“Bộ
trưởng muốn tinh giản bộ máy thì dễ bị cô lập”
Cập nhật lúc 14:31
Có đến 20/22 bộ ngành đồng thời
đề nghị tăng biên chế, chỉ có hai bộ đề xuất giảm...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại hội thảo.
Có đến 20/22 bộ ngành đồng thời đề nghị
tăng biên chế. Chỉ có hai bộ đề xuất giảm là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ,
trong đó Bộ Công Thương là tiêu biểu, đề nghị giảm mạnh nhất.
Thông tin này được ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế (Bộ Nội vụ) cập nhật tại một hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, do đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 22/2. “Tâm lý là chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm. Bộ trưởng nào muốn thực hiện tinh giảm, tinh gọn bộ máy thì dễ bị cô lập”, theo đánh giá của ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). Được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nói rất ngắn gọn vì không phụ trách lĩnh vực này. Bà Thoa cho biết Bộ Công Thương đã làm rất quyết tâm, giảm từ hơn 30 đầu mối xuống còn 28. Khó bề xoay sở Cơ cấu tổ chức của bộ ngành - khung thể chế và tổ chức thực hiện là chủ đề tham luận của ông Lê Hồng Sơn. Ông Sơn nêu thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, việc xác định cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng nhiệm vụ của các vụ là một sự dễ dãi. Thậm chí có người nói đó là sự tuỳ tiện theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu. Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng, chia nhỏ chức năng. Cá biệt có vị lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ, ngành mình. Theo ông Sơn, định chuẩn không chặt chẽ, nhận thức quan điểm không đúng đắn dẫn đến phình bộ máy, tăng biên chế- căn bệnh trầm kha khó chữa - khiến cho một số bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giảm đúng định hướng cũng khó bề xoay sở vì không xử lý được mối quan hệ nội bộ là vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ kể cả trong lãnh đạo bộ. Nhìn chung tâm lý chung chỉ muốn tăng không muốn giảm đang khá phổ biến, những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn, tinh giảm thì lại dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ, ngành, ông Sơn khái quát. Bao cấp, xin - cho còn nặng nề Đánh giá về giảm đầu mối, kiện toàn các bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhìn nhận, trong khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ thì tổ chức bên trong các bộ lại phình ra. Trong khi đó, bộ máy Chính phủ còn ôm đồm nhiều việc, phương thức điều hành còn cũ, vẫn điều hành trực tiếp làm cho chính quyền địa phương ỷ lại chờ Trung ương chỉ đạo, do đó còn giữ bộ máy lớn. Ông Phúc nhấn mạnh, tư tưởng bao cấp, xin - cho trong quản lý điều hành của các bộ còn khá nặng nề, chưa chuyển mạnh sang thực hiện chức năng mới của Chính phủ trong chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, là tập trung xây dựng thể chế, kiến tạo phát triển... Mặt khác, các bộ, cơ quan ngang bộ còn chưa thực hiện tách bạch giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và các tổ chức sự nghiệp công. Vì vậy, thực tế các bộ còn dành bộ máy khá lớn để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Như thế thì khó tinh giản được bộ máy Chính phủ theo yêu cầu cải cách. Ông Phúc cho rằng, cải cách thể chế chính trị tiến hành chưa tương xứng với cải cách kinh tế, cải cách bộ máy nhà nước. Chậm đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, Chính phủ cũng góp phần làm chậm tiến trình cải cách, điều chỉnh chức năng và cơ cấu của Chính phủ, bộ, ngành, Chính phủ chưa đủ thẩm quyền để xử lý nhanh các thay đổi của thực tiễn, ông Phúc nhận định.
(Theo VnEconomy) NGUYÊN VŨ
|
Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét