Cập nhật lúc 09:20

Theo bình chọn của độc giả trên trang sleepinginairports.net, cả 2 sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam đều nằm trong danh sách 10 sân bay có trang thiết bị và dịch vụ kém nhất châu Á.
Ngày 15/10, trang web sleepinginairports.net đã công bố bản danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á dựa trên bình chọn và phản hồi của độc giả, hành khách trên khắp thế giới.
 
Hình ảnh minh họa về sân bay Nội Bài đăng trên trang sleepinginairports.net
Đây là kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến thường niên do người sở hữu trang web, cô Donna McSherry – một người Canada, thành lập từ năm 1996. Trang web sleepinginairports.net (tạm dịch: Ngủ ở sân bay) cùng với trang cộng đồng Cheap Like Me Travel Society, là những sản phẩm dành cho cộng đồng khách du lịch quốc tế giá rẻ.
Tuy nhiên, đến nay các trang web này đã có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cộng đồng người du lịch với ngân sách eo hẹp và trở thành một trong những trang đánh giá chất lượng dịch vụ, du lịch nổi tiếng nhất thế giới được các sản phẩm truyền thông lớn như TIME, Reuters, CNN, USA Today, New York Times, CNBC… thường xuyên tham khảo và dẫn chiếu.
Hàng năm, trang web sleepinginairports.net thường công bố bản danh sách top 10 các sân bay tốt nhất và tồi nhất phân chia theo từng khu vực địa lý. Điều đáng nói là trong danh sách 10 sân bay có chất lượng tồi tệ nhất trong năm 2014 có cả 2 sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Phần bình luận về sân bay Nội Bài (đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách), các du khách nhật xét: “Sân bay quốc tế và nội địa thường được du khách nhắc đến với những nhận xét như: Nóng, ồn ào, hỗn độn và không được sạch sẽ cho lắm. Mặc dù là sân bay nằm trong vùng nhiệt đới nhưng điều hòa không khí dường như là vấn đề vĩnh cửu của Nội Bài và sự đông đúc càng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Những du khách mình đẫm mồ hôi còn thêm thất vọng bởi hệ thống biển hiệu chỉ dẫn rất nghèo nàn, và rất ít nơi hiển thị thông tin về các chuyến bay.
Một số các vấn đề khác của sân bay này là họ rất thiếu ghế ngồi cho hành khách và không có đủ các quầy đổi tiền. Nếu bạn buộc phải ở lại sân bay này với thời gian dài thì hãy lên tầng thứ 3, khu ăn uống vì ở đó có thể bạn sẽ may mắn kiếm được một vài chiếc ghế có đệm, hay có thể truy cập Internet.
Ngay trước khi danh sách này được công bố, chúng tôi được biết Nội Bài bắt đầu đưa vào sử dụng 14 buồng ngủ tại nhà ga quốc tế và cung cấp Wi-Fi miễn phí cho tất cả mọi người. Dù sao đó cũng là những niềm hy vọng lớn cho tương lai”.
Trong phần bình luận về sân bay Tân Sơn Nhất (đứng thứ 8 trong danh sách), sleepinginairports.net nhận xét: Đây là một sân bay thường được miêu tả là có đủ chức năng và tạm hợp lý nhưng vấn đề vệ sinh thì quả là vẫn… “hên xui”. Chỗ ngồi cho người chờ máy bay và chỗ ngủ cho những hành khách phải quá cảnh là vấn đề khá lớn chưa được giải quyết”.
Trang web này cũng trích dẫn nhận xét của một du khách về sân bay Tân Sơn Nhất: “Điều hòa không khí là vấn đề đáng phải đặt dấu hỏi còn Wi-Fi thì thực sự là hơn cả tồi tệ. Bạn sẽ chẳng kiếm được chỗ nào để ngồi ở đây”.
 
Một cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất
Đứng số 1 trong danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á là Sân bay quốc tế Benazir Bhutto ở Islamabad, Pakistan. Thứ 2 là sân bay Tribhuvan ở Kathmandu, Nepal. Đứng thứ 3 là sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thủ đô Manila, Philippines. Thứ 4 là sân bay quốc tế Tashkent, Uzbekistan. Thứ 5 là sân bay Nội Bài, thứ 6 là sân bay quốc tế Baiyun ở Quảng Châu, Trung Quốc. Thứ 7 là sân bay quốc tế PhnomPenh, Campuchia, thứ 8 là sân bay Tân Sơn Nhất, thứ 9 là sân bay quốc tế Dhaka, Bangladesh và thứ 10 là sân bay quốc tế Chennai, Ấn Độ.
(Theo Infonet) Lương Minh

Hiện VN ta có 21 sân bay nhưng chỉ có 3 sân bay là kinh doanh có lãi, gần 86% số sân bay kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên ta cũng đang phấn đấu xây một sân bay lớn nhất khu vực tại Long Thành. Tiếc là đang chưa tìm được nguồn tiền vay! Trong một nỗ lực bảo vệ dự án, có ông Thứ trưởng GTVT đã nói bừa rằng có tiền của Nhật tài trợ. Không may lời nói thiếu suy nghĩ của ông này ngay lập tức bị Đại sứ Nhật bác bỏ. Ông thứ trưởng này lẽ ra nên nói “có tiền của Nga trợ giúp”. Dẫu chẳng có tiền đâu nhưng chắc anh bạn lớn Nga cũng không nỡ “phang thẳng vào mặt” như ông tư bản Nhật!
Thương Giang