“Chết” người… nuôi gà
Cập nhật lúc 13:21
Thời điểm bài viết này lên khuôn, ngành
chức năng đã thống kê riêng trong dịch cúm gia cầm đợt này (tính đến ngày
02-3), đã có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1; số gia cầm mắc
bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa
phương tiêu hủy. Và mặc dù, đã có khá nhiều phương án đối phó với dịch bệnh,
nhưng số phận người chăn nuôi ở nhiều địa phương hiện cũng đang lay lắt còn
hơn những con gia cầm bị cúm. Vì dẫu rằng, gia cầm mắc bệnh thì đã bị tiêu
hủy, còn hơn người nuôi nó dẫu mắc nợ lại vẫn "phải tội sống” mà trả nợ
…. gia cầm!
Gia cầm không tiêu thụ được cũng khiến
người chăn nuôi "méo mặt” vì "tồn kho”. Ảnh: Hoàng Long
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục
Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định, các ổ dịch từ đầu năm tới nay xảy ra chủ
yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và được chính quyền địa phương,
cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng
lây lan trên diện rộng. Đơn cử, có 4 tỉnh có 1 hộ bị dịch, 6 tỉnh có 2 hộ bị
dịch… trung bình mỗi tỉnh có 3 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện. Riêng các tỉnh
Khánh Hòa và Lào Cai có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy trên
10.000 con/tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm nên thịt gia cầm các
loại đang giảm mạnh. Hiện gà lông trắng đã giảm mất 3 giá xuống còn 26.000
đồng/kg, gà lông màu giảm từ 33.000-34.000 đồng/kg xuống còn 30.000
đồng/con…"Dịch cúm cứ lan rộng, giá gia cầm sẽ tiếp tục giảm, người dân
lo ngại, tỷ lệ tái đàn ít, nguy cơ sẽ thiếu thịt gia cầm. Theo đó, chúng ta
sẽ phải nhập khẩu với giá cao” - ông Thành không giấu nổi sự lo ngại thực tế.
Thực tế những ngày qua, trên phạm vi cả
nước, liên tiếp những thông tin dịch cúm gia cầm ngày càng lan rộng ra các
địa phương, đồng nghĩa với việc giá các loại thịt và trứng gà, vịt… giảm mạnh
khiến những người chăn nuôi thua lỗ nặng, thậm chí "vỡ nợ” vì gia cầm đã
đến hồi thu hoạch mà không bán nổi ra thị trường. Chẳng hạn như anh Nguyễn
Văn Hải - chủ trang trại chăn nuôi hơn 3.000 con gà đẻ ở xã Ngọc Thụy (Gia
Lâm, Hà Nội) - cho hay: "Hơn 1 tuần nay, lượng trứng chúng tôi bán ra
giảm mạnh, đến nỗi gà đẻ trứng cũng không muốn thu nhặt. Giá trứng hiện xuống
thấp. Trước Tết, giá 25.000 - 30.000 đồng/10 quả, nhưng từ khi có thông tin
dịch cúm gia cầm thì giá bán ra thị trường chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/10
quả. Giá thấp thế, nhưng còn phải nịnh "đầu nậu” thì họ mới đến thu gom
cho. Họ (đầu nậu - PV) luôn viện cớ này nọ để ép uổng người chăn nuôi cho nên
con gà con vịt chưa chết mà người nông dân nuôi nó đã … "chết” trước là
do vậy đó”.
Không riêng gì anh Hải ở Gia Lâm (Hà Nội),
những ngày qua trên các phương tiện báo chí truyền thông, người chăn
nuôi ở hầu khắp các tỉnh thành đều phải đối mặt với những bất lợi ghê gớm về
tiêu thụ gia cầm. Dẫu ngành chức trách đã thẩm định và khẳng định, bằng văn
bản giấy trắng mực đen rằng đó là gia cầm sạch, đã được kiểm định đàng hoàng.
Chuyện người dân thua lỗ từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng chỉ bởi những
ảnh hưởng bất lợi từ thông tin dịch cúm, đã không còn là cá biệt hoặc ở một
số địa phương vùng dịch nữa rồi!
Tại "thủ phủ” của ngành chăn nuôi
gia cầm cả nước là tỉnh Đồng Nai, giá gà đang lao dốc không phanh, mỗi ngày một
"rớt giá” thê thảm. Đã rớt giá, gia cầm không tiêu thụ được cũng khiến
người chăn nuôi "méo mặt” vì "tồn kho”. Mà cứ nhẩm tính sơ sơ, mỗi một
ngày qua đi, riêng chuyện tiền thức ăn cho hàng vạn con gà đã đến độ xuất
chuồng của một trang trại bình thường, cũng đã "ngốn” hết mấy chục triệu
đồng là ít nhất. Gia cầm không bán được, cũng chẳng lớn hơn được là mấy, vẫn
phải nuôi trong tình cảnh thấp thỏm, bấp bênh và hiểm họa luôn rình rập đổ ập
xuống đầu. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng
Nai - nói rằng, thân phận đáng thương nhất trong cơn bão rớt giá của gà chính
là những nông dân nuôi nhỏ lẻ. Người lỗ một tỉ, hộ vài trăm triệu đồng, nhưng
đó là tất cả gia tài họ có và nhiều gia đình đang bị đẩy vào thế đường cùng.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ cách đây ít
ngày cho hay, tại trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Trang (xã Gia Tân,
huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã trở thành trại gà gặp cảnh điêu đứng
nhất vùng. 21 năm trong nghề chăn nuôi gà, bà Trang nói dịch cúm năm 2003 dù
phân nửa bầy gà chết, tiêu hủy cũng không lỗ nặng bằng đợt này. Đến
thời điểm này, trại gà của gia đình bà đã xuất chuồng 60.000 con gà và tính
ra đã lỗ ngót nghét 1 tỉ đồng. Nhưng con số lỗ chưa thể dừng lại khi trong
chuồng vẫn còn 30.000 con gà nữa và giá vẫn đang tiếp tục rớt. Hỏi có ước
tính được số lỗ trong đợt này, bà Trang nói: "Chán không muốn cộng sổ
nữa, chỉ biết là đầu tư tốt bao nhiêu thì lỗ nặng bấy nhiêu”.
Qua nhiều năm theo dõi và thông tin về
dịch cúm gia cầm, chúng tôi nhận thấy chưa khi nào các biện pháp truyền thông
cũng như các giải pháp của ngành chức trách đưa ra nhằm hạn chế và đẩy lùi
dịch bệnh lại bài bản, hữu dụng như năm nay. Nhưng cũng chưa khi nào người
chăn nuôi khốn đốn như hiện nay. Tức là khi giải quyết được phần nào khâu
khống chế được dịch bệnh, thì người chăn nuôi lại méo mặt vì bị chèn ép, lợi
dụng dịch bệnh. Nước mắt người chăn nuôi bao giờ cũng chát chúa nỗi niềm. Gà
vịt "chết” trước khi dịch cúm có thể tràn đến. Người dân trắng tay và
mang nợ chất chồng.
"Nước sông lẫn vào nước giếng”. Gà cúm gà khỏe ai
tường ngã theo tay!
(Theo ĐĐK.vn) Thanh Tường
|
Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét