Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

 Bauxite Tây Nguyên:
Bộ Công Thương ép lỗ có ra... lãi?
Cập nhật lúc 07:52

(Doanh nghiệp) - “Giảm đầu tư hồ chứa, xin miễn đủ thứ… Bộ Công Thương đang cố tìm mọi cách để bảo vệ cho đánh giá dự án bauxite không lỗ”.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin đã thẳng thắn chia sẻ khi hay tin Bộ Công Thương báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao.
PV: - Thưa ông Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này khi từ trước tới nay đã có quá nhiều ý kiến lo ngại về sự an toàn hồ chứa?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Tôi thấy Bộ Công Thương đặt vấn đề không logic. Khi duyệt thiết kế hồ bùn đỏ này Bộ Công Thương dựa theo tiêu chí, tiêu chuẩn nào để phê duyệt mà bây giờ lại cho rằng vượt tiêu chuẩn?
Hồ bùn vận hành chưa được 1/2 công suất thải (tương đương với sản lượng của nửa năm) và thời gian vận hành hồ chỉ được có 1 năm. Trong khi đó hồ được thiết kế cho vài chục năm thì các số liệu quan trắc nào để khẳng định rằng nó quá tiêu chuẩn?!.
 Bộ Công thương vừa xin thêm nhiều ưu đãi cho bauxite Tây Nguyên
Bộ Công Thương vừa xin thêm nhiều ưu đãi cho bauxite Tây Nguyên
Nếu quả có vấn đề như vậy, liệu có thể nghi ngờ hiện tượng chủ đầu tư và tư vấn thiết kế móc ngoặc nhau để tăng vốn đầu tư hay không? Vấn đề thực sự không logic chút nào.
Nói chung, đầu tư cho những khâu an toàn không ai tiếc tiền mà cho rằng quá cao. Trở lại trường hợp này, với mức đầu tư hồ chứa như Bộ Công Thương nói chỉ chiếm từ 2-3,5% tổng mức đầu tư dự án như vậy so với  mức đầu tư hồ chứa bùn đỏ trên thế giới thì chưa đáng kể.
Trong khi đó các hồ chứa bùn đỏ của thế giới phần lớn nằm ở thấp, hoặc gần bờ biển. Giả sử không may có sự cố thì bùn đỏ cũng chỉ đổ ra biển, thiệt hại không đáng kể. Khi đó bùn đỏ ngấm vào nước biển, độ pH trong bùn đỏ sẽ bị pha loãng.
Ngược lại hồ chứa bùn đỏ của Tân Rai lại ở trên cao nhưng suất đầu tư đang nhỏ hơn so với thế giới. Vậy căn cứ nào để Bộ Công Thương nói như vậy?
Bộ Công Thương đang cố tìm mọi cách để bảo vệ đánh giá dự án không lỗ. Để đánh giá là không lỗ thì chỉ còn cách là giảm chi phí đi thôi.
PV: - Không những thế Bộ Công Thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Ông có đồng tình với ý kiến này?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Điều này thì rõ rồi. Trước hết dự án được cho là có lãi hay không có lỗ của Tân Rai và Nhân Cơ theo cách tính của Bộ Công Thương là hoàn toàn có điều kiện. Tức là phải giảm cái nọ, ưu đãi cái kia thì mới ...có lãi. Như vậy là “lãi” này là không đúng sự thật, không đúng bản chất của sự việc.
Thứ hai, từ trước đến nay Bộ Công Thương vẫn cho rằng: dự án mặc dù lỗ nhưng vẫn có hiệu quả kinh tế xã hội.
Nhưng muốn có hiệu quả kinh tế xã hội dự án phải có hiệu quả tài chính. Muốn có hiệu quả kinh tế tài chính thì phải có lãi. Có lãi thì mới thực hiện các nhiệm vụ xã hội được.
Còn ở đây dự án không có hiệu quả về kinh tế tài chính thì làm sao nói hiệu quả xã hội?
Lãi thì phải tính bằng tổng thu trừ đi tổng chi phí thì mới ra lãi rồi mới có tiền nộp cho ngân sách, nộp thuế doanh nghiệp… Nhưng ở đây thì để có lãi họ xin bỏ hết các loại phải chi phí. Vậy nếu có lãi thì là lãi kiểu gì?
PV: - Việc dự án móc tài nguyên quốc gia lên đi bán nhưng lại đòi xin ưu đãi như vậy đang thể hiện điều gì thưa ông?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Tài nguyên khoáng sản là sở hữu của toàn dân với việc xin quá nhiều ưu đãi, ngân sách không được hưởng lợi gì từ dự án. Như vậy là không công bằng.
Trong việc này, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Bộ đã không suy xét, dự báo quy hoạch đúng mới dẫn dến tình trạng hiện nay.
PV:- Theo ông các cơ quan chức năng nên ứng xử như thế nào cho phù hợp với dự án này để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp? Ông có kiến nghị gì?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Trước hết, tôi thấy các kiến nghị của các nhà khoa học từ trước đến nay đối với dự án này vẫn còn giá trị và được thực tế chứng minh là đúng. Kể cả bây giờ dừng dự án Nhân Cơ lại cũng chưa muộn.
Dự án Tân Rai trong 15.000 tỉ đầu tư thì có 30% (5.000-7.000 tỉ) là do ngành than đóng góp, còn lại là đi vay của ngân hàng. Với Nhân Cơ thì ngành than không còn tiền để đóng góp nên mức đi vay lớn và rủi ro về tài chính cao hơn. Còn công nghệ kỹ thuật thì vẫn chỉ là bản sao của Tân Rai chứ không có gì hơn.
Như thông báo 245 của Bộ Chính trị cũng nói rõ đánh giá lại kết quả dự án, mà đã là thử nghiệm thì phải có đánh giá, hiệu quả thì mới làm tiếp còn không ổn thì dừng. Thủ tướng đã quyết dừng cảng Kê Gà khi thấy không hiệu quả là một minh chứng đúng.
Theo tôi, Nhân Cơ vẫn có thể dừng lại. Trong trường hợp này, chỉ có cơ quan tham mưu là làm không hết trách nhiệm, cố tình bảo vệ ý kiến trong khi thực tế lại chứng minh là ý kiến đó sai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét