Lãi suất
liên ngân hàng bật tăng
Cập nhật lúc 10:01
Lãi
suất tiền đồng trên thị trường tiền tệ sơ cấp trong hai ngày giao dịch đầu
tuần đã bật tăng mạnh, cũng là đợt tăng đáng kể đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Giá vàng trong nước hiện cao hơn thế giới 2,7 triệu đồng/lượng. Ảnh:
Thành Hoa
Các mức lãi suất tổ chức tín
dụng chào vay lẫn nhau trên thị trường tiền đồng đã “nhảy” đồng loạt từ
ngưỡng dưới 4% lên trên 5% với tất cả các kỳ hạn.
Nếu như ở ngày giao dịch cuối tuần rồi, các ngân hàng chào
nhau giá vốn tiền đồng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần và 1 tháng
lần lượt ở mức 4,6%/năm; 4,7%/năm; 4,7 %/năm; 4,7 %/năm và 4,7%/năm thì
ngày hôm nay 21-2, các mức lãi suất đã lên tới 5,1%/năm; 5,1 %/năm; 5,1
%/năm, 5%/năm và 5%/năm, tức đã tăng thêm 0,3 đến 0,7 điểm phần trăm.
Các nhà băng cho biết, thanh khoản thị trường vẫn duy trì
được sự ổn định tuy có sụt giảm nhẹ. Song họ dự báo giá vốn trên liên ngân
hàng tuần này sẽ không giảm và nhiều khả năng các giao dịch sẽ dao động quanh
mức lãi suất trên 5%/năm.
Lý do của việc giá tiền đồng đột ngột tăng nhanh, cũng
theo các ngân hàng, không nghiêm trọng. Trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, các tổ
chức tín dụng đã “hút” nhiều tiền đồng để dự trữ thanh khoản và dành cho các
khoản tất toán cuối năm, trong đó hút mạnh tiền bơm ròng ra từ thị trường mở
(OMO), thị trường cầm cố nên nay các khoản vay OMO đến hạn phải trả, lượng tín
phiếu đáo hạn lớn khiến giá vốn bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường nhận
nguồn (đi vay vào) để đảm bảo dự trữ bắt buộc cho kỳ tháng 2-2017.
Và đáng chú ý, theo các ngân hàng, tín dụng hai tháng đầu
năm đang tăng khá nhanh tuy Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra con số chính thức.
Các tổ chức tín dụng, vì thế hiện chỉ tập trung vay ở nhóm
kỳ hạn ngắn, qua đêm đến 2 tuần, bởi họ kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ
giảm trong tuần tới đây khi khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cho vay
ra trước Tết đã, sẽ đáo hạn đáng kể trong tuần này.
Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước
trong ngày thứ Hai đầu tuần (20-2) đã bơm ra 11.000 tỉ đồng trên kênh cầm cố
với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%, lượng vốn chào thầu này được các tổ chức tín
dụng ngay lập tức hấp thụ hết.
Trong ngày 20-2 còn có 18.096 tỉ đồng đáo hạn trên kênh
cầm cố và 3.500 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, cơ quan điều hành thị trường tiền tệ đã hút ròng
3.596 tỉ đồng trên cả 2 kênh, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống
mức 53.601 tỉ đồng. Cơ quan điều hành cũng không chào thầu tín phiếu nên khối
lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 46.400 tỉ đồng. Lượng tín phiếu sẽ
được đáo hạn trong tuần này ước khoảng 49.900 tỉ đồng.
Một lý do khác đến từ mối tương quan với thị trường ngoại
tệ. Lãi suất liên ngân hàng tăng cao là nhân tố chính kìm hãm đà tăng của tỷ
giá trong ngày đầu tuần mặc dù tỷ giá đã và đang xu thế tăng thêm trong những
ngày gần đây.
Trên thị trường ngoại tệ, tuy lãi suất chào vay đô la Mỹ
giữa các tổ chức tín dụng không biến động nhiều, giảm nhẹ ở kỳ hạn ngắn và
tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài từ 2 tuần trở lên, hiện đứng ở mức 1,1%/năm với kỳ
hạn qua đêm, 1,25%/năm với kỳ hạn 1 tuần, 1,4%/năm với kỳ hạn 2 tuần,
1,6%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 1,88%/năm với kỳ hạn 3 tháng.
Song, thị trường ngoại hối liên ngân hàng vẫn trong xu thế
tiếp nối diễn biến tăng từ tuần trước. Tỷ giá đầu ngày 20-2 ở mức 22.810
đồng/đô la Mỹ, tăng dần lên đến 22.825 đồng/đô la Mỹ vào giữa phiên và giảm
nhẹ về duy trì quanh vùng 22.815-22.820 đồng/đô la Mỹ cuối ngày hôm qua. Tỷ
giá trung tâm hôm nay, 21-2, đứng ở 22.231 đồng/đô la Mỹ, giá sàn và trần lần
lượt là 22.564 đồng/đô la Mỹ và 22.898 đồng/đô la Mỹ.
Song cần lưu ý, tỷ giá không hứa hẹn yên ả. Ngày cuối tuần
(17-2) đã có một cú bật tăng sau thời gian ngắn ổn định. Sau một thời gian
lực giằng co quanh mốc 22.770 đồng/đô la Mỹ trong suốt buổi sáng, tỷ giá bật
lên 22.815 đồng/đô la Mỹ trong đầu giờ chiều, thiết lập mức đỉnh mới của tỷ
giá trong năm nay. Cùng ngày, thị trường đón nhận báo cáo xuất nhập khẩu nửa
đầu tháng 2. Theo đó, cán cân xuất nhập khẩu trong kỳ thâm hụt gần 2,4 tỉ đô
la Mỹ, “quét sạch” mức thặng dư của tháng 1 trước đó. Đó là lý do các ngân
hàng vẫn theo dõi sát diễn biến của đồng ngoại tệ.
Các nhà băng dự báo, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng vẫn
khá cao, tỷ giá vẫn đang có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, tỷ giá đã gần với
mức tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước nên khó có thể tiếp tục tăng mạnh và
đột biến.
Họ dự báo tỷ giá dự kiến dao động trong biên độ
22.750-22.850 đồng/đô la Mỹ trong tuần này.
Thị trường trái phiếu cũng bị tác động bởi lãi suất tiền
đồng và tỷ giá ngoại tệ. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, lãi suất diễn
biến theo xu hướng tăng nhẹ trong khi Kho bạc Nhà nước vẫn giữ nguyên trần
lãi suất phát hành nên các tổ chức tài chính đã không mua hết khối lượng mời
thầu.
Thị trường trái phiếu thứ cấp ghi nhận mức thanh khoản thị
trường giảm nhẹ nhưng vẫn giữ mức tương đối cao trong bối cảnh tỷ giá tăng,
thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn ở trạng thái quá dồi dào. Lợi
suất trái phiếu Chính phủ giảm nhẹ ở các kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm trở
xuống, tăng nhẹ ở kỳ hạn trái phiếu 7 năm và tiếp tục không thay đổi ở kỳ hạn
15 năm so với tuần trước. Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài
không thay đổi đáng kể.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng do giới đầu tư lo ngại các
bất ổn chính trị tại châu Âu. Giá vàng giao ngay chạm mốc 1,238 đô la
Mỹ/ounce. Giá vàng trong nước hiện quanh mốc 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào)
và 36,98 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn thế giới 2,7 triệu đồng/lượng.
(Theo TBKTSG
Online) Hồng
Phúc
|
Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét