Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Đăng cai Asiad:
Băn khoăn đội giá, tiền đâu
Cập nhật lúc 14:34

 Vấn đề tổ chức Asiad đang nhận được sự quan tâm lớn của báo chí và dư luận khi đây là một kỳ Đại hội có quy mô mang tầm châu lục, với kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh vừa khẳng định kinh phí 150 triệu USD chi cho Asiad 18 là khả thi. Tuy nhiên kinh phí thực tế tổ chức Asiad gần đây của các nước châu Á đều lớn hơn rất nhiều lần so với dự kiến, đang tạo nên những quan ngại xung quanh vấn đề này.
 
Asiad Quảng Châu cũng đã phải bỏ ra gần 20 tỷ USD

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, 80% cơ sở vật chất từ SEA Games 22 năm 2003 để lại sau khi được duy tu, bảo dưỡng, mở rộng có thể phục vụ cho Asiad 18, nên nếu chúng ta biết tiết kiệm thì sẽ tổ chức Asiad 18 thành công.

Nhưng như đã nói, trong lịch sử tổ chức Asiad, năm 2002 Hàn Quốc đăng cai tổ chức Asiad 14 ở thành phố Busan. Chi phí dự tính ban đầu là 167,4 triệu USD nhưng sau tổng chi đầu tư lên đến 2,9 tỉ USD. Đối với Asiad Quảng Châu năm 2010, riêng phần chi xây dựng làng VĐV là 2,45 tỉ USD và tổng kinh phí mà Trung Quốc phải bỏ ra gần 20 tỉ USD. Đối với Asiad Incheon năm 2014, Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỉ USD nhưng thực tế lớn hơn.

Những số tiền nói trên đều lớn hơn nhiều lần so với con số 150 triệu USD mà Việt Nam dự kiến. 150 triệu USD có đủ và làm thế nào để lo đủ kinh phí, không bị "phụ trội” quá nhiều so với dự kiến ban đầu, đang là bài toán nan giải với các nhà quản lý thể thao nước nhà.

Việc ngành thể thao tin tưởng kinh phí mà Việt Nam bỏ ra là 150 triệu USD sẽ lo đủ cho việc tổ chức Asiad, chính là dựa trên quy hoạch chung của quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô đến năm 2030, khi đó chúng ta sẽ tận dụng được rất nhiều địa điểm thi đấu, đường sá, cầu, khách sạn...Ngoài ra, số tiền từ quảng cáo, bán bản quyền truyền hình, tài trợ, bán vé...tại Asiad năm 2019 sẽ là con số khổng lồ, nếu Việt Nam làm tốt được những khâu này.

Tuy nhiên, bài học về kinh phí vượt trội khiến có những nước rơi vào cảnh nợ nần rồi dẫn đến vỡ nợ cũng vì không có sự tính toán hợp lý. Vì thế con số 150 triệu USD Việt Nam dự kiến khá mơ hồ, không sát với thực tế và ngay cả chỉ là "phần cứng” cũng khó có thể đủ. 

Việc xây dựng làng VĐV và sân đua xe đạp lòng chảo phục vụ Asiad 18 cũng gây không ít băn khoăn. Theo Đề án, sau khi kết thúc Asiad 18, làng VĐV sẽ được bán lại cho người dân, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay thì giải pháp này không thực sự khả thi. Còn việc xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo thì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra những yêu cầu về chính sách ưu đãi thuế không nằm trong quy định của pháp luật VN. "Xây dựng làng VĐV và Dự án sân đua xe đạp lòng chảo là rất rủi ro” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chốt lại. 

Sự cảnh báo như nói trên hoàn toàn có cơ sở. Nước láng giềng Thái Lan cũng dự trù kinh phí khoảng hơn 80 triệu USD cho kỳ Asiad 1998, nhưng con số thực tế là hơn 600 triệu USD. Gần nhất, Asiad Quảng Châu-Trung Quốc năm 2010 cũng phải chi gấp 10 lần so với dự kiến.
Nếu như SEA Games 22 được cho là Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức và con số thu về là 70 tỷ đồng cũng chấp nhận được thì ở Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (AIG 3) năm 2009 thực sự là nỗi buồn. Bỏ ra hơn 100 triệu USD, trong đó tốn kém nhất là việc xây cung điền kinh trong nhà và tu sửa các nhà thi đấu, nhưng khi thu về chỉ vỏn vẹn có 30 tỷ đồng, nhưng cũng chủ yếu là bằng hiện vật, thiết bị...

Mới đây, Đề án dự kiến thu 1.000 tỷ đồng từ Asiad 18 mà ngành thể thao đưa ra khiến nhiều người giật mình. Số tiền này bao gồm hơn 100 tỷ đồng từ lệ phí tham dự của các đoàn, khoảng 30 tỷ đồng từ bán vé và hơn 800 tỷ đồng từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, tài trợ...Điều đáng nói là con số dự kiến này đều được tính dựa trên tình hình kinh tế hồi phục sau 7 năm nữa. Vậy nếu nền kinh tế vẫn trì trệ, thậm chí là khủng hoảng, thu 1.000 tỷ đồng để bù đắp khoảng 1/3 kinh phí tổ chức Asiad 18 có thực tế?

Có thể trong gần 10 năm tới, mọi thứ sẽ tiến triển tốt. Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa từ những năm 2020. Tuy nhiên chúng ta cần phải có những cái nhìn thực tế, nhìn trước được mọi khó khăn rồi mới bắt tay vào làm. 

Những dự báo khó khăn về kinh phí đã nhìn thấy rất rõ từ thời điểm này. Có đại biểu Quốc hội lo lắng: "Bộ trưởng có khẳng định 150 triệu USD là đã đủ? Nếu tới đây tổ chức Asiad 18 mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?”.

Vấn đề kinh phí thiếu sự tính toán kỹ của nhiều ngành dễ dẫn tới tình trạng "đội giá” như các nước đã vướng phải, tạo gánh nặng cho xã hội thời hậu Asiad.
(Theo ĐĐK.vn) An Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét