Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Trụ sở nguy nga như lâu đài:

Phê bình vẫn xây, cái sau luôn to hơn cái trước

Cập nhật lúc 07:42                 

(Tin tức thời sự) - Xây trụ sở hoành tráng để tự hào ta đẹp hơn bạn là mong muốn có thể thông cảm... nhưng phải hợp túi tiền của dân.

Trong cuộc chạy đua xây trụ sở lớn, cùng với Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai mới đây còn có thêm Hải Dương đã có quy hoạch xin xây Trung tâm hành chính mới rộng 19,15 héc ta, tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.
Nhiều địa phương khác cũng khẳng định đã xây trụ sở hoặc đang lên kế hoạch, như Quảng Nam, Quảng Ngãi,... Ngay cả với Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất nước cũng đã khánh thành Khu hành chính tập trung của tỉnh. 
Nhìn những tòa nhà hành chính tập trung hoành tráng, nhiều chuyên gia gọi đó là "hội chứng" thích nhà to. Còn các tại các diễn đàn Quốc hội các ĐBQH cũng nhiều lần lên án chuyện "trụ sở nguy nga như lâu đài". Tuy nhiên, tình trạng này không những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng thành hội chứng.
Trao đổi với báo Đất Việt, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, Quốc hội (QH) cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, phải yêu cầu giám sát, truy trách nhiệm tới cùng.
 Trụ sở hoành tráng của Bình Dương
Trụ sở hoành tráng của Bình Dương
PV:- Theo ông, vì sao có sự lệch pha giữa ý chí của Quốc hội và việc thực hiện của các địa phương? Ông bình luận như thế nào về sự lệch pha này, thưa ông?
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp: -Tiếng nói của ĐBQH chính là tiếng nói đại diện cho các cử tri, đại diện cho người dân, nhưng trong câu chuyện này đã thấy có sự lệch pha giữa ý chí Quốc hội với thực tế địa phương. Thực tế, QH đã nhiều lần lên án, phản ánh, kiến nghị sự lãng phí, không cần thiết nhưng trụ sở hoành tráng  nguy nga như lâu đài của các sở, bộ ngành và địa phương vẫn đang tiếp tục tục được xây dựng.
Điều này nghĩa là gì - là người dân đang mong mỏi QH phải thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa mới mong xử lý được dứt điểm "hội chứng" này. QH cần thể hiện rõ vai trò của mình, yêu cầu Chính phủ buộc các bộ ngành, địa phương rà soát, tăng cường giám sát, truy địa chỉ trách nhiệm cụ thể để hạn chế đầu tư theo kiểu vung tay quá trán, gây lãng phí nguồn lực.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, các nguồn lực cần được xem xét đầu tư có trọng tâm như các dự án phục vụ nhu cầu an sinh, xã hội như trường học, bệnh viện hoặc các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng giao thông có sức lan tỏa giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. 
Do đó, tôi cho rằng QH cần phải tiếp tục đặt vấn đề này ra, tăng cường giám sát các bộ ngành và địa phương. Ở đây cũng phải xem xét lại vấn đề về cơ chế, chính sách đặc biệt phải rà soát lại Luật Ngân sách. Cần phải có quy định cụ thể ngân sách có thể chi cho địa phương, tỉ lệ là bao nhiêu, nguồn từ địa phương sử dụng thế nào và vào việc gì...
PV:- Hiện có nhiều lý giải rằng, trụ sở được xây dựng từ nguồn vốn "xã hội hóa", nghĩa là đổi chác quyền lợi với doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư trụ sở. Thưa ông, phải hiểu sự xã hội hóa ở đây như thế nào? Địa phương có quyền đánh đổi một số quyền lợi của địa phương được phân bổ cho doanh nghiệp để đổi lấy "trụ sở" hay không, hay quyền quyết định việc đó phải thuộc về phía người dân?
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp: - Giải thích rằng trụ sở xây dựng bằng nguồn xã hội hóa để vỗ về người dân là không hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật. Trụ sở các bộ ngành, địa phương không bao giờ có nguồn xã hội hóa mà được xây bằng tiền ngân sách của địa phương và trung ương.
Việc lý giải xã hội hóa theo hình thức lấy đất trụ sở cũ để trao đổi với DN, đổi lấy  trụ sở mới phải được hiểu như thế này. Có hai cách lý giải, thứ nhất: Đất là của địa phương tức là của nhân dân. Mang đất đó đi đấu giá được bao nhiêu nộp vào ngân sách của tỉnh, số tiền đó lại được lấy ra để đầu tư xây trụ sở. Đó vẫn là tiền của dân!
Thứ hai, có sự thỏa thuận ngầm giữa địa phương với DN, cho DN sử dụng lại đất trụ sở cũ và đổi lại DN phải xây trụ sở mới cho địa phương, rồi gọi đó là xã hội hóa. Xét cả hai trường hợp trên địa phương đều không có quyền được đem đất, tiền thuế của người dân để mang đi mua bán hoặc trao đổi, việc đó phải do người dân quyết định.
Tức là, địa phương muốn sử dụng nó phải công khai, minh bạch thông tin, HĐND phải thể hiện trung thực tiếng nói, nguyện vọng, mong muốn của người dân. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận thời gian qua tình trạng lách luật, nể nang nhau cố tình làm là có. Điều này đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong luật sở hữu tài sản công, ý kiến của người dân không được tôn trọng.
PV:- Lý giải hội chứng này các chuyên gia chỉ thẳng các địa phương xây trụ sở là vì "vừa được nhà to, lại vừa là kế sách để kiếm...GDP", ông có đồng tình với nhận xét đó không, vì sao? Lý do này đã giải thích được tại sao, tỉnh này xin xây dựng khu chế xuất, tỉnh khác lại xin xây khu công nghiệp, hết cái xây lại quay sang làm sân bay, bến cảng... Tức là phải nghĩ mọi cách kể cả đập đi xây lại là để có được GDP, để được báo cáo thành tích chưa, thưa ông?
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp: - Tôi cho rằng, lựa chọn đầu tư xây dựng làm giải pháp cứu cánh GDP là lựa chọn hồ đồ, không bền vững. Xây dựng để được giải ngân và làm tăng GDP là có, nhưng tăng trưởng bền vững không được đo bằng xây dựng trụ sở, nhà xưởng, đào đường... mà nó phụ thuộc vào hiệu quả công trình đó mang lại và sự tác động của nó tới các thành phần kinh tế khác trên địa bàn.  
Tức là cái giá trị thực của trụ sở đó phải được đưa vào một quy hoạch phát triển tổng thể của nền kinh tế địa phương và trung ương. Giá trị gia tăng GDP thực sự chỉ được phản ánh từ cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tăng hiệu quả kinh tế chứ không phải chỉ nhìn vào trụ sở to. Trụ sở to, nhưng làm không tốt cũng không thúc đẩy được kinh tế phát triển.
Tất nhiên, về mong muốn, nguyện vọng có được trụ sở to, hoành tráng đẹp hơn tỉnh bạn là tâm lý dễ thông cảm nhưng xây dựng không đặt trong quy hoạch tổng thể sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí, không sử dụng hết công năng, không tạo ra giá trị gia tăng... nền kinh tế không phát triển bền vững.
Trên thực tế, tình trạng này vẫn đang tồn tại trong thời gian qua. Tôi chỉ lấy ví dụ, xây dựng một khu chế xuất hoặc khu công nghiệp cả ngàn tỉ nhưng nếu xây chỉ để xây sẽ dẫn tới tình trạng xây dựng song không có DN đầu tư vào, không lấp đầy được diện tích quy hoạch, sản xuất không phát triển nghĩa là nguồn lực đã được đầu tư nhưng không hiệu quả, kéo theo đó là sự đi xuống của cả nền kinh tế.
PV:- Trong bối cảnh tín dụng không đến với doanh nghiệp sản xuất tư nhân, động lực của nền kinh tế, nợ công đã ở mức báo động, việc xây dựng trụ sở hay nói cách khác là đầu tư xây dựng cơ bản nhưng không có tính toán, không tương thích với nền kinh tế theo ông sẽ dẫn tới điều gì? Có thể so sánh với hình ảnh học sinh thiếu lớp học, bệnh nhân không có giường nằm nhưng địa phương vẫn xây nhà vệ sinh "dát vàng" được không, thưa ông?
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp: - Đúng vậy, nó sẽ có nhiều tác động ngược lại. Dự án vẽ ra rất đẹp với nguồn đầu tư lớn, tính toán hiệu quả trên trời, phi thực tế, đầu tư xong không có nguồn thu nghĩa là đầu tư không đem lại lợi ích như mong muốn.
Quan trọng khi xây dựng trụ sở phải nhìn vào túi tiền của địa phương và trung ương, phải sử dụng thế nào cho phù hợp, dân mới tin tưởng. Nếu công trình hoành tráng quá, nguy nga quá nhưng không phù hợp với hiện thực cuộc sống, xã hội của đất nước thì người dân cũng sẽ phê bình.
Lấy hình ảnh xây trụ sở hoành tráng, nguy nga để so sánh với hình ảnh học sinh thiếu lớp học, bệnh nhân không có giường nằm nhưng vẫn xây nhà vệ sinh "dát vàng" cũng không sai, nhưng theo tôi, đó chỉ là cách lấy hình tượng để phê bình.
PV:- Tại diễn đàn Quốc hội lần này, ông có đề cập tới vấn đề này hay không? Nếu có, theo ông, để chấm dứt "hội chứng" này, phải bắt đầu từ đâu và như thế nào?
 ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp:- Về mặt chính phủ, QH phải thấy đó  là hiện tượng không bình thưởng để mà ngăn chặn bằng quy định, pháp luật cụ thể. Đầu tư công kém hiệu quả là do quản lý, cơ chế chính sách điều hành của trung ương và địa phương chưa quy rõ trách nhiệm cụ thể. Do đó, cần phải sửa đổi luật, không thể để tình trạng chuyện đã rồi mới rút kinh nghiệm, phê bình. Phê bình rồi lại xây, xây cái mới còn to hơn cái cũ.
Chắc chắn nhiều ĐBQH sẽ có nhiều ý kiến về việc này. Tôi cho rằng, chỉ có quy định bằng pháp luật mới hạn chế triệt để tình trạng này. 
PV:- Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét