Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Méo mặt hoàn tiền vì thông tư hướng dẫn mập mờ

Cập nhật lúc 08:03  

Có một “cơn bão” đang quét qua các xã bãi ngang Bình Định, đặc biệt là ở nhóm trường tiểu học, THCS, quanh quyết định thu hồi hàng chục tỉ đồng trợ cấp, phụ cấp sai đối tượng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP - Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngày đẹp trời, họ được trao cả gói tiền lớn, để sau đó chới với tìm đường hoàn trả. Câu chuyện “cho rồi… đòi lại” đang “đẻ” ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười…

“Ăn ha hả, trả hi hỉ”
Phù Cát là đơn vị nắm giữ “kỷ lục” chi nhầm. Nếu Phù Mỹ chỉ sai hơn 5,4 tỉ và thu hồi gần hết thì huyện này vẫn nguyên “cục nợ” gần 6,9 tỉ đồng. Chúng tôi về Trường THCS Cát Minh, nơi… méo mặt với 636,1 triệu đồng phải thu hồi trong 1 tháng. THCS Cát Minh có 78 cán bộ, giáo viên thì 71 người lâm cảnh mắc nợ ngân sách. 
Hiệu trưởng Phạm Văn Ba cho biết: “Không thể đảo ngược tình hình, tôi đành trừ lương giáo viên, mỗi tháng 2 triệu đồng/người. Éo le là không phải ai cũng thu nhập đủ 2 triệu đồng để mà trừ cấn!”. Ví dụ “cõng” nợ nhiều nhất (41 triệu đồng) là giáo viên vật lý Phạm Văn Hưng. “Hồi đó còn độc thân; đồng tiền vô tay phải ra tay trái, chẳng dành dụm, sắm sửa bao nhiêu. Giờ buộc trả 30 ngày, tôi hết cách” – anh Hưng bối rối. 

 
Thầy giáo Phạm Văn Hưng (giữa): “Tiền đâu mà trả 41 triệu trong vòng 1 tháng. Ảnh X.N 

Tính luôn “suất” của vợ - cũng là giáo viên – gánh nặng trên lưng anh Hưng lên gần 50 triệu. Lấy nhau 2 năm, vợ chồng anh đang sống chung với cha mẹ già. Trường làng chẳng cơ hội nào dạy thêm, dạy bớt. Anh Hưng cười chua chát: “Nhà 1 sào ruộng, rảnh thì về phụ giúp ông bà. Đứa con đầu lòng sinh non, hết nằm lồng kính Bệnh viện Quy Nhơn lại vô Sài Gòn chữa trị, tiêu tốn tới 20 triệu đồng”.
Những ngôi trường dọc biển Bình Định đang chìm trong hoang mang, xao xác. Một nữ giáo viên hợp đồng không muốn nêu tên ở Trường Tiểu học số 2 Cát Minh, mấy tháng rồi mất ăn, mất ngủ: “Kiếm đâu ra 65 triệu đồng! Người ta có nhầm lẫn chi không?”. Có người chỉ chiếc Air Blade mới tinh, dằn hắt: “Lấy thì… lấy đi”. 
Ở trường tiểu học khác, có nhân viên bấm bụng gác kế hoạch cưới vợ sinh con, dồn tâm trí chạy 43 triệu trả nợ. Tại Cát Thành, thậm chí có tin giáo viên tính chuyện bỏ việc, không ít cán bộ xã bãi ngang cũng tính vậy. Thái - nhân viên hợp đồng UBND xã Cát Minh - vò đầu bứt tai: “36 triệu đồng, biết sao bây giờ?”. 
Trưởng phòng GDĐT huyện Phù Cát Đặng Hữu Lộc cho hay, đã nhận văn bản xin hoãn “thi hành án” của Trường Tiểu học số 2 Cát Minh: “Đâu cũng nháo nhác, cuống cuồng vì thời hạn thúc ép. Chưa kể, chúng tôi còn đau đầu với những trường hợp đã qua đời hoặc chuyển công tác ra ngoài huyện, ngoài tỉnh”.
Văn bản không rõ ràng?
Hỏi ông Ba và ông Lộc, đã “kiểm điểm nghiêm túc và xử lý tập thể, cá nhân sai phạm” chưa, cả hai đều chưng hửng: “Biết kiểm điểm gì đây?”. Trên thực tế, việc trợ cấp nhầm đối tượng không chỉ diễn ra ở Phù Cát, Phù Mỹ, mà còn với tất cả các địa phương có xã bãi ngang như Hoài Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn. Sai sót phổ biến, chắc chắn không thể không có vai trò cơ quan quản lý cấp trên. 
Trưởng phòng GDĐT Phù Cát Đặng Hữu Lộc phân bua: “Lấy đồng tiền từ ngân sách ra đâu dễ. Dự toán chi hằng năm đều được Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện và Sở Tài chính duyệt chấp thuận”. Trớ trêu là chính Sở Tài chính Bình Định, hồi cuối năm 2013 đã ban hành văn bản 3284/STC-HCSN cảnh báo hiện tượng vận dụng chưa đúng quy định khi thực hiện NĐ 116/2010/NĐ-CP. Văn bản trên xác định đối tượng hưởng lợi: “Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự, thử việc) và người làm việc chế độ hợp đồng lao động (theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000…)”.
Ông Lộc dẫn câu chữ Nghị định 68 ra đối chiếu: “Điều 1 nêu rõ: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ôtô và các máy móc, thiết bị khác đang sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; công việc khác. Công việc khác là công việc gì?”. 
Hiệu trưởng Phạm Văn Ba thắc mắc: “Sở Tài chính và Thanh tra tỉnh loại bỏ đối tượng hợp đồng lao động (trong chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao) do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận ra khỏi diện thụ hưởng Nghị định 116. Nhưng, chúng tôi có ký hợp đồng, có tự trả lương đâu. Hợp đồng là do huyện ký, lương chi trả cho giáo viên cũng là tiền lấy từ ngân sách nhà nước. 
Đọc Thông tư 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31.8.2011 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính, tôi phân vân quá. Ở tiết b, khoản 1, điều 2 hướng dẫn đối tượng áp dụng Nghị định 116, liên bộ viết: “Viên chức (kể cả người tập sự, thử việc) và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập)”. Thông tư 08 cũng không đề cập tới Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Như vậy là sao?”.
(Theo Lao động) Xuân Nhàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét