Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Quốc hội xem xét có chức danh Tổng thư ký
Cập nhật lúc 08:14
(Tin tức thời sự) - Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi dự kiến có chức danh Tổng thư ký cho phù hợp với xu hướng chung của các cơ quan lập pháp trên TG.
Xem xét chức danh mới
Ngày 15/4, tờ Dân trí đưa tin, theo tờ trình của cơ quan soạn thảo trình bày trước UB Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở tổng kết, đánh giá về hoạt động của đoàn thư ký kỳ họp cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của QH, UB Thường vụ đề nghị quy định trong luật chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay.
Về nội dung “Tổng thư ký Quốc hội” thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị thay các chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bằng chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ủy viên thư ký Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng QH 
Ông Nguyễn Hạnh Phúc hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng QH
Việc lập chức danh này thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.
Tổng thư ký Quốc hội chịu trách nhiệm phát hành thông cáo về nội dung phiên họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội; tổ chức công tác thông tin báo chí tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điểm mới này của dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, một trong những đạo luật được ưu tiên sửa trước để cụ thể hóa Hiến pháp mới, nhận được nhiều ý kiến khác nhau của ĐB.
Qua tập hợp cho thấy họ còn băn khoăn giữa chức danh mới này với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vốn lâu nay vẫn đảm nhận các nhiệm vụ trên. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ chức danh Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm VPQH, làm rõ mối quan hệ giữa hai chức danh này.
Ý kiến khác đề nghị ghép hai chức danh này làm một để đồng bộ các hoạt động tại các kỳ họp và hoạt động thường xuyên của QH. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Tổng thư ký QH, yêu cầu chức danh này phải là ĐBQH. 
Theo Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, quy định Tổng thư ký là mới nhưng nội hàm chưa có gì cả, cần phải xem xét thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, người hiện giữ chức danh Chủ nhiệm VPQH, giải trình thêm: "Hiện trên thế giới chỉ còn nước ta và Lào còn chức danh Chủ nhiệm VPQH, các nước trên thế giới đều là Tổng thư ký, thậm chí có Hiệp hội Tổng thư ký các nghị viện thế giới".
Theo ông Phúc, chức danh Trưởng đoàn thư ký kỳ họp hiện nay chỉ phát huy tác dụng trong thời gian diễn ra kỳ họp, trong khi chức danh Tổng thư ký sẽ có vai trò cả trong và ngoài kỳ họp.
Tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách
Bên cạnh nội dung trên, tờ Tiền phong cũng đưa tin, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý khác, như bổ sung một điều mới cụ thể hóa thẩm quyền trưng cầu ý dân của Quốc hội.

Những chiếc ghế trống sẽ ít đi nếu số đại biểu chuyên trách ngày càng nhiều 
Những chiếc ghế trống sẽ ít đi nếu số đại biểu chuyên trách ngày càng nhiều
Theo đó, khi xét thấy cần thiết, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp, về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng hoặc về những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Một nội dung khác được các đại biểu góp ý là số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, ý kiến khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất 45% hoặc 50%.
Tuy nhiên, để hài hòa giữa chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách và yêu cầu bảo đảm chất lượng, cũng như khả năng tổ chức, bố trí nhân sự, Ban soạn thảo xin giữ nguyên quy định “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội” như tại Điều 110 của Dự thảo.
Xung quanh nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải cơ quan của Quốc hội mà chỉ là hình thức phối hợp hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đặc biệt là trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, Văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Theo Đất Việt) Thái Linh

 Nếu chức danh này được đưa vào thì trên thế giới chỉ có QH Việt Nam ta có chức danh này. Hiện chỉ có các tổ chức quốc tế, khu vực mới có chức danh TTK nhưng quyền hạn rất lớn, không đơn thuần là thư ký, như TTK Liên hợp quốc, TTK khối NATO, khối ASEAN... Còn thư ký hay TTK của Quốc hội cũng chỉ đơn thuần chức năng thư ký mà thôi. Phải chăng do nhiều thư ký quá cho nên cần một ông “Tổng” để chỉ huy đội ngũ thư ký?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét