Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

TQ tạo "thiên thời" cho Nhật Bản phòng vệ tập thể

Cập nhật lúc 09:06 

Những hành vi nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền biển đảo phục vụ mục tiêu bành trướng của TQ đã vô hình trung tạo “thiên thời” cho Nhật Bản.
Sáng qua 1/7, Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Công minh đạt được thỏa thuận chính thức cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể. Thỏa thuận này mở đường cho Chính phủ Nhật Bản thông qua Nghị quyết giải thích lại Hiến pháp hiện hành của nước này.
Và đúng như mong đợi của Thủ tướng Abe cùng các chính khách theo đường lối cứng rắn, giữa giờ chiều cùng ngày, Nghị quyết này đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ khi lực lượng vũ trang Nhật Bản thành lập năm 1954.
Đặc biệt, trong việc thông qua Nghị quyết này có cả những “đóng góp” từ phía Trung Quốc.
Việc các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản nhất trí về một thay đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến và Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng đưa ra quyết định là thuận lợi ban đầu cho Thủ tướng Shinzo Abe trong việc tăng cường sức mạnh quân sự hướng tới việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp nước này – điều từ trước đến nay tưởng chừng như không thể.
Từ điều không thể….
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản là điều luật quyết định tính chất hòa bình của bản Hiến pháp được coi là niềm tự hào của người Nhật hiện nay, trong đó quy định rõ: “Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác cũng như không công nhận quyền giao chiến”.
 Nhật Bản, Trung Quốc, Giải thích Hiến pháp, Quyền tự vệ tập thể, Điều 9 Hiến pháp, bành trướng lãnh thổ, biển Đông, Hoa Đông, Senkaku, Điếu Ngư
Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đạt được thỏa thuận chính thức cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể. Ảnh minh họa: BBC
Chính vì nó là niềm tự hào của người dân Nhật Bản và cũng chính vì Nhật Bản đã từng có những hành động quá khích theo đường lối Phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ 2… mà Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản được coi là “lãnh địa bất khả xâm phạm” trong suốt gần 57 năm tính từ khi bản Hiến pháp này có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm Chiêu Hòa thứ 22, tức năm 1947, cho đến đầu năm 2004, khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Junichiro Koizumi đề cập vấn đề sửa đổi nhằm trợ giúp nước Mỹ đồng minh trong cuộc chiến sa lầy của tại Iraq.
Tuy nhiên, ngay lập tức ông Koizumi vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận trong nước với các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại ý đồ này. Là một chính trị gia lão luyện lập kỷ lục trở thành một trong năm người giữ chức vụ Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 1980 ngày, ông Koizumi lập tức ý thức được nguy cơ và đành phải tạm gác kế hoạch đầy tham vọng này sang một bên.
Kể từ đó, mọi chuyện tạm lắng, và Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản tưởng chừng như vẫn mãi là một “pháo đài sừng sững”. Ấy vậy mà…
…thành điều có thể
Đến thời thủ tướng Shinzo Abe – người cùng một đảng phái chính trị (Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, LDP) và có nhiều quan điểm trùng khớp với Cựu Thủ tướng Koizumi, câu chuyện lại được hâm nóng lại. Không chỉ được hâm nóng mà còn được triển khai với những bước đi quả đoán, quyết liệt mà “màn mở đầu” đầy ngoạn mục diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Tại đây, ông Abe bắt đầu với việc ám chỉ mối đe dọa từ Trung Quốc, tiếp đến công khai chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và trên hết, ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, không một nước nào có thể đơn độc mà gìn giữ được hòa bình”. Đây được coi là sự dẫn giải cho những nỗ lực hiện nay của Nhật Bản trong việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp của nước này theo hướng “cho phép quyền tự vệ tập thể”.
Phát biểu của ông Abe lúc đó được đánh giá như là một điểm tựa tại Đối thoại Shangri-La nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng là cơ sở để ông Abe thực hiện kế hoạch mà LDP ấp ủ suốt hơn 10 năm nay.
Bước đi tiếp theo là việc ngày 17/5 vừa qua, Hội đồng cố vấn của Thủ tướng Abe (được gọi là: Tọa đàm tái cấu trúc cơ sở pháp luật về an ninh quốc gia) đã đưa ra một bản báo cáo trong đó đề nghị cho phép Chính phủ Nhật Bản được sử dụng quyền tự vệ tập thể trong trường hợp cần thiết. Và để tránh những thủ tục rườm rà cùng sự phản đối được dự đoán là mãnh liệt của dư luận, các cố vấn của ông Abe đã đưa ra “tuyệt chiêu” được gọi là “giải thích lại Hiến pháp”.
Tiếp đó, chỉ chưa đầy nửa tháng sau, tức là hôm qua 1/7, ông Abe đã xúc tiến để Liên minh cầm quyền của Nhật Bản đưa ra thỏa thuận nêu trên. Và, với chiêu thức “sét đánh không kịp che tai”, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thỏa thuận này, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định: “Thay đổi cách giải thích Hiến pháp theo hướng công nhận việc sử dụng quyền tự vệ tập thể”.
Với quyết định này, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục.
….với “sự trợ giúp” của Trung Quốc
Có thể thấy ông Abe đã chớp được “thiên thời” một cách nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt là khi những thời cơ này lại do chính Trung Quốc - nước được coi là đối thủ đáng gờm của Nhật Bản, tạo ra bằng thái độ hung hăng, khiêu khích trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng hiện nay.
Cơ sở đầu tiên là việc tranh chấp chủ quyền biển đảo Trung – Nhật trong đó có quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Tiếp đó là việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) vào ngày 23/11/2013 trong đó bao trùm cả quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Nhật Bản kịch liệt phản đối quyết định trên kèm theo đó là những hành động mạnh để bảo vệ chủ quyền. Theo thông tin của Bộ phòng vệ Nhật Bản, máy bay chiến đấu Nhật Bản phải cất cánh 138 lần để ứng phó với máy bay Trung Quốc trong ba tháng cuối năm ngoái, cao hơn so với cả hai quý trước đó. Tiếp theo là việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông – vùng biển liên quan tới hàng hải của cả khu vực mà Nhật Bản cũng có phần lợi ích trong đó.
Thêm nữa, việc Trung Quốc trong nhiều năm qua liên tục tăng ngân sách quân sự ở mức hai con số và đang bị nghi ngờ là nhằm tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực với mục tiêu ám muội cũng là yếu tố quan trọng để ông Abe tận dụng.
Có thể nói Trung Quốc “biết một mà không biết hai”. Những hành vi nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền biển đảo phục vụ mục tiêu bành trướng lãnh thổ, lãnh hải nêu trên của Trung Quốc đã vô hình trung tạo ra “thiên thời” cho Chính phủ Nhật Bản, và “thiên thời” này cũng đã tạo ra “địa lợi” khi giúp Nhật Bản chuyển từ thế “thụ động phòng thủ” sang thế “có thể chủ động tấn công”.
Bên cạnh đó, ông Abe còn tận dụng để tranh thủ được cả “nhân hòa”. Mặc dù chưa được đầy đủ nhưng “nhân” đã bắt đầu “hòa”. Bởi, cho dù người dân Nhật Bản có yêu chuộng hòa bình đến đâu đi chăng nữa, nhưng trước “mối đe dọa Trung Quốc” cũng sẽ phải phần nào thỏa hiệp.
Trung Quốc cho biết sẽ đề cao cảnh giác với các ý định thực sự của Nhật Bản. Sự lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi với khả năng kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của Nhật Bản lại thêm sự hỗ trợ của Mỹ, việc hợp pháp hóa các hoạt động quân sự của Nhật Bản sẽ là yếu tố buộc bất cứ một cường quốc nào cũng phải tính đếm trước khi có các hành vi gây hấn.
Nhưng cho dù có “đề cao cảnh giác” cũng bắt đầu quá muộn. Vì chỉ cần thêm một vài động thái nữa là “gạo sẽ thổi thành cơm”, và thật trớ trêu, “nồi cơm” này lại được góp phần “nấu” bằng “củi lửa” của… Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, dư luận quốc tế lập tức lên tiếng ủng hộ Nhật Bản. Cho đến nay, nhiều quốc gia đã hoan nghênh kế hoạch giải thích lại Hiến pháp hòa bình. Trong đó, Mỹ thì ủng hộ vì muốn Nhật có vị thế cân bằng hơn trong liên minh quân sự Mỹ - Nhật và tận dụng được tiềm năng của Nhật trong các hoạt động quân sự quốc tế, còn Australia, Phillipines… thì bày tỏ sự đồng  tình bằng việc nhấn mạnh về cán cân quân sự khu vực.
Đặc biệt, Campuchia cũng cho rằng kế hoạch của Nhật Bản nhằm trao cho lực lượng phòng vệ nước này quyền hạn lớn hơn sẽ góp phần duy trì hoà bình và sự ổn định trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, giới phân tích lại đưa ra nhận định đầy thận trọng khi dự báo: trong ngắn hạn điều này sẽ đưa đến những thay đổi tích cực cho quá trình giải quyết các thách thức hiện nay tại khu vực. Nhưng trong dài hạn, nếu các sức mạnh quân sự không được kiềm chế đúng mức sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ mới tại châu Á – Thái bình Dương mà các nước nhỏ trong khu vực sẽ rơi vào một tình thế khó lường.
(Theo TuanVietNamnet) Tuấn Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét