Cuộc chiến 2/1979: Trung Quốc vấp ngã trước thành đồng Việt Nam
Cập nhật lúc 10:08
(Quan hệ quốc tế) -
Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, chủ lực chưa tham chiến nhưng quân dân Việt
Nam đã giáng trả thích đáng cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc.
Bố trí binh lực trên các hướng tấn công của Trung Quốc
5h sáng ngày 17/2/1979, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chính thức
bắt đầu. Các chiến dịch quân sự đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam
dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km, từ điểm tây bắc là Pa Nậm Cúm (Lai
Châu) đến điểm đông bắc ở Pò Hèn (Quảng Ninh).
Hơn 60 vạn quân được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép,
trọng pháo đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái
sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao
Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).
Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do
Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50
(thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt
Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.
Trong đó, hướng Lạng Sơn do Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn
hướng Cao Bằng do Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.
Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí - Tư lệnh Đại Quân khu
Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50
đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai
(trước thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).
Cụ thể, hướng Hoàng Liên Sơn do Tập đoàn quân 13, 14 phụ trách tấn
công; hướng Lai Châu do Tập đoàn quân 11 đảm trách.
Ngoài ra, ở các nhánh tấn công phụ trên biên giới khu vực phía bắc và
đông bắc, thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên,
nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có ít nhất từ 2-3 sư đoàn,
sau đó tăng viện thêm.
Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người”, Trung Quốc đã
chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Tập đoàn quân chủ
lực (1 TĐQ làm nhiệm vụ dự bị) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng
32 sư đoàn bộ binh), thuộc 5 Đại quân khu.
Tổng số quân được huy động vào khoảng 620.000 quân, trong đó có hơn
300.000 quân chủ lực, được coi là thiện chiến nhất khi đó, núp dưới danh
nghĩa bộ đội địa phương. Ngoài ra, còn khoảng hơn 300.000 dân binh, thuộc lực
lượng quân dự bị.
Cuộc chiến tranh xâm lược đã được tiến hành dọc theo biên giới kéo dài
đến 900 km từ đông sang tây. Trong 30 ngày, mặc dù chỉ phải đối đầu với lực
lượng Bộ đội địa phương, dân quân-du kích nhưng quân Trung Quốc đã gặp phải
những thương vong lớn nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Lực lượng tác chiến mặt đất của Việt Nam
Lực lượng phòng ngự biên giới trước cuộc chiến
Từ năm 1978, chủ lực của Việt Nam (3 trong số 4 Quân đoàn chính quy)
đang tập trung ở mặt trận biên giới Tây-Nam để tiếp ứng cho quân đội ta đang
tiến hành cuộc chiến giải cứu nhân dân Campuchia khỏi bọn Khmer đỏ của
Polpot-Iengxary; tiễu trừ Fulro, tàn quân nổi loạn...
Vào thời điểm đó, phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số
sư đoàn chủ lực quân khu (phần lớn là tân binh) của Quân khu I, II, III cùng
các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện; công an vũ trang
(biên phòng), du kích xã và dân quân - tự vệ.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đứng chân trên khu vực biên
giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng ở Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa
Pa). Ngoài ra, còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở
Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu.
Lực lượng độc lập của ta gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung
đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
Sau khi chiến tranh xâm lược nổ ra, đến ngày 18 và 19/2, chúng ta lần
lượt bổ sung hai sư đoàn 327 của Quân khu III (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75,
540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ Quảng Ninh lên tiếp viện Quân khu I và sư
đoàn 337 của Quân khu IV, (gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn
pháo binh 108) hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra bắc, lên
tiếp viện thẳng cho mặt trận chính ở Lạng Sơn.
Để đối phó với lực lượng tấn công tới hơn 60 vạn quân của Trung Quốc,
lúc đó lực lượng phòng thủ biên giới của chúng ta chỉ có tổng cộng khoảng 7
vạn quân.
Quân đoàn chủ lực duy nhất ở ngoài bắc là Quân đoàn 1 (tức Binh đoàn
Quyết Thắng) triển khai lực lượng xây dựng một phòng tuyến bảo vệ thủ đô Hà
Nội và các tỉnh đồng bằng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là Trung Quốc đột
phá qua tuyến phòng thủ biên giới, tiến xuống vùng châu thổ sông Hồng.
Lực lượng chi viện khi cuộc chiến đã nổ ra
Cuộc chiến nổ ra giữa lúc phần lớn các quân đoàn dự bị chiến lược đang
còn phải chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia và triển khai ở miền Nam để
tiễu trừ Fulro,... Để tăng cường sức mạnh, Bộ Quốc phòng đã huy động lực
lượng tuyến sau lên chi viện như sau:
Ngày 18/2, Quân khu III được lệnh của Bộ tổng tham mưu điều động sư
đoàn bộ binh 327 (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh
120) từ Quảng Ninh lên lên biên giới phía bắc tham gia chiến đấu trong đội
hình Quân khu I.
Đến 19/2, Quân khu IV cũng được lệnh triển khai sư đoàn 337 (gồm Trung
đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn pháo binh 108) tiếp viện cho Quân khu I.
Sư đoàn đã hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra bắc, lên
tiếp viện thẳng cho mặt trận chính ở Lạng Sơn.
Ngày 25/2, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu I, Quân đội Nhân dân Việt Nam
cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập tại Mai Sao, lực lượng bao
gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 và sau này có thêm Sư đoàn 347 cùng các đơn
vị trực thuộc khác.
Bắt đầu từ ngày hôm đó, các đơn vị này đều được triển khai phòng thủ
tại điểm nóng nhất lúc này là mặt trận Lạng Sơn (trừ sư 337 đang từ Quân khu
IV ra, mãi đến ngày 2/3 mới triển khai xong đội hình ở khu vực cầu Khánh Khê).
Bộ Quốc phòng còn tăng viện thêm Trung đoàn pháo phản lực 204 (có một
tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ) Trung đoàn đặc công
198, Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn công binh 473, Lữ đoàn công binh 229 (đoàn
Sông Đà), đơn vị súng phun lửa của Trung đoàn phòng hóa 86…, cho chiến trường
Lạng Sơn.
Ngoài ra, Quân khu I chủ động điều lực lượng dự bị tăng cường cho các
hướng. Trung đoàn 197 Bắc Thái được phái đến chi viện cho hướng thị xã Lạng
Sơn và Trung đoàn 196 Hà Bắc bổ sung lực lượng cho hướng Đình Lập.
Quân khu I đã thành lập thêm Sư đoàn bộ binh 311 trên cơ sở Trung đoàn
38 Sư đoàn 473, được tuyển lựa thêm tân binh mới gia nhập quân ngũ và những
cựu binh chiến tranh chống Mỹ vừa tái ngũ, đồng thời tiến hành các hoạt động
tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Hướng Cao Bằng được tăng cường Trung đoàn 183 Hải Hưng, Tiểu đoàn đặc
công 45, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn pháo binh 675, tiểu đoàn tên
lửa chống tăng B72, Trung đoàn 38 của Sư đoàn công binh 473, Tiểu đoàn 126,
127 bộ đội địa phương tỉnh Bắc Thái (sau này tách thành tỉnh Thái Nguyên và
Bắc Kạn) cùng một số tiểu đoàn tự vệ của nhà máy gang thép Thái Nguyên, công
ty xây lắp luyện kim...
Hướng Hoàng Liên Sơn cũng được tăng cường một số đơn vị, trong đó có
tiểu đoàn pháo tầm xa của Lữ đoàn pháo binh 368...
Tính chung, tổng cộng 2 sư đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu
đoàn pháo tầm xa và 25 tiểu đoàn dự nhiệm cùng nhiều đơn vị binh chủng và dân
quân tự vệ các địa phương của Quân khu 1, 2, 3, 4 và Thủ đô Hà Nội đã được
điều động lên biên giới tham gia chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng chủ lực chưa kịp tham chiến
Đến giai đoạn 2 của cuộc chiến (theo tuyên bố của Trung Quốc là từ
26/2 - 5/3), Việt Nam đã quyết định tung lực lượng chủ lực tham chiến.
Ngày 27/2, Quân đoàn 2 chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động về
nước, tăng viện. Các trung đoàn máy bay vận tải, trực thăng vận tải Việt Nam
và Liên Xô đã dùng máy bay vận tải bốc bộ binh và vũ khí, trang bị của Quân
đoàn từ chiến trường Campuchia về miền bắc.
Tuy nhiên, việc bốc một số lượng lớn bộ binh và vũ khí trang bị từ
Campuchia về nước là điều không hề đơn giản, cùng với những lí do liên quan
đến tính chất của cuộc chiến nên mãi đến cuối cuộc chiến lực lượng chủ lực
của quân đoàn này mới kịp triển khai lên biên giới.
Trước tình hình chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt ở khu vực thị xã
Lạng Sơn và phần lớn lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 chưa về kịp, vào ngày
3-3, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị chủ lực cơ động chiến
lược của Quân đoàn 1.
Quân đoàn 1 lập tức điều Sư đoàn bộ binh 320B (sau này đổi thành 390 -
đoàn Đồng Bằng, gồm Trung đoàn bộ binh 27, 48, 64 và Trung đoàn pháo binh
54), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 209 (đoàn Sông Lô) - thuộc Sư đoàn bộ
binh 312 (đoàn Chiến Thắng) và tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm của Lữ đoàn pháo
binh 45 (đoàn Tất Thắng) cấp tốc hành quân lên Lạng Sơn.
Đến ngày 5-3, lực lượng của Quân đoàn 1 bắt đầu triển khai chiến đấu,
nhưng chưa kịp tham chiến thì Trung Quốc tuyên bố rút quân, ngay sau khi Lệnh
tổng động viên toàn quốc được công bố vào ngày hôm đó.
Về vấn đề vì sao các sự đoàn quân chủ lực Việt Nam không tham chiến từ
đầu, khi có điều kiện, chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài khác.
Lực lượng không quân và hải quân Việt Nam
Sau khi quân Trung Quốc nổ súng tiến công Việt Nam, Bộ Quốc phòng nước
ta đã ra quyết định điều một phần lực lượng Sư đoàn không quân 372 (đoàn Hải
Vân) ra Bắc làm nhiệm vụ.
Từ ngày 18/2 đến 3/3/1979, các phi đội máy bay của sư đoàn này, thuộc
Trung đoàn không quân 917 (đoàn Đồng Tháp), 935 (đoàn Đồng Nai) và 937 (đoàn
Hậu Giang) đã lần lượt bay ra Bắc, nhận nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến
đấu.
Số lượng máy bay cụ thể được điều động bao gồm 10 trực thăng UH-1, 3
máy bay trinh sát U-17, 10 máy bay cường kích A-37, 10 máy bay tiêm kích bom
F-5. Các máy bay này lần lượt được triển khai ở các căn cứ không quân Hòa
Lạc, Kép, Bạch Mai và Nội Bài.
Ngoài ra, các phi đội tiêm kích MiG-17, MiG-21 của Sư đoàn không quân
371 (đoàn Thăng Long) làm nhiệm vụ bảo vệ không phận miền Bắc đã được đặt
trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ ngay từ ngày đầu Trung Quốc mở
cuộc chiến tranh xâm lược.
Ở phía Nam, trực thăng và máy bay vận tải của Trung đoàn không quân
916 (đoàn Ba Vì), Đoàn 918 và Đoàn 919 Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam
cũng phối hợp với không quân Liên Xô, khẩn trương tập kết và vận chuyển Quân
đoàn 2 từ Campuchia về nước, lên biên giới.
Ngoài ra Đoàn bay 919 còn sử dụng máy bay vận tải Il-14 (có tiêm kích
MiG-21 yểm hộ) bay nhiều chuyến thả dù tiếp tế cho lực lượng vũ trang ta ở
khu vực xã Canh Tân-Minh Khai, Thạch An (Cao Bằng).
Tuy Việt Nam đã triển khai lực lượng máy bay tiêm, cường kích khá đông
đảo, lại vừa trải qua thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ nên trình độ tác
chiến của các phi công rất điêu luyện, nhưng chúng ta chưa sử dụng đến.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng triển khai toàn bộ lực lượng tàu thuyền bảo
vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm đó, Liên Xô cũng
đã phái tới gần 30 chiến hạm rất mạnh đến lập thành hàng rào trên biển, nhằm
tạo sự răn đe với lực lượng hải quân Trung Quốc và cả hải quân Mỹ.
Vấn đề vì sao Việt Nam và Trung Quốc không sử dụng không quân và việc
hải quân Liên Xô triển khai lực lượng trên biển Đông, nếu có điều kiện chúng
ta sẽ tìm hiểu trong một bài khác.
(Theo Đất Việt) Thiên Nam
|
Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét