Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 ước đạt 5,8%

Cập nhật lúc 20:16 

(TNO) Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong kỳ họp này QH sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Đây là một kỷ lục về số lượng các dự án luật được QH xem xét trong một kỳ họp.


Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, QH khóa 13 - Ảnh: Ngọc Thắng
Bên cạnh đó, theo công bố của Chủ tịch QH, kỳ họp cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ về thực hiện kinh tế - xã hội 2014 và kế hoạch năm 2015, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát tối cao chuyên đề tái cơ cấu đầu tư công và ngân hàng; nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo của TAND tối cao và công tác, phòng chống tham nhũng; chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên chính phủ.
Trong kỳ họp này, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Đồng thời, QH cũng sẽ xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; dự án sân bay Long Thành mới và có phiên họp kín về tình hình biển Đông.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo.
Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, trong 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%.
Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%). Ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỉ USD, tăng 12,1%. Nhập khẩu khoảng 146,5 tỉ USD, tăng 11%.
Thủ tướng cho biết, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, quý 1 đạt 5,09%, quý 2 đạt 5,25%, quý 3 đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%.
An sinh xã hội, nhất là chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời; các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 70%, nhiều kỹ thuật tiên tiến ngành y được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngành giáo dục đã tích cực đổi mới căn bản, toàn diện.
Hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt trên một số ngành, lĩnh vực như ngành thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư; cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được người dân đánh giá cao.
Chính phủ cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại, việc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt kết quả tích cực. Đồng thời, củng cố nền quốc phòng toàn dân, tăng cường và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,2%.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, đã thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo đó, QH đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014.
Đồng thời, báo cáo cũng đánh giá còn những khó khăn và tồn động trong tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó, du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, giá và số lượng tiêu thụ, xuất khẩu một số hàng hóa sụt giảm mạnh; tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Đặc biệt, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn và bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, chỉ đạt khoảng 17% so với kế hoạch. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tính đến cuối tháng 8.2014 là 3,9% (so với năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5.2014 là 4,07%).
Mặt khác, an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường chưa được bảo đảm; một số loại tội phạm gia tăng đáng kể (tội phạm mạng, buôn bán người, đánh bạc, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế). Việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên cơ quan trung ương tăng 19% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ trong kỳ họp QH này. Đặc biệt, nhiều ý kiến liên quan đến đời sống, các vấn đề dân sinh, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó, nhiều ý kiến cử tri đề nghi Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho nông dân; đảm bảo an toàn trên biển, đầu tư phát triển tàu cá đánh bắt xa bờ; giải quyết tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn, triều cường ở các thành phố lớn như: TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội.
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý các dự án treo để việc sử dụng đất có hiệu quả; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm môi trường.
(Theo Thanh niên) Nguyên Mi
Nhìn chung kinh tế rất sáng sủa căn cứ vào số liệu báo cáo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có điều, đời sống nhân dân ngày một khó khăn hơn, doanh nghiệp giải thể phá sản nhiều hơn, nền kinh tế làm không đủ trả nợ nước ngoài đến mức phải vay nợ để trả nợ, tăng lương hoãn năm thứ hai do không có tiền (vì cả tiền đầu tư cũng không có)!!!...
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét