Siêu
“bộ” quản lý doanh nghiệp Nhà nước: Nên hay đừng?
Cập nhật lúc 14:00
VOV.VN - “Nếu
thành lập cơ quan chuyên ngành thì lại trở về mô hình bao cấp, là sự thụt
lùi, kìm hãm sự phát triển của DN”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như
vậy khi bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất thành lập một cơ quan chuyên
ngành quản lý các Tập đoàn, DNNN.
Vấn đề quản lý vốn của Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh
doanh tại doanh nghiệp lâu nay luôn là đề tài “nóng” được các chuyên gia kinh
tế, đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Tuy nhiên, mô hình quản lý như
thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta lại
là bài toán khó.
Hiện tại, có nhiều luồng ý kiến về mô hình quản lý. Ý kiến
thứ nhất cho rằng, cần xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện
mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát
toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý
nhà nước. Luồng ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều
phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DNNN.
Cũng có ý kiến cho rằng giữ nguyên mô hình như hiện nay,
theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở
hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực
hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh
nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà
nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty
trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà
nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bày tỏ sự không đồng tình với việc thành lập một cơ quan
quản lý chuyên ngành đối với các Tập đoàn, DNNN, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Việc thành lập một cơ quan quản lý chung
như vậy lại trở về mô hình bao cấp ngày xưa, là sự thụt lùi, kìm hãm sự phát
triển của DN”.
Đánh giá lại công tác quản lý lĩnh vực này thời gian vừa
qua, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các cấp, ngành chưa làm hết trách nhiệm, vai
trò trong quản lý chuyên ngành của mình. Tất cả đều đẩy lên Thủ tướng. Vai
trò quản lý chuyên ngành của từng bộ, ngành gắn liền với việc chịu trách
nhiệm. “Quan điểm của tôi là nên để phát huy vai trò chủ đạo của Hội đồng
quản trị, nắm vững vấn đề thì tốt hơn, chứ không nên thấy họ chưa nắm vững
chỗ này thì nhảy vào quản lý” – ông Phúc nhắc lại.
Nhắc lại kinh nghiệm khi làm DN, theo ông Phúc, khổ nhất
là mỗi lần muốn đầu tư gì là đi trình, bẩm, báo cáo, xin ý kiến với ngành
quản lý. Ngành thì sợ quyết sai phải chịu trách nhiệm. Khi thành lập Tổng
công ty quản lý vốn Nhà nước thì rất khổ, Doanh nghiệp phải xếp hàng dài xin
ý kiến để được đầu tư cái này, cái kia. Khi quyết định thì lỡ mất cơ hội đầu
tư rồi.
Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc quản lý DN
mà nên phát huy vai trò quản lý Nhà nước với từng chuyên ngành. Bộ nào muốn
quản lý chuyên ngành thì sân của bộ, ngành lại hẹp lại. Khi bỏ Bộ chủ quản đi
thì “sân” của Bộ sẽ rộng hơn.
“Mô hình này là thụt lùi, gây khó khăn cho DN chứ không
phải là tạo thuận lợi. Nên phát huy vai trò của Hội đồng quản trị và Nhà nước
cần phát huy vai trò quản lý”
Còn theo ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội, Ủy ban này cho rằng việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ
không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý
DNNN. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan
độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và
giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện phương án này sẽ
tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức
năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Các cơ quan quản
lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh
nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử
dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ
chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trả lời trên tờ Tuổi trẻ, ông Bùi Văn Dũng - trưởng Ban
cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung
ương cho rằng: Việc lập ủy ban hay bộ riêng sẽ dễ dàng truy trách nhiệm và xử
lý hơn so với hiện nay. Cùng việc tăng minh bạch sẽ giúp tăng trách nhiệm,
giảm lãng phí, nguy cơ tham nhũng mà nhiều người lo ngại. Khi có một ủy ban
riêng quản lý DNNN, thì các bộ quản lý chuyên ngành khác sẽ phát huy vai trò
giám sát, thanh tra ngành tại các DNNN do ủy ban quản lý. Một lợi ích nữa
cũng rất quan trọng là việc tách bạch, bỏ cơ chế bộ chủ quản sẽ giúp việc
hoạch định chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
Với nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài
chính Trần Văn Hiếu cho biết, cơ quan này đã nghiên cứu và có 3 mô hình –
thành lập 1 cơ quan ngang bộ, giữ nguyên như hiện tại và thành lập Tổng cục
quản lý trên cơ sở nâng cấp SCIC. “Việc này Ban soạn thảo đã báo cáo Bộ Chính
trị và tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu” – Thứ trưởng Trần Văn Hiếu
nói./.
Vũ
Hạnh/VOV.VN
|
Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét