Trung Quốc
gia tăng chống tham nhũng
Cập nhật lúc 14:11
(PetroTimes) -
Ngày 28/10, Viện Kiểm sát quân sự công bố kết luận đối với ông Từ Tài Hậu,
nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đồng thời chuyển hồ sơ để khởi tố.
Trước đó, ông Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước quân hàm Thượng
tướng.
Kết luận nêu rõ, ông Từ Tài Hậu đã lợi dụng quyền hạn,
chức vụ để gây ảnh hưởng hoặc tác động tới người khác nhằm mưu cầu lợi riêng,
mua bán chức quyền, trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ với số
tiền lớn. Ông Từ Tài Hậu đã thừa nhận tội danh và không phản đối kết luận này.
Thông báo kể trên diễn ra sau khi Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 bế mạc
(họp từ 20 đến 23/10).
Cũng trong ngày 28/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra
tuyên bố, những người tố giác hành vi tham nhũng hoặc việc làm sai trái của
người khác sẽ được bảo vệ và tặng thưởng.
Tiếp tục mạnh tay với quan
tham
Ngày 26/10, Quân ủy Trung ương công bố “hệ thống quản lý
dựa trên kết quả” dự kiến được triển khai toàn diện trong năm 2020, theo đó
cá nhân và đơn vị quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sử dụng tiền không
hiệu quả. Hệ thống này sẽ được triển khai thí điểm trong năm nay tại các trụ sở
và chỉ huy khu vực của quân đội (trong 5 năm) sẽ bảo đảm ngân sách quốc phòng
được sử dụng hiệu quả để cải thiện năng lực chiến đấu của quân đội. Chủ nhiệm
Tổng cục hậu cần Triệu Khắc Thạch cho biết, việc đánh giá sẽ được công bố
trong suốt quá trình phân bổ, thực thi và giám sát.
Trước đó (16/10), Bộ Quốc phòng cho biết, sẽ siết chặt
việc thanh tra quân đội, đồng thời nhắm vào các quan chức lớn tuổi để đảm
bảo, không một cá nhân tham nhũng nào được thăng chức và có thể thoát khỏi
hành vi sai phạm của mình. Gần 1 năm trước (6/11/2013), Tân Hoa xã đưa tin,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã quyết
định bãi bỏ toàn bộ chức danh thư ký riêng của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị
trong toàn quân. Trước đó (25/9/2013), Tân Hoa xã cho biết, ông Tập Cận
Bình ký ban hành "Chỉ thị về việc tăng cường và cải tiến công tác thẩm
định trách nhiệm kinh tế cán bộ lãnh đạo quân đội", trong đó yêu cầu
thẩm định tài sản của sĩ quan cao cấp trước khi đề bạt hoặc nghỉ hưu. Chỉ
huy cấp Trung đoàn trở lên thuộc diện quy định của chỉ thị này.
Theo giới truyền thông, trong 2 năm 2006 và 2007, Quân ủy
Trung ương đã tiến hành chống tham nhũng, hủ bại trong quân đội, nhất là
trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng các hạng mục, trang thiết bị vật tư, y
tế, giao thông vận tải, quân nhu, thông tin, mua sắm trang thiết bị, du lịch…
Theo thống kê, có hàng nghìn sỹ quan trung, cao cấp của quân đội đang bị
điều tra vì dính líu tới tham nhũng. Ngoài vụ án nổi tiếng Vương Thủ Nghiệp,
nguyên Trung tướng, Phó tư lệnh Hải quân, bị Tòa án quân sự kết án tử hình
(là sĩ quan quân đội cao cấp nhất bị kết án vì tham nhũng) vì nhận hối lộ
với tổng số tiền lên tới 160 triệu NDT (khoảng 20 triệu USD), dư luận cũng
quan tâm tới vụ điều tra mà Quân ủy Trung ương tiến hành đối với Thiếu tướng
Trịnh Trị Đống, Tư lệnh quân khu Hồ Nam - bị cáo buộc có liên quan tới vụ
tham nhũng của Bí thư thành ủy Bân Châu Lý Đại Luân.
Giới truyền thông cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4
khóa 18, các đại biểu đã xem xét và thông qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban
Kiểm tra và Kỷ luật quân sự Trung ương đối với vi phạm kỷ luật nghiêm trọng
của Phó tư lệnh quân khu Thành Đô Dương Kim Sơn.
Hơn 1 năm trước (18/7/2013), tờ South China Morning Post
từng cho biết, Trung tướng Dương Kim Sơn, Phó Tư lệnh quân khu Thành Đô, đã
bị bắt cùng các thành viên trong gia đình và thư ký.
Phó tư lệnh quân khu Thành Đô Dương Kim Sơn
Được biết, 3 Ủy viên Trung ương chính thức (Tưởng Khiết
Mẫn, Lý Đông Sinh, Dương Kim Sơn) và 3 Ủy viên dự khuyết (Lý Xuân Thành,
Vương Vĩnh Xuân, Vạn Khánh Lương) đã bị cách chức tại Hội nghị Trung ương 4
khóa 18. Trong đó, ông Lý Đông Sinh, Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân và Tưởng Khiết
Mẫn đều có liên quan trong vụ bê bối của ông Chu Vĩnh Khang. Ngoài ra, còn 2
ủy viên trung ương dự khuyết khác mới bị “song quy”, nhưng chưa bị kỷ luật
đảng là Trần Xuyên Bình, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên và Phan Dật Dương, Phó
Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông.
Theo giới truyền thông, kể từ Đại hội 18 đến nay
(gồm 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết) đã có 6 thành viên
“ngã ngựa” so với 4 thành viên (Vu Ấu Quân, Khang Nhật Tân, Bạc Hy Lai và Lưu
Chí Quân) bị “ngã ngựa” trong 5 năm của Đại hội 17.
Tờ Nhân dân nhật báo vừa dẫn số liệu từ Ủy ban Kiểm tra
và Kỷ luật trung ương, theo đó tính đến cuối tháng 8/2014, đã có 74.333 đảng
viên trong số hơn 86 triệu đảng viên bị điều tra, trong đó có 27% bị xử lý.
Kết quả này có được là nhờ chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” do ông Tập Cận
Bình phát động và đến nay đã xử lý được ít nhất 51 quan chức cấp bộ và cấp
tỉnh. Trong số đó đáng quan tâm nhất là nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính
trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang và nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy
Trung ương Từ Tài Hậu.
Ông Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung
ương Trung Quốc
Ngày 23/6, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã thành lập
Trung tâm nghiên cứu tư pháp chống tham nhũng đầu tiên ở nước này. Trung tâm
này do lãnh đạo các ban ngành chức năng chống tham nhũng quốc gia làm cố vấn,
các nhà luật học nổi tiếng làm ủy viên học thuật, những người phụ trách các
ban ngành tư pháp liên quan làm chuyên gia.
Giới truyền thông cho biết, ngay sau khi trở thành Tổng Bí
thư (tháng 11/2012), ông Tập Cận Bình đã coi chống tham nhũng là mối bận tâm
hàng đầu. Tháng 1/2013, ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh, Trung Quốc cần kiên quyết
trong công tác chống tham nhũng, trị cả “ruồi” lẫn “hổ”. Chỉ từ 23/6/2013 đến
6/7/2013, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đã điều tra đối với 3 lãnh
đạo cấp thứ trưởng là Quách Vĩnh Tường, Vương Tố Nghị và Lý Đạt Cầu.
Ngày 5/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng từng cảnh báo,
những nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thể kích hoạt sự phản
ứng từ “những con hổ tham nhũng” và họ có thể đang chuẩn bị để chiến đấu tới cùng.
Trong khi đó, ông Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung
ương coi những kết quả vừa qua mới chỉ là bắt đầu, bởi chiến dịch làm trong sạch
bộ máy chính quyền sẽ không bao giờ khép lại và những nỗ lực chống tham
nhũng đều nhận được sự ủng hộ của công chúng. Ông Vương Kỳ Sơn muốn quan
chức "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham
nhũng".
(Theo
Petrotimes) Tuấn Quỳnh
|
Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét