Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

 Ý TƯỞNG “ĐẠI LỘ DANH VỌNG” TẠI HỒ GƯƠM:
Biến tuyến đường đẹp nhất Hà Nội thành điểm kinh doanh
Cập nhật lúc 16:29

 
Hết sức cẩn trọng, nghiên cứu kỹ ý tưởng thương mại hóa con đường đẹp nhất thủ đô. Ảnh: Cao Nguyên
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có ý tưởng xây dựng “Tuyến đường ghi danh” tại hồ Gươm - mô hình tương tự như “Đại lộ danh vọng” ở Mỹ. Dựa vào ý tưởng này, một doanh nghiệp đề xuất khai thác tuyến phố thành điểm kinh doanh. Nếu chấp thuận đề xuất, tuyến phố đẹp nhất Hà Nội sẽ bị biến thành công cụ để kinh doanh.
Đề xuất kinh doanh
Theo các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm, phần vỉa hè phía tây trục phố Đinh Tiên Hoàng nằm sát cạnh hồ Gươm, kéo dài từ tháp Hòa Phong tới Nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng “Tuyến đường ghi danh”. Tuyến đường này dự kiến sẽ được lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Danh sách danh nhân sẽ do thành phố Hà Nội quyết định.
Ngay sau khi ý tưởng “Tuyến đường ghi danh” được đưa ra, Cty CP Đầu tư AMD đã có đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội xin đầu tư tuyến đường này dưới hình thức BOT. Theo đề xuất này, AMD sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh.
“Hiện chúng tôi đang đề xuất hình thức BOT, chúng tôi sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh, còn phương án kinh doanh như thế nào chúng tôi còn phải xem xét dựa trên những ý kiến đóng góp của nhiều bên. Có thể khi chấp thuận cho chúng tôi đầu tư “đại lộ danh vọng”, Hà Nội sẽ cho phép chúng tôi tổ chức trông xe, kinh doanh dịch vụ... tại khu vực này trong một thời hạn nhất định và chịu sự giám sát, quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau” - Giám đốc Cty AMD cho biết.
Không thương mại hóa
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - cho rằng, làm gì cũng phải tính đến hiệu quả của nó. Không có chuyện chỉ tính đến thu tiền của dân, để thấy nếu làm công trình này cái mất nhiều hơn là cái được. Khu vực hồ Gươm hiện nay là không gian hưởng thụ văn hóa của người dân thủ đô, mà đó là quyền của công dân, vì họ đã đóng tiền thuế để làm đường, giờ xây thêm một phố đi bộ ghi danh mà thu phí của dân là bất hợp lý.
Mặt khác, về việc vinh danh, ông Hùng đặt vấn đề, nói là tuyến đường ghi danh thì thử đặt ra câu hỏi hiện nay chúng ta đã vinh danh đúng hay chưa, ảnh hưởng thực sự của nó đến đời sống xã hội ra sao, có làm cho cuộc sống của người dân Hà Nội phát triển hơn không?
Nhận xét về ý tưởng cho doanh nghiệp khai thác tuyến đường dọc hồ Gươm theo hình thức BOT, TS Nguyễn Văn Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao Thông - cho rằng, biến không gian công cộng thành hợp đồng BOT là không hợp lý, sau một tuần làm việc vất vả, người dân muốn lên khu vực đó đi bộ là phải trả tiền. “Đừng thương mại hóa con đường đẹp nhất thủ đô, đường sá là công cộng để người dân đi lại, sinh sống và làm việc, chứ không phải nơi để thương mại hóa một cách đơn giản như vậy” - TS Thủy nói với PV Báo Lao Động.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần tính toán kỹ, nếu không sẽ phản tác dụng. “Việc làm con đường danh vọng để tôn vinh các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, những người có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì nhiều nơi đã làm rồi. Tôi nghĩ học hỏi là điều tốt, nhưng phải học đến nơi đến chốn, phải tạo ra môi trường để nó thích ứng, chứ đừng bắt chước, rập khuôn và phải phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt việc chọn ai, người nào, tiêu chí như thế nào để tôn vinh cũng phải hết sức cụ thể, để tránh gây tranh cãi. Nhất là chuyện đánh giá ở ta không đơn giản, mỗi người một quan điểm. Ngay việc bình xét các danh hiệu trong ngành với nhau còn tranh cãi, nói chi việc tôn vinh trên con đường danh vọng. Nếu không làm đúng mức độ của nó thì sẽ không phù hợp, không nâng cao tính bảo tồn, cũng như vấn đề tôn vinh những người có nhiều đóng góp”.
Ngoài ra, theo ông Quốc, vấn đề nữa là chuyện ý thức của người dân, trình độ dân trí ở nước ta. Nếu người dân mà vô ý thức thì việc tôn vinh lại phản tác dụng. Nhất là hình thức tôn vinh bằng việc ghi tên trên mặt đất như thế, nếu người dân ý thức chưa tốt, vứt rác bừa bãi, đi lại không khéo rồi làm nứt gạch..., sẽ gây ra những hình ảnh phản cảm. “Tôi không phản đối việc này, nhưng cũng có lời khuyên là phải hết sức cẩn trọng, nghiên cứu kỹ để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, trình độ dân trí của nước ta” - ông Quốc cho biết thêm.Đặng Chung
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, quận Hoàn Kiếm chủ trì ý tưởng, chưa lấy ý kiến các sở, ngành. Ngay cả quận Hoàn Kiếm cũng chưa có văn bản chính thức về việc này, nên Sở VHTT cũng chưa đưa ra được quan điểm cụ thể về ý tưởng này. Trong khi đó, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đây là ý tưởng được nêu ra, quận đang nghiên cứu lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
(Theo Lao động) Cao Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét