Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Bộ KHĐT "kêu" thiếu tiền: Vung tiền đổi lấy... tăng trưởng?

Cập nhật lúc 08:06 

(Tài chính) - Một giải pháp bổ béo đang được áp dụng triệt để là vay vốn rồi tung vốn ra một cách dễ dãi; đề ra nhiều dự án... để lấy tăng trưởng...

Liên quan tới con số vênh lớn giữa hai Bộ KHĐT và Bộ Tài chính gần đây, theo đó Bộ Tài chính đưa ra con số dự tính thu chi thấp hơn gần 40.000 tỷ so với Bộ KHĐT.
Lý lẽ bộ nào cũng đúng, Bộ KHĐT cho rằng, Bộ Tài chính dự toán thu chi ngân sách năm 2015 chưa chính xác dẫn tới dự toán chi cho ĐTPT thấp (chiếm 16%).
Về phía Bộ Tài chính, do bối cảnh thu ngân sách giảm (tháng 8/2014 giảm 32%), quy mô chi tiêu ngân sách lại tăng nhanh, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 tăng khoảng 9 lần so với năm 2000. Đặc biệt là chi thường xuyên chiếm 10,7%.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo Đất Việt về vấn đề này.
 Nhiều công trình đội vốn, thất thoát, lãng phí
Nhiều công trình đội vốn, thất thoát, lãng phí
PV:- Đặt trong bối cảnh nợ công tăng cao, phải vay về trả nợ, sẽ phải hiểu lý lẽ tranh cãi giữa hai bộ này thế nào, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Tôi cho rằng, ở đây là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đất nước và khả năng giải quyết nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực tế, đó là mâu thuẫn thường trực. Bất cứ một nước đang phát triển nào cũng xảy ra tình trạng nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu, nguyện vọng phát triển của con người.
Nhưng ở nền kinh tế lành mạnh, mâu thuẫn này chỉ đơn giản là tiềm lực nền kinh tế không bắt kịp cơ hội phát triển. Còn ở VN vấn đề này phức tạp hơn, ở chỗ tiềm năng có nhưng không được phát huy tốt.
Điều này thể hiện ở chỗ, vấn đề đầu tư dàn trải, tình trạng tham nhũng, lãng phí đã nhìn thấy, được chỉ ra... cuối cùng giải pháp xử lý, khắc phục gần như vẫn dậm chân tại chỗ, rất chậm trễ.
Hiện nay, Việt Nam gần như phải bó tay với nạn tham nhũng hay chống tham nhũng đã nhờn thuốc. Trong khi, tham nhũng ở Việt Nam đang sống ký sinh trên đầu tư công, tức là các nước có 10 đồng, họ đầu tư 8 đồng nhưng ở Việt Nam, do quản lý kém, thất thoát, tham nhũng nên 8 đồng đầu tư chỉ có 5 đồng vào dự án. Nghĩa là đã có 3 đồng chảy vào túi riêng, gây thất thoát vốn.
Thứ hai, ngay trong thực hiện dự án, tham nhũng cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng đầu tư, khiến dự án có chất lượng kém, đội vốn kéo dài. Ở đây có nguyên nhân do đấu thầu tiêu cực, do quan hệ, nể nang nhà thấu yếu kém nên khi xảy ra sự cố không được nhà thầu, không dám mạnh tay xử lý nhà thầu. Cuối cùng như chúng ta thấy là nhân nhượng nhau, kéo dài dự án, đội vốn lên. Đó là lý do vì sao các công trình tại VN luôn đắt hơn nhiều lần thế giới.  
PV:- Trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra khảo sát GDP bình quân đầu người năm 2013, theo đó dự báo GDP theo đầu người của VN) 1.910USSD/người) sắp thấp hơn cả Lào và Campuchia thì Bộ KHĐT đưa ra thông tin với lý lẽ đầu tư phát triển thấp, Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu. Liệu đây có phải là nguyên do mà Bộ KHĐT xin tăng nguồn ngân sách chi cho đầu tư phát triển từ 16% lên 20,8% (2015). Quan điểm của ông về việc này?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Bộ KHĐT đặt chỉ tiêu tăng trưởng là đúng vì để VN thoát được bẫy thu nhập trung bình thì VN phải đạt đượcở mức tăng trưởng nào đó. Nên họ phải đề ra, tuy nhiên đó chỉ là chỉ tiêu chứ không phải giải pháp.
Như tôi và các ĐBQH đã có ý kiến, Bộ KHĐT đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6-7% năm 2015 vậy phải làm thế nào để đạt được tăng trưởng đó? Ở đây, tôi nhìn thấy một giải pháp bổ béo đang được áp dụng triệt để là vay vốn rồi tung vốn ra một cách dễ dãi; đề ra nhiều dự án; chi ngân sách gây bội chi… như vậy là có tăng trưởng.
Nhưng như tôi đã nói cách thức tăng trưởng như vậy là cách thức không bền vững và thế giới cũng đang coi đó là nhược điểm, điểm yếu trong cách thức tăng trưởng của VN. Tức là, tăng trưởng không dựa vào chất lượng và hiệu quả trong khi chi phí môi trường, thất thoát vốn không được quản lý chặt chẽ, đó là mặt trái của sự tăng trưởng.
Không phủ nhận, trong tăng trưởng nền kinh tế luôn có yếu tố đi vay nhưng quan trọng là nhìn vào khả năng trả nợ. Nếu không sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, vay về tiêu, nền kinh tế không phát triển, không có nguồn thu... nợ chồng nợ nền kinh tế không có khả năng trả nợ. Ngược lại, đồng vốn được sử dụng tốt sẽ vừa đạt yêu cầu tăng trưởng lành mạnh lại vừa đạt yêu cầu phát triển, vừa có nguồn thu trả nợ, vừa có nguồn tích lũy cho đầu tư phát triển dài hạn.
Vậy tháo gỡ vướng mắc này thế nào? Vấn đề đầu tiên cần đề cập là yếu tố thủ tục hành chính, rườm rà, phức tạp. Cần phải cải cách, đổi mới thể chế, chính sách hành chính cho phù hợp với điều kiện kinh tế, phát triển.
Vấn đề quan trọng hơn là chống được tham nhũng, đây là một trong những nội dung đã bị Ủy ban thẩm tra Tài chính Ngân sách bỏ quên trong báo cáo. Như tôi đã nói, tham nhũng là căn bệnh sống ký sinh trong bộ máy, nó hút máu nền kinh tế, tiêu cực, chung chi, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm là môi trường nuôi dưỡng nó phát triển. Đây cũng là nguyên nhân vì sao không cải cách được thủ tục hành chính, vì cải cách không có nguồn thu nghĩa là tham nhũng sẽ chết.
Do đó để làm được triệt để, phải thực hiện cải cách từ con người, cải cách từ bộ máy đó.
PV:-Các chuyên gia đã chỉ thẳng, với cách thức tăng trưởng không dựa vào phát triển sản xuất, tăng nội lực của nền kinh tế, đầu tư công không hiệu quả, ưu đãi đổ dồn khu vực DNNN khu vực có nhiều rủi ro nhất. Đầu tư công còn tràn lan lãng phí, đầu tư nhưng không tạo ra giá trị gia tăng (dư nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam). Đặc biệt trong bối cảnh, nhiều chuyên gia đã khẳng định, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Với tình trạng đó, ông có đủ niềm tin tiếp tục chi phát triển đầu tư, đầu tư công sẽ hiệu quả?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Chúng ta lại đứng trước một mâu thuẫn mới, nếu không chi cho đầu tư phát triển thì chúng ta sẽ không thể phát triển được. Hiện cơ sở hạ tầng của VN đã kém hơn các nước đang phát triển. VN không đầu tư hạ tầng, đường hỏng không sửa, cầu gẫy không làm... kinh tế cũng không thể phát triển lên được.
Do đó, tôi cho rằng, nếu không tăng chi đầu tư phát triển được, cũng phải duy trì ở mức độ không thể thấp hơn được nữa. Đồng thời phải đẩy mạnh vai trò của QH và vai trò giám sát của ĐBQH lên, công khai các dự án, công trình xây dựng để người dân, ĐBQH cùng giám sát.
PV:- Tình trạng, vay nợ về để đáo nợ sẽ khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng nề và khó giải quyết. Nhìn từ phía ngân sách thì sẽ thấy nhà nước đi vay để đầu tư xây dựng cơ bản và trả nợ. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ rồi lại được bảo lãnh cho vay tiếp. Nợ chồng nợ như một vòng kim cô khó thoát ra được. Có thể giúp VN tránh rơi bẫy thu nhập trung bình bằng giải pháp chi đầu tư phát triển để đổi lấy tăng trưởng mức 6-7% không, thưa ông? Nếu không sẽ phải lý giải nghịch lý này thế nào?
Với vai trò là đại biểu quốc hội, theo ông VN phải làm gì để đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn để đứng vững được trước những thách thức WTO sắp tới?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Việc bắt buộc phải làm và nước nào cũng phải làm là cải cách thể chế và bộ máy hành chính, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người. Con người là yếu tố quan trọng nhất. 
Đồng thời thúc đẩy các đầu tư xã hội (đầu tư có hai nguồn, đầu tư công và đầu tư xã hội. Đầu tư xã hội là huy động nguồn lực từ nhân dân, khu vực DN tư nhân, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài...), những quốc gia phát triển lành mạnh, họ chủ yếu dựa vào khu vực này, để làm được như vậy phải có thể chế chính sách, môi trường đầu tư tốt.
Quay trở lại vấn đề cũ, để có được một thể chế chính sách tốt thì phải cải cách thủ tục hành chính, phải chống tham nhũng như vậy tư nhân mới bỏ tiền đầu tư. Nếu còn tồn tại cơ chế xin cho, tôi lấy ví dụ nhập máy móc, thiết bị vài chục triệu đô, xây dựng dự án, nhà xưởng vài chục triệu đô đáng chỉ làm trong vài tháng nhưng giờ làm cả năm thì làm sao có hiệu quả, tư nhân nào dám đầu tư.
Ngoài ra cần phải có những chính sách khuyến khích khác thúc đẩy khu vực này phát triển, nên nhớ rằng, đầu tư công chỉ là cái mồi, làm nền cho đầu tư tư nhân phát triển.
Đầu tư tư nhân mới chính là nguồn thu của đầu tư công vì có nguồn thu mới có thuế, có thuế có ngân sách mới có nguồn quay lại đầu tư công. Chỉ khi nền kinh tế xác định mục tiêu phát triển như vậy, nền kinh tế mới thoát khỏi cảnh đi vay và có khả năng trả nợ.
Cuối cùng kinh tế phải phát triển dựa vào tư nhân, đó mới là chính sách phát triển dài hạn. 
PV:- Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét