Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Nghịch lý Dung Quất phụ thuộc giá dầu thế giới
Cập nhật lúc 08:03     
             
(Doanh nghiệp) - Nhu cầu xăng dầu của Việt Nam tăng ào ạt, không có kế hoạch nhưng sản xuất hạn chế thì buộc lòng phải nhập với giá cao.
TS Nguyễn Đông Hải - nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế của Tổng cục Dầu khí nêu quan điểm trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam tăng 5 lần liên tiếp trong năm 2014, lý do tăng là do xăng dầu thế giới tăng trong khi hoạt động của nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất hiện nay đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Không đồng bộ, không có tầm nhìn
PV: - Mỗi năm Việt Nam khai thác được khoảng 15 triệu tấn dầu thô, nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) chế biến hơn 6 triệu tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Trong khi đó, vẫn phải nhập khẩu khoảng 10-20% dầu thô (tương đương khoảng 650.000-1,2 triệu tấn). Phải lý giải như thế nào khi việc khai thác dầu thô được tiến hành trước sau đó mới xây dựng nhà máy, nhưng loại dầu khai thác được không dùng hoàn toàn cho nhà máy, nguyên nhân vì sao, thưa ông?
TS Nguyễn Đông Hải: - Từ năm 1986 mỏ Bạch Hổ do công ty dầu mỏ Exxon Mobile (Mỹ) để lại và Việt Nam đã tiếp tục thăm dò, khai thác. Mỏ Bạch Hổ vẫn cho ra dầu nhiều nhất và các mỏ khác chỉ mang tính chất góp phần nhưng đến năm 2010 mỏ Bạch Hổ rơi vào thời kỳ khai thác đi ngang và giảm dần.
Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, trầy trật từ năm 1990 bàn đi bàn lại và đến năm 2009 mới bắt đầu chế biến là cả một quá trình lâu dài. Song bản thân nhà máy lại có những nhược điểm lớn như việc đặt địa điểm không đúng chỗ vì mỏ dầu Bạch Hổ ở phía nam, tiêu thụ là thị trường chính phía bắc và phía Nam, còn miền Trung gần như là không phải vùng đất để chế biến và tiêu thụ. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất ở vị trí này, ta cùng lúc phải chở dầu thô đến rồi khi dầu đã chế biến xong lại phải chở đi nơi tiêu thụ.
Chính vì địa điểm đặt tại miền Trung nên Việt Nam phải mất gần 4 năm các công ty nước ngoài như Total Pháp, Nga, Nhật… đàm phán vì không tán thành địa điểm Việt Nam chọn và việc này đã kéo dài thời gian xây dựng trong vòng 12 năm thay vì chỉ cần mất 5 năm với nhà máy có công suất 5-10 triệu tấn dầu/năm.
Mới đây, do nhu cầu sản phẩm hóa dầu, nhà máy lại được mở rộng không chỉ lọc dầu mà còn hóa dầu. Tuy nhiên việc này gây ra nhược điểm phải chắp vá như chiếc xe ô tô, xe máy lắp ghép dẫn tới không đồng bộ và khả năng hư hỏng sẽ nhiều.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ghi công đầu trong việc làm ra sản phẩm nhưng cũng ghi thất bại đầu là chúng ta không nhìn nhận đầy đủ bức tranh kế hoạch ngành, không đồng bộ, không có tầm nhìn xa, xây dựng nhà máy lọc dầu nhằm lấy tính chất dầu của Bạch Hổ. Đến khi nhà máy hoàn thành thì sản lượng khai thác của mỏ dầu Bạch Hổ lại giảm nên ta phải nhập dầu thô từ nước ngoài cùng loại với dầu Bạch Hổ từ Trung cận đông.
Mặc dù đã lường trước khả năng sẽ phải nhập khẩu dầu thô để chế biến, không ai nghĩ chỉ dựa duy nhất vào Bạch Hổ vẫn hi vọng về lâu dài có những mỏ dầu khác song hơi kẹt vì những mỏ dầu sau trữ lượng nhỏ nên sản lượng khai thác không được nhiều, khó đáp ứng nhu cầu của nhà máy.
Hiện nay ta đang hợp tác với nước ngoài xây dựng khu hỗn hợp lọc hóa dầu ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất hơn 10 triệu tấn dầu/năm. Gần đây, Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) cũng đặt vấn đề và chào hàng dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội nằm tại khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có công suất chế biến 30 triệu tấn dầu thô/năm - lớn nhất Đông Nam Á với số vốn 27,5 tỉ USD.
 Tuy nhiên hiện thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia.. hạn chế và không đặt vấn đề chế biến, lọc hóa dầu ở nước họ do ô nhiễm phải trả giá lớn. Phải chăng, Thái Lan có ý đồ chọn khu Nhơn Hội (Bình Định) để xuất khẩu sang Trung Quốc do cảng biển gần Việt Nam và tránh ô nhiễm môi trường.
 Đường ống dẫn dầu nối vào nhà máy lọc dầu Dung Quất
Đường ống dẫn dầu nối vào nhà máy lọc dầu Dung Quất
Theo tôi, phải tìm hiểu đầy đủ tại sao Thái Lan đất đai khu vực xây dựng nhà máy có lại chọn địa điểm sang Việt Nam, với hơn 20 tỷ USD nghe lớn nhưng nếu không tính toán kỹ hậu quả mình sẽ phải trả giá rất nhiều. Với những điều trên đây, đề nghị Chính phủ cần có chính sách và chủ trương phát triển ngành Dầu khí vươn xa ra nước ngoài với hoạt động thăm dò, khai thác và quản lý chặt chẽ khâu tiêu thụ sản phảm Dầu khí trong nước như xăng dầu, hóa phẩm… Những công trình mang tính chiến lược cần chọn đối tác đảm bảo an ninh của đất nước về vấn đề kinh tế, chính trị, quốc phòng…
PV: - Hiện dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất được nhập theo hợp đồng được ký từ năm 2010 với Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) và Công ty Dầu khí SOCAR (Azerbaijan), năm 2012 Công ty dầu khí Brunei Shell cũng đã ký hợp đồng với Tổng công ty dầu khí VN mua bán dầu thô trị giá 250 triệu USD, mua 240.000 tấn/năm và dầu thô mua về sẽ trộn với dầu thô từ mỏ Bạch Hổ trong nước để dùng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Xin ông cho biết, giá xuất đi, mua về của dầu thô phục vụ cho nhà máy lọc dầu chênh lệch giá như thế nào? Ai sẽ được lợi từ điều này hoặc ngân sách có thất thoát vì nhà máy Dung Quất khi vẫn đi nhập dầu thô thường xuyên?
TS Nguyễn Đông Hải: - Về dầu có những yếu tố tính chất dầu, dầu càng nhẹ, càng ít lưu huỳnh là chất làm tổn hại đến sản phẩm dầu và tuyến đường vận tải giữa chỗ xuất và nhập là 3 yếu tố quyết định giá của dầu thô mà mỗi nhà máy cần xem xét. Cho nên vấn đề mua dầu ở đâu là cả bài toán phải tính toán nhưng phần lớn nhập khẩu dầu của Trung cận đông vẫn phù hợp với Việt Nam hơn.
Tập đoàn BP (Anh) mặc dù là Anh nhưng khai thác dầu ở Trung cận đông, đã tìm ra dầu và bán lại nên giá sẽ đắt hơn nhưng dầu đó lại phù hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khi nhập khẩu dầu thô, phải có so sánh với dầu thô khai thác được từ Bạch Hổ, tính chất dầu phải tương đồng để trộn vào, nếu ngược sẽ không lọc được.
Với mức giá kể trên vào thời điểm này là được, chúng ta không phải là người cầm chuôi dao nhưng nên cố gắng để đừng cầm lưỡi dao tức là chúng ta cố gắng cầm tay họ khi họ cầm chuôi dao.
Về ngân sách nhà nước, bài toán này có 3 mặt phải chú ý: Thứ nhất phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thứ 2 là ta vẫn tiếp tục khai thác dầu và ta vẫn tiếp tục có nhu cầu nếu như trường hợp ta phát hiện được mỏ dầu lớn chúng ta sẽ bớt đi phần mua dầu, nhập dầu nhưng còn chuyện mua và nhập là tất yếu. Chỉ có điều bỏ nhiều tiền hay ít tiền tùy thuộc vào việc ta tìm được mỏ dầu mới và lớn hay không dù khả năng tìm được mỏ dầu lớn là tương đối khó.
Việc ta cần làm là đừng chạy theo xây dựng nhà máy lọc hóa dầu ở trong nước, đủ để đảm bảo nhu cầu của đất nước vì hiện nay thế giới gần như, đặc biệt Nhật Bản là nước phát triển dù không có mỏ dầu nhưng nhà máy lọc hóa dầu rất lớn rất tiên tiến nhưng Nhật Bản cũng đã giảm thiểu cũng như nhà máy điện nguyên tử.
Nếu ai đó kéo Nhật Bản đi xây dựng nhà máy lọc dầu ở ngoài Nhật Bản thì Nhật Bản sẽ hoan nghênh thậm chí cho vay tiền. Bởi vì họ biết phải trả giá cho ô nhiễm quá lớn nên lọc hóa dầu là khâu hết sức nhạy cảm đối với các nước phát triển. Họ luôn tính toán để giảm bớt còn những nước đang phát triển như Việt Nam lại có xu hướng ngược lại.
Giá xăng tăng là do quản lý
PV: - Dung Quất hiện cung cấp được 30% xăng nhưng giá xăng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu thế giới, điều này phải được hiểu như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Đông Hải: - Bản thân công suất nhà máy Dung Quất không thấm gì so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sở dĩ tại sao Dung Quất có phần xuất ra ngoài vì có những sản phẩm mà tính chất dầu của Bạch Hổ là dầu ngọt, ít lưu huỳnh, chất lượng cao bán cái đó để mua cái rẻ hơn, tức là cái của mình cao cấp hơn vì bản thân dầu thô là tốt do không có lưu huỳnh, thứ 2 là dầu ngọt có thể sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn.
 Xăng giá cao do nhu cầu xăng dầu của Việt Nam tăng ào ạt, không có kế hoạch thêm nữa tiêu thụ tăng nhưng sản xuất hạn chế thì buộc lòng phải nhập với giá cao
Xăng giá cao do nhu cầu xăng dầu của Việt Nam tăng ào ạt, không có kế hoạch thêm nữa tiêu thụ tăng nhưng sản xuất hạn chế thì buộc lòng phải nhập với giá cao
Nhà máy Dung Quất đầu tiên chỉ có lọc dầu, chưa có hóa dầu nhưng trong quá trình phát triển thấy những đòi hỏi bức thiết của hóa dầu mới mở rộng thêm tức là bản thân nhà máy chỉ lọc dầu là dầu Bạch Hổ, dầu chất lượng cao nhưng sau đó dầu Bạch Hổ giảm nên buộc lòng phải tìm dầu tương tự để mua vào nhưng phải xuất dầu tốt, sản phẩm tốt.
Đây là vấn đề đánh đổi, cân bằng, thực ra mình không cần nhiều những sản phẩm cao vì có những cái mình làm được nhưng lại không làm được do ỉ lại vào Trung Quốc và ngành dầu khí cũng không ngoại trừ.
Bất cứ lĩnh vực gì ít hay nhiều đều dính đến Trung Quốc kể cả dầu khí nhưng mức độ ít hơn vì ta đang thiếu, thứ 2 ta phụ thuộc vào các nước đã quen từ trước đó. Bản thân Trung Quốc cũng đang khát dầu do không đủ lượng dầu thô và bản thân chế biến ra sản phẩm dầu chưa đủ và Trung Quốc chậm chân hơn so với Mỹ, Phương Tây, Nhật Bản có ngành lọc dầu tiên tiến và lâu đời nhất, ít phụ thuộc trực tiếp.
Máy móc thiết bị trong nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong khi ký kết với nước ngoài đều có cam kết vì ta chiếm 51% còn các đối tác khác là 49% , vì 49% này là các đối tác nên chắc chắn họ hạn chế bớt tác động của Trung Quốc. Bản thân các nước này bỏ tiền nên họ cũng bảo vệ lợi ích của họ ở đây nên Trung Quốc nếu có cũng chỉ là những sản phẩm phụ, máy móc phụ như máy chạy điện, mô-tơ, đường ống còn không dính đến công nghệ.
PV: - Việt Nam là một trong những nước khu vực Đông Nam Á có trữ lượng dầu thô lớn nhất cùng Malaysia, Indonesia song lại có mức giá xăng dầu cao nhất khi so sánh với Malaysia cao hơn khoảng 15.000 đồng/lít, Indonesia là hơn 5.000 đồng/lít. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như vậy? Ông có thể cho biết, xăng dầu Malaysia và Indonesia chế biến do tự khai thác dầu thô hay nhập khẩu từ đâu, họ có chính sách gì để có thể kìm được giá xăng dầu? So với Việt Nam nguồn nhập khẩu và chính sách có những điểm gì khác nhau, thưa ông?
TS Nguyễn Đông Hải: - Đây là điều đương nhiên vì nhu cầu của Việt Nam tăng ào ạt, không có kế hoạch thêm nữa tiêu thụ tăng nhưng sản xuất hạn chế thì buộc lòng phải nhập còn các nước như Malaysia, Indonesia có chính sách, loại nào sẵn sẽ dùng còn của Việt Nam vô tội vạ.
Theo tôi, giá xăng đã tăng liên tiếp 5 lần liền từ đầu năm đến nay lỗi do quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu chính điều này là mầm mống khiến dân nghèo, là con dao tự sát. Hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex vẫn chiếm thị phần rất lớn, tới hơn 50% chính vì còn độc quyền nên việc tăng giá liên tiếp chắc chắn sẽ còn diễn ra.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là nước đông dân nhất, tiêu thụ lớn nhất nhưng lại tự chủ về vấn đề xăng dầu, họ là nước thuộc địa Anh cho nên mối quan hệ vẫn giữ cho nên những công ty dầu của Anh vẫn hoạt động ở đây và làm ăn theo đối tác lâu dài và có lợi cho nhau. Chính ta bị mối quan hệ phụ thuộc với Trung Quốc làm đảo lộn hết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                    (Theo Đất Việt) Nguyên Thảo thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét