Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Tuyển dụng và bằng cấp

Cập nhật lúc 10:01
 (PetroTimes) - "Phong trào” thi tuyển cán bộ từ nhân viên, trưởng phó phòng, chánh phó giám đốc sở và cao nhất là Tổng cục trưởng đang được dư luận quan tâm đặc biệt, vì nhờ động thái này bộ máy của chúng ta sẽ tránh được nạn “cán bộ cắp ô” hiện đang chiếm  tới 30% công chức.
Câu chuyện thi tuyển công chức rộ lên vào mùa tuyển dụng khi biên chế được phê duyệt. Thi cử được bàn đến mọi lúc mọi nơi và không bao giờ thiếu các tin tức rỉ tai về giá cả và khả năng “chạy” giúp của cò nào đó. Hai năm trước, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội có phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội gây chấn động cả nước: “Thí sinh để đỗ công chức mất không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng cho thành phố, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.
Thế nhưng kết luận thanh kiểm tra sau đó là con số không ấn tượng: Không có chuyện 100 triệu!
 
Đến khi Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức tuyển giám đốc cấp sở thành công, chọn đúng người đạt chuẩn khiến các địa phương thêm hăng hái công bố kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức cấp phòng, cấp sở. Gần đây nhất, với thông tin sẽ thi tuyển Tổng cục trưởng, Bộ Giao thông Vận tải cùng với tuyên bố chắc như cua gạch của Bộ trưởng rằng, không thể có chạy chọt khiến các bộ, ngành khác phải suy nghĩ. Dư luận chờ đợi và hy vọng sẽ có những kỳ thi tuyển nghiêm minh.
Và quả thật, tín hiệu tốt lành đã xuất hiện. Đó là cuộc thi tuyển công chức đầu tiên ở Thanh Hóa cuối năm 2013. Thì ra tỉnh này có cách làm không dập khuôn. Đích thân ông Chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ huy. Ông không nghe báo cáo từ cấp dưới, không dự báo dự đoán gì cả, mà tổ chức một cuộc thi có thể nói là sát ràn rạt. Ông chỉ đạo thi tuyển cán bộ công chức “bí mật và khách quan”, không cho gửi, không cho chạy.
Kết quả, tổng cộng 419 thí sinh dự thi thì bỏ giữa chừng gần 70 người. Còn lại 120 người đủ điều kiện để xét tuyển và tỷ lệ trượt là 71,4%.
Từ trước đến nay, ít nơi nào tổ chức thi cử đúng chất lượng, công bằng và nghiêm túc, cho nên tỷ lệ đậu rất cao. Và tất nhiên, số công chức “vô tích sự” ngày càng cao. Các cậu ấm, cô chiêu “con cháu các cô, các chú” cần một chỗ tá túc trong biên chế chứ không cần nơi để cống hiến tài năng và mơ ước.
Tệ hơn, việc thi tuyển công chức còn sặc mùi kim tiền bởi người ta phát hiện bài thi đúng đến từng dấu phẩy với đáp án. Vậy mà vẫn khó xử lý vụ này. Không ai dại gì tự khai mình bỏ tiền để mua đáp án thi nhằm vào cái ghế công chức.
Đợt thi tuyển công chức không cho chạy, không có mùi tiền tổ chức ở Thanh Hóa thì rớt đến 71,4%, ở Bộ Nội vụ rớt trên 30% thì đã rõ là thi thật, tuyển đúng.
Suy cho cùng, chất lượng công chức cũng nằm giữa lằn ranh của sự dối trá và trung thực. Nếu như thi cử trung thực thì chọn được người có năng lực. Nếu thi cử dối trá thì đa số là những kẻ “vác ô” được chọn lựa.
Các cơ quan tổ chức cán bộ nên lấy con số tỷ lệ thi trượt của tỉnh Thanh Hóa vừa rồi soi lại các cuộc thi tuyển công chức của ngành, của địa phương thì có thể tìm ra được đâu là sự trung thực và đâu là sự dối trá. Một bên thi rớt 71,4%, còn một bên người thi đậu là người có đáp án đúng đến dấu chấm câu thì quả là quá chênh lệch, một sự chênh lệch đáng ngờ chứ không phải là 1% như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng công bố.
Gần đây, khi có địa phương ưu tiên điểm cho sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trong tuyển dụng công chức, viên chức và việc các địa phương như TP Hà Nội, TP Ðà Nẵng, các tỉnh Nam Ðịnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên... “nói không” với cử nhân hệ tại chức, liên thông, liên kết đã đặt ra câu hỏi về các hình thức đào tạo ngoài công lập. Ðiều này còn khiến cho một số công chức, viên chức có bằng tại chức không yên tâm, họ tiếp tục xin học thêm một bằng chính quy theo đường xét tuyển không phải thi hoặc học cao học liên kết với nước ngoài để tránh thi đầu vào.
Tình trạng cán bộ, viên chức đi học nhiều đến mức một vị lãnh đạo ở tỉnh phải lên tiếng trong phiên họp HĐND tỉnh rằng, cán bộ đi học rỗng cả cơ quan nhưng đi học về chất lượng công việc vẫn không tốt hơn. Có nhà khoa học thì nhận xét, người đông nhưng không mấy người thật sự say mê khoa học, chỉ cốt lấy cái bằng. Chưa nói, có địa phương đề ra chủ trương “tiến sĩ hóa” đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, “thạc sĩ hóa” đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện, khiến chủ tịch phường cũng nộp hồ sơ xin đi học thạc sĩ. Không hiểu ông phó phường cần phải nghiên cứu gì và đi học có phải từ yêu cầu công việc hay đam mê khoa học, mà vì mục đích khác?
Tại phiên họp ngày 25/2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức Nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy tôi thiết tha đề nghị Bộ Nội vụ cần rất nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức của hệ thống công chức, viên chức”.
Ðiển hình cho việc học một đằng làm một nẻo có thể dẫn ra một thí dụ: Hơn 700 công nhân lắp ráp thủ công ở Công ty Ðiện tử Foster Ðà Nẵng là cử nhân đại học. Đây đó có thông tin cử nhân đi đưa hàng trực tuyến, bán cơm, bán cháo, thậm chí rửa bát quét quán và xin đi xuất khẩu lao động làm khán hộ công.
Ðiều người dân mong mỏi ở cán bộ, công chức trước hết không phải là bằng cấp mà là sự sáng suốt, quyết đoán, tận tâm với công việc, thông thạo nghiệp vụ, “dĩ công vi thượng”, thật sự vì dân. Với các nhà chuyên môn, như nghề y chẳng hạn, uy tín của thầy thuốc trước hết phụ thuộc vào khả năng chẩn đoán và điều trị, không nhất thiết là thạc sĩ hay tiến sĩ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định rằng: “Bộ tôn trọng cả hệ thực hành lẫn hệ hàn lâm, nhưng nếu đi học thạc sĩ về không mổ được thì học để làm gì? 2 hệ đó phải khác nhau. Thạc sĩ đưa luận văn về, nhưng mở nội khí quản chưa chắc đã thành thạo, chưa chắc đã giỏi bằng bác sĩ nội trú, mà bệnh viện người ta cần bác sĩ giỏi nghề. Không phải cứ đi học lý thuyết, lấy chứng chỉ, làm luận văn rất dài nhưng về bệnh viện thì không làm được kỹ thuật”.
Tuyển dụng và bằng cấp vẫn làm nóng dư luận.
(Theo Petrotimes) Bảo Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét