Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở thắng kiện Trung Quốc ở thời điểm này

Cập nhật lúc 21:01

VOV.VN - Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Philippines và liên kết với một số nước có liên quan khởi kiện Trung Quốc.
Trong những buổi tiếp xúc cử tri, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng, cứng rắn kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế trên tinh thần thiện chí để giải quyết vấn đề trên Biển Đông.
Hiện dư luận đang rất quan tâm đến việc khởi kiện, việc thu thập chứng cứ pháp lý, những thuận lợi cũng như khó khăn chúng ta phải lường trước.

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện Trung Quốc
Vậy, khi nào là thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế? Trao đổi với PV VOV, TS. Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng khoa Công pháp quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay là thời điểm khá thích hợp để Việt Nam cân nhắc thực hiện biện pháp tài phán khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
PV: Một số chuyên gia quốc tế có khuyến cáo, nếu chúng ta không khởi kiện Trung Quốc thì sẽ bị muộn, nếu Trung Quốc khởi kiện trước thì rất bất lợi cho chúng ta. Vậy theo ông, khi nào là thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc?
TS. Nguyễn Toàn Thắng: Tôi nghĩ rằng thời điểm hiện tại là một trong những thời điểm phù hợp để cân nhắc biện pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường tài phán.
Kết nối các sự kiện trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rõ tham vọng hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc. Song song với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan Nam Hải 09 và đưa tàu thăm dò dầu khí Hải Dương 719 hoạt động ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ Việt Nam.
Trung Quốc đồng thời tuyên bố tiếp tục đưa các giàn khoan khác vào Biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc không hề có ý định dừng các hành vi vi phạm trên Biển Đông. Vì vậy, bên cạnh biện pháp ngoại giao, Việt Nam có thể kết hợp biện pháp tài phán quốc tế.
Trên thực tế, rất nhiều quốc gia kết hợp giữa đấu tranh ngoại giao và đấu tranh pháp lý. Ví dụ, ngay cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Philippines là quốc gia tiên phong đầu tiên trong việc khởi kiện Trung Quốc. Đây là một ví dụ chúng ta có thể tham khảo khi khởi kiện Trung Quốc.
PV: Khi đưa vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, chúng ta có thể lường trước khó khăn, bất lợi gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Toàn Thắng: Khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải ở phương diện pháp lý bởi chúng ta có cơ sở pháp lý khởi kiện, mà chủ yếu chúng ta sẽ gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh tế.
Ví dụ như trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc, Philippines đã phải đối diện với việc Trung Quốc trả đũa về mặt kinh tế. Quan điểm của Trung Quốc là không chấp nhận giải quyết bằng con đường tài phán.
Trong trường hợp Việt Nam khởi kiện, chắc chắn chúng ta sẽ có khả năng đối diện với các khó khăn về mặt kinh tế. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống xấu trong trường hợp Trung Quốc có thể đóng cửa các cửa khẩu hoặc các biện pháp trả đũa thương mại khác.
PV: Chúng ta cũng cần nghiên cứu rút kinh nghiệm gì từ những vụ án xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là vụ Philippines đang theo đuổi với Trung Quốc, thưa ông?
TS. Nguyễn Toàn Thắng: Một trong những vụ việc mà chúng ta có thể tham khảo nhiều nhất là vụ Philippines kiện Trung Quốc vào tháng 1/2013. Do Philippines cũng là quốc gia trong khu vực, nội dung khởi kiện của nước này có rất nhiều điểm gần với Việt Nam.

Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc (Ảnh: KT)
Có hai điểm lớn Việt Nam có thể học hỏi từ vụ việc này. Thứ nhất, Việt Nam có thể tham khảo cách thức mà Philippines đã áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 để khởi kiện. Theo đó, Philippines đã lựa chọn khởi kiện theo thủ tục trọng tài được quy định tại Phụ lục 7 của Công ước Luật biển năm 1982. Đây là một cách áp dụng hết sức linh hoạt và chính xác. Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp Việt Nam khởi kiện, chúng ta cũng nên áp dụng những quy định giống Philippines đã áp dụng.
Thứ hai, Việt Nam có thể nghiên cứu về nội dung khởi kiện. Nội dung khởi kiện sẽ  cần phải tập trung vào những hành vi mà Trung Quốc vi phạm quy định của Công ước Luật biển 1982.
Vì vậy trên cơ sở vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, chúng ta có thể lưu ý một số những nội dung khởi kiện chính, bao gồm việc yêu cầu tòa trọng tài tuyên bố các yêu sách mà Trung Quốc thiết lập trên Biển Đông phải phù hợp và tuân thủ quy định của Công ước Luật biển 1982. Đặc biệt là những quy định liên quan đến việc thiết lập các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia.
Yêu sách đường lưỡng bò chiếm tới 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc là vi phạm ngiêm trọng quy định của Công ước Luật biển 1982.
Chúng ta cũng có thể tham khảo để đưa vào nội dung khởi kiện về việc yêu cầu tòa xác định Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Công ước Luật biển 1982, đặc biệt là vi phạm các quy định tại điều 56, 60, 17 của Công ước khi đơn phương tiến hành hạ đặt giàn khoan và tiến hành thăm dò bất hợp pháp nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang vi phạm các quy định của quốc tế khi cản trở tàu thuyền Việt Nam thực hiện quyền tài phán hợp pháp trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm yêu cầu tòa xác định quy chế pháp lý của các cấu trúc địa chất thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã vi phạm khi đơn phương thực hiện các hành vi nhằm thay đổi hiện trạng của các cấu trúc địa chất này.
Khi khởi kiện, khả năng thắng kiện sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội dung yêu cầu tòa giải quyết vấn đề gì. Nếu trong đơn kiện, Việt Nam tham khảo kinh nghiệm từ vụ Philippines kiện Trung Quốc, tập trung vào việc yêu cầu tòa xác định Trung Quốc thực hiện các hành vi vi phạm quy định Công ước Luật biển 1982 thì tôi tin rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng để thắng kiện trong vụ việc này.
PV: Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã đưa ra bản đồ dọc nuốt trọn Biển Đông, trong đó vi phạm chủ quyền của nhiều nước khác trong khu vực. Vậy theo ông, Việt Nam có thể liên kết với các nước này để kiện Trung Quốc không?
TS. Nguyễn Toàn Thắng: Việt Nam hoàn toàn có thể liên kết với các quốc gia trong khu vực để kiện Trung Quốc. Bởi, yêu sách của Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông ban đầu là bản đồ có 9 đoạn, giờ lại đưa ra bản đồ 10 đoạn. Yêu sách đó không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan, xâm phạm trực tiếp quyền và lợi ích của các quốc gia trong khu vực.
Đây là một yêu sách phi lý, hoàn toàn vi phạm nghiêm trọng quy định của Công ước Luật biển 1982. Philippines đã khởi kiện Trung Quốc năm 2013, trong đơn kiện, nước này trực tiếp yêu cầu tòa xác định tính chất phi lý, bất hợp pháp khi Trung Quốc đưa ra yêu sách ôm trọn Biển Đông như vậy.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là một điểm mà Việt Nam cũng như các nước khác cần đặc biệt quan tâm. Những nước có trực tiếp liên quan như Việt Nam, Malaysia có thể liên kết với nhau cùng khởi kiện Trung Quốc để yêu cầu tòa xác định việc Trung Quốc đưa ra yêu sách như vậy là sự vi phạm nghiêm trọng.
Điểm yếu của Trung Quốc khi đưa ra những yêu sách trên Biển Đông là những yêu sách đó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, khiến cộng đồng quốc tế lên án. Bên cạnh đó, Trung Quốc có tranh chấp với phần lớn các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, các quốc gia liên quan có thể khai thác điểm yếu này của Trung Quốc để liên kết với nhau, cùng sử dụng biện pháp Tài phán quốc tế, cùng sử dụng con đường đấu tranh pháp lý để giải quyết tranh chấp và chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét