Cuộc
chuyển quân thần tốc tháng 2-1979
Cập nhật lúc 14:39
Trong tháng
2-1979, Trung Quốc đưa quân tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt
Nam, một chiến dịch chuyển quân thần tốc với quy mô lớn chưa từng có từ Nam
ra Bắc đã được triển khai.
Những
trang tư liệu đặc biệt và những hồi ức về chiến dịch này đã được Tuổi Trẻ ghi lại...
* Những chuyến không vận từ Nam ra Bắc
Các máy bay vận tải của trung đoàn 918
và máy bay chở khách của trung đoàn 919 đã thực hiện hàng trăm chuyến bay vận
chuyển bộ đội chủ lực và vũ khí trang bị kỹ thuật của các quân đoàn chủ lực
từ Nam ra Bắc. Một chiến dịch chuyển quân thần tốc với quy mô lớn chưa từng
có từ Nam ra Bắc đã được triển khai.
Đã có 805 chuyến bay vận chuyển quân sự
chở 8.900 lượt quân (cùng 1.000 tấn hàng) để điều chỉnh bố trí lại thế trận
của Bộ Quốc phòng.
Tận dụng tối đa máy bay
“Sáng, phi công chúng tôi dậy tập thể
dục thấy bộ đội nằm la liệt ngoài sân, ngoài hiên, ngoài vỉa hè... đông đặc
khắp sân bay. Đêm họ về lúc nào mình không biết. Đi đông thế mà giữ trật tự,
kín như bưng” - đại tá Trần Văn Tuyên, 70 tuổi, cựu giảng viên Học viện Phòng
không không quân, nguyên chủ nhiệm bay trung đoàn 918, nhớ lại.
Đó là quân chủ lực của ta được điều về
từ mặt trận Campuchia để chi viện cho biên giới phía Bắc. Trong đợt không vận
lớn nhất lịch sử không quân Việt Nam này, phi công Trần Văn Tuyên mới hàm
trung úy, là một trong hai lái chính tổ bay C-119 chở Quân đoàn 2 từ Tân Sơn
Nhất ra Bắc.
Thượng tá Trần Xuân Đô, 60 tuổi, hiện ở
TP.HCM, cho biết: “Quân đoàn 2 hành quân bằng ôtô từ Campuchia về đến Sài
Gòn. Một số đặc công - lực lượng tinh nhuệ - đi trực thăng UH-1, CH-47, Mi-8,
Mi-6 của trung đoàn 917. Trung đoàn 916 chở quân từ các nơi về sân bay Tân
Sơn Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng. Sau đó, bộ đội hành quân ra Bắc bằng máy bay của
trung đoàn không quân 918 và phi đội máy bay An-12 do các phi công Liên Xô
lái”.
Lúc đó toàn bộ phi đội máy bay AN-12
khoảng 12 chiếc do Liên Xô khẩn cấp đưa sang đã tập trung về sân bay Tân Sơn
Nhất. Riêng trung đoàn 918 có gần 40 máy bay thu được sau giải phóng nhưng
chỉ hơn 10 chiếc còn dùng được.
“Lực lượng máy bay chủ lực chở Quân
đoàn 2 ra Bắc là AN-12 do các phi công Liên Xô lái. Một ngày AN-12 bay hàng
chục chuyến. Máy bay của họ tốt, tốc độ cao, chỉ khoảng hai tiếng là đã ra đến
Hà Nội nên gần như sử dụng tối đa” - thượng tá Trần Xuân Đô nhớ lại.
Ở trung đoàn 918, loại máy bay chủ lực
để vận chuyển là C-130 (bốn tổ bay, chở tối đa gần 100 quân, tốc độ nhanh
nhất của trung đoàn 918) và C-119 (hai tổ bay, chở được 50 quân). Còn trực thăng
vận tải hạng nặng C-47 chỉ chở được 30 người lại bay chậm (năm tiếng) nên ít
được huy động, chỉ tham gia vài chuyến. Lúc đó trung đoàn 918 có khoảng sáu
chiếc C-130 nhưng chỉ dùng được bốn. C-119 có bốn máy bay nhưng chỉ sử dụng
được hai.
“Ngày đó máy bay ít. Máy bay và tổ bay
được tận dụng tối đa. Mỗi chiếc C-130 một ngày bay 2-3 chuyến từ Tân Sơn Nhất
ra Nội Bài. C-119 bay hơi chậm, hơn bốn tiếng mới ra đến nơi, có khi hơn nên
mỗi ngày chỉ bay ra được một chuyến rồi vào, sáng sau bay tiếp” - thượng tá
Trần Xuân Đô nói.
Vượt qua khó khăn
Một số phi công tham gia đợt không vận
ngày ấy chân thật kể rằng họ chỉ mới tiếp thu máy bay sau khóa học chớp
nhoáng, kiến thức để sử dụng còn hạn chế. Ngày đó máy móc trợ giúp rất ít,
không hiện đại như bây giờ. Rađa của máy bay C-119, C-47 rất kém. C-130 thì
khá hơn.
“Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng
song song rộng. Còn đường băng ở Nội Bài hố bom sứt sẹo. Mà thời tiết miền
Bắc mùa đó phức tạp lắm, anh em bay rất vất vả. Mây dày và thấp, mưa phùn. Có
cả dông. Tầm nhìn hạn chế. Toàn bay vào mây. Vừa bay vừa dự toán, bay theo
cảm giác, kinh nghiệm” - đại tá Trần Văn Tuyên kể.
Từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, mỗi chuyến
bay của C-119 mất bốn tiếng vì phải tránh mây mù, dông, mưa. Đại tá Tuyên
khẳng định: “Máy bay rung xóc như ngồi xe tải chạy trên ổ gà. Lên trời là tổ
bay hoàn toàn độc lập “tác chiến”. Lực lượng dưới mặt đất không trợ giúp được
gì. Tôi chở quân gần 10 chuyến. Có những chuyến bay trước mặt đen kịt không
nhìn thấy gì. Cứ liều bay xuyên mây, vào mưa. Có chuyến mưa như người ta cầm
xô nước đổ xuống đầu".
"Nói không ai tin chứ máy bay
C-119 tôi lái lúc đó bị dột. Anh Bích là nhân viên thông tin kiêm cơ giới phụ
phải cầm tấm gỗ che mưa cho tôi bay. C-130 còn có buồng kín chứ C-119 thì
không. Mưa, lạnh khủng khiếp. Đã thế lại phải bay vòng vo tránh mây tránh
mưa. Sau gần năm tiếng mới đến nơi”.
Đại tá Tuyên cho biết ông bay liên tục
hơn một tuần. Toàn bộ các tổ bay hoạt động với cường độ cao, cất cánh liên
tục từ sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ bay thẳng ra Nội Bài. Nhiều tổ
bay chỉ mới được phê chuẩn đã được giao nhiệm vụ bay vận chuyển đường dài.
Thượng tá Trần Xuân Đô kể: “Cả căn cứ
không quân những ngày đó vô cùng khẩn trương, nhộn nhịp. Lúc nào ở cửa ga
cũng có hàng chục máy bay đậu xếp hàng chờ đến lượt cất cánh. Tiếng động cơ
máy bay cứ ầm ầm từ sáng sớm đến chiều tối. Một ngày có hàng chục máy bay cất
cánh từ Tân Sơn Nhất. Cứ xếp quân lên là cất cánh. Máy bay dân dụng lúc đó
rất ít, chủ yếu là máy bay quân sự mà bay nhiều nhất, chở được nhiều quân
nhất là AN-12. Cường độ bay rất lớn”.
Các chuyến bay còn làm cả nhiệm vụ vận
chuyển khí tài và trang bị kỹ thuật cho các trung đoàn không quân. “Tôi tham
gia được mấy chuyến. Có chuyến chở khí tài máy bay tiêm kích F-5 của trung
đoàn 935 và máy bay ném bom A-37 của trung đoàn 937 ra Nội Bài. Có chuyến chở
cả thùng rocket, máy thông tin và thợ máy ra cho trung đoàn bạn lắp ráp vũ
khí".
"Tôi tham gia được 2-3 chuyến đi
C-130 xuống Biên Hòa chở rocket ra Nội Bài để lắp ráp lên máy bay F-5. Lúc đó
Nội Bài là sân bay quân sự. Bộ đội Quân đoàn 2 chở ra đó tập trung lực lượng
đi ôtô ngay lên biên giới. Các loại vũ khí bom, đạn, tên lửa... đầy ở sân bay
Nội Bài” - thượng tá Trần Xuân Đô cho biết.
Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ
cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-1979, tổ bay C-119 đã chở gần một trung đoàn bộ
binh ra Bắc! Sách lịch sử của trung đoàn không quân 918 viết: Chỉ trong vòng
một tháng, trung đoàn không quân 918 đã vận chuyển số lượng bộ đội và hàng
quân sự xấp xỉ bằng cả năm 1978!
(Theo Tuổi trẻ) Mi Lăng
|
Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét