Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Dự án 6.000 tỷ liên doanh với Trung Quốc: Đàm phán sửa lại hợp đồng

 Cập nhật lúc 16:31

 Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc thua lỗ hơn 1.000 tỷ. Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ lớn của ngành công thương.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến các khó khăn, vướng mắc tại Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc. Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương.
Tại văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho hay Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại Hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của VTM góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án trong Quý II/2017.
 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, dự án ngàn tỷ thua lỗ, 12 dự án thua lỗ, ngành công thương, dự án thép, liên doanh trung quốc
Dự án nhà máy gang thép Lào Cai. Ảnh: L.Bằng
Trong Hợp đồng liên doanh với Trung Quốc tại dự án này đang có những yếu tố gây khó khăn cho hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) được thành lập năm 2006, là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc.
Phía Việt Nam chiếm đa số vốn với 55,7 triệu USD, phía Trung Quốc góp 45% (45,5 triệu USD), còn lại là vốn vay ngân hàng. Dự án có 2 hợp phần gồm Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) - đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ vào liên doanh này cho hay, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.
Cho nên, dù đóng góp nhiều vốn hơn (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên HĐQT nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.
Theo báo cáo của VTM, ngay sau khi đi vào hoạt động, tháng 12/2014, VTM đã lỗ 91 tỷ đồng. Năm 2015 và năm 2016, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc nên VTM phải bán phôi thép theo giá thị trường ở mức thấp hơn giá thành, quặng sắt Quý Xa không tiêu thụ được theo kế hoạch, dẫn đến lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 lên tới 1.077 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, theo báo cáo nghiên cứu khả thi 2 năm đầu dự án được lỗ 550 tỷ nhưng giờ lỗ hơn 1.000 tỷ. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, VTM đã lỗ vượt kế hoạch là 522 tỷ đồng.
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) cho biết tình hình nhà máy đang tốt dần lên. Nhà máy đang hoạt động 100% công suất, sản phẩm tiêu thụ tốt. Đến 2020 nhà máy có thể hết lỗ lũy kế.
(Theo VietNamNet) L.Bằng

Ẩn khuất đằng sau sự thăng tiến của bà Quỳnh Anh cần được làm rõ

 Cập nhật lúc 16:11

 Trong thông báo kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa có nêu rõ, việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm, quy hoạch vào vị trí lãnh đạo và được đi học cao cấp chính trị là sai quy định, nhưng tại sao lại có sai phạm đó, có điều gì ẩn khuất đằng sau là điều dư luận mong chờ được làm rõ.
Nhìn nhận kết quả thanh tra về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa), Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: Các sai phạm đã được chỉ ra, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan được nêu lên.
"Vấn đề là tới đây những tổ chức, cá nhân nêu trên có bị xử lý nghiêm khắc không chính là vấn đề dư luận mong chờ. Việc xử lý trách nhiệm cần phải làm nhanh chóng và thông tin cho công luận biết để thấy ý thức của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc khắc phục sai sót trong công tác cán bộ" - tướng Thước nói.

an khuat dang sau su thang tien cua ba quynh anh can duoc lam ro hinh anh 1 
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh không trung thực trong kê khai lý lịch Đảng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Kết luận đã nêu rõ việc bổ nhiệm, quy hoạch bà Quỳnh Anh vào vị trí lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa và cho bà này đi học cao cấp chính trị là sai.
“Cần phải xác minh làm rõ có vấn đề gì khuất tất đằng sau sự giúp sức để bà Quỳnh Anh thăng tiến “thần tốc” đó. Vấn đề này có liên quan thế nào đến câu chuyện trước đây ít tháng dư luận râm ran khi cho rằng bà này có quan hệ với một đồng chí lãnh đạo tỉnh cần phải được làm rõ. Rõ ràng bà Quỳnh Anh không phải là người xuất chúng, không có gì đặc biệt tại sao lại có sự thăng tiến nhanh như vậy, đây là câu hỏi mà người dân rất cần có sự giải đáp” – đại biểu Nhưỡng nói.
Đề cập đến vấn đề liên quan đến tài sản, tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, kết luận của tỉnh Thanh Hóa cho rằng bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức nên chưa đủ cơ sở để kiểm tra xác minh tài sản đang khiến dư luận nghi ngờ.
Thông báo kết luận có nêu trong quá trình khai lý lịch Đảng bà Quỳnh Anh đã vi phạm quy định không "khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình", bên cạnh đó báo chí nêu lên nghi vấn bà này có biệt thự nọ kia, siêu xe…Thế nên cần phải xem trước đây việc kê khai của bà này đã tiến hành thế nào, bản kê khai đó có những tài sản đó không, có trung thực không.
"Vấn đề tài sản cần phải xác minh một cách nghiêm túc đến nơi đến chốn, nếu có vi phạm phải xử lý chứ không thể để hạ cánh an toàn" - tướng Thước nói.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan chức năng Thanh Hóa cho rằng chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Trần Vũ Quỳnh Anh vì không còn là cán bộ công chức là cách nói khiến dư luận không thể nào chấp nhận được, cảm thấy có vấn đề gì đó phía sau.
"Khi bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm phó phòng, rồi trưởng phòng, cấp đó phải kê khai tài sản. Vậy việc này có được cơ quan chức năng thực hiện theo Thông tư 08/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch, tài sản thu nhập đầy đủ và minh bạch không?" - đại biểu Nhưỡng đặt câu hỏi.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM): Những sai phạm như trên, trước hết phải xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng trước, bởi vì Đảng cầm quyền, quyết định vấn đề cán bộ nên cần phải làm từ gốc trước.
"Cần phải xem xét một cách nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, tránh tình trạng kết luận nêu rõ nhưng xử lý thì nhẹ với cấp trên mà nặng với cấp dưới, phải đảm bảo công bằng trong thi hành kỷ luật, việc kỷ luật đúng thì người bị thi hành kỷ luật họ cũng thấm thía được sai phạm. Bên cạnh đó còn răn đe làm gương cho những trường hợp khác" - PGS Phúc nói.
(Theo Dân Viêt) Lương Kết

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Kiến nghị nhập Thủ Đức, quận 2, quận 9 thành TP Thủ Đức

Cập nhật lúc 16:19

 

Thông tin này được ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng ban tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết tại hội nghị 'Tổng kết công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng bộ TP.HCM' chiều 30-3.

 Kiến nghị nhập Thủ Đức, quận 2, quận 9 thành TP Thủ Đức
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban tổ chức Thành ủy báo cáo tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định việc nhập quận 9, quận 2 và Thủ Đức thành một 'thành phố trong lòng thành phố' trực thuộc TP.HCM là có đủ cơ sở thực tiễn và quy định của pháp luật.
Quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức được hình thành cách đây đúng 20 năm, trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức.
Trong 20 năm đó, vai trò sứ mệnh của việc tách huyện Thủ Đức thành ba quận đã thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển đi lên của đô thị.
“Nhưng tình hình thực tế hiện nay cho thấy cần phải có mô hình mới cho ba quận này. Xét về mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, vị trí địa lý, dân cư thì ba quận này đủ cơ sở thực tiễn để nghiên cứu thành lập thành phố trong lòng thành phố” - Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM nói.
 Khi sát nhập, ba quận này sẽ trở thành thành phố Thủ Đức, nằm ở phía Đông của TP.HCM. Theo báo cáo của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM việc hình 'thành thành phố trong lòng thành phố' tại đây sẽ  giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội phía đông thành phố.
Đồng thời tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần thu hút, giảm mật độ dân số ở các quận nội thành...
“Khi kiến nghị vấn đề này ở thời điểm năm 2008 - 2011 thì Hiến pháp chưa có quy định. Đến Hiến pháp 2013 đã có quy định về tổ chức chính quyền địa phương, cấp quận, huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có mô hình thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương” - ông Hiệp nói.
Với hai cơ sở vững chắc về pháp lý và thực tiễn yêu cầu, Trưởng ban tổ chức Thành ủy TP.HCM cho rằng đã đủ điều kiện để thành phố kiến nghị Bộ Chính trị hình thành thành phố trực thuộc thành phố. Đồng thời sẽ rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Chính trị cho phép triển khai thực hiện.
(Theo Tuổi trẻ) VIỄN SỰ
Một thành phố mới ra đời đồng nghĩa với một bộ máy hành chính, bộ máy lãnh đạo của Đảng đi theo. Hi vọng TP này nhân sự không đông đảo bằng TP "mẹ". Xem ra sự nghiệp tinh giản biên chế của Đảng còn lắm gian nan, chưa giảm được ai đã manh nha tăng cả một bộ máy!
Thương Giang

Tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về trường hợp bà Quỳnh Anh?

Cập nhật lúc 14:30

Theo thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng và Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh là các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp về việc bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Nhiều tập thể khác cũng phải chịu một phần trách nhiệm về những lùm xùm liên quan đến trường hợp này.

 
Sai sót trong quy trình bổ nhiệm công chức lãnh đạo  
Như đã phản ánh, hôm nay (30/3), UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo về kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ năm 2010 - 2015, trong đó có trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Qua những thông tin nêu trong thông báo, con đường thăng tiến thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã dần sáng tỏ. Cụ thể:
-Ngày 7/5/2013, bà Trần Vũ Quỳnh Anh trúng tuyển công chức ngạch chuyên viên năm 2012 - 2013.
-Ngày 13/9/2013, bà Trần Vũ Quỳnh Anh trúng tuyển công chức vào Sở Xây dựng.
-Bắt đầu từ ngày 30/9/2013, bà Trần Vũ Quỳnh Anh công tác tại phòng  Quản lý nhà và Thị trường bất động sản.
Việc tuyển dụng bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào công chức được khẳng định là đúng quy định.
Tuy nhiên, ngày 18/4/2014, tức 6 tháng 19 ngày kể từ khi bắt đầu công tác tại phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng.
Đến ngày 7/11/2014, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, tức 6 tháng 20 ngày sau khi nhận chức vụ Phó trưởng phòng.
Việc Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khi chưa đủ các tiêu chuẩn: “thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ ba năm trở lên”; “có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên”; “đã qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý nhà nước”, là không đúng quy định.
Cho thôi việc nhưng không thông báo 
Ngày 20/9/2016, bà Trần Vũ Quỳnh Anh có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin thôi việc tự nguyện. Ngày 23/9/2016, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành quyết định cho thôi việc đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Việc Giám đốc Sở Xây dựng cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh thôi việc là đúng quy định.
Tuy nhiên, việc Giám đốc Sở Xây dựng chưa báo cáo Sở Nội vụ về quyết định cho thôi việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh và không thông báo công khai cho cán bộ, công chức trong cơ quan biết là không đúng với các quy định và nghị định hiện hành.
Hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, đã không còn lưu giữ tại Sở Xây dựng. Lý do, ngày 23/9/2016, ông Chánh Văn phòng Sở Xây dựng đã bàn giao cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh, khi bà Trần Vũ Quỳnh Anh nhận quyết định thôi việc.
Tỉnh Thanh Hóa kết luận, việc Giám đốc Sở Xây dựng quản lý không chặt chẽ, để Chánh Văn phòng Sở giao hồ sơ công chức cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi thôi việc là không đúng quy định.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa, các cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về sai sót trong quá trình bổ nhiệm công chức lãnh đạo của Sở Xây dựng từ năm 2010 đến năm 2015 và trong việc quản lý cán bộ năm 2016 bao gồm:
-  Các thiếu sót, vi phạm trong việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo tại Sở Xây dựng thuộc trách nhiệm của giám đốc sở giai đoạn từ ngày 11/10/2010-07/12/2015.
- Tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng thời kỳ 2010-2015, chịu trách nhiệm về thiếu sót, vi phạm có liên quan.
-  Trách nhiệm tham mưu trực tiếp thuộc về ông Chánh văn phòng Sở Xây dựng thời kỳ 2010-2015 và các cán bộ, công chức có liên quan.
-  Việc đưa báo cáo về Sở Nội vụ và không công khai việc cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh thôi việc từ ngày 23/9/2016, thuộc trách nhiệm của giám đốc Sở Xây dựng hiện nay.
-  Việc giao hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi có quyết định thôi việc, thuộc trách nhiệm của giám đốc Sở Xây dựng và Chánh văn phòng Sở hiện nay.
- Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa có một phần trách nhiệm, do đã không thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, kịp thời các thiếu sót, vi phạm xảy ra tại Sở Xây dựng.
Căn cứ các sai phạm trên, ngày 29/3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn số 476-CV/TU giao Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Sở Xây dựng theo kết luận của Thanh tra tỉnh, trên cơ sở đó kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Việc bổ sung quy hoạch bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng giai đoạn 2015-2020, tại thời điểm năm 2014, tỉnh Thanh Hóa kết luận trách nhiệm thuộc về:
Tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng không thực hiện nghiêm túc việc đánh giá toàn diện cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, đã đề nghị bổ sung bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào quy hoạch, làm cho chất lượng quy hoạch thấp, tạo dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm trong việc chưa làm tốt các công tác thẩm định nhân sự đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy bà Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiêm túc làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu để xảy ra thiếu sót trên và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.
(Theo Tiền phong) Minh Hạnh

Bỏ quên bé 4 tuổi trong nhà vệ sinh: Dấu hiệu vụ Nam Trung Yên 2?

 Cập nhật lúc 14:16  

Dư luận đang rất quan tâm việc em Mai Thị Yến học sinh của trường mầm non Hương Sơn, huyện Mỹ Đức bị cô giáo bỏ quên tại nhà vệ sinh trường đến đêm. Đáng nói, bản tường trình của cô giáo này đang bị dư luận cho là gian dối, thiếu trách nhiệm. Liệu có xuất hiện một vụ nhập nhèm kiểu ''Nam Trung Yên' thứ hai?

Bà Hoàng Thanh Hương trao đổi với PV về vụ học sinh mầm non bị bỏ quên ở trường. 
Bà Hoàng Thanh Hương trao đổi với PV về vụ học sinh mầm non bị bỏ quên ở trường.

Chia sẻ với phong viên, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay ngay sau khi báo chí đưa tin về sự việc, chúng tôi đã chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức vào cuộc làm rõ.
Cụ thể, ngày 28/3, Phòng phối hợp cùng nhà trường, UBND xã Hương Sơn đã có cuộc làm việc, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất được vấn đề. Ngày hôm nay (29/3), phía Phòng báo cáo rằng, vì diễn biến sự việc phức tạp với chức năng chuyên môn của Phòng không thể xử lý được nên đã mời cơ quan công an huyện Mỹ Đức vào làm việc.
PV: Bà có ý kiến gì về việc cô hiệu trưởng trường mầm non Hương Sơn sẽ tiến hành lấy ý kiến học sinh lớp B5 xem cô giáo Hương có phạt và nhốt cháu Yến vào nhà vệ sinh như lời "tố" của gia đình hay không?
Bà Hoàng Thanh Hương: Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc này. Hiện nay, khi cơ quan công an đã vào cuộc điều tra thì nhà trường phải có nhiệm vụ phối hợp để làm rõ. Có ba lý do mà tôi cho rằng quan điểm đó là sai lầm: Thứ nhất, hiện không phải thời điểm khi công an đã vào cuộc điều tra; thứ hai, lấy ý kiến học sinh thì không phải là giải pháp tốt; thứ ba, Cô Hiệu trưởng trước khi làm việc phải xin ý kiến phòng Giáo dục, không được tự ý làm trưng cầu ý kiến các em bé.
PV: Hiện dư luận đang lo ngại về việc sẽ xảy ra một vụ “Nam Trung Yên mới”, khi cô giáo tiến hành lấy ý kiến học sinh, nhất là ở đây là các cháu mầm non còn quá nhỏ để nhận biết đâu là phải- trái, đúng- sai, bà nói sao về điều này?

Bà Hoàng Thanh Hương: Đó cũng chính là một trong những lý do tôi quan ngại, tôi đã chỉ đạo Phòng, yêu cầu không lấy ý kiến của học sinh.
PV: Quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội về phương hướng xử lý vụ việc như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thanh Hương: Dẫu sự việc ra sao thì các cô giáo cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho học sinh. Việc xử lý phải đúng người, đúng tội. Phải làm sao cho giáo viên tâm phục khẩu phục, và các cô giáo khác phải biết trung thực, nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình với trẻ.
Tôi cũng mong muốn cơ quan công an sẽ sớm có kết luận điều tra để ổn định việc học tập của học sinh.
PV: Xin cảm ơn bà!
Như đã đưa tin, trước đó chị Nguyễn Thị Thùy Dương, mẹ cháu Y (học sinh lớp 4B Trường mầm non Hương Sơn) cho biết, ngày 21/3 vừa qua, cô giáo H., giáo viên trường mầm non Hương Sơn đã nhốt con gái mình là cháu Y trong nhà vệ sinh để phạt cháu.
“Nguyên nhân của sự việc là do cháu cùng một bạn trong lớp đùa nhau. Cháu kia xô con tôi nên con tôi đã quay lại đẩy bạn. Đúng lúc đó, cô H nhìn thấy nên đã phạt con tôi bằng cách bắt đứng úp mặt vào nhà vệ sinh nhưng không phạt bạn kia”, chị Dương cho hay.

Theo lời tường thuật của chị Dương, khi tan học, bà nội của bé đến đón cháu nhưng không thấy cháu đâu, bà đã vội vã về nhà xem có ai đón cháu chưa nhưng không thấy cháu.

Gia đình quay lại trường tìm cháu Y nhưng không còn giáo viên nào ở trường vì lúc đó đã hết giờ làm việc và bảo vệ đang về để giao ca. Sau một hồi huy động mọi người tìm nhưng không thấy cháu bé, gia đình đã nhờ UBND xã Hương Sơn thông báo sự việc cháu bé mất tích lên loa phát thanh xã vào lúc 20h tối 21/3.

“Lúc ấy chị Lan, là họ hàng xa với cháu đồng thời cũng ở cùng làng đi qua trường, nghe tiếng khóc nên trèo tường vào trong thì thấy bé cháu Y khóc sưng mắt và liên tục gọi: “Bà ơi cứu con với, con sợ lắm”. Chị đã gọi mọi người và cõng cháu Y về”, chị Dương cho biết.

Được biết, sau khi gia đình nhờ phát trên hệ thống loa phát thanh xã về việc có học sinh mất tích, cô giáo H mới nhớ ra và gọi điện cho đồng nghiệp cho biết, trước đó mình đã nhốt học sinh Y vào nhà vệ sinh. Hết giờ giáo viên này ra về và... quên luôn học sinh đang bị nhốt.
Theo Người đưa tin

Hãi hùng suất ăn công nhân: Khẩu phần teo tóp

 Cập nhật lúc 10:49

 Suất cơm công nhân trị giá vốn chẳng bao nhiêu mà còn phải ngắt bớt 3%-5% tiền hoa hồng, chưa kể khoản lãi của cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp…

Trong vai chủ doanh nghiệp (DN) cần tìm cơ sở cung cấp suất ăn cho công nhân (CN), tôi gặp một người chuyên chế biến suất ăn công nghiệp trên địa bàn TP HCM tên Phong. Ông ta cho biết hiện cung cấp mỗi ngày gần 10.000 suất ăn cho một số công ty ở KCN Tân Tạo. “Nếu được cung cấp suất ăn, hằng tháng, mình sẽ gửi hoa hồng cho anh. Đó là quy luật rồi” - ông ta khẳng định.
Không chi, khó vào
Tôi hỏi DN của mình cần khoảng 2.000 suất ăn/ngày, vậy mỗi tháng được hoa hồng bao nhiêu, ông Phong cho biết “khoảng 3%-5%”. Chẳng hạn, nếu mỗi suất ăn 15.000 đồng thì hoa hồng sẽ là 450-750 đồng. Nghe tôi chê thấp, ông ta phân bua ngoài tiền hoa hồng thì còn phải lo “phải chăng” với các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng...
 
Rau củ quả kém chất lượng ở chợ đầu mối dành cho các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp
Rau củ quả kém chất lượng ở chợ đầu mối dành cho các cơ sở chế biến suất ăn công nhân
“Các khoản này đã chiếm mất 1/3 giá trị suất ăn CN rồi, chưa kể tiền nhân công, xe cộ... Nếu mua thực phẩm đàng hoàng về chế biến thì không kiếm được bao nhiêu nên nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp phải tìm đến hàng “giang hồ” (trôi nổi, không rõ nguồn gốc - PV) may ra mới bù đắp nổi” - ông ta giải thích.
Phong cho biết một người bạn của ông ta cung cấp mỗi ngày gần 2.000 suất ăn cho một DN vừa bị “đá” vì một cơ sở khác chịu chi hơn. Một chủ cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp tiết lộ: “Với nhiều DN, nếu mình chi ít, họ sẽ lấy lý do CN phàn nàn, chê bai này nọ rồi gạt ra cho đơn vị khác nhảy vào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để cung cấp bình quân 100 suất ăn/ngày, chủ cơ sở chỉ bỏ ra 30 triệu đồng đầu tư cộng với tiền gối đầu. Bởi lẽ, nhiều DN phải 3-4 tháng mới thanh toán tiền một lần.
Chủ một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp ở huyện Bình Chánh, TP HCM khẳng định: “Không ít thì nhiều, tùy quy mô DN mà “phí” bỏ ra cũng khác nhau, nếu không chi thì rất khó vào cung cấp suất ăn. Với một số DN chỉ yêu cầu chất lượng bữa ăn thì khoản chi ít hơn nhưng không dưới 3% giá trị suất ăn. Ngoài ra, chúng tôi thỉnh thoảng cũng phải đi “tiếp khách” nữa”.
Tôi nhẩm tính suất cơm CN trị giá vốn chẳng bao nhiêu, nếu còn ngắt bớt 3%-5% cho tiền hoa hồng, chưa kể khoản lãi của cơ sở cung cấp thì khẩu phần thật là teo tóp.
Thực phẩm dạt, hàng “giang hồ”
Trong vai chủ cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, tôi tìm đến chợ đầu mối Thủ Đức, TP HCM. Chủ vựa rau củ quả Hải Quỳnh cho biết giá bầu, bí ở đây có nhiều loại. Nếu mua loại hàng dạt để chế biến suất ăn cho CN thì giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Tôi phàn nàn giá cao, chủ vựa nhiệt tình giới thiệu: “Vậy anh lấy loại bầu, bí giá thấp nhất nhé, chỉ 1.500 đồng/kg nhưng đây là hàng phế phẩm, bị sâu bọ, cong vẹo nên phải mất công cắt bỏ. Nếu không thì anh lấy mướp, bắp cải, khổ qua, củ cải... đồng giá 3.000 đồng/kg?”.
Theo chủ vựa Hải Quỳnh, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp thường lấy bầu hoặc bí vì vừa rẻ tiền vừa chế biến được nhiều món. “Giá 1.500 đồng/kg là hàng loại bét rồi. Hàng tốt chúng tôi cung cấp cho siêu thị, nhà hàng với giá cao hơn hẳn” - chủ vựa cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp đã đến chợ đầu mối Thủ Đức mua rau củ quả kém chất lượng với giá rẻ. Tại vựa bên cạnh, người của cơ sở T.B ở Bình Dương đang hỏi mua cả tấn bầu. Một xe tải của Công ty TNHH N.V - chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhiều DN tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - đang mua dưa leo, củ cải trắng ở vựa khác với giá chỉ 2.500 đồng/kg...
Nhiều chủ vựa rau củ quả ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết hàng sau khi về chợ được phân ra các loại khác nhau, riêng loại cuối cùng được để sang một bên bán cho các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp. Khoảng 5 giờ, khi rau củ quả “đẹp” đã giao cho siêu thị, nhà hàng... thì cũng là lúc các loại xe đông lạnh, bán tải của những cơ sở chuyên chế biến suất ăn công nghiệp đến lấy hàng dạt.
Chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM cũng được nhiều cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp đến mua thực phẩm, nhất là thịt, cá đông lạnh, với giá “bèo”. Bà Thu, chủ một vựa thịt đông lạnh, chào bán gà nhập từ Mỹ với giá 20.000 đồng/kg. “Nhiều cơ sở cũng lấy hàng ở đây. Chị có thể giao hàng tận nơi nhưng mỗi lần phải 500 kg trở lên” - bà ta đon đả.
Tại một vựa khác, bà chủ báo giá đùi gà đông lạnh nhập từ Mỹ chỉ 18.500 đồng/kg nhưng không giao tận nơi. Giá thịt heo ở chợ này vào lúc cuối phiên cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Trước đó, tại chợ đầu mối Thủ Đức, khi tìm hiểu, tôi được biết giá thịt heo, cá dành để chế biến suất ăn công nghiệp cũng rất rẻ. Cụ thể, một công ty chào giá thịt heo chỉ 35.000 đồng/kg, cá ba sa đông lạnh 20.000 đồng/kg, thịt gà 20.000 đồng/kg... và giao hàng tận nơi.
Theo một cán bộ trạm kiểm dịch thú y, hầu hết cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp đều lấy thịt của các công ty chuyên nhập hàng “giang hồ” từ miền Trung, thậm chí tận Trung Quốc, với giá rất rẻ. Các loại thịt này hầu hết đã quá hạn sử dụng, bốc mùi, khi cơ quan chức năng phát hiện đều buộc phải tiêu hủy.
“Có thời điểm, mỗi tháng, chúng tôi phát hiện cả chục tấn thịt heo, nội tạng thối từ Trung Quốc. Hầu hết những người vận chuyển đều khai sau khi đưa vào TP HCM sẽ phân phối cho các cơ sở chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp hoặc nhà hàng, quán nhậu” - cán bộ kiểm dịch cho biết. Theo ông, một số cơ sở tinh vi hơn, chỉ nhập một phần nhỏ thực phẩm có nguồn gốc hoặc từ các lò mổ để lấy giấy tờ phòng khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, còn lại là sử dụng hàng “giang hồ”.
“Keo quá”
Trưa 19-2, khi chế biến xong, những món ăn được nhà bếp số 8 Công ty Nam Yang (KCN Song Mây; huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đưa lên bàn để chia ra khay. Người quản lý đăm chiêu tính toán, sau đó “lệnh” mỗi phần ăn bỏ vào 3 miếng cá muối chua ngọt, mỗi miếng cỡ hạt mít. Tôi vờ lỡ tay bỏ vào một khay 4 miếng thì bị người quản lý giật lại 1 miếng, làu bàu: “Ba miếng thôi cha, không đủ đâu!”. Bên cạnh tôi, nhân viên cho vào mỗi phần ăn 4-5 cọng rau muống rồi chuyển cho người khác đậy nắp khay.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên: “Ít thế, CN ăn sao đủ anh? Nếu tính cả cơm, canh nữa chắc khẩu phần ăn này không quá 5.000 đồng”. Người quản lý tặc lưỡi: “Công ty này keo quá, mỗi suất ăn chỉ 12.500 đồng chứ mấy”.
Hôm sau, khẩu phần ăn của công ty này cũng chỉ là 3 miếng thịt gà chiên bé tẹo, mấy miếng dưa leo. Còn canh thì mỗi bàn một thố, chủ yếu là nước.
(Theo Người Lao Động) THÀNH ĐỒNG

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Tài sản cán bộ không phải bí mật quốc gia

Cập nhật lúc 10:41

"Tài sản của cán bộ đã công khai để giám sát không gọi là bí mật quốc gia..."

Ngày 27/3, tại buổi họp báo quý 1/2017, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc hồ sơ kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ bị "tuồn" ra ngoài. 
Ông Quỳnh nhận định, bản kê khai tài sản này là tài liệu tối mật nên nó được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì cho rằng, tài sản ông Huỳnh Đức Thơ không phải bí mật quốc gia, nên cần không khai cho dư luận được biết và giám sát khi có phản ánh của báo chí.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia
Tài sản của quan chức đã công khai để giám sát không thể gọi là bí mật quốc gia, nhưng việc công khai thì có quy trình, quy định.
Việc Đà Nẵng sẽ tìm hiểu vì sao hồ sơ kê khai tài sản của Chủ tịch thành phố "lộ" ra ngoài là quyền của họ.
Việc tìm hiểu ai làm lộ, lọt tài liệu ra ngoài và chuyện cán bộ có tài sản lớn theo phản ánh của dư luận là hai chuyện khác nhau, cần phân biệt rõ.
Tuy nhiên, để người dân có thể giám sát chặt chẽ hơn tài sản cán bộ cần công khai nó tại nơi cư trú.
Hiện tại, việc công khai tài sản của quan chức ở nơi cư trú đang còn cân nhắc, vẫn chưa thống nhất được.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Ủy ban Pháp luật Quốc hội): Công khai mà không được xem thì công khai làm gì?
Tài sản của cá nhân là quyền nhân thân của họ được pháp luật bảo vệ quy định trong luật dân sự, nhưng nó (tài sản) không phải bí mật quốc gia. 
Luật phòng chống tham nhũng, luật công chức, viên chức cũng quy định rõ những đối tượng công khai, kê khai tài sản...
Nhưng khi cán bộ đã kê khai, công khai tài sản theo quy định, thì báo chí và người dân hoàn toàn được quyền tiếp cận, giám sát.
Bây giờ nói là công khai tài sản, nhưng lại nói đó là bí mật, không ai được xem thì công khai làm gì?
Thực tế nhiều cơ quan người ta vẫn đóng "dấu mật" về tài sản quan chức, không cung cấp cho dư luận.
 
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: quochoi.vn).

Trách nhiệm của cán bộ phải kê khai tài sản và cơ quan có thẩm quyền phải công bố bản kê khai đó trong thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Còn việc công khai bằng hình thức nào, con đường nào,
để đảm bảo quyền lợi cá nhân, quyền bí mật đời tư lại là chuyện cần phải tính đến.
Nhưng theo tôi, đã là công chức nhà nước thì phải chấp nhận điều đó. Nếu anh không phải cán bộ thì người ta không đụng được vào tài sản của anh được, trừ trường hợp anh vi phạm pháp luật.
Tất nhiên việc kê khai tài sản của chúng ta vẫn còn mang tính hình thức.
Việc sửa luật cần phải tính toán vấn đề kiểm tra, giám sát, minh bạch tài sản, tránh tình trạng kê khai xong để đó.  
Trường hợp dư luận phát hiện anh có nhiều tài sản nhưng không kê khai đầy đủ, hoặc trốn thuế thì cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra.
Khi đó tài sản của anh không còn là "bí mật" cá nhân nữa.
Ví dụ, đối với trường hợp ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, khi dư luận phát hiện khối tài sản lớn thì cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc kiểm tra xem thông tin đó có đúng hay không?
Việc này làm rõ sở hữu tài sản cán bộ và công bố cho nhân dân biết nhằm bảo vệ uy tín cán bộ trong trường hợp phản ánh đó không có cơ sở.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ kiểm soát thu nhập cán bộ, quan chức thông qua nộp thuế.
Nếu phát hiện cán bộ vi phạm pháp luật (trốn thuế) thì người ta sẽ thanh tra, kiểm tra. Thậm chí nếu có vi phạm người ta sẽ truy tố.
Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XIII): Dư luận lên tiếng, cơ quan có thẩm quyền nên kiểm tra
Tài sản của quan chức không phải bí mật quốc gia, hay một thứ gì đó tuyệt mật, nhưng được công khai ở thời điểm nào? vị trí nào, hình thức nào?
Nếu công khai theo hình thức khác quy định là không đúng.
Nhưng nếu dư luận đã lên tiếng về khối tài sản quan chức sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc xác minh và công bố cho dư luận, nhân dân được biết ai đúng, ai sai?
Đặc biệt, đối tượng được công khai thông tin đã thừa nhận đó là tài sản cuả mình kê khai trong hồ sơ cán bộ thì đã rõ ràng rồi.
 
Ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải công khai tài sản của cán bộ đương chức và kê khai tài sản phải áp dụng cả với vợ, con, người thân ruột thịt của cán bộ đương chức. ảnh: Ngọc Quang.

Thực tế tài sản quan chức không phải là bí mật quốc gia, nhưng nếu kê khai, công khai tài sản như hiện nay, người dân rất khó giám sát được cán bộ có bao nhiêu tài sản và sự biến động tài sản đó ra sao?
Bên cạnh việc công khai tài sản của cán bộ đương chức việc kê khai tài sản phải áp dụng cả với vợ, con, người thân ruột thịt của cán bộ đương chức.
Hiện tại, luật chưa có quy định công khai tài sản ở nơi cư trú... Vấn đề này cần phải xem xét, để cụ thể hóa trong luật phòng chống tham nhũng.
Điều 44 và Điều 46a Luật Phòng chống tham nhũng quy định:
Bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục. Luật cũng bổ sung quy định bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
Điều 13 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP bổ sung quy định về công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai bằng một trong hai hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem...​

(Theo Giáo dục VN) QUỐC TOẢN

Thực hư chuyện cha ruột Thái sư Trần Thủ Độ

Cập nhật lúc 10:18

Trước việc một số nhà nghiên cứu của Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử VN, Viện Nghiên cứu Hán Nôm... tôn vinh Hoằng Nghị đại vương - thần sấm - là cha ruột Thái sư Trần Thủ Độ, Ban Liên lạc họ Trần VN đã phản ứng: “Họ làm sai trái lịch sử”.
 Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình (2017) /// Ảnh: Kiều Mai Sơn
Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình (2017). ẢNH: KIỀU MAI SƠN

Khoảng trống trong lịch sử
Hoằng Nghị đại vương hiện được thờ tại công trình Đền thờ tổ họ Trần VN - tên khác nữa là Đền Nhà Ông thuộc địa phận làng Mẹo, thôn Phương La, xã Thái Phương, H.Hưng Hà, Thái Bình. Theo ông Trần Văn Trọng, người trông nom ngôi đền này, đây là đền thờ cụ Trần Hoằng Nghị - tức Hoằng Nghị đại vương. “Các nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN), Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cùng nhiều nhà khoa học khác đã thống nhất đó là cha đẻ Thái sư Trần Thủ Độ”, ông Trọng chia sẻ.
Là nhân vật kiệt xuất của nhà Trần, tuy nhiên, trong tất cả các bộ chính sử của VN từ Việt sử lược đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, Việt sử thông giám cương mục đời Nguyễn đều không thấy chép về cha đẻ Trần Thủ Độ là ai. Sách Đại Việt sử ký toàn thư do sử gia Ngô Sỹ Liên viết chỉ nói: “Trần Thủ Độ khi nhỏ ở với bác là Trần Lý”.
Vậy cha ruột của Trần Thủ Độ là ai? Đây là một khoảng trống của lịch sử chưa được làm sáng tỏ. Vì thế, Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (ngày 9.1.2007 tại Hà Nội). Mục đích nhằm cố gắng làm sáng tỏ một góc khuất trong tiểu sử và hành trạng của Thái sư Trần Thủ Độ có liên quan đến nhân vật là thân sinh danh nhân lịch sử này.
Ông Dương Trung Quốc, trong Lời nói đầu cuốn sách Hoằng Nghị đại vương (NXB Thế giới - 2015), cho biết: “Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận: Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình”. Trong cuốn sách trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu của Viện Sử học (PGS-TS Nguyễn Minh Tường, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ…); Viện Lịch sử quân sự VN (PGS-TS, đại tá Lê Đình Sỹ); Viện Nghiên cứu Hán Nôm (PGS Trần Lê Sáng, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí, PGS-TS Đinh Khắc Thuân)… đều đồng thuận nhất trí: Trần Hoằng Nghị - Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ.
PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đã công phu trình bày trong 22 trang sách, kết quả nghiên cứu từ điền dã thực tế địa phương (hỏi chuyện các cố lão), trích dẫn tư liệu trong tiểu thuyết, viện dẫn cả thần tích các làng bên cạnh... để đi tới kết luận Hoằng Nghị đại vương là cha đẻ Trần Thủ Độ. Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã chứng minh qua thần tích làng Xuân La có thờ Trang Nghị đại vương tức... Hoằng Nghị đại vương.
Sáng 28.3, Thanh Niên liên hệ với ông Nguyễn Minh Tường để làm rõ những thông tin về Hoằng Nghị đại vương. Ông Tường cho biết đang đi họp nên không trả lời. “Cuốn sách về Hoằng Nghị đại vương có trong Thư viện Quốc gia, anh cứ tìm đọc”, PGS-TS Nguyễn Minh Tường nói.
Bài viết Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ do PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) viết, được in trong sách Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới in lần đầu năm 2007, đến năm 2010 NXB Văn hóa Thông tin ấn hành với tên gọi Đức Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới tái bản năm 2015 với tên gọi Đức Hoằng Nghị đại vương. Nội dung bài viết không có gì thay đổi. Tác giả Nguyễn Minh Tường khẳng định Hoằng Nghị đại vương là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. “Có thể khẳng định Trang Nghị đại vương được thờ làm thần thành hoàng ở đình thôn Xuân La, không thể là ai khác, ngoài Hoằng Nghị đại vương” (Đức Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới, 2015, tr.34).
 Kiều Mai Sơn
Trang Nghị đại vương là thần sấm ?
Nhưng, kết quả nghiên cứu kết luận Hoằng Nghị đại vương là cha đẻ Trần Thủ Độ đã vấp phải ý kiến phản đối của chính con cháu dòng họ Trần VN và những nhà nghiên cứu khác. Lý do chính là trong các bộ chính sử, quốc sử cũng như gia phả dòng họ Trần ở nhiều chi phái, nhiều đời còn giữ được không hề có nhân vật nào tên gọi Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương, nên không thể hồ đồ công nhận một nhân vật không rõ nguồn gốc lại là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Trước việc tổ chức hội thảo rồi làm đề nghị với UBND tỉnh Thái Bình công nhận đền thờ Hoằng Nghị là tổ của họ Trần VN và là người sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ, cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Hội đồng Trần tộc VN, có đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ VH-TT-DL: “Họ đã làm sai trái lịch sử, dám làm đảo lộn cả phả hệ của họ Trần VN, dòng thứ thành dòng trưởng”.
Cụ Bảo cho biết: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Việt sử kỷ yếu và tất cả các chính sử của VN đều không có nói gì về nhân vật Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Sách Từ điển Thái Bình (2010), trong đó có hàng mấy chục trang nói về người họ Trần ở tỉnh Thái Bình, nhưng không có một chữ nào viết về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương cả.
Theo cụ Trần Ngọc Bảo: “PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) suy ra Hoằng Nghị đại vương chính là Trang Nghị đại vương được thờ ở thôn Xuân La theo thần tích. Nếu hai người này, Hoằng Nghị và Trang Nghị là một thì các ngài là thiên thần chứ không phải nhân thần”.
Cụ thể, căn cứ vào 8 đạo sắc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông, Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924), cùng bản Thần tích “Đức Ông Trang Nghị đại vương sự tích” của làng Xuân La, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu AE a5/23), do TS Mai Hồng - một chuyên gia Hán Nôm phiên âm, dịch nghĩa thì Hoằng Nghị đại vương là... thần sấm (được in trong Tài liệu địa chí Thái Bình, tập 2). Vị thần sấm này có công phù trợ Cao Biền (quan Tiết độ sứ đời Đường - thế kỷ IX) mà được phụng thờ. Các đời vua Lê Đại Hành, Trần Thái Tông thần có công phù trợ nhà vua đánh quân Tống và quân Mông Cổ xâm lược mà được gia phong mỹ tự.
Lợi dụng các nhà khoa học đưa vào mục đích riêng ?
PGS-TS Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học) và PGS-TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết bài viết của hai nhà khoa học này trong sách Hoằng Nghị đại vương đã bị Ban Biên tập (Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, PGS-TS Nguyễn Minh Tường và Ngô Vũ Hải Hằng - PV) tự ý thêm vào.  
Chia sẻ với chúng tôi, sáng 28.3, PGS-TS Tạ Ngọc Liễn khẳng định: “Cuốn sách in ra tôi không biết gì. Thậm chí, khi Kỷ yếu hội thảo in ra, có người xin, tôi cho ngay, tôi không hề đọc lại và tôi quên luôn chuyện đó”.
Về thông tin bài viết của ông trong sách có những câu viết khẳng định Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ, hoặc “Trong tham luận Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” của PGS-TS Nguyễn Minh Tường sẽ giải quyết có sức thuyết phục vấn đề này” (tr.108), ông Liễn cũng nói: “Đây là câu thêm vào. Tôi không nghiên cứu Hoằng Nghị đại vương, các ông ấy định xây một cái lăng thì tôi tra từ điển tôi viết thế nào là lăng mộ nhưng các ông ấy thêm vào. Việc thêm vào này cũng không thông qua tôi, không gửi bản thảo trước khi in để tôi đọc lại”.
Còn PGS-TS Đinh Khắc Thuân cũng khẳng định: “Trước khi in, họ không gửi bản thảo cho tôi. Sách in ra, họ cũng không gửi sách, tôi có được đọc đâu mà biết. Đến khi có người cho xem cuốn sách, tôi thấy họ đã thêm vào những câu không phải của tôi, vô lý lắm”.
Trước sự việc nêu trên, ông Thuân đã gửi bản thảo gốc và bản in sách để đối chiếu đến PGS-TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học và PGS-TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN đề nghị xem xét.
“Hội thảo về Hoằng Nghị đại vương từ năm 2007, xong ông Trần Văn Sen - khi ấy là tộc trưởng họ Trần Thái Bình, dùng bài viết trong hội thảo đó để làm những chuyện nằm trong mưu đồ của các ông, nguyên cái đó là không được. Cách làm của ông Trần Văn Sen là không đàng hoàng. Đó là lợi dụng bài viết của các nhà khoa học để dùng vào chuyện riêng của dòng họ là rất nguy hiểm”, PGS-TS Đinh Khắc Thuân nhấn mạnh. 
(Theo Thanh niên) Kiều Mai Sơn