Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Sự thật về quân đội Trung Quốc
Cập nhật lúc 14:13

(PetroTimes) - Quyết định khai trừ đảng tịch đối với cựu Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (nghỉ hưu cuối năm 2012) đang gây xôn xao dư luận quân đội Trung Quốc nói riêng và đất nước hơn 1,34 tỷ người nói chung. Bởi ông Từ Tài Hậu là quan chức quân sự cấp cao nhất Trung Quốc đang phải đối mặt với tòa án binh vì bị buộc tội nhận hối lộ (nhận 35 triệu NDT - khoảng 5,6 triệu USD của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, người đã bị buộc tội tham nhũng hồi tháng 4 vừa qua), thậm chí có thể bị kết án tử hình. Đây được coi là tiếng sấm long trời lở đất đối với lực lượng vũ trang đông nhất thế giới.
Ai chỉ huy quân đội?
Mặc dù là thành viên trong chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, nhưng ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Quốc vụ, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương không có quyền chỉ huy và ra lệnh cho quân đội. Bởi mọi hoạt động của quân đội được đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình. Đây là điều đã được quy định rõ trong luật và trong lịch sử quân đội Trung Quốc, ai chỉ huy quân đội, người đó mới thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Trước đó, quân đội Trung Quốc chịu sự quản lý của 2 Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân uỷ Trung ương), một thuộc Nhà nước và một thuộc Đảng. Đến tháng 12/1982, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó Ủy ban Quân sự Trung ương lãnh đạo toàn bộ lực lượng vũ trang. Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương được bầu chọn và miễn nhiệm tại hội nghị toàn thể của Quốc hội, còn các ủy viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn.
Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói một câu nổi tiếng: Súng đạn đẻ ra chính quyền. Và khi còn sống, Chủ tịch Mao Trạch Đông chưa bao giờ rời ghế Chủ tịch Quân uỷ Trung ương và mọi hoạt động chuyển quân (từ Trung đoàn trở lên) đều phải báo cáo với ông. Đến thời Đặng Tiểu Bình (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 2) và Giang Trạch Dân (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 3), cả 2 ông đều giữ cương vị này cho dù đã thôi giữ chức trong bộ máy Nhà nước và Chính phủ. Phải tới thời ông Hồ Cẩm Đào (hạt nhân lãnh đạo của thê đội 4), việc này mới chấm dứt - ngay sau khi rời khỏi cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Hồ Cẩm Đào đã bàn giao chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương để hạt nhân lãnh đạo của thê đội 5, ông Tập Cận Bình đảm trách.
Theo giới sử gia, do trải qua nhiều binh đao, cát cứ trong lịch sử, nên sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đề ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ quân đội. Trước khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), ngày 15/6/1949, tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Uỷ ban trù bị Hội nghị Chính hiệp đã thông qua lệnh "Về việc công bố kiểu dáng quân huy và quân kỳ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc". Bởi trước đó, Chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng nhân dân Mao Trạch Đông và 4 Phó Chủ tịch (Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Bành Đức Hoài) đã thống nhất thông qua vấn đề này. Theo đó quân huy của quân đội Trung Quốc có chữ bát nhất nhằm kỷ niệm ngày đảng Cộng sản Trung Quốc (1/8/1927) phát động cuộc khởi nghĩa Nam Xương và đó được coi là ngày thành lập quân đội Trung Quốc.


Theo Hiến pháp năm 1954, Chủ tịch nước thống soái các lực lượng vũ trang và là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Ngày 28/9/1954, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tái lập Ủy ban Quân sự Trung ương và kể từ đó trở đi, chế độ lãnh đạo chung giữa Đảng và Nhà nước đối với quân đội được thiết lập. Mọi công dân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (từ 18 tuổi) đều phải làm nghĩa vụ quân sự. Thời hạn phục vụ trong lục quân là 36 tháng, trong không quân và hải quân là 48 tháng, trong lực lượng tên lửa chiến lược không ấn định thời hạn. Ngoài lực lượng quân đội, còn có cảnh sát vũ trang, dân quân, dân cảnh.
Từ khi thành lập đến trước năm 1955, quân đội Trung Quốc không duy trì chế độ quân hàm. Năm 1955, chế độ quân hàm lần đầu tiên ra đời. Theo đó, Trung Quốc không có Đại Nguyên soái, nhưng có 10 Nguyên soái và 10 Đại tướng. Quân hàm Thượng tướng cấp một bị bãi bỏ từ năm 1994. Và cho tới nay, người có quân hàm cao nhất trong quân đội chỉ là Thượng tướng. Chủ tịch Quân uỷ Trung ương không có quân hàm, còn Phó Chủ tịch và các uỷ viên Quân uỷ Trung ương đeo hàm Thượng tướng. Tư lệnh quân khu đeo hàm Thượng tướng hoặc Trung tướng; Phó Tư lệnh quân khu và Tư lệnh Quân đoàn đeo hàm Trung tướng hoặc Thiếu tướng. Phó Tư lệnh Quân đoàn và Sư đoàn trưởng đeo hàm Thiếu tướng hoặc Đại tá. Sư đoàn và Lữ đoàn trưởng đeo hàm Đại tá hoặc Thượng tá. Lữ đoàn phó và Trung đoàn trưởng đeo hàm Thượng tá hoặc Trung tá. Trung đoàn phó và Tiểu đoàn trưởng đeo hàm Trung tá hoặc Thiếu tá.
Được biết, hiện quân đội Trung Quốc đang sở hữu một đội quân thường trực đông nhất thế giới với các lực lượng: Hải, Lục, Không quân và Tên lửa chiến lược. Lực lượng tên lửa chiến lược có biên chế khoảng 11.000 người (không kể lực lượng khoa học kỹ thuật dân sự phục vụ có thời hạn), đang sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo Đông Phong.
Trong thời kỳ chiến tranh, lực lượng cảnh sát vũ trang được coi là nhánh thứ 5 của quân đội Trung Quốc. Ngoài 7 quân khu, Trung Quốc còn có các sư đoàn bộ binh, sư đoàn sơn cước, lữ đoàn bộ binh độc lập, tiểu đoàn bộ binh độc lập, trung đoàn công binh, trung đoàn thông tin liên lạc… với các trang bị vũ khí của bộ binh như xe tăng, xe bọc thép, pháo các loại, súng cối, hoả tiễn đất đối đất, súng và tên lửa chống tăng, súng phòng không bộ binh… và vũ khí hóa học. Riêng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc luôn là chủ đề được dư luận quan tâm bởi những con số được công bố đều không chính xác.
Theo công bố chính thức, ngân sách quốc phòng năm 2000 của Trung Quốc là 13 tỷ USD, đến năm 2007 là 52 tỷ USD, năm 2013 hơn 100 tỷ USD và năm 2014 là 132 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và một số nước phương Tây cho rằng, những con số kể trên thấp hơn nhiều so với thực tế.
Còn tiếp
(Theo Năng lượng mới) Tân Hồng - Tiên Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét