Rao bán thông tin cá nhân
Cập nhật lúc 09:25
TT
- Những thông tin thuộc loại nhạy cảm như mức thu nhập, số tiền tiết kiệm,
số dư tài khoản... của nhiều người đều được rao bán công khai.
Tên, tuổi, số điện thoại di động, fax, email, địa chỉ cơ
quan, địa chỉ nhà hay thậm chí mức thu nhập, số tiền gửi tiết kiệm, số dư tài
khoản... của đủ mọi thành phần trong xã hội đang bị nhiều đối tượng đánh cắp,
rao bán công khai.
Một nhân viên làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại TP.HCM
giật mình khi nhận được email từ một người lạ với nội dung: “Em bán danh sách
giám đốc, người thu nhập cao trên toàn quốc.
Danh sách gồm tên, số điện thoại di động, số điện thoại
bàn, fax, email, ngành nghề kinh doanh, địa chỉ công ty... có họ tên đầy đủ,
thông tin chi tiết”. Đính kèm phía dưới là bản demo (sơ lược) của gần 200 danh
sách chứa thông tin cá nhân hàng triệu khách hàng làm việc trong nhiều lĩnh
vực cả nước.
Đủ
“bộ sưu tập”
Dù rao bán rầm rộ ở “chợ đen” trên mạng, nhưng khi chúng
tôi liên hệ thì những người rao bán từ chối gặp trực tiếp và chỉ giao dịch
qua email, đồng ý chuyển tiền qua tài khoản. Sau nhiều lần thuyết phục, chiều
23-10 một người rao bán “bộ sưu tập khách hàng” tên Nhã (25 tuổi, quê Tiền
Giang) đồng ý hẹn gặp tại nhà ở đường số 8 (khu phố 4, P.Hiệp Bình Phước,
Q.Thủ Đức).
Để giới thiệu “bộ sưu tập”, Nhã mở máy tính chứa một loạt
danh sách gồm hàng ngàn giám đốc, thuê bao mạng, khách hàng gửi tiết kiệm tại
ngân hàng, khách hàng mua sắm tại các trung tâm thương mại...
Hàng ngàn cá nhân này đều có thông tin chi tiết về tên, số
điện thoại, số chứng minh nhân dân (CMND). Đặc biệt, trong số này có danh sách
của 3.400 khách hàng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng lớn, thậm chí còn có cả
số tiền gửi và số dư tài khoản.
Theo Nhã, bộ sưu tập khách hàng này có trên 130 danh sách,
được cập nhật hằng năm. Trong đó, danh sách gửi tiết kiệm ngân hàng mới cập
nhật 2014, thông tin chính xác 60-70%. Với bộ sưu tập khách hàng gửi
tiết kiệm tại các ngân hàng, Nhã ra giá bán 700.000 đồng, còn bộ sưu tập 130 danh
sách chứa trên 1 triệu thông tin cá nhân Nhã bán với giá 2 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, Nhã bán thông tin cá nhân
được một năm nay, tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Q.9 (TP.HCM) và việc bán
thông tin cá nhân chỉ là nghề “tay trái”, còn nghề chính hiện tại là kinh doanh
máy xay bột.
Để có được bộ sưu tập 1 triệu thông tin cá nhân này, Nhã
tiết lộ nhờ có “tay trong” tại các cơ quan tuồn ra để Nhã bán trục lợi. “Bán
cái này cũng hên xui, một tháng có khoảng 7-8 người mua, thu được khoảng 8 triệu
đồng/tháng” - Nhã nói.
Chiều tối 24-10, một “trùm” buôn bán thông tin cá nhân
khác lộ diện gặp chúng tôi tại quán cà phê trên đường Võ Văn Tần (Q.3).
“Trùm” này giới thiệu tên Tuyến (33 tuổi, quê Hà Nội), từng có thời gian năm
năm làm việc cho một công ty bảo hiểm ở TP.HCM.
Trước khi lộ diện giao dịch, ông Tuyến có gửi mail khoe
mình đang sở hữu 168 danh sách, trong đó có hàng ngàn khách hàng gửi tiết
kiệm ở 16 quận, huyện tại TP.HCM, 6.700 giám đốc tại Hà Nội, 9.700 giám đốc
tại TP.HCM, 5.000 thuê bao MobiFone trả sau, 19.700 thuê bao Viettel tại TP.HCM
và hàng ngàn thông tin khách hàng “Vip” mua sắm tại các trung tâm thương
mại...
Để minh chứng độ chính xác, ông Tuyến mở máy tính, nói:
“Bây giờ tôi chép ngẫu nhiên mỗi danh sách 5-10 người để bọn em gọi trực tiếp
kiểm tra, chứ thực tế các danh sách này bọn tôi xài rồi, mới cập nhật trong tháng
4-2014 nên hoàn toàn mới, chính xác 70-80%”.
Theo ông Tuyến, trước đây nhóm của ông cũng mua thông tin
rồi bán lại nhưng không chính xác nên bây giờ lập luôn “thư viện” thông tin.
Danh sách cá nhân sau khi thu thập được chia nhỏ cho tất cả nhân viên kiểm tra,
lọc lại nên chính xác hơn.
Lý giải việc có nhiều số gọi không bốc máy hoặc khóa máy, ông
Tuyến nói: “Gọi làm phiền nhiều quá nên họ nản. Bây giờ họ khôn lắm, thường
có một số cố định ở nhà và sử dụng một sim rác để giao dịch, đăng ký tất tần
tật mọi thứ”. Ông Tuyến khẳng định do có nhiều “nguồn” nên khoảng sáu tháng
danh sách sẽ được cập nhật một lần.
Nguồn
thu “khủng”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các người bán thông tin cá
nhân chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Phương thức hoạt động là đăng
thông tin rao bán thông tin cá nhân khách hàng trên mạng. Khi có khách mua,
các đối tượng gửi bản sơ lược thông tin của một số khách hàng để người mua kiểm
chứng. Đồng ý mua, những người này sẽ chuyển danh sách thông tin khách hàng
qua email và người mua chuyển tiền qua tài khoản.
Tại TP.HCM, ngoài ông Tuyến và Nhã còn có một số đối tượng
hoạt động buôn thông tin cá nhân “ẩn mình” tên Toán, Trung. Việc buôn bán này
mang lại cho các đối tượng một khoản lợi nhuận lớn.
Ông Tuyến khẳng định bộ sưu tập thông tin cá nhân được ông
bán cho nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau. Việc buôn thông tin cá nhân
đối với ông Tuyến cũng chỉ là nghề “tay trái”.
“Tùy vào đối tượng, tôi còn có danh sách thông tin khách
hàng “tinh” hơn nữa, đảm bảo thông tin chính xác 100% với giá tầm 10 triệu
đồng/danh sách. Nhưng mới gặp nên cứ làm việc vài lần đi, cần đến mức độ
“tinh” như thế nào tôi sẽ bán, cần danh sách nào tôi bán danh sách đó” - ông Tuyến
khẳng định. Với bộ sưu tập 168 danh sách thông tin cá nhân, ông Tuyến ra giá
1.200.000 đồng.
“Buôn bán cái này cũng tùy theo mùa, như mùa này là nhiều
vì cuối năm nhiều người cần thông tin khách hàng để quảng cáo, liên hệ... Mỗi
danh sách bán đi phải “chi” cho các nhân viên công ty “tuồn” danh sách. Cái này
không chỉ liên quan đến mình mà còn liên quan đến nhân viên của các công ty,
nếu lộ thì nhân viên các công ty sẽ bị nghỉ việc” - ông Tuyến nói.
Qua thông tin rao bán “số lượng lớn danh sách số điện
thoại của khách hàng”, tối 22-10 chúng tôi liên hệ với một người tên Long (26
tuổi, quê Nghệ An). Long xưng là nhân viên của một nhà mạng lớn đang công tác
ở Hà Nội.
“Nếu cần mua tôi có tất cả số điện thoại khắp cả nước” -
Long khẳng định. Hiện ở TP.HCM, Long có 600.000 thuê bao trả sau có tên, địa
chỉ và hơn 4 triệu thuê bao trả trước. 600.000 thuê bao trả sau được Long ra giá
bán 7 triệu đồng, còn hơn 4 triệu thuê bao trả trước giá bán 35 triệu đồng.
Khi chúng tôi thắc mắc độ chính xác của bộ sưu tập số điện thoại thì Long
chắc nịch: “Độ chính xác là 100%” và lý giải mình là admin (quản lý dữ liệu)
nên nắm toàn bộ hệ thống khách hàng của nhà mạng này.
Theo Long, danh sách thông tin khách hàng này cập nhật tới
đầu tháng 10-2014 và Long cũng từng bán một danh sách cho một người ở nước
ngoài. “Tôi còn có danh sách ngoài số điện thoại còn có thông tin khách hàng dùng
loại điện thoại gì và đang ở khu vực nào” - Long quảng cáo.
Giật
mình, bức xúc...
Việc thông tin cá nhân bị xâm phạm, rao bán công khai
khiến nhiều người... giật mình và vô cùng bức xúc.
Một nạn nhân của tin nhắn rác và bị gọi điện quấy rối suốt
ngày là ông P.T.H. (ngụ Q.Tân Bình). Sở dĩ ông H. liên tục bị “khủng bố” vì
các thông tin cá nhân từ số điện thoại, tên, địa chỉ nhà của mình bị rao bán trong
tập danh sách “8.000 thành viên vàng thuê bao mạng MobiFone”.
“Bên bảo hiểm, bất động sản gọi điện suốt ngày. Trong đó
bảo hiểm là phiền phức nhất, gọi liên tục. Tôi đã khẳng định không có nhu cầu
nhưng hết người này gọi đến người khác gọi” - ông H. bức bối. Theo ông H.,
ông bắt đầu bị các tin nhắn, cuộc gọi “khủng bố” từ gần hai năm nay và thời gian
gọi bất kể ngày hay đêm.
Tương tự, ông T.Q.H. - giám đốc một công ty chuyên sản
xuất ăcquy - pin khô tại TP.HCM - cũng bị rơi vào danh sách tổng hợp “9.700
giám đốc đã chọn lọc”. Khi chúng tôi thông báo thông tin cá nhân bị rao bán
thì ông H. giật mình nói không biết họ lấy từ đâu. Theo ông H., những tin nhắn,
cuộc gọi đến ông thường là mấy dịch vụ rao bán nhà, bán bảo hiểm, rao bán số
điện thoại... kể cả những tin tục tĩu.
(Theo Tuổi trẻ) HOÀNG LỘC
|
Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét