Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

“Cuộc chiến” Chống chuyển giá, trốn thuế:

Sẽ thanh tra 5 loại doanh nghiệp FDI

Cập nhật lúc 09:30  


Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) - doanh nghiệp FDI có nghi vấn chuyển giá.

Lâu nay, chuyện “lỗ giả - lãi thật” của doanh nghiệp (DN) - đặc biệt là nhóm DN FDI - trở thành đề tài “nóng”, vì xu hướng ngày càng tinh vi của hình thức trốn thuế và những khó khăn trong phòng, chống vấn nạn này. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, có tới 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá - với số tiền truy thu hơn 1.000 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 4.000 tỉ đồng - khiến không ít người giật mình!

Thua lỗ triền miên chưa hẳn là trốn thuế!
Đây là quan điểm của ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) về tình trạng nhiều DN FDI đầu tư tại Việt Nam và suốt hàng chục năm luôn báo cáo lỗ. Theo ông Hoàng, nếu không có bằng chứng cụ thể, chúng ta không được chụp mũ DN, ngay cả chuyện Metro rời Việt Nam bằng cách bán chuỗi 19 đại siêu thị sau khi triền miên báo lỗ, cũng không được khẳng định DN FDI này trốn thuế. Với nhiều DN lớn, thua lỗ trong hàng chục năm đầu kinh doanh vẫn nằm trong chiến lược dài hơi, vì họ xác định các quá trình cụ thể khi bắt tay kinh doanh (Phải chăng Metro cũng có chiến lược như vậy đến khi ôm cục tiền bán doanh nghiệp, về nước?!-Kinh Bắc).
“Với tư cách là cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, chúng tôi không chỉ xem xét khâu thực thi công việc của DN, mà phải xem xét từ quá trình góp vốn, xây dựng, triển khai… Hiện, Luật Đầu tư đã bổ sung quy định, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể giám định lại để phục vụ công tác kiểm tra giám sát. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao các ngành chức năng phối hợp xây dựng đề án chuyển giá để giám sát chặt hơn vấn đề này”, ông Hoàng cho biết.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) - cho rằng, chuyển giá đang là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng ở Việt Nam. Việc công bố công khai thông tin về các DN để tránh tình trạng trốn thuế, ông Phụng cho rằng trong luật thuế, luật DN, luật đầu tư đều có quy định công khai thông tin nhưng vấn đề là công khai ở mức độ nào, cho ai, thời điểm nào,… cần phải được tính toán. Trong khi đó, luật tín dụng, ngân hàng, thuế cũng yêu cầu công khai thông tin, nhưng phải bảo vệ DN, thông tin nào cần công bố mới công bố, thông tin cần bảo mật vẫn phải bảo mật.
Cải thiện chính sách
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201 quy định rõ hơn về các hình thức chuyển giá, tạo cơ sở pháp lý thanh tra giám sát các hành vi kinh doanh của DN. Tiến tới, chúng ta phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác giám sát. Song song đó, việc tăng cường phối hợp giữa các bộ và thể chế luật pháp phải được chú trọng, không thể có chuyện một quy định đưa ra có thể hiểu bằng nhiều cách.
Việc công khai các DN nghi vấn trốn thuế hoặc có nguy cơ xấu cần được tiến hành để người dân, đối tác, cơ quan chức năng cùng giám sát. Chế tài xử phạt phải tăng nặng, như nhiều quốc gia đã áp dụng: Có quốc gia phạt 50% số thuế DN trốn được; có quốc gia phạt tới 300% số tiền gian lận. 


Các chuyên gia phân tích vấn đề “chuyển giá, trốn thuế”.

Yếu tố con người cũng cần được quan tâm đặc biệt, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành thuế và các cơ quan chức năng liên quan là việc cấp thiết. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ này với công việc cũng góp phần quyết định sự thành - bại của chính sách thuế.
Ông Hoàng lưu ý, chúng ta cần nhận thức đúng đắn giá trị của đầu tư nước ngoài với nền kinh tế, từ đó thực thi pháp luật công bằng, minh bạch. Tránh tình trạng các nhà đầu tư quan ngại khi chúng ta cứ nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại việc này. Ngoài ra, với đa số DN FDI tại Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu - những quốc gia đánh thuế rất cao - thì đương nhiên mức thuế ưu đãi của Việt Nam chính là “thiên đường thuế”, chúng ta phải nhận thức rõ điều này trước khi thanh - kiểm tra các DN FDI.
5 nhóm doanh nghiệp sẽ bị thanh tra sớm
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, các DN trong “tầm ngắm” nghi chuyển giá, trốn thuế bao gồm: 1. DN có quan hệ với Cty mẹ ở nước ngoài (mua nguyên liệu của Cty mẹ và được Cty mẹ bao tiêu sản phẩm); 2. DN có cả vốn vay và vốn chủ sở hữu; 3. DN sử dụng giấy phép độc quyền của Cty mẹ; 4. DN giao dịch tài sản trí tuệ (không phải vật chất, khó định lượng); 5. DN có trụ sở tại các “thiên đường thuế”.
(Theo Lao động) Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét