"Nâng đỡ" mê tín?
Cập nhật lúc 09:45
Không rõ từ bao giờ, lễ
hội dân gian ngày càng bị biến tướng, thương mại hóa rồi thành chuyện buôn
thần, bán thánh?
Theo nhiều chuyên gia,
nhà sử học, chuyện khai ấn và phát ấn “Trần miếu tự
điển” (Tôn miếu của nhà Trần xưa) vốn chỉ là chuyện nội bộ của làng Tức Mặc
dưới thời Nguyễn để khẳng định đền “chân truyền” thờ Đức Hưng Đạo đại vương
là của mình trước việc một số nơi khác mạo nhận. Rồi Nam Định nâng cấp lễ hội
làng Tức Mặc thành lễ hội cấp quốc gia. Tiếp đó "sinh sôi" chuyện
khai, phát ấn ở đền, miếu, di tích nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Thái Bình,
Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An và gần đây còn được thử nghiệm tại khu di tích
Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)... Chuyện phát ấn ở lễ hội xem ra tốn nhiều
tâm sức hơn cả việc tuyên truyền công đức triều Trần!
Nhiều
nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm khẳng định những nghiên cứu tư liệu địa phương
chí, quốc sử các triều đại, hội điển biên soạn vào thời Nguyễn thế kỉ XIX
không thấy chi tiết nào đề cập hoạt động phát ấn ở các di tích đền Trần. Thực
tế không có lễ khai ấn nào có căn cứ lịch sử và khoa học.
Vậy nhưng những đồn thổi dân gian cùng sự
hư cấu đã khiến nhiều người tin rằng có lá ấn của đền sẽ được thăng quan,
tiến chức... Chính quyền địa phương với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị
truyền thống đã tham gia nâng tầm quy mô lễ hội mà vô tình hay hữu ý đã nâng
đỡ cho lễ tục mang tính mê tín, phi khoa học.
Phải chăng lịch sử đã bị xuyên tạc, các
truyền tích mới được tạo dựng, mạo danh việc phục hồi lễ hội truyền thống? Để
tránh mang tiếng là mê tín dị đoan, người ta hay lấy tâm linh (sự linh thiêng
xuất phát từ trong lòng người) để ngụy trang cho quan niệm, hành xử duy tâm
(trái với khoa học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử) để tôn thờ sức mạnh
lực lượng siêu nhiên, thần bí. Rồi lễ hội của làng xã được nâng lên thành lễ
hội huyện, tỉnh…, mời bằng được lãnh đạo cấp cao tham dự. Các lãnh đạo có mặt
như sự "đóng dấu ấn", thừa nhận tích truyền chưa hẳn đã đúng.
Từ đó lại thêm nhiều người ngộ nhận những lễ hội biến tướng là di sản truyền
thống! Cần biết rằng, các trò tranh cướp, đâm, chém… chưa bao giờ và không
thể là văn hóa của dân tộc ta.
Có thông tin hằng năm lễ hội khai ấn mang
về cho Nam Định khoảng 10 tỉ đồng. Lễ hội chọi trâu vốn trước đây chỉ có ở Đồ
Sơn (Hải Phòng) nay đã phát triển ra các địa phương khác cùng với dịch
vụ “ăn theo” bán thịt trâu “thiêng” giá cắt cổ. Điều này có thể đã nói lên
động cơ thực sự của việc tràn lan lễ khai ấn, phát lương, chọi trâu… ở các
địa phương hiện nay.
Để chấm dứt những lệch lạc trong lễ hội,
làm sai lệch lịch sử, biến tướng thành những hủ tục, thiết nghĩ chính quyền
các cấp cần quản lí chặt chẽ, tìm hiểu, cân nhắc kĩ khi cho phép và tham gia
mỗi lễ hội cụ thể, đồng thời mạnh dạn dẹp bỏ những tục truyền lạc hậu, không
mang tính văn hóa.
Bắc Ninh đã thay đổi được hình thức lễ chém lợn ở Ném Thượng; Quảng Nam đã từ
bỏ lễ đâm trâu của người Cơ Tu, đó là tín hiệu đáng mừng. Thiết nghĩ, các địa
phương khác nên học tập hai tỉnh này, đừng vô tình “nâng đỡ” hủ tục mê tín,
để lễ hội thực sự là những hoạt động văn hóa lành mạnh, văn minh.
(Theo Báo Người cao tuổi) Đinh
Hoàng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét