Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Một tiếng nói công bằng và khách quan về nhân quyền Việt Nam
 Cập nhật lúc 09:35  

QĐND - Ngày 7-4-2014 vừa qua, ngài Eni Falemavaega, Hạ nghị sĩ, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ra tuyên bố đánh giá cao tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ hai của Nhà nước Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 8-2-2014 ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ.
Trong tuyên bố của mình, Hạ nghị sĩ Falemavaega đã khẳng định những thành tựu được nêu trong báo cáo UPR của Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, bảo đảm quyền của tù nhân và tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Ngài Falemavaega cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, trong đó có việc Việt Nam có các cuộc đối thoại nhân quyền hằng năm với các đối tác như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)… Cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã ra Văn bản ghi nhận toàn văn tuyên bố nêu trên của ngài Falemavaega làm tài liệu chính thức của Hạ viện.
 
Hơn 10.000 người (bao gồm các tăng ni, Phật tử) chắp tay thành kính trong giờ phút linh thiêng tiến hành lễ cầu quốc thái dân an và đại lễ cầu siêu do Đức pháp vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn tiến hành cầu nguyện tại chùa Tây Thiên (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc ngày 13-4) thể hiện sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Ảnh: qdndonline.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đi từ giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước theo con đường XHCN trên thực tế là giành lấy các điều kiện và tiền đề chính trị để đi đến mục tiêu cuối cùng là vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nói cách khác là vì quyền con người và quyền công dân. Trong gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng quốc tế về nhiều mặt trong đó có cơ chế bảo vệ quyền con người. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia đầy đủ những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Trong đó có “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước Chống tra tấn).
Công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với nhiều thử thách, cả chủ quan và khách quan. Không ít kẻ vì những lý do khác nhau vẫn bám giữ quan điểm chính trị trong thời kỳ chiến tranh lạnh, kỳ thị đối với chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhiều kẻ mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để phá hoại an ninh quốc gia, phá hoại quan hệ quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã công bằng và khách quan đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam.
Ngày 5-2-2014 theo cơ chế “Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát” (UPR) của Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo kiểm điểm định kỳ (chu kỳ 2) về tình hình nhân quyền Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác chuẩn bị báo cáo; nội dung báo cáo đã thực hiện một cách nghiêm chỉnh các khuyến nghị từ Hội nghị kiểm điểm lần thứ nhất (2009). Báo cáo đã thực hiện nghiêm túc 96 khuyến nghị tại Hội nghị kiểm điểm định kỳ năm 2009. Trong năm 2013, Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc trên lĩnh vực quyền con người. Đặc biệt là lần đầu tiên quyền con người (cùng với quyền công dân) đã được quy định trong Chương II của Hiến pháp 2013. Có ý kiến đánh giá cao việc Việt Nam đã ký “Công ước chống tra tấn” là một trong những công ước quan trọng của quyền con người. Những năm qua Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; sẵn sàng đối thoại nhân quyền thường niên với các đối tác (trong đó có Hoa Kỳ) và luôn đóng góp tích cực vào cơ chế nhân quyền ASEAN...
Về phần mình, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật; thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí; tự do tôn giáo; mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tới Việt Nam và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, trong đó có các Cơ quan Công ước…
Điều đáng trân trọng trong tuyên bố của ngài Falemavaega vừa qua là ở chỗ, trong khi ở Hoa Kỳ vẫn còn có không ít người vì lý do khác nhau, chấp nhận nhiều thông tin cóp nhặt, xuyên tạc, sai trái về tình hình nhân quyền Việt Nam, vẫn còn giữ quan điểm kỳ thị đối với chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ và quyền con người, thì ngài Falemavaega với tư cách một chính khách Hoa Kỳ đã công khai, thẳng thắn nói lên tiếng nói công bằng, khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Trong phát biểu lần này, ngài  Falemavaega còn nói rõ trong nhiều chuyến thăm Việt Nam, ông đã từng tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam và thấy rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam đã được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và giúp đỡ...
Không phủ nhận rằng, quan điểm và thực tiễn trên lĩnh vực dân chủ và quyền con người giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn khoảng cách, nhưng để rút ngắn khoảng cách đó không thể là sự áp đặt quan điểm của quốc gia này cho quốc gia khác mà phải bằng đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cầu thị, nhất là bằng những đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề nhân quyền cụ thể của mỗi quốc gia. Một trong những vấn đề lớn về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa kỳ đó là Hoa Kỳ cần phải có nhiều đóng góp hơn nữa giúp Việt Nam giải quyết hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, giải quyết tình trạng ô nhiễm bom, mìn trên hàng triệu ki-lô-mét vuông. Trong quan hệ kinh tế, Hoa Kỳ đang là đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dệt may và thủy sản... Nếu thật sự vì nhân quyền cho người dân Việt Nam, thay vì tiếp tục gây khó khăn cho Việt Nam vì sự khác biệt nào đó trên lĩnh vực pháp lý liên quan đến một số cá nhân, Hoa Kỳ nên cân nhắc hạn chế đưa ra các rào cản kỹ thuật, áp thuế không công bằng đối với các sản phẩm Việt Nam, gây khó khăn cho hàng vạn lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản và dệt may...
Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn còn đang ở phía trước. Trong bối cảnh Việt Nam đang giữ trọng trách là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, đặc biệt hiện nay ở Hoa Kỳ, không ít người vẫn còn giữ quan điểm kỳ thị, ứng xử không công bằng trên lĩnh vực nhân quyền đối Việt Nam, phát biểu của ngài Hạ nghị sĩ Falemavaega đáng được ghi nhận một cách trân trọng.
(Theo QĐND) HÒA LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét