Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Kê khai tài sản cán bộ: Có một cách cực kỳ đơn giản

Cập nhật lúc 20:20

(PetroTimes) - Thực ra, chuyện kiểm kê tài sản cán bộ, công chức là đã có từ lâu. Tuy nhiên, do chúng ta không dám truy nguyên nguồn gốc tài sản cho nên, việc kê khai cũng chỉ mang tính hình thức, và "có cho… vui" mà thôi.
 Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên PetroTimes về kê khai tài sản cán bộ, ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của chủ trương này.
Ông bảo: "Có thể thấy, tâm lý của mỗi người khi kê khai tài sản là không muốn kê khai hết, ai cũng muốn khai ít đi. Nhưng lâu nay cơ chế của chúng ta còn đơn giản, không kiểm tra giám sát kỹ nên các cán bộ khai như thế nào thì ta biết vậy.
Hiện nay các văn bản pháp luật về vấn đề này còn đơn giản, chưa đảm bảo tính pháp lý theo một trình tự, thủ tục nhất định. Từ quy định, cách làm của chúng ta hiện nay tất sẽ dẫn đến tình trạng họ kê khai thế nào thì biết thế. Đó là điều không chấp nhận được và sẽ mãi không phát hiện được người tham nhũng, tiêu cực, người giàu có một cách không chính đáng".
Thực ra, chuyện kiểm kê tài sản cán bộ, công chức là đã có từ lâu. Tuy nhiên, do chúng ta không dám truy nguyên nguồn gốc tài sản cho nên, việc kê khai cũng chỉ mang tính hình thức, và "có cho… vui" mà thôi.
 
Biệt thự của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Thực tế, ngay một số nước tư bản phát triển, việc kiểm kê tài sản quan chức cũng khó thực hiện. Mặc dù, nhiều quốc gia có khung hình phạt, hoặc xử lý rất nghiêm quan chức có hành vi này.
Và chuyện nghĩ mưu nghĩ kế để trốn thuế, kê khai gian lận tài sản, thu nhập là chuyện "xưa như trái đất".
Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ dựa vào những khẩu hiệu suông, những bài giáo dục về đạo đức, tư cách… có thể khiến cán bộ quan chức tự giác kê khai tài sản.
Từ xưa, có câu "đồng tiền liền khúc ruột", cho nên ai đó phải mang tiền đi nộp thì "đau lắm chứ".
Ở nước ta, việc kê khai tài sản như hiện nay, chỉ tạo thêm mánh khóe nói dối cho cán bộ. Bằng chứng sờ sờ ra đấy, là rất nhiều cán bộ có tài sản khổng lồ, nhưng hầu như không thấy ai phải trả lời câu hỏi: Tiền đâu ra mà xây biệt thự? Tiền đâu ra mà làm trang trại? Tiền đâu mà mua xe xịn…
Tuy nhiên cũng có một cách đơn giản hơn nhiều, mà chúng tôi thấy cần nêu ra để mọi người tham khảo - đó là việc sử dụng "công cụ" thuế để kiểm kê, đánh giá tài sản.
Một cán bộ xây được nhà vài chục tỷ ư?
Rất tốt. "Dân giàu thì nước mạnh".
"Đồng chí" nào xây nhà to, chúng ta nên hoan nghênh. Và không nên quan tâm đặt câu hỏi "Đồng chí lấy đâu ra tiền xây nhà".
Nhưng trước khi hoan nghênh, cần có một đề nghị "nho nhỏ" là: "Đồng chí đã đóng thuế thu nhập cho số tiền này chưa? Nếu đã đóng, thì chứng từ đâu?
Nếu đồng chí có hóa đơn nộp thuế thu nhập đấy đủ, thì có nghĩa là tài sản của đồng chí là "tiền sạch". Và nên mang hoa đến "mừng nhà mới" cho người cán bộ đó.
Còn nếu không có hóa đơn nộp thuế thu nhập, thì ăn chặt đó là tiền "chưa sạch"… Và từ đó có biện pháp xử lý.
Đơn giản vậy thôi. Cứ kiểm tra thuế thu nhập của khối tài sản đó là ra hết.
Sáng kiến là vậy đó.
Rất mong được độc giả cùng góp ý.
(Theo Petrotimes) Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét