Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Tiền tỷ đổ vào ống nước Vinaconex trôi ra sông

Cập nhật lúc 15:20                
 Ống vỡ, mỗi lần khắc phục sự cố lại tiêu tốn tiền tỷ. Số tiền đó ở đâu ra? Tiền ngân sách? Tiền bổ đầu vào giá thành mỗi m3 nước để người tiêu dùng “đỡ” hộ?
Mỗi lần vỡ “ngốn” cả tỷ đồng
Ống nước sạch từ sông Đà về Hà Nội là một phần quan trọng trong “Dự án cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng Cty cổ phần Vinaconex (Vinaconex) làm chủ đầu tư được chia làm 2 giai đoạn.
Năm 2008, hoàn thành giai đoạn I và hệ thống nước sạch bắt đầu đi vào hoạt động. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay đường ống đã vỡ đến 5 lần (2/2012, 3/2013, 11/2013, 12/2013, 4/2014).
Theo ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ, tốn kém tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ đồng.
 vỡ ống nước sông Đà, Công ty cổ phần nước sạch, Vinaconex, tăng giá nước
Mỗi lần vỡ ống nước gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chỉ riêng 1 lần vỡ đường ống nước của Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) vào năm 2012, đã đưa đơn vị này vào danh sách 6 công ty trên toàn quốc có mức thất thoát nước hơn 30%/năm (năm 2013 giảm còn 26%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Trung – Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc nay là đường đại lộ Thăng Long, đưa ra cảnh báo: “Cường độ và tần suất vỡ sẽ ngày càng dày thêm, gần lại. Điều này hiện chúng ta đã có thể thấy rồi. Tính từ tháng 11/2013 đến nay ống đã vỡ tới 3 lần”. Nếu như vậy thì còn số thiệt hại sửa chữa đường ống không chỉ dừng lại ở 5 – 6 tỷ đồng như hiện tại mà có thể nối dài và cao hơn?
Bàn về phương án khắc phục ông Trung cho rằng, có 2 giải pháp để khắc phục tình trạng liên tục vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà. Thứ nhất, thay toàn bộ đường ống hoặc gia cố để bảo vệ đường ống. Thứ hai, làm một đường ống khác với chất liệu chịu được lực xoắn và lực uốn song song với đường ống hiện tại, đó là việc lâu dài.
Nhưng ông cũng đặt ra vấn đề, để làm một đường ống khác thì vốn đầu tư cũng không phải là nhỏ. Còn để xử lý với đường ống hiện tại không chỉ vấn đề về vốn mà với 5 lần bị vỡ như vừa qua thậm chí còn hơn nữa trong thời gian tới thì ai sẽ đầu tư và chịu trách nhiêm?
Trong khi đó, Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho biết, đã tính đến giải pháp lâu dài là làm ống thứ 2 bằng chất liệu thép song song với đường ống đang vận hành, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo ông Tốn, làm ống thứ 2 để khi có sự cố ống này thì có ống khác thay thế, gánh vác.
Cũng phải nói thêm rằng, tuyến ống đang vận hành hiện nay cũng đã được đầu tư với tổng số vốn là hơn 1.500 tỷ đồng. Bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng công trình đã từng được nhận “Cúp vàng xây dựng Việt Nam” để rồi giờ đây vẫn phải đầu tư thêm một đường ống khác với số vốn đầu tư gấp đôi để “gánh vác” e rằng cũng nghịch lý?
Ai đỡ cho dân?
Trong khi các cơ quan vẫn đang loanh quanh với những nguyên nhân khiến đường ống bị vỡ thì một thực tế là mỗi lần vỡ như thế đời sống sinh hoạt của hàng vạn người dân bị rơi vào cảnh khốn đốn. Những thiệt hại bước đầu về kinh phí sửa chữa đường ống đã được Vinconex đưa ra nhưng những thiệt hại của người dân đã bao giờ được tính đến.
Trong những ngày mất nước, nhiều gia đình phải mua nước sạch từ nhiều nguồn khác để sử dụng. Như vậy, dẫu có ký hợp đồng được cung cấp nước sạch với công ty nước sạch Vinaconex thì người tiêu dùng vẫn không thể nhận được một sự bảo đảm nào về việc sẽ được cung cấp đầu đủ nước sạch để sử dụng.
Thực tế, các công ty cấp nước Hà Nội đang có tỷ lệ thất thoát rất lớn, Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước tại Hà Nội trên 30%.
Hiện, Viwaco cung cấp khoảng 200.000m3 nước/ngày đêm. Với tỷ lệ thất thoát như trên, nếu tính đơn giá nước sạch (cho 10m3 đầu tiên) của năm 2012 là 3.478 đồng/m3, Viwaco mất 208 triệu đồng/ngày đêm (mỗi năm hơn 76 tỷ đồng).
Nếu tính thêm cả 4 lần sau đó đường ống bị vỡ (vào năm 2013 và 2014), với đơn giá nước tăng từ tháng 10/2013 (tăng lên 4.172 đồng/m3), số tiền do thất thoát nước gây ra còn lớn hơn rất nhiều.
Cũng không phải không có lý do khi người dân đưa ra những băn khoăn mỗi lần ống vỡ lại “ngốn” cả tỷ đồng, số tiền đó ở đâu ra? Tiền ngân sách? Tiền bổ đầu vào giá thành mỗi m3 nước để người tiêu dùng “đỡ” hộ?
Theo lộ trình tăng giá nước sạch tại Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt, trong 3 năm (2013 - 2015), giá nước sạch tăng 3 lần vào ngày 1/10 hàng năm, với mức tăng khoảng 20% mỗi năm. Cụ thể, từ ngày 1/10/2013, giá nước sạch sinh hoạt tăng thấp nhất 19,93% cho mức sử dụng 10m3 đầu tiên (tăng từ 3.478 đồng lên 4.172 đồng/m3); từ 1/10/2014, mức giá này tăng thành 5.020 đồng/m3 (tăng 848 đồng); sẽ chạm mốc 5.973 đồng/m3 (tăng 953 đồng) ngày 1/10/2015 (giá trên chưa tính thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường).
Giá tăng, liệu chất lượng phục vụ có được cải thiện? Hay như những lần qua, mỗi lần vỡ ống, ống vỡ cứ vỡ còn dân thì tự đỡ, tự chịu?
(Theo Vland) Hồng Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét