Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

22:10

 Vụ án oan “trộm cổ vật” tại Bắc Giang:
“Nghệ thuật” gán tội của Cơ quan tố tụng Bắc Giang  
 
Dương Văn Trung nay đã chết vì suy kiệt.
Bức cung, ép cung, nhục hình là những hành vi bị cấm tuyệt đối vì nó vi phạm pháp luật tố tụng dẫn đến làm sai lệch vụ án, mất đi tính nghiêm minh của pháp luật, gây ra đau thương, ai oán cho những người bị bắt, giam, truy tố, buộc tội oan và toàn xã hội. Vụ án “trộm cổ vật” ở Bắc Giang có thể là một ví dụ điển hình để minh chứng rằng câu nói “phi đả bất thành cung” là một sự thật mà không ít điều tra viên vẫn đang áp dụng.
Vì đâu nên nỗi?
Như số báo trước chúng tôi đã viết: Nguyễn Quý Đoan bị Công an Bắc Giang bắt giam từ một tố cáo do hiểu lầm là thủ phạm một vụ lừa đảo chiếc xe máy. Thế nhưng sau khi bị bắt, Nguyễn Quý Đoan bỗng dưng trở thành thủ phạm của những vụ trộm tượng nổi đình nổi đám khắp cả nước.
Vậy tại sao Nguyễn Quý Đoan và sau đó là 5 người khác (Phạm Mạnh Hùng, Dương Văn Trung, Dương Phúc Thịnh, Lê Văn Thương và Phan Hữu Hường) bị bắt, bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản” là những bức tượng có niên đại hàng trăm năm ở các chùa trên địa bàn Bắc Giang?
Dù câu chuyện bức cung, nhục hình đã được thể hiện khá rõ tại các phiên tòa xét xử vụ án cách đây hơn 7 năm và lời khai của những bị cáo trước tòa đã gây sốc nặng cho những người tới nghe phiên xét xử, nhưng ngày 11.11.2013, gặp lại chúng tôi, Nguyễn Quý Đoan vẫn không quên nhắc lại những gì mà ông đã trải qua: “Sau phiên tòa, tôi đã nhiều lần viết đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình gửi đến Viện KSND tỉnh Bắc Giang và Viện KSNDTC.
Trong đơn, tôi nêu rõ việc đánh đập và ép tôi nhận tội là các điều tra viên Thân Văn Túc, Hà Văn Quang, Chu Bá Huy, Nguyễn Văn Oanh”.
Là một trong những luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Phạm Mạnh Hùng, luật sư Hà Đăng (Đoàn LS Hà Nội) mở lại hàng loạt file ghi âm ông ghi được tại những phiên tòa xét xử mà ông đã tham gia bào chữa. 
Khi bị cáo Phạm Mạnh Hùng được hỏi: Anh là Phạm Mạnh Hùng, tức Chiến phải không? Hùng trả lời: “Thưa HĐXX, từ bé, ngoài tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho là Hùng, tôi không có tên nào khác” -“Tại sao khi khai với CQĐT anh khai anh còn có tên là Chiến, nhà ở dốc Bưởi?” -“Thưa, vì cái tên Chiến này mà tôi bị đánh nhiều ngày liền, cứ lột trần, truồng, treo ngược lên cửa sổ để đánh. Khi điều tra viên đánh chán tay bèn dùng bật lửa đốt cháy lông nách, lông tay và chỗ kín. Họ chỉ hỏi mỗi câu: “Mày là Hùng, tức Chiến có đúng không?”.
Những ngày đầu tôi còn tỉnh táo, còn đủ sức trả lời: “Tôi không biết Chiến là ai cả”. Nhưng rồi, nhiều ngày sau họ cứ treo ngược lên đánh và đốt nến đau quá, tôi không chịu nổi nữa nên họ bảo gì, tôi là gì thì tôi ừ là thế. Họ bảo tôi tên Chiến thì tôi nhận tôi tên Chiến. Nhà tôi ở Thượng Đình, Thanh Xuân nhưng họ bảo tôi có nhà dốc Bưởi thì tôi cũng nhận có nhà dốc Bưởi..., họ bắt tôi học thuộc lòng lời khai, thế là tôi học thuộc lòng”.
Luật sư Mỹ Hà (Đoàn LS Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Dương Văn Trung (ở Phương Quế, Thường Tín) hỏi bị cáo Dương Phúc Thịnh để đối chứng lời khai: “Lời khai của anh rất mâu thuẫn với nhau về những lần đi ăn trộm, vậy tại sao anh khai như vậy?” -“Tôi không hề đi ăn trộm, nhưng bị đánh đau quá nên nhận bừa và khai lung tung” -“Trước HĐXX, anh khai lại cho rõ tại sao anh lại khai như vậy?” -“Do tôi bị bắt oan nên uất lắm ạ, tôi vốn là quân nhân giải ngũ nên về nhà làm nghề cây cảnh, non bộ, không va chạm với ai vì thế khi bị bắt, bị đánh ngày đầu tôi cố chịu, nhưng đến ngày thứ hai tôi bị đánh đau quá nên không chịu được và đánh trả.
Thế là kiểm sát viên tên là Nam cho cả một đám công an vào đè tôi xuống, còng tay tôi và treo lên thành cửa sổ rồi đánh hội đồng. Họ đánh tôi đến ngất đi. Cứ mỗi lần ngất đi thì họ đưa tôi vào bệnh viện. Vào đó rồi mà họ vẫn không tha, họ vẫn hỏi cung khi tôi đang nằm trên giường bệnh. Khi tôi khai tôi không biết gì, họ tức quá nhảy lên giẫm vào ngực tôi khiến tôi nôn ra rồi đánh tôi, bắt tôi nuốt lại chính những thứ mình đã nôn. Có lần họ còn nhét cả chuột chết vào miệng tôi..., tôi sợ họ đánh chết nên đành phải ngoan ngoãn làm theo lời họ. Họ bảo tôi khai gì thì tôi khai thế”.
Chủ tọa phiên tòa Giáp Văn Hán hỏi Lê Văn Thương: “Bị cáo Lê Văn Thương khai rất nhiều lần bị đánh, bị ép cung, vậy có gì để chứng minh không?” -“Dạ có ạ!” -“Bị cáo nói vậy có gì làm bằng chứng?” -“Thưa HĐXX, trong những bản cung mà bị cáo bị ép cung, tôi có ghi dấu hiệu về việc bị ép cung.
Nếu bản cung nào bị nhục hình bị tôi ký hiệu về việc nhục hình, bản cung nào bị áp đặt, tôi có ký hiệu về việc áp đặt... tất cả những ký hiệu này đều được đánh dấu ở vị trí gần cuối tờ khai, không tin HĐXX cứ mở ra kiểm tra xem có đúng không ạ”.
Lúc này chủ tọa lật mở hồ sơ gốc tìm những bản cung của Lê Văn Thương đã đánh dấu ký hiệu và tìm thấy những ký hiệu đúng như lời khai tại tòa. Không chỉ có Lê Văn Thương, mà một số bị cáo khác có lời khai về việc bị ép cung đã đánh dấu bằng giấy kẹo hoặc vết máu vào bản cung cũng đã được HĐXX ghi nhận.
Họ đã bị buộc tội thế nào?
Có lẽ từ những trận đòn nhừ tử dành cho những người bị bắt giam nên cuối cùng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang đã ra được bản kết luận điều tra và sau đó Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng đã ra cáo trạng buộc tội các bị cáo trên cơ sở kết luận điều tra của cơ quan công an. Cáo trạng do ông Nguyễn Việt Hùng - Viện trưởng Viện KSND Bắc Giang bấy giờ - đã cáo buộc như sau:
“Vụ thứ nhất: Khoảng đầu năm 2001, Phan Hữu Hường (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nghe tin từ các phật tử quê ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đến thắp hương tại chùa Thọ Am nói chuyện với Hường về một số pho tượng cổ ở chùa Khám Lạng-Lục Nam có yểm vàng ở bên trong tượng. Sau đó Hường đã đi về chùa Khám Lạng với danh nghĩa là thăm chùa, nhưng thực chất là để trinh sát nắm đường đi lối lại của chùa để thực hiện việc trộm cắp tượng phật.
Sau khi đi trinh sát thực tế về, Hường đã bàn với các tên: Phạm Mạnh Hùng, sinh năm 1968, đang chấp tác tại chùa Thọ Am; Lê Văn Thương (sinh năm 1973, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) và Nguyễn Quý Ðoan (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tổ chức đi trộm cắp tượng phật tại chùa Khám Lạng, Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Sau khi bàn bạc thống nhất biết Phạm Mạnh Hùng lái được xe ôtô, nên Thương đã giao cho Hùng đi thuê ôtô loại 12 chỗ ngồi để làm phương tiện đi gây án, còn Phan Hữu Hường thì chuẩn bị dụng cụ như một kìm cộng lực, một bao tải dứa, một thanh sắt xoắn nhọn để phá khóa. Tối ngày 5.6. 2001, Hùng đã ra bến xe ôtô Văn Ðiển thuê 1 chiếc xe ôtô màu xanh loại 12 chỗ ngồi và tự lái đến chùa Tranh Khúc chở Hường, Thương Ðoan đi về chùa Khám Lạng, Lục Nam để trộm cắp tượng.
Khi đến cửa chùa Khám Lạng, bọn chúng đỗ xe ôtô rồi mở cửa chùa để vào trộm cắp tượng (khi đó cửa chùa không có khóa cửa), cả 4 tên đã vào chùa lấy 1 pho tượng Di Lặc cao khoảng 70cm, nặng khoảng 30kg bằng gỗ sơn son thếp vàng có từ thế kỷ 17 cho vào bao tải dứa khiêng ra xe ôtô để đem về. Trong khi đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị động, tên Hường đã ném chiếc kìm cộng lực cán nhựa đỏ ra phía ruộng ngoài cửa chùa rồi lên xe ôtô đem tượng về chùa Tranh Khúc, xã Duyên Hà.
 
Quang cảnh phiên tòa. 
Ngay đêm đó, bọn chúng đã cạy nắp yểm tâm ở sau lưng bức tượng để tìm vàng nhưng không có vàng mà chỉ thấy có một giấy bùa để trong đó. Sáng hôm sau, bọn chúng gọi cho Nguyễn Thúy Lan ở số nhà 33 phố Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến để bán cho Lan pho tượng này với giá 3 triệu đồng (do Thương trực tiếp bán).
Khi bán tượng cho Lan, theo Thương khai là Lan có hỏi Thương về nguồn gốc pho tượng đó do đâu mà có, Thương nói rõ cho Lan biết là do bọn Thương mới trộm cắp được tại chùa Khám Lạng, Lục Nam, Bắc Giang. Theo Lan khai, pho tượng đó do 1 nhà sư đem đến nhờ sửa lại nhưng khi sửa thấy bị mục, hỏng nên Lan đã đem thả trôi sông Hồng. Vì vậy, cơ quan điều tra không thu hồi được. Nhưng qua công tác khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra đã thu được chiếc kìm cộng lực mà các bị can đem đi gây án vứt lại ở hiện trường”.
Sáu vụ trộm sau đó, cáo trạng cũng miêu tả nội dung, cách thức hành động, phương tiện gây án của những bị cáo giống như vụ thứ nhất, cuối cùng cáo trạng kết luận những bị cáo này phạm các tội: “Trộm cắp tài sản”; “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
“Còn nữa”
(Theo Lao động) CHÂU ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét