Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Đổi sim lấy bò – “chiêu” ranh mãnh của Viettel?

Cập nhật lúc 14:27

Bàn giao bò cho hộ nghèo trong chương trình của Viettel.

Theo thỏa thuận giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và Viettel, tập đoàn viễn thông này sẽ tặng 1.334 con bò giống chất lượng cao cho người dân, trong chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Tuy nhiên, đổi lại, tỉnh Quảng Ninh phải giúp tập đoàn này “bán” 20.000 sim điện thoại mới.

Chương trình nhân văn
Quảng Ninh chỉ là một trong 11 địa phương tham gia chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, được triển khai trong 2 năm, từ tháng 6.2014 - 10.2016. Mục đích của chương trình là nhằm góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh…
Tại Quảng Ninh, chương trình được thực hiện từ tháng 8.2014, với lễ phát động ủng hộ chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới”.
Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Điều hành chương trình cấp tỉnh, do Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh làm trưởng ban và lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, đoàn thể khác làm phó ban…
Với 1.334 con bò giống, Viettel dự kiến trao cho Quảng Ninh theo 5 đợt, trong đó đợt đầu vào ngày 20.10 tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu. Đợt 1 sẽ có 226 con bò giống loại tốt được đặt mua từ Ninh Bình, với giá khoảng 15 triệu đồng/con.
Đây là những con bò được tuyển chọn kỹ càng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương ở khu vực biên giới. Ngoài việc cấp không bò, người dân còn được các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò…
Theo ông Lãnh Thế Vinh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, kiêm Trưởng ban Điều hành chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” tỉnh Quảng Ninh - nhiều hộ nằm trong danh sách được tặng bò đã có kế hoạch thành lập nhóm để chăn nuôi bò theo mô hình hợp tác xã, nhằm chia sẻ, hỗ trợ và phát huy hơn nữa “tài sản” của Viettel trao tặng.
Với người được nhận bò thì những món quà trên vô cùng quý giá ở cả giá trị vật chất và tinh thần, nhưng để có bò tặng cho dân thì Quảng Ninh phải đáp ứng một số yêu cầu của Viettel, mà thực chất Quảng Ninh phải giúp Viettel “bán” 20.000 sim mới, với những điều khoản khắt khe.
Phải mua sim, sử dụng dịch vụ mới có bò?
Trong công văn số 1195/QNH-PKDDĐ gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngày 10.9.2014, Chi nhánh Viettel Quảng Ninh cho biết, “việc tặng bò cho các hộ nghèo vùng biên giới thông qua việc tự nguyện mua và sử dụng dịch vụ thông tin của Viettel để tạo nguồn kinh phí mua bò giống”.
 Khách hàng có thể lựa chọn các dịch vụ: Di động trả sau, Dcom trả sau, Internet băng thông rộng, Gói FTTH cơ quan đơn vị hoặc dịch vụ truyền hình chất lượng cao Next TV. Tùy theo từng loại dịch vụ, khách hàng đóng những khoản tiền và bắt buộc phải dùng trong một khoảng thời gian nhất định. Cũng tùy theo từng loại dịch vụ, mà Viettel quy đổi ra số lượng bò. Ví dụ: 15 thuê bao di động trả sau tương đương với 1 con bò; 15 thuê báo Dcom trả sau gói Dmax 150 quy đổi 1 con bò…
 Phổ thông và khả thi nhất có lẽ là dịch vụ di động trả sau, nhưng khách phải trả giá thuê bao thấp nhất là 100.000 đồng/tháng (chưa kể 50.000 đồng hòa mạng/sim).
 Vì thế, thuê bao 15 sim trong 3 năm với mức 100.000 đồng/tháng/thuê bao là 54.000.000 đồng, trong khi giá một con bò ước tính khoảng 15 triệu đồng.
 UBND tỉnh Quảng Ninh chọn phương án này, theo công văn số 90/KH-BCĐ, ngày 5.9.2014. Công văn cũng yêu cầu “phát huy vai trò của từng địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang trong việc tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tặng bò cho các hộ nghèo vùng biên giới thông qua việc tự nguyện mua và sử dụng dịch vụ thông tin của Viettel để tạo nguồn kinh phí mua bò giống thực hiện chương trình”.
 Thực hiện công văn trên của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 15.9.2014, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – đơn vị được giao chủ trì cuộc vận động nhân dân tự nguyện tham gia hòa mạng sử dụng sim Viettel – ra thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng.
 Dù chỉ mang tính chất tự nguyện, nhưng UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã lên danh sách “giao” mỗi đơn vị mua bao nhiêu sim, tương ứng với số lượng bò.
 Khối địa phương, TP.Hạ Long được đề xuất ủng hộ nhiều nhất: 1.050 sim, tương đương với 70 con bò; tiếp đến là TP.Cẩm Phả 900 sim, tương đương 60 con bò.


 Theo chương trình của Viettel, 15 thuê bao di động trả sau tương đương với 1 con bò. Ảnh: H.N

 Đứng đầu khối doanh nghiệp là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, với 240 con bò, tương ứng với 3.600 sim. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn QN và Ban Quản lý vịnh Hạ Long là hai đơn vị được đề xuất “mua sim lấy tiền mua bò” nhiều nhất trong khối các sở, ban, ngành của Quảng Ninh, với mỗi đơn vị mua 300 sim, tương đương với 20 con bò…
 Tính đến nay, đã có 43/85 đơn vị đăng ký mua sim mới của Viettel. Nhiều đơn vị đang “đau đầu” bởi nói như một giám đốc DN: “Ai cũng có số điện thoại rồi, thậm chí tôi có mấy số máy, mua sim rồi cho ai đây?”
 “Có đơn vị đề nghị tự đứng ra mua bò giao cho dân, một phần vì họ không có nhu cầu mua sim” – Trưởng ban Điều hành chương trình “Chung tay vì cộng đồng – Bò giống giúp người nghèo biên giới” tỉnh Quảng Ninh Lãnh Thế Vinh cho biết, trong buổi giao ban báo chí chiều 30.9 tại TP.Hạ Long.
 Tuy nhiên, ông Vinh cũng như đại diện của UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh không trả lời được câu hỏi của báo chí, rằng “nếu Quảng Ninh không bán được 20.000 sim thì Viettel có giao đủ 1.334 con bò như kế hoạch hay không?”.
 Sáng 2.10, trả lời Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Sơn – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết, vì đây là chương trình tự nguyện nên trong thỏa thuận hợp tác đôi bên không đề cập tới việc nếu không bán được 20.000 sim thì liệu có nhận được 1.334 con bò giống hay không.
 Dù sao đi nữa, một chương trình hết sức nhân văn nhưng lại gắn với những điều kiện thương mại ở mức khắt khe khiến hình ảnh của nó ít nhiều bị rạn vỡ, kéo theo sự rạn vỡ cả niềm tin của những người ủng hộ chương trình.

Theo kế hoạch liên tịch triển khai chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” thì chỉ tiêu hòa mạng sử dụng sim điện thoại Viettel như sau:
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: 30.000 thuê bao.
UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An: 120.000 thuê bao (mỗi tỉnh 20.000 sim).
UBND các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái: 75.000 thuê bao (mỗi tỉnh 15.000 sim).
UBND các tỉnh Nam Định, Thái Bình và thành phố Hải Phòng: 15.000 thuê bao (mỗi tỉnh 5.000 sim)
(Theo Lao động) Nguyễn Hùng

Mua sim điện thoại mới được tặng bò, đây không phải là chương trình nhân đạo mà chỉ là thủ thuật kinh doanh của Viettel. Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” thực chất là mạo danh, chẳng có ai giúp ai. Thay bằng vận động mua sim ĐT, các địa phương nên vận động quyên góp từ thiện để tạo quỹ ủng hộ người nghèo sẽ hiệu quả hơn nhiều, không lãng phí.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét