Trở lại
bài "Cường hào mới ở huyện Hiệp Hòa":
Cập nhật lúc 09:40
(PetroTimes) -
Sau khi đăng tải 2 bài viết: “Cường hào mới ở huyện Hiệp Hòa” và “Một kiểu
lấy dân làm thớt”, Ban biên tập PetroTimes đã nhận được sự ủng hộ của nhiều
người dân.
Ngày 17/3/2013, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa dẫn đầu là Phó Chủ
tịch Nguyễn Văn Chính đã có buổi làm việc với Ban biên tập PetroTimes
tại tòa soạn.
Trong buổi làm việc Ban biên tập PetroTimes đã đề nghị
lãnh đạo huyện Hiệp Hòa cung cấp các văn bản thể hiện ý kiến của Bộ Tài
nguyên - Môi trường, Bộ NN&PTNT cũng như văn bản chấp thuận của Thủ tướng
Chính phủ cho phép thu hồi đất trồng lúa để xây khu đô thị. Kèm theo đó là
bản đồ quy hoạch, bảng giá đất đền bù cho người dân.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị cung cấp biên bản họp có
ý kiến của người dân bị thu hồi đất ở huyện Hiệp Hòa và công văn “gây áp lực”
của UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo Phòng giáo dục cho giáo viên tạm nghỉ việc để
nhận tiền đền bù.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo huyện cho biết họ không mang theo
và hẹn 2 ngày sau, trong buổi làm việc tại trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa, huyện
sẽ cũng cấp đủ những văn bản này.
14h, chiều ngày 19/3/2014, nhóm phóng viên PetroTimes có
mặt tại trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa để làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ
tịch, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch và một số lãnh đạo và các phòng ban chuyên
môn huyện Hiệp Hòa.
Mặc dù, trước đó 2 ngày khẳng định chắc như “đinh đóng
cột” rằng có văn bản phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng nhưng trong buổi làm
việc, các cán bộ huyện Hiệp Hòa vẫn không thể nào xuất trình được văn bản như
đã hứa. Thay vào đó, quyết định thu hồi đất chỉ dựa trên tờ trình của huyện và
tỉnh Bắc Giang chấp thuận.
12 hecta đất ruộng lúa nước, nơi nuôi sống gần 200 hộ nông dân bỗng
nhiên bị thu hồi với giá rẻ mạt để phân lô và bán với giá cắt cổ.
Muốn hỏi thì lên tỉnh!?
Những ngày qua, người dân huyện Hiệp Hòa không ngớt lời
bàn luận về công tác thu hồi đất và công tác đền bù của chính quyền nơi đây.
UBND huyện Hiệp Hòa ban hành quyết định số 650/QĐ-UBND về việc thu hồi đất nông
nghiệp để thực hiện dự án khu dân cư số 3, thị trấn Thắng. Với quyết định
này, hơn 12 hécta đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước của gần 200 hộ gia
đình bị thu hồi để phục vụ cho việc xây khu dân cư số 3.
Câu chuyện thu hồi đất để phục vụ công tác phát triển kinh
tế - xã hội thì đâu mà chẳng có, nhưng câu chuyện ở huyện Hiệp Hòa thì hoàn
toàn mới lạ và khác người.
Toàn bộ những văn bản liên quan đến việc thu hồi này đều
vượt quá thẩm quyền, bởi đã có quy định, thu hồi đất trồng lúa nước phải được
sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa
là đơn vị ký quyết định thu hồi nhưng không tài nào xuất trình được văn bản do
Chính phủ phê duyệt.
Tại bản thống kê phương án đền bù, hỗ trợ do UBND huyện
Hiệp Hòa lập, diện tích bị thu hồi là đất chuyên trồng lúa nước với ký hiệu
“LUC”. Và đúng là đất “LUC” thì việc thu hồi phải căn cứ vào Luật Đất đai
2003 và Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11 tháng 5 năm
2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa nước được quy định rất
rõ ràng, cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thế nhưng, toàn bộ hồ sơ
phê duyệt, quyết định thu hồi đất tại huyện Hiệp Hòa lại không thấy bất kỳ văn
bản nào đề cập đến vấn đề báo cáo lên Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ cho phép chuyển đất chuyên trồng
lúa sang sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích
công cộng, nhưng chính quyền Hiệp Hòa lại thu hồi đất để làm khu dân cư. Nói nôm
na là “san nền chia lô rồi bán”.
Trong các buổi làm việc chiều ngày 19/3, Phó Chủ tịch
Nguyễn Văn Chính khẳng định: “Việc thu hồi đất là đúng và đã được tỉnh Bắc
Giang chấp thuận”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến các văn bản báo cáo
lên các Bộ và Chính phủ thì các lãnh đạo huyện Hiệp Hòa lại “đá bóng” lên
thẳng tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bảo - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ
tầng huyện Hiệp Hòa cho rằng: "Dự án khu dân cư số 3 nằm trong quy hoạch
xây dựng thị trấn Thắng thành đô thị loại III mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt."
Nếu đúng như lời vị trưởng phòng này nói thì khu ruộng có diện tích hơn 12
hécta này bị thu hồi có thể là đúng luật, đúng chủ trương chính sách.
Thế nhưng, vị Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng này cũng chỉ
là… lời nói. Khi phóng viên yêu cầu ông Bảo đưa ra các văn bản liên quan đến
đề án quy hoạch phát triển đô thị mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020
thì vị trưởng phòng này trả lời là… không có.
“Tôi là Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, cơ quan chuyên
môn về quy hoạch của huyện. Tôi khẳng định việc triển khai đầu tư dự án khu
đô thị số 3 là đúng luật, việc triển khai giải phóng mặt bằng, quy hoạch là
đúng quy trình.
Về những thủ đoạn “ép” dân nhận tiền, ông Bảo cho là
chuyện bình thường: “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nó nảy sinh những
vướng mắt nên phải tổ chức vận động các hộ chưa nhận tiền. Cá nhân tôi cho rằng,
chúng ta không nên xoáy vào đó vì nó không đúng trọng tâm. Việc vận động từng
nơi, từng địa phương để đạt được mục tiêu là chuyện bình thường”.
Họp dân hay họp quan?
Có một điều rất lạ ở Hiệp Hòa đó là việc họp dân để bàn
việc đền bù. Cán bộ huyện thì khăng khăng “có họp” còn dân khi được hỏi thì
ngơ ngác “họp bao giờ?”.
Không dừng lại ở việc thu hồi đất với những uẩn khúc khó
hiểu, ngay sau khi quyết định thu hồi được ban hành, chính quyền huyện này
tiếp tục ban hành thêm một quyết định mới mang tên: “Quyết định số
651/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất
nông nghiệp phục vụ cho công tác xây dựng khu dân cư số 3”.
Chính quyền nơi đây không thèm quan tâm người bị thu hồi
đất muốn gì, nghĩ ra sao về dự án, mà áp luôn một mức giá bồi thường chung là
277 nghìn đồng/m2.
Chính những bí hiểm trong cách thu hồi đất của chính quyền
Hiệp Hòa khiến dư luận bất bình, không đồng tình ủng hộ với mức bồi thường.
Nhiều người bị thu hồi đất cương quyết không chấp hành chính sách này và đề nghị
phải có một cuộc họp để người dân phát biểu ý kiến, bàn phương án đền bù,
chuyển nghề cho người bị thu hồi đất.
Thế nhưng, mọi yêu cầu của người dân đều bị chính quyền sở
tại phớt lờ. Mặc cho người dân có chấp nhận hay không, toàn bộ cánh đồng rộng
hơn 12 hécta đã được bàn giao cho chủ đầu tư dự án khu dân cư số 3 là Công ty
Cổ phần Bất động sản Detech Land.
Tại điều 7, Quyết định số 177/2012/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân
dân tỉnh Bắc Giang về quy định về trình tự, thủ tục khi Nhà nước thu hồi đất,
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu
tư trên địa bàn tỉnh phải họp dân.
Thành phần hội nghị gồm đại diện Ủy ban Nhân dân cấp
huyện, các thành viên tổ công tác, đại diện các tổ chức đoàn thể khu dân cư
nơi có đất, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản Nhà nước thu
hồi.
Mặc dù người dân thôn Trung Đông đều khẳng định là không
có chuyện họp dân để lấy ý kiến trong công tác thu hồi đất, thế nhưng chính
quyền huyện Hiệp Hòa và xã Đức Thắng lại quả quyết là có.
Bác Nguyễn Văn Châu (xóm 2, thôn Trung Đông, xã Đức Thắng,
huyện Hiệp Hòa) cho biết: “Cuối tháng 5/2013, Ủy ban Nhân dân xã Đức Thắng
mời gia đình tôi và các hộ dân trong thôn Trung Đông lên xã làm việc. Khi
chúng tôi lên thì ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã tên là Phạm Ngọc Ban đưa
cho tôi một tờ giấy bé bằng bao thuốc lá, trong đó ghi diện tích ruộng của gia
đình tôi bị thu hồi và số tiền được bồi thường.
Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, tôi và các hộ dân đề nghị
chính quyền xã giải thích rõ về sự việc thì vị chủ tịch xã khẳng định, đây là
chủ trương, chính sách của Nhà nước. Muốn biết thì lên huyện (tức Ủy ban Nhân
dân huyện Hiệp Hòa) mà hỏi”.
Theo lời bác Châu, gia đình người nông dân này bị thu hồi
mất hơn 6 sào ruộng phục vụ cho dự án khu dân cư số 3. Toàn bộ diện tích đất
này là đất chuyên trồng lúa nước. Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi
rõ tên đất là đất “LUC”.
Ấy vậy mà khi thu hồi họ chẳng thèm tổ chức họp để lấy ý
kiến, quan điểm, tâm tư nguyện vọng của người mất đất. Đùng một cái, xã mời
lên thông báo quyết định bị thu hồi mất ruộng và người bị mất ruộng được nhận
tiền bồi thường với giá rẻ như bèo.
Văn bản cho vợ nghỉ việc để "vận
động" chồng nhận tiền đền bù.
Thế nhưng, chứng minh cho việc, có hay không tổ chức dân,
ông Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng Nguyễn Văn Bảo đưa cho chúng tôi một tờ
biên bản họp dân diễn ra vào ngày 10/12/2008 trước khi có đề án quy hoạch 1/2000
khu dân cư số 3. Tại biên bản làm việc lấy ý kiến người dân chỉ có đại diện
của Phòng Công thương huyện, Ủy ban Nhân dân xã Đức Thắng, đại diện chính
quyền thôn Trung Đông.
Trong biên bản thấy toàn cán bộ mà không hề có ai gọi là
“người dân” phát biểu ý kiến và ký xác nhận đã đóng góp ý kiến. Như vậy, biên
bản này có gọi đây là văn bản ghi nội dung cuộc họp lấy ý kiến người dân được
hay không.
Còn tại biên bản ghi nội dung cuộc họp lấy ý kiến người
dân để quy hoạch chi tiết khu dân cư số 3 tỉ lệ 1/500, diễn ra vào ngày
10/4/2013 có đại diện của nhiều phòng ban. Văn bản có 14 người ký biên bản
nhưng tìm “mỏi mắt” vẫn không thấy ai là “người dân mất đất”, chỉ thấy chữ ký
của cán bộ.
Quy trình thì phức tạp, cán bộ thì nhiều cách nhưng người
dân Hiệp Hòa chất phác cũng chỉ hiểu một sự thật rất rõ ràng rằng: Đất đang
là của mình cày cấy mấy chục năm nay, nay bị thu hồi với giá rẻ mạt, cho máy
ủi san lấp và bán lại với giá “cắt cổ” gấp nhiều lần.
Cũng có nghĩa là người dân muốn trụ lại trên mảnh đất của
chính mình thì phải bỏ ra một số tiền nhiều gấp bội.
Đó là nguồn cơn của những bức xúc, những ấm ức của người
dân Hiệp Hòa. Ở các bài viết sau, chúng tôi sẽ nói đến cách làm tắc trách, ép
uổng người dân để đến nỗi người nông dân phải gọi chính các đầy tớ của mình là
“cường hào” mới – một từ đáng lẽ không nên tồn tại trong thời điểm này, ở chế
độ của chúng ta.
Nhóm phóng viên PetroTimes
Tựa đề do Kinh Bắc đặt
|
Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét