Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

 15:01

Hình ảnh mới nhất dự án "né" biệt thự đại gia ở Q.Tây Hồ

(GDVN) - Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng qua địa bàn xã Phú Thượng (Q.Tây Hồ) và xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) được khởi công từ tháng 3/2009 và dự kiến đến tháng 10/2014 sẽ hoàn thiện đi vào sử dụng. Trong quá trình khởi công, dự án đã gặp vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng nhưng tới nay dự án đã và đang hoàn thiện tới hơn 80% các hạng mục.
Cầu Nhật Tân được coi là dự án hữu nghị Việt - Nhật theo dự kiến ban đầu sẽ thông xe vào tháng 10/2010, thời điểm Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, dự án đã không thể hoàn thành đúng như dự kiến mà phải đổi sang tháng 10/2014.
Dự án cầu Nhật Tân bắt đầu từ năm 2005, cụ thể ngày 25/8/2005 Bộ GTVT đã có tờ trình số 5251/ TTr - GTVT đề nghị Thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án XD Công trình Cầu Nhật Tân và đường 2 đầu cầu. Xét đề nghị của Bộ GTVT, ngày 19/1/2006, tại văn bản 128/TTg - CN Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép đầu tư xây dựng Cầu Nhật Tân ở Hà Nội và giao Bộ GTVT nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án, tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư. 
Cầu Nhật Tân là cây cầu số 7 bắc qua sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4 km, trong đó cầu dài 3,9 km, đường dẫn 4,5 km, chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới và đạt tốc độ 80km/h.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng.
Cầu chính bắc qua sông Hồng kết nối liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1,5 km trong đó chiều dài mặt đường mỗi trụ tháp là 300m được giữ bằng dây văng.
Công nhân đang làm việc trên trụ tháp phía Bắc cây cầu.
Đường dẫn đầu cầu phía bờ Bắc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện phần thô và còn dở dang nhiều công đoạn.
Khi mới phê duyệt dự án chia làm hai phần: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án bồi thường GPMB do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Nút giao Phú Thượng (Km0 +710) ban đầu dự kiến lấy đất các dự án biệt thự khu D1, D3, nay là khu biệt thự Vườn Đào, thuộc phường Phú Thượng và Xuân La và Khu đất của Công ty Xây dựng giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) hiện đang xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Tuy nhiên sau đó dự án lại được điều chỉnh lại phạm vi lấy đất, chuyển sang lấy đất của 150 hộ dân thuộc phường Phú Thượng. Chính sự không minh bạch trong việc tự điều chỉnh quy hoạch này khiến người dân bức xúc dẫn đến việc người dân khiếu kiện, cùng với đó công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Cũng như nhiều cây cầu vượt qua sông Hồng khác, cầu Nhật Tân được xây dựng theo quy mô lớn và cầu có thiết kế vĩnh cửu. Tới nay, dự án đã hoàn thành hơn 80%, nhưng  vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết, đặc biệt là về vấn đề giải phóng mặt bằng ở khu vực Tây Hồ.
Nhịp nối cuối cùng giữa sông Hồng giữa 5 trụ tháp.
Cầu dẫn phía Bắc được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông và đang dần hoàn thiện để kết nối với 5 trụ tháp dây văng bắc qua cầu.
Cầu Nhật Tân bắc qua đường Âu Cơ mới chỉ hoàn thiện xong một bên.
Đường dẫn thuộc địa phận Tây Hồ cũng đang dần được hoàn thiện.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu hoàn thành sẽ giảm tải giao thông, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến Sân bay Quốc tế Nội Bài và kết nối trung tâm thành phố với các tỉnh phía Bắc. Qua đó thúc đẩy kinh tế của nhiều vùng công nghiệp khác.

                                                   (Theo GDVN) TRẦN KHÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét