Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Vay ODA giá cao, công nghệ kém... con cháu mang nợ
Cập nhật lúc 08:01                  
(Tài chính) - "Nếu cứ mải miết đi vay, nhưng để lại những công trình kém chất lượng thì sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước" - TS Lê Đăng Doanh.
PV: Lại thêm một nghi án công ty Nhật Bản hối lộ cán bộ Việt Nam 16 tỷ, theo ông vụ việc này chứng minh điều gì, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi rất lấy làm buồn và xấu hổ trước thông tin Chủ tịch JTC hối lộ cho lãnh đạo đường sắt 16 tỷ đồng. Điều đáng nói, việc này là do phía Nhật Bản phát hiện ra chứ không phải từ phía chúng ta.
 TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh
Đặc biệt, nó lại diễn ra ngay sau chuyến thăm Nhật Bản rất thành công của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mà hai bên đã có nhiều cam kết hợp tác.
Tôi chắc rằng, thông tin này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tiếng nói của Hạ Nghị viện Nhật Bản và nó cũng sẽ ảnh hưởng tới việc phía Nhật Bản sẽ giải ngân các dự án ODA cho Việt Nam như thế nào.
Trước đây, với vụ việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ Nhật đã đình chỉ giải ngân mất 6 tháng, với vụ việc này, chúng ta phải chờ xem diễn biến và cách xử lý của phía Nhật Bản trong thời gian tới.
Điều tích cực ở đây là thái độ của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và thái độ cương quyết của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là tiến bộ rõ nét nhất so với vụ việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây.
Nhưng cũng không nên vui mừng quá sớm, kết quả ra sao chúng ta cần phải chờ đợi.
Từ vụ việc này tôi muốn nói, nó đã chứng tỏ những nỗ lực của chúng ta về phòng chống tham nhũng chưa phát huy kết quả. Và thực tế chúng ta chưa tự lực phát hiện được tham nhũng mà lại do đối tác. Đấy cũng là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. 
PV: Với những nguyên tắc giàng buộc trong những hợp đồng vay vốn ODA, thì ODA có đơn thuần là quà cho không và biếu không. Và đó có là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đưa - nhận hối lộ như đã nói, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Vốn ODA của Nhật cho vay luôn đi kèm với điều kiện chúng ta phải sẽ phải sử dụng là công ty tư vấn Nhật, nhà thầu Nhật, vật liệu nhập khẩu từ Nhật. Riêng cầu Cần Thơ, chúng ta phải đấu tranh rất nhiều Nhật mới cho chúng ta sử dụng xi măng tại nhà máy xi măng của công ty Nhật Bản sản xuất tại Nghi Sơn.
Việc bắt buộc sử dụng nhà thầu, vật liệu, dịch vụ của Nhật Bản sẽ xảy ra trường hợp, giá thành bị đẩy lên cao hơn gấp nhiều lần do chi phí vận chuyển.
Đó chính là nguyên nhân đẩy giá các công trình ODA. Đây là thực tế buộc chúng ta phải suy nghĩ. Vốn ODA không phải là quà biếu không mà đó là món nợ hôm nay không trả thì mai sau con cháu phải trả.
Nếu thế hệ này cứ mải miết đi vay nhưng lại để lại những công trình kém chất lượng thì sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước.
PV: Vậy từ góc độ của người đi vay, phải hiểu về vốn ODA này như thế nào mới đúng, thưa ông? 
TS Lê Đăng Doanh: Chúng ta hãy cố gắng để không phải vay vốn ODA nữa. Tức là phải tiết kiệm, làm ăn có hiệu quả để tự mình xây dựng được kết cấu hạ tầng mà không phải đi vay. 
Vay vốn ODA nhưng phải mua lại công nghệ, dịch vụ cao, chi phí đút lót đều được tính vào giá công trình và chúng ta phải trả.
Do đó, những người ăn đút lót chính là những người đang bắt con cháu mình phải trả về sau này.
PV: Một vấn đề không thể không thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng của các công trình ODA Nhật Bản. Rất nhiều công trình đã gặp sự cố, thậm chí sự cố nghiêm trọng (như vụ sập cầu Cần Thơ).
Vay vốn giá cao, nhận công nghệ thấp, phần tăng trưởng cho kinh tế từ các dự án ODA lại giành cho nước ngoài. Thưa ông, phải chăng Việt Nam không có lựa chọn nào khác nên buộc phải chọn cách phát triển thiệt đơn thiệt kép như vậy?  
TS Lê Đăng Doanh: Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Cầu Cần Thơ có thiếu sót đó là do bên thi công của Nhật Bản và Việt Nam. Các công trình khác không có lý do gì nói là chất lượng kém hay công nghệ kém.
Cần phải có chứng minh cụ thể và phải xem xét cầu thị chứ không thể nhận xét một cách thiếu căn cứ như vậy.  
PV: Vậy, theo ông Việt Nam phải có chiến lược đi vay như thế nào? 
TS Lê Đăng Doanh: Việc đi vay thì cần phải có sự chuẩn bị rất tốt ở trong nước và phải sử dụng vốn vay đó rất hiệu quả. Nếu sử dụng không hiệu quả lại tham nhũng thì chất lượng công trình kém mà gánh nợ ngày càng nặng hơn.
Thực tế do kết cấu hạ tầng của mình rất kém nên phải vay vốn để phát triển. Nhưng phải sử dụng nó một cách hiệu quả, tránh việc bắt tay làm giá, tham ô hối lộ đẩy giá công trình lên cao gấp nhiều lần so với các nước khác như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng cảnh báo.
 PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Nguyễn Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét