Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Những 'vùng cấm' vô lý

Cập nhật lúc 08:59   

Theo dự thảo về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố, có 20 ngành nghề thuộc nhà nước độc quyền.

 Vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng bị đưa vào nhóm nhà nước độc quyền /// Ảnh: Ngọc Thắng
Vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng bị đưa vào nhóm nhà nước độc quyền. ẢNH: NGỌC THẮNG

Việc này không chỉ đi ngược với tiến trình đổi mới mà trong đó rất nhiều ngành nghề nên để cho tư nhân tham gia.
Cụ thể, một số ngành nghề như sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, phát hành tem bưu chính VN, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí… đều sẽ thuộc độc quyền nhà nước. 



Vấn đề quan trọng không phải là DN tư nhân hay DN nhà nước cung ứng dịch vụ, mà quan trọng là cơ chế kiểm tra, giám sát như thế nào


Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế - VCCI


Đại diện một công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản bức xúc, các quy định tạo “vùng cấm” cho doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia các hoạt động xuất bản (không bao gồm in và phát hành) và cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí là hết sức vô lý. Hiện công ty tư nhân chưa được phép mở nhà xuất bản, nhưng không ít nhà xuất bản chỉ có tên và trụ sở, không tự sản xuất mà chỉ “bán” giấy phép xuất bản cho các công ty sách.
“Nhà nước đang quản lý xuất bản thông qua 2 tầng nấc: Nhà xuất bản và Cục Xuất bản, in và phát hành. Cục là nơi cuối cùng quyết định nội dung được xuất bản và cấp giấy phép xuất bản và phát hành cho từng cuốn sách. Như vậy, hoạt động xuất bản đã được kiểm soát rất chặt, nay lại tạo vị thế độc quyền cho một số DN nhà nước để làm gì?”, vị này đặt câu hỏi và kiến nghị có thể thí điểm nhà xuất bản tư nhân, nhằm giảm bớt chi phí, đồng thời tăng chủ động cho hoạt động xuất bản.
Quan trọng là cơ chế kiểm soát
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp - Thương mại VN (VCCI), nhận định nhiều ngành nghề trong danh mục này nhà nước chỉ ở vai trò khuyến khích tạo điều kiện cho tư nhân tham gia chứ không nên độc quyền. Chẳng hạn, phát hành tem, phát hành báo chí, sản xuất - xuất nhập khẩu vàng miếng, quản lý khai thác công trình thủy lợi - thủy nông, khai thác mạng bưu chính công cộng… Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra vài năm nay thị trường vàng dần ổn định, một phần là nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đây là thời điểm hợp lý để NHNN cho phép một số đơn vị có tiềm lực kinh tế nhập khẩu vàng và giao dịch vàng trên thị trường thế giới, nhằm tăng tính liên thông thị trường trong nước với thị trường thế giới. “NHNN là đơn vị quản lý thị trường vàng, lại còn độc quyền có thể hạn chế sự tự do, thông thoáng trên thị trường”, ông nhấn mạnh.

 Những 'vùng cấm' vô lý - ảnh 3
Theo dự thảo, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng phải thuộc độc quyền nhà nướcẢNH: Đ.N.T

“Việc kiểm soát tác động tiêu cực có thể được thực hiện bằng phương pháp kiểm tra, giám sát… Ví dụ Vietlott kinh doanh xổ số là một DN nhà nước, nhưng vẫn có nhu cầu giám sát việc trao thưởng, đến mức cơ quan công an phải cử cán bộ giám sát việc quay số và trao thưởng, đơn vị kiểm toán độc lập cũng phải giám sát. Như vậy, rõ ràng vấn đề quan trọng không phải là DN tư nhân hay DN nhà nước cung ứng dịch vụ, mà quan trọng là cơ chế kiểm tra, giám sát như thế nào”, ông Tuấn nói.
PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Kinh tế luật - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, chỉ rõ trên thực tế để hiện tượng độc quyền xảy ra trong một số lĩnh vực chỉ khiến hiệu quả giảm thêm. “Ngay mục số 1 là hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thuộc độc quyền nhà nước cũng không cần thiết. Chính quy định này đã “trói” tư nhân ngành dệt may không thể tham gia thực hiện các hợp đồng lớn cung cấp trang phục cho quân đội Mỹ mà một số DN đã từng phản ánh”, TS Hảo nói. Ông dẫn chứng câu chuyện phát triển của Mỹ khi có sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực được coi là nhạy cảm này: “Chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới của Mỹ là F-35 cũng không thuộc độc quyền nhà nước. 


Trái luật về quyền tự do kinh doanh
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nhận xét: “Nếu ban hành nghị định trên sẽ có nhiều nội dung vi hiến và trái với các luật về quyền tự do kinh doanh. Đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường”.


Boeing đã cạnh tranh với F-35 bằng giá rẻ, hiện đại, nhưng chính Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tiêu chí để cho đấu thầu làm sản phẩm này. Hay công nghệ vũ trụ, khi năng lực của tư nhân chưa đáp ứng được, Mỹ lập Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để đưa phi công lên mặt trăng, nhưng nay việc đưa người lên mặt trăng cũng được thực hiện bằng công ty vũ trụ của các tỉ phú Mỹ với công nghệ hiện đại gấp đôi NASA với giá thành thấp hơn”.
Đi ngược khuynh hướng
TS Võ Trí Hảo nhận xét người xây dựng dự thảo này có sự nhầm lẫn lớn giữa những việc nhà nước bắt buộc phải làm với cấm kinh doanh thương mại. Thế nên, quy định nhà nước độc quyền đồng nghĩa cấm tư nhân tham gia.
“Tôi không hiểu sao Bộ Công thương lại có dự thảo này mà trong đó thể hiện sự nhầm lẫn về hiểu biết trong quản lý rất kỳ lạ. Chẳng hạn, hoạt động dự trữ quốc gia, in đúc tiền… là việc nhà nước phải làm, chẳng liên quan đến thương mại, đưa vào danh mục này để làm gì. Hay liên quan đến vật liệu cháy nổ cơ bản là cấm kinh doanh từ lâu, vậy đưa vào quy định độc quyền của nhà nước cũng không cần thiết”, PGS-TS Võ Trí Hảo dẫn chứng và nhấn mạnh bản thân nhà nước trong quá trình phát triển từ thời bao cấp đến đổi mới là tiến trình nhằm nỗ lực giảm độc quyền càng nhiều càng tốt. Nên nội dung trong dự thảo này là cách làm “đi ngược trở về thời bao cấp, đi ngược khuynh hướng hội nhập của xã hội”.
Về mặt luật pháp, theo ông Đậu Anh Tuấn, dự thảo nghị định có điểm chưa phù hợp với quy định tại luật Thương mại 2005. Cụ thể, luật quy định độc quyền nhà nước có thời hạn, trong khi nghị định chưa quy định thời hạn, dẫn đến việc hiểu rằng 20 ngành nghề này là độc quyền không xác định thời hạn, có thể gây ảnh hưởng khiến thị trường kém minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương lấy lý do các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và không có khả năng tham gia trong việc lựa chọn các ngành nghề đưa vào danh mục “độc quyền” theo ông Tuấn là chưa thuyết phục.
“Hiện chúng ta có Nghị định 130/2013 về hàng hóa, dịch vụ công ích, tham gia cung ứng hàng hóa mà một số thành phố lớn đã triển khai để DN tư nhân tham gia rất hiệu quả. Ngoài ra, có một số ngành nghề tư nhân không thể tham gia do chi phí đầu tư quá lớn, lâu thu hồi vốn như hạ tầng đường sắt quốc gia hay hệ thống truyền tải điện, thế nên nhà nước phải đứng ra cung ứng, dẫn đến tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, độc quyền nhà nước trong bối cảnh này là hệ quả của việc tư nhân không muốn tham gia. Còn việc tư nhân bị cấm tham gia các lĩnh vực đó là không phù hợp”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích. Ông Tuấn nêu giả thiết nếu sau này tư nhân muốn tham gia các lĩnh vực này thì sao? Chẳng lẽ phải sửa nghị định?
“Mặc dù điều 6 của nghị định có mở ra cơ chế để sửa nghị định khi tư nhân đề xuất tham gia. Nhưng như vậy thì không lẽ, quyền hiến định của DN mà lại phải đi xin nhà nước để được làm sao?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước theo dự thảo nghị định: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể); Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Sản xuất vàng miếng; Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế); Hoạt động dự trữ quốc gia; In, đúc tiền; Phát hành tem bưu chính VN; Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan; Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng; Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải; Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn; Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do nhà nước đầu tư; Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch; Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế); Xuất bản (không bao gồm in và phát hành); Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng; Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
(Theo Thanh niên) H.Nga - H.Sương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét