Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người: Một lần nhìn thẳng

Cập nhật lúc 15:44                 

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ nên coi là một chỉ tiêu tham khảo, mang tính chất định hướng.

Đây là quan điểm của TS Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Theo ông, bản thân người dân cũng chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ thay đổi như thế nào mà thôi và đã đến lúcViệt Nam nên để tâm đến điều này
PV: - Trong một cuộc tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về tình hình kinh tế vừa được tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, mục tiêu đặt ra đến 2020 thu nhập bình quân đầu người là 3.200-3.500 USD khó khả thi.
TS Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, nếu đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì nên bỏ chỉ tiêu GDP trên đầu người trong đánh giá tăng trưởng kinh tế bởi chỉ tiêu này mâu thuẫn với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và nếu cứ để thế thì xảy ra tình trạng "ông nọ đá bà kia".
Theo tính toán, nếu đặt mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người từ 2.190 USD của 2015 lên 3.200 USD vào 2020 thì 5 năm cần tăng trưởng kinh tế trung bình là 8,4%. Trong khi mục tiêu tốc độ tăng GDP bình quân chỉ là 6,5-7%.
Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến trên? Xin ông phân tích cụ thể?
TS Đinh Sơn Hùng: - Chỉ tiêu tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người không có gì là mâu thuẫn nhau, nhưng lo ngại về việc thổi phồng giá trị GDP danh nghĩa là có thật. Chỉ tiêu tăng trưởng thường được đặt ra rất cao, đó là mục tiêu mang tính kỳ vọng, còn sau này có đạt được hay không thì lúc đó hãy luận giải.
Tôi nhớ, dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 của TP.HCM đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của TP là 9,5%. Lúc ấy, tôi làm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP.HCM giai đoạn 2015-2020 đã khẳng định rằng, tăng trưởng của TP chỉ từ 7-9%. Mong muốn của các nhà lãnh đạo TP.HCM là, với chỉ tiêu này, họ muốn nói với Trung ương rằng, lãnh đạo TP có ý chí rất cao trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP để từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, cho đến giờ, tăng trưởng của TP.HCM vẫn chưa đạt 9% và tôi thấy rằng mình đã đúng.

 Bo chi tieu GDP binh quan dau nguoi: Mot lan nhin thang
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ nên coi là một chỉ tiêu tham khảo

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích rất nhiều về chỉ tiêu GDP và chỉ ra nhiều mặt tiêu cực của nó. Chẳng hạn, chỉ tiêu GDP chỉ hiển thị ở sản phẩm hàng hóa. Những sản phẩm không phải là hàng hóa (an sinh, sức khỏe, dịch vụ công...) chưa được lượng hóa nên có thể có khoảng cách đáng kể giữa hai loại sản phẩm này. Đồng thời, những sản phẩm làm ra ở gia đình, chi phí ít, không được tính đến.
Thứ hai, GDP không nói gì đến chất lượng của tài sản và dịch vụ, cũng không nói gì đến chất lượng của cuộc sống mà tài sản và dịch vụ mang lại. Những suy giảm về môi trường không được tính đến.
Thứ ba, GDP không nói gì đến sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Thu nhập quốc dân trung bình tăng lên có thể đi đôi với một sự tăng mạnh ở những nhóm này và giảm ở những nhóm khác.
Thứ tư, GDP không đánh giá hết được hiệu quả sử dụng của các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất.
Còn rất nhiều hạn chế khác nữa nhưng rõ ràng những vấn đề trên cho thấy, GDP chỉ nên được coi như một chỉ số phải đứng cùng với nhiều chỉ số khác như: thu nhập trung bình của hộ gia đình, số việc làm ròng được tạo ra trong cả hai khu vực là doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình, chỉ số nghèo đa chiều, chỉ số tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục... trong việc đánh giá sự phát triển của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, chỉ tiêu GDP nhiều khi tạo ra sự phồn vinh giả tạo. Đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài vào nước ta rất nhiều trong khi đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài rất ít. Cho nên, giữa GDP sản xuất và GDP sử dụng có thể rất khác nhau, phần lớn của cải tạo ra được các nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước họ chứ không để lại hết trên lãnh thổ Việt Nam.
Sử dụng chỉ số GDP là cách dễ và nhanh nhất để có được thành tích, vì để tăng trưởng GDP rất đơn giản, chỉ cần đầu tư hạ tầng, đầu tư công trình, thậm chí các hoạt động gây ô nhiễm môi trường... cũng đều có thể làm gia tăng GDP. Thói quen của người Việt từ xưa vẫn vậy, lấy đó để đánh giá thành tích, báo cáo thành tích.
Có thể ý chuyên gia tại buổi tọa đàm đề cập trong câu hỏi chính là ở chỗ này: thực chất của việc tăng GDP bình quân đầu người là gì? Chúng ta cứ tăng GDP nhưng cơ cấu của nó như thế nào?
Nếu GDP là hàng hóa, dịch vụ thì người dân được hưởng, nhưng bây giờ cứ đổ tiền vào các dự án là có thể tăng được GDP mà có khi người dân lại không được hưởng.
PV: - Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, liệu con số GDP bình quân đầu người có phản ánh chính xác mức độ khấm khá trong đời sống của người dân trong nhiều năm qua hay không, thưa ông? Tại sao dù chúng ta có công bố về GNP (Tổng thu nhập quốc dân) nhưng chỉ tiêu này chưa bao giờ được lựa chọn như một thước đo chuẩn mực cho sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội? Nếu tham chiếu với GNP, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thực sự đã mang lại những gì cho thu nhập của người dân?
TS Đinh Sơn Hùng: - Thực ra việc tăng trưởng thương mại chỉ phản ánh mức độ hội nhập của nền kinh tế quốc gia. Xuất khẩu cũng phản ánh một phần nhưng không phải là cái gốc của nền kinh tế. Tôi vẫn cho rằng cái gốc của nền kinh tế là sản xuất, xuất khẩu cũng từ sản xuất mà ra.
 Như đã nói ở trên, chỉ tiêu GDP có nhiều hạn chế và điều này đã được phân tích nhiều. Phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ xem chỉ tiêu GDP mang tính chất tham khảo hay mang tính chất định hướng chứ không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá nền kinh tế. Nhiều quốc gia thậm chí không dùng chỉ tiêu này nữa mà chuyển sang dùng chỉ tiêu GNP. Trong khi đó, Việt Nam vẫn coi chỉ tiêu GDP như một thành tựu, một chỉ tiêu mang tính pháp lệnh. Dùng tốc độ tăng GDP có thể dễ dàng có được những thành tích khả quan, trong khi số liệu thống kê thế nào chúng ta cũng không kiểm chứng được.
Cả chỉ tiêu GDP và GNP đều có những ưu điểm và khiếm khuyết. Đối với chỉ số GNP, nó không mang lại gì nhiều cho thu nhập của người dân nhưng nó phản ánh đúng, thực chất năng lực tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
PV: - Sự chưa nhất quán về thước đo sự phát triển của nền kinh tế đang biểu hiện vấn đề gì trong phát triển kinh tế của Việt Nam? Nó là rào cản cho sự phát triển thực chất của nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Theo ông, thay vì chạy theo GDP hay GDP bình quân đầu người, Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề gì?
TS Đinh Sơn Hùng: - Trước mắt, hãy cứ coi tăng trưởng GDP như một chỉ tiêu vì điều này cũng rất quan trọng. Chỉ tiêu GDP có thể phản ánh đúng, có thể phản ánh không đúng nền kinh tế nhưng dù sao đạt được nó cũng đã là một thành tựu và nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Dù chỉ tiêu GDP có nhiều khiếm khuyết đi chăng nữa nhưng nếu không tăng trưởng GDP thì chúng ta cũng không chuyển dịch được cơ cấu kinh tế, không có tiền để làm những việc khác.
Những chỉ tiêu nói trên chỉ có thể xem chúng phản ánh đúng bản chất, năng lực của nền kinh tế hay chưa chứ không phải là rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Cũng phải nói thêm rằng, GDP vẫn là một chỉ tiêu trong phát triển và cho tới nay, GDP của Việt Nam đã tính theo kiểu tính của quốc tế nên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, người dân không quan tâm GDP tăng trưởng bao nhiêu, họ chỉ quan tâm cuộc sống của họ thay đổi như thế nào mà thôi. Vì thế, nên chăng Việt Nam cũng cần quan tâm đến các chỉ tiêu khác như chỉ  tiêu chất lượng cuộc sống, quốc gia hạnh phúc...  như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang hướng đến.
Một quốc gia muốn hạnh phúc, người dân muốn cuộc sống của mình thay đổi thì đúng là phải tăng trưởng GDP nhưng GDP không phải là yếu tố duy nhất để xếp hạng quốc gia hạnh phúc. Nó còn bao gồm các vấn đề về môi trường sinh thái, môi trường xã hội, bộ máy công quyền thế nào... Những yếu tố này mới cải thiện đời sống nhân dân và đây mới là cái người dân cần.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Các nước trên thế giới vẫn dùng, tại sao lại muốn bỏ?
Ở đây có điều lạ là: tại sao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhanh như thế, năm nào cũng cao nhưng GDP bình quân đầu người lại thấp? Đó là mâu thuẫn.
Thường mỗi năm thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng thêm được 140-150 USD mà kế hoạch đặt ra đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người phải là 3.200-3.500 USD, trong khi khả năng năm nay chỉ đạt được 2.540 USD. Như vậy, đến năm 2020 liệu có đạt được mục tiêu đó không? Tôi e là khó.
Để đạt được mục tiêu đó thì ít nhất mỗi năm tốc độ tăng trưởng phải là 8,4%, trong khi mục tiêu tốc độ tăng GDP bình quân mỗi năm chỉ 6,5-7%. Rõ ràng là mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là còn xa.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): Bỏ chưa hẳn là hay
GDP bình quân đầu người là chỉ số được sử dụng rất phổ biến trên thế giới để đo lường thu nhập bình quân đầu người, mức sống của cư dân một quốc gia. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... rất hay sử dụng chỉ số này để xem xét, so sánh, đối chiếu mức độ tương đồng.
Chẳng hạn, để xếp một nước là nước phát triển hay nước có thu nhập trung bình cao, thu nhập trung bình thấp các tổ chức quốc tế đều phải dựa vào GDP bình quân đầu người. Vì thế, nếu nói rằng nên bỏ GDP bình quân đầu người chưa hẳn đã là hay.
Cũng phải lưu ý rằng, đời sống người dân không phải thực sự được nâng cao lên tương ứng với sự tăng trưởng GDP và tăng trưởng GDP bình quân đầu người.
GDP lẩn khuất trong đó rất nhiều thứ. Đó là tất cả những loại hàng hóa, tài sản được sản xuất trên lãnh thổ của một quốc gia, nhưng GDP không hề cho biết ai sản xuất ra tài sản ấy, tài sản ấy được phân phối cho ai, ai được hưởng lợi ích...
Ví dụ, các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đều sản xuất ra GDP , thậm chí sản xuất rất lớn. Một phần lợi nhuận thu được được phân chia cho người dân và các đối tượng, chủ thể khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam, trong khi phần rất lớn lợi nhuận đó vào tay chủ sở hữu doanh nghiệp, mà những người chủ này không phải người Việt Nam. Như vậy, mức tăng trưởng GDP không đồng nhất với ý nghĩa mức độ thụ hưởng của người Việt cũng được tăng lên.
Có hai cách để có được GDP bình quân đầu người cao: thứ nhất, thúc đẩy sản xuấ kinh doanh phát triển và GDP phải lớn. Thứ hai, giảm mức tăng trưởng dân số.
Nếu tăng trưởng GDP nhanh thì dứt khoát GDP bình quân đầu người phải cao; hoặc nếu tốc độ phát triển dân số chậm lại trong khi tăng trưởng GDP vẫn như cũ thì GDP bình quân đầu người cũng có thể tăng lên.
Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu GDP bình quân đầu người giai đoạn 2015-2020 của Việt Nam, có thể thấy rằng con số đưa ra (3.200-3.500 USD/người/năm) là không thực tế.
Như đã nói ở trên, có hai cách để tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhưng chỉ qua tính toán đơn giản cũng thấy không thể được mục tiêu đã đề ra. Đó là chưa nói đến việc nếu quản dân số không tốt, khiến dân số tăng nhanh thì không bao giờ đạt được mục tiêu.
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ tiêu GNP phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế hơn GDP. GDP của một quốc gia là sự huy động tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau vào sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia đó và lượng hàng hóa sản xuất ra được tính theo nguyên tắc: sản xuất ra ở đâu thì là hàng hóa của quốc gia đó.
Như điện thoại Samsung sản xuất ở Việt Nam, phần giá trị Việt Nam nhận được chỉ 10-15% nhưng khi xuất đi họ tính sản phẩm này của Việt Nam và trên nhãn mác vẫn ghi là Made in Vietnam.
Bên cạnh việc tính toán dễ dàng hơn, chỉ tiêu GDP được nhiều quốc gia sử dụng do còn liên quan đến việc tính thuế. Theo nguyên tắc, đã tạo ra nguồn thu ở đâu thì phải đóng thuế ở đó theo các mức quy định của Nhà nước sở tại. Cơ quan thuế sẽ đánh thuế trên sản phẩm sản xuất ra và lợi nhuận đem lại.
Trong khi đó, GNP phản ánh được thực chất một quốc gia làm ra bao nhiêu của cải và cái mà người dân được thụ hưởng nhưng cách tính lại phức tạp hơn. Khi quốc gia đó đầu tư ra nước ngoài thì phần lợi nhuận họ được hưởng từ việc đầu tư đó được tính vào GNP, nhưng nếu là đầu tư của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị trừ đi. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài mua bán trên thị trường chứng khoán và hoạt động đó làm tăng giá trị lên nhưng cuối cùng nó không được tính vào GNP của quốc gia đó.
Sử dụng chỉ tiêu GDP là cách để có được thành tích nhanh nhất. Không ở đâu GDP lại tăng trưởng dễ dàng như ở Việt Nam. Chỉ cần dăm ba năm lại mang vỉa hè ra đào lên rồi lại lấp xuống là lập tức có việc làm, có GDP tăng trưởng bởi kiểu gì nó cũng làm nảy sinh chi phí.
Với một quốc gia, sức mạnh sản xuất vẫn là vấn đề quan trọng, các tài sản quốc gia và thu nhập quốc gia đều là những chỉ số phản ánh tài khoản quốc gia. Hiện tài khoản quốc gia của Việt Nam chưa đầy đủ, và chưa có thông lệ như các quốc gia phát triển. Đó là vấn đề phải quan tâm.
Thông thường các tổ chức quốc tế có rất nhiều chỉ tiêu khác nhau để đo mức sống của người dân, mức độ hưởng thụ, mức độ quan tâm của chính quyền đối với người dân. Chẳng hạn: một năm chi cho y tế bao nhiêu, chi cho học hành bao nhiêu, nâng cấp nghề nghiệp bao nhiêu, đời sống văn hóa tinh thần bao nhiêu... Các chỉ tiêu đó đều có tính đa chiều, quan trọng là chúng ta sử dụng như thế nào và đừng lạm dụng một chỉ tiêu nào. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào một chỉ tiêu nhất định có thể chúng ta sẽ chỉ nhìn mọi thứ một chiều và bỏ qua nhiều thứ khác.
Vì lẽ đó, hãy cứ coi GDP là một trong số các chỉ tiêu đó và đừng coi đó là chỉ tiêu duy nhất để đo lường sự phát triển của nền kinh tế.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét