằng 0. Không có nhà đầu tư nào
sẵn sàng đổ tiền chỉ để thừa kế những tài sản cũ nát nói trên, nếu không nhìn
thấy triển vọng phát triển tốt hơn sau thương vụ mua bán này. Tổng công ty
Vận tải Thủy (VIVASO) chắc chắn không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, dù đã nắm giữ cổ phần chi
phối nhưng ở đây đã có những nghi vấn nhập nhèm trong quá trình thực hiện cổ
phần hóa. Khi kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố, chúng ta đều
biết đã có việc thanh tra, xem xét lại toàn bộ quá trình diễn ra việc thoái
vốn tại doanh nghiệp này. Điều này có thể ngầm hiểu, có sai phạm sẽ phải có
xử lý, có thất thoát chắc chắn sẽ phải thu hồi.
Đứng trên phương diện của nhà đầu tư
phản ứng trên là phù hợp. Khi phương án đầu tư không thuận lợi như kế hoạch
ban đầu hoặc lợi ích của nhà đầu tư có nguy cơ xấu hơn kỳ vọng, họ phải tính
tới phương án rút vốn, không đầu tư nữa.
Khi giá trị đất đai không đem lại lợi
thế cho họ, trong khi thế mạnh của nhà đầu tư chiến lược là kinh doanh đất,
kiếm lợi từ việc mua đi bán lại chứ không phải sản xuất phim ảnh, sẽ không
thể làm phim được. Việc rút lui là đương nhiên.
Như vậy, VIVASO vội vàng xin rút vốn
trước thời hạn cũng không có gì khó hiểu. Không loại trừ khả năng, đây có thể
là một phản ứng kiểu "không ăn được thì bỏ", "bỏ của chạy lấy
người" hoặc cũng có thể muốn lảng tránh trách nhiệm liên quan.
Không để doanh nghiệp mua
trâu được cả nghé
PV: Một điểm đáng chú ý,
tại kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ VH-TT-DL chủ trì làm việc
với nhà đầu tư mới để thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển
giao Hãng phim. Điểm khúc mắc lớn hiện nay là, quá trình thoái vốn này sẽ
diễn ra thế nào để đảm bảo đồng thời hai mục tiêu: một là, nhà nước không
thua thiệt; hai là, nhà nước không trở lại nắm giữ cổ phần ở các doanh nghiệp
đã cổ phần hóa. Nếu vậy, muốn thực hiện được thì phải thực hiện như thế nào?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: Tới đây
thì cần phải nhìn nhận lại quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại
doanh nghiệp này. Phải xem câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn tại VFS là câu
chuyện của nền kinh tế thị trường. Về bản chất đây là cuộc mua đi - bán lại
lần thứ hai. Nói chính xác là Nhà nước bán đi, giờ mua lại, để sau đó lại bán
đi.
Ở đây tôi lưu ý một vấn đề rất quan
trọng đó là, trước khi làm việc với nhà đầu tư mới để thực hiện các quy
trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao hãng phim thì việc xác định lại giá
trị tài sản của doanh nghiệp phải được thực hiện rất minh bạch, công khai,
chính xác.
Hãng phim có trách nhiệm liệt kê đầy đủ
tài sản, các diện tích đất đai mà doanh nghiệp đang sở hữu, sử dụng, khai
thác hoặc thuê của nhà nước. Những tài sản nào không được tính vào giá trị
của doanh nghiệp khi bán vốn cho VIVASO thì giờ cũng không được tính vào. Các
diện tích đất đai hãng phim thuê lại của nhà nước làm nhà xưởng phục vụ sản
xuất kinh doanh mà VIVASO đang sử dụng giờ phải trả lại cho nhà nước.
Về phần VIVASO sẽ xác định cụ thể nguồn
vốn nhà đầu tư đã bỏ ra khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa VFS lần thứ
nhất. VIVASO sẽ được xem xét hoàn lại phần vốn đúng với giá trị nhà đầu tư
này đã bỏ ra khi mua lại cổ phần của VFS. Giá trị thoái vốn chỉ được xác định
dựa trên giá trị tài sản được định giá trong lần thoái vốn thứ nhất. VIVASO
muốn thuê lại các khu đất mà VFS từng sử dụng bắt buộc phải theo cơ chế đấu
thầu và theo đúng giá thị trường.
Câu chuyện tiếp theo là thoái lại vốn
hãng phim lần 2 như thế nào để vừa bảo đảm nhà nước không thua thiệt, nhưng
nhà nước cũng không thể ôm đồm một lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn.
Muốn vậy, để tránh xảy ra những sai sót
như trước đó, việc thoái vốn lần hai trước hết phải xác định rõ mục tiêu cổ
phần hóa là để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong
ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi hay cổ phần hóa chỉ đơn giản là
bán vốn thu tiền về? Khi xác định rõ được mục tiêu cổ phần hóa thì mới có
được phương án cổ phần hóa hiệu quả nhất.
Quan trọng nhất, việc cổ phần hóa phải
đi vào thực chất chứ không phải hình thức. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa
phải có được nhà đầu tư chiến lược có thể giúp "thay máu" cho doanh
nghiệp không chỉ về tài chính mà còn là quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất
kinh doanh, chứ không phải mua cổ phần chỉ nhắm vào mục đích bán tài sản thu
lợi.
Quan điểm của tôi là nhà nước nên rút
hoàn toàn vốn, giao cho tư nhân toàn quyền quản lý, điều hành lĩnh vực này.
Tôi xin nhắc lại rằng, cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước phải được nhìn nhận theo góc độ kinh tế và việc thoái
vốn phải theo cơ chế thị trường. Cần xác định rất rõ người mua - người bán,
bán cái gì, giá bao nhiêu... tất cả đều phải rất rõ ràng, minh bạch. Chỉ khi
làm được như vậy, mục đích cổ phần hóa mới thành công, và chỉ khi làm được
như vậy mới hạn chế được nguy cơ thất thoát tài sản của nhà nước.
Đặc biệt, khi mọi giá trị đều công
khai, minh bạch cũng giúp quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trở nên minh bạch,
rõ ràng hơn, tránh được tình trạng "bán hớ", bán không đúng giá,
giúp nhà đầu tư mua trâu nhưng lại được thêm cả con nghé như hàng loạt thương
vụ mua bán, cổ phần hóa được thực hiện thời gian qua.
Cần xem xét toàn diện các thương
vụ cổ phần hóa
PV: Điểm lại hàng loạt
thương vụ cổ phần hóa gây nhiều tai tiếng thời gian qua như: thương vụ mua
bán giữa Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn
cầu (AVG); Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO); sai phạm trong cổ
phần hóa tại cảng Quy Nhơn... ông có cho rằng vấn đề trên càng cần phải xem
xét kỹ lưỡng hơn không?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: Chắc chắn
rồi, cổ phần hóa DNNN không thể dễ dãi, xuê xoa như trước nữa. Đồng ý, cổ
phần hóa phải theo nguyên tắc chung, nhưng khi xác định giá trị tài sản của
doanh nghiệp phải căn cứ dựa trên nhiều yếu tố, trong đó phải xét tới cả tính
đặc thù riêng của từng lĩnh vực, từng ngành nghề.
Tôi lấy ví dụ như việc cổ phần hóa cảng
Quy Nhơn hay cảng Khuyến Lương (Hà Nội). Không thể nói rằng, không tính giá trị
đất đai, kho xưởng, bãi đậu vào giá trị của doanh nghiệp khi thực hiện định
giá tài sản để thực hiện cổ phần hóa. Về nguyên tắc, diện tích đất thuê của
nhà nước thì không được tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, nhưng kho
bãi, nhà xưởng là yếu tố không thể thiếu đối với hoạt động của một cảng vận
tải. Không có bãi đậu, tàu bè không thể ra vào cảng. Không có kho xưởng, sẽ
không có nơi bốc xếp hàng hóa. Như vậy, nếu không có tàu thuyền ra vào, không
có hàng hóa thì cảng cũng không thể hoạt động được.
Vì vậy, khi thực hiện cổ phần hóa, giá
trị cho thuê lại các diện tích đất đai, bến bãi, kho xưởng phải được định giá
theo giá trị hoạt động của cảng. Không thể tách riêng phần giá trị hiện hữu
là máy móc để định giá tài sản rồi mặc nhiên nhà đầu tư được sử dụng, khai
thác hàng nghìn ha đất của doanh nghiệp với giá rẻ như cho.
Vì thế, yêu cầu xem xét kỹ lưỡng quá
trình cổ phần hóa là rất cần thiết.
PV: Nếu vậy, theo ông, sau
"án lệ" này thì có thể đặt ra khả năng phải lật lại, xem xét lại
toàn diện những thương vụ cổ phần hóa có nguy cơ gây thất thoát để tìm ra
giải pháp xử lý phù hợp, tránh thất thoát tài sản cho nhà nước? Nếu làm được
như vậy, nhà nước sẽ thu hồi được tài sản thế nào, giảm áp lực vay để đầu tư
công ra sao, thưa ông?
PGS.TS Lê Cao Đoàn: Việc này
không cần phải cân nhắc, bất cứ hoạt động nào có lợi cho đất nước mà vẫn bảo
đảm được công bằng cho doanh nghiệp thì đều phải xem xét lại.
Quan trọng nhất là, sau khi xem xét lại
toàn diện những thương vụ cổ phần hóa có dấu hiệu sai phạm, gây thất thoát,
chúng ta sẽ lập lại được trật tự nên có trong nền tài chính quốc gia.
Chúng ta đã mất quá nhiều, thất thoát
quá nhiều nguồn lực từ cổ phần hóa DNNN, trong khi hàng năm chúng ta vẫn phải
đi vay hàng tỷ USD từ nước ngoài để phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển. Điều
này rất lãng phí.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Vũ Lan thực hiện
|
Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét