Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Hãy xem Trung Quốc làm, chớ nghe Trung Quốc nói
Cập nhật lúc 14:13   

(PetroTimes) - Lãnh đạo Trung Quốc vừa khẳng định rằng, Trung Quốc không hề có ý đi theo xu hướng “bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt”. Liệu có tin được không khi mà Bắc Kinh đang bị rất nhiều nước tố cáo là càng lúc càng tỏ rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải, áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các láng giềng, từ Nhật Bản cho đến Philippines, Việt Nam và thậm chí Ấn Độ?
Ngày 28-6, phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nhân kỷ niệm đánh dấu 60 năm ký kết “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” cùng với Ấn Độ và Myanmar, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: “Chủ nghĩa bá quyền hay quân phiệt không nằm trong gien của người Trung Quốc. Trước sau như một, Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình vì đây cũng lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của châu Á và của cả thế giới”.
Trước hơn 700 quan khách, lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn với Phó tổng thống Ấn Độ là ông Mohammad Hamid Ansari và Tổng thống Thein Sein của Myanmar rằng, Trung Quốc sẽ đặt căn bản hòa bình và hữu nghị trong quan hệ giữa các nước. Chủ tịch Tập cũng nhắc lại bản tuyên bố chung về 5 nguyên tắc hòa bình đã được ký trước đây 60 năm với hai nước này hứa hẹn sẽ sống chung hòa bình và từ đó tới nay Trung Quốc đã kiên trì thực hiện lời hứa đó. Tuy nhiên, ông Tập không nhắc tới những căng thẳng sau đó vào thập niên 60 của thế kỷ trước giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như Myanmar.


Tập Cận Bình nói và làm là hai chuyện khác nhau
Ông Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và cũng không áp đặt ý chí của mình lên người khác”. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, nước ông sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ cho dù có trở thành hùng mạnh như thế nào chăng nữa.
Và trong một câu nói dường như nhằm vào Mỹ, ông Tập nói: “Thời thống trị của siêu cường đã qua rồi. Ý nghĩ thống trị quan hệ quốc tế đã thuộc về quá khứ và những nỗ lực như thế trước sau gì cũng thất bại. Phô bày sức mạnh quân sự chỉ thể hiện là anh thiếu tầm nhìn hoặc thiếu cơ sở đạo đức chứ không cho thấy là anh mạnh”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi “một kiến trúc mới cho an ninh Châu Á - Thái Bình Dương”.
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và nhiều láng giềng đang rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền, trên biển với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và trên đất liền với Ấn Độ. Các láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã không ngừng cáo buộc Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn trong việc buộc các nước khác chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Và các nước này đang quan ngại về chi tiêu quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, với bài phát biểu này, Chủ tịch Trung Quốc có một mục tiêu rất rõ ràng: ông muốn trấn an các nước láng giềng và các nước khác đang dõi theo sự vươn lên của Trung Quốc vốn đang tự hỏi nước này sẽ trở thành một siêu cường như thế nào.
Tuy nhiên liệu thông điệp của ông Tập có đạt được mục đích hay không lại là chuyện khác. Phó tổng thống Ấn Độ cũng có mặt để nghe ông Tập nói nhưng có nhiều lãnh thổ mà Ấn Độ cho là của họ hiện Trung Quốc đang kiểm soát hoặc tuyên bố có chủ quyền.
Trong cuộc tiếp xúc ngày 28-6-2014 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đã nêu bật thái độ quan ngại của New Delhi về vụ tấm bản đồ “10 đoạn” vừa được Trung Quốc phát hành cho thấy vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ nay lại thuộc lãnh thổ…Trung Quốc.
Đây là một vùng đất mà cả hai bên đều đòi chủ quyền. Đối với New Delhi, một phác thảo trên bản đồ không thể hiện thực tế hiện trường và Ấn Độ luôn luôn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng Arunachal Pradesh. Báo chí Ấn Độ hôm 27-6 trích lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói rõ rằng: “Arunachal Pradesh là bộ phận không thể tách rời của đất nước Ấn Độ, và New Delhi đã nhiều lần nhắc nhở Bắc Kinh về thực tế đó. Chính quyền bang Arunachal Pradesh cũng cực lực lên án hành vi của Trung Quốc”.
Ấn Độ là quốc gia gần đây nhất lên tiếng phản đối tấm bản đồ mới do Trung Quốc phát hành, với 10 đường gián đoạn trên biển nuốt gần trọn Biển Đông cũng như sáp nhập luôn vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trước Ấn Độ, các nước như Philippines, Mỹ, Việt Nam, đều đã công kích hành động khiêu khích mới đó của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 26-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án vụ Trung Quốc phát hành “Bản đồ địa hình Trung Quốc” và “Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” khổ dọc trong đó thể hiện “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cũng coi đó là một bước đi sai trái nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại Philippines hôm 27-6 cũng tố cáo tính chất phi pháp của tấm bản đồ mới của Trung Quốc và khẳng định việc làm của Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, phần lớn phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc dường như cuối cùng là nhằm vào Mỹ. Ông Tập nói cái mà ông gọi là “luật rừng” khi mà một nước tìm cách thao túng quan hệ quốc tế đã là chuyện quá khứ.
Người viết đặc biệt chú ý tới phát biểu này của lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi ông Tập chỉ trích cách hành xử “theo luật rừng” của Mỹ thì chúng ta thử nghĩ xem cách làm của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông là lối hành xử kiểu gì? Trung Quốc ngang nhiên đưa hết giàn khoan này tới giàn khoan khác vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động đó vi phạm trắng trợn mọi luật pháp quốc tế về Luật Biển, phá hoại mọi cam kết giữa hai nước và các thỏa thuận giữa Trung Quốc với ASEAN. Chưa hết, khi lực lượng tàu thi hành pháp luật của Việt Nam ra ngăn cản hành vi sai trái trên thì bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm va, xịt vòi rồng… Rồi họ còn không biết xấu hổ đi lu loa, bịa chuyện rằng tàu Việt Nam đâm tàu của Trung Quốc.
Trung Quốc nói họ thượng tôn luật pháp, phát triển trong hòa bình nhưng cứ hễ ai yêu cầu họ ra Tòa án quốc tế để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ thì họ lại gạt phắt đi. Tất cả những hành động trên của Trung Quốc không phải là kiểu luật rừng thì là cái gì?!
Cho nên, chúng ta hãy chỉ nên xem những gì Trung Quốc làm chứ đừng nghe những gì Trung Quốc nói.
(Theo Năng lượng mới) S.Phương
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét