Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Nhiều vùng lãnh thổ khác cũng muốn sáp nhập vào Nga?

Cập nhật lúc 10:41
 (Petrotimes) - Nhiều vùng khác ở Ukraina và thậm chí cả một số vùng tự trị khác cũng đang muốn theo gương Crưm sáp nhập vào Nga.

Người biểu tình thân Nga tràn vào sân tòa chính quyền ở Donetsk, miền Đông Ukraina
Ngày 18-3, đúng vào ngày Nga ký quyết định sáp nhập Crưm vào lãnh thổ Liên bang Nga, các chính trị gia và giới vận động thân Nga tại vùng Transnistria ly khai khỏi Moldova cũng đưa ra đề nghị Quốc hội Nga ra luật cho phép họ gia nhập Liên bang Nga.
Phát biểu với hãng thông tấn Nga Itar-Tass ngày 18-3, phát ngôn viên cho Nghị viện Transnistria, bà Irina Kubanskikh, nói rằng các cơ quan công quyền tại đây đã “đề đạt lên lãnh đạo Liên bang Nga để xem xét khả năng mở rộng phạm vi luật pháp của Liên bang Nga sang vùng Transnistria và cho người dân nhận quốc tịch Nga cũng như nhận cả vùng này vào nước Nga".
Theo bà Irina Kubanskikh, đảng “Nước Nga công bằng” tại Transnistria vừa soạn ra dự luật để tạo điều kiện cho vùng đất này gia nhập Nga.
Hiện chính quyền Matxcơva chưa có phát biểu gì về đề nghị trên của chính quyền Transnistria.
Trước lời kêu gọi của giới lãnh đạo Transnistria, ngày 18-3, Tổng thống Moldova, ông Nicolae Timofti trả lời báo chí rằng bất cứ quyết định nào của Matxcơva chấp nhận vùng Transnistria “sẽ là bước đi sai lầm". Moldova từng là nước cộng hòa thuộc Liên Xô hiện có 3,5 triệu dân với diện tích khoảng 34 nghìn km2.
Báo chí Nga cho rằng lời kêu gọi của Transnistria cũng có nội dung cảnh báo về khả năng Moldova ký hiệp định gắn kết nước này với Liên minh châu Âu.
Transnistria là một lãnh thổ phân ly nằm giữa Moldova với Ukraina. Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1990, và đặc biệt là sau chiến tranh Transnistria vào năm 1992, lãnh thổ này được quản lý như là Cộng hòa Pridnestrovia Moldova (cũng gọi là Transnistria), một nhà nước được công nhận hạn chế, nhà nước này tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ phía đông sông Dniester, thành phố Bender, và các địa phương lân cận nằm ở bờ tây. Cộng hòa Moldova không công nhận Cộng hòa Pridnestrovia Moldova và xem phần lớn lãnh thổ Transnistria là một bộ phận của Moldova.
Sau khi Liên Xô tan rã, căng thẳng giữa Moldova và nhà nước ly khai không được công nhận leo thang thành một cuộc xung đột quân sự bắt đầu từ tháng 3-1992 và chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7-1992. Là một phần trong thỏa thuận, Uỷ ban Kiểm soát Liên hiệp ba bên (Nga, Moldova, Transnistria) giám sát các thỏa thuận an ninh trong khu phi quân sự, bao gồm 20 địa phương ở cả hai bên bờ sông. Mặc dù ngừng bắn, song vị thế chính trị của lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết: Transnistria trên thực tế là một quốc gia độc lập mặc dù không được quốc tế công nhận, được tổ chức thành một cộng hòa tổng thống chế, với chính phủ, quốc hội, quân đội, cảnh sát, hệ thống bưu chính, và tiền tệ.
Transnistria có diện tích 4163 km2 với dân số chừng nửa triệu mà đa số là người gốc Nga. Chính quyền sở tại được Matxcơva trợ giúp về kinh tế.


Transnistria có đa số dân nói tiếng Nga và đang hướng về Matxcơva
Không riêng gì vùng Transnistria muốn theo chân Crưm sáp nhập vào Nga, theo Reuters hai nước cộng hoà tự trị Nam Ossetia và Abkhazia, vốn trước đây thuộc Grudia, cũng đang muốn sáp nhập vào Nga.
Còn tại Ukraina, ngày hôm qua người dân ở nhiều vùng phía đông của Ukraina cũng lên tiếng yêu cầu Nga chấp nhận họ về với nước Nga. Đó là những thành phố như Donetsk, Kharkov, Lougansk hay thậm chí Odessa.
Để trấn an dư luận đòi ly khai khỏi Ukraina sáp nhập vào Nga, hôm qua chính phủ Kiev đã phải nhượng bộ khi nói rằng chính quyền này sẽ không gia nhập NATO cũng như mong muốn giảng hoà với Matxcơva.
Phát biểu trước Duma quốc gia Nga ngày 18-3, Tổng thống Nga Putin nói rằng nước Nga không muốn chia cắt Ukraina và Crưm vẫn luôn thuộc về Nga, về Ukraina.
Giới quan sát phương Tây cho rằng việc Crưm sáp nhập vào Nga là điều Mỹ và châu Âu không thể cứu vãn được nữa. Sau đây, khả năng một số vùng khác phía Đông của Ukraina có thể tiếp bước Crưm hay không còn tuỳ thuộc vào thái độ của chính quyền Kiev đối với Matxcơva. Nga luôn muốn Ukraina phải giữ vai trò trung lập chứ không thể chọn một cách loại trừ giữa châu Âu và Nga.
(Theo Năng lượng mới) Nh.Thạch tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét