Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai
Suy thoái đạo đức xã hội với hàng
loạt sự cố trong y tế, giáo dục xảy ra gần đây là hậu quả tất yếu của buông
lỏng giáo dục giá trị sống mà chỉ chạy theo tăng trưởng nóng. Các đô thị
lớn, khu công nghiệp mọc lên không che được những khu ổ chuột, tình trạng
thất nghiệp, trẻ bị hành hạ như thời trung cổ…Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bà "không cầm được nước mắt trước
những hình ảnh bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở cơ sở tư thục Phương Anh...”.
Ngày 18-12 lãnh đạo quận Thủ Đức cho
biết vụ án xét xử hai "cô giáo” Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên
Lý nhẫn tâm hành hạ con trẻ sẽ lưu động công khai nhằm răn đe, giáo dục
những đối tượng xem thường pháp luật. Công luận cũng đã căm phẫn lên án những
kẻ hành hạ trẻ em tàn ác không kém gì thú dữ. Chúng ta đã đề ra các mục
tiêu của Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015. Tuy
nhiên nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình hiện
thực hóa mục tiêu phát triển hài hòa kinh tế song hành cùng xã hội.
Theo Cục phó Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ
em (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Trọng An, Chỉ thị 1408/2009 của Thủ tướng Chính phủ
có hiệu lực từ 1-1-2010 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ
trẻ em quy định rất rõ: Nếu để xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em,
trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Tuy nhiên sau gần 3
năm Chỉ thị có hiệu lực, thực tế đã phát hiện cả trăm vụ bạo hành nhưng
chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm (!).
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục
rất biết để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, thay vì đầu tư
tăng cường cơ sở vật chất, nhiều nơi đã tìm cách giảm tỷ lệ nhận trẻ em
dưới 5 tuổi đến trường để nhường lớp cho đối tượng được phổ cập. Hiện số
trẻ dưới 5 tuổi được đến trường chưa nhiều. Còn một con số "khổng lồ”
trẻ ở lứa tuổi các lớp bé, nhỡ hiện phải ở nhà với ông bà, người giúp hoặc
đi học các lớp "chui” không phép, như ở cơ sở mầm non Phương Anh...
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng
chính sách "bỏ gốc để nuôi ngọn” đó không bền vững, hoàn toàn không
nên nếu không muốn nói nó đang bỏ qua thời kỳ "vàng” trong phát triển
tư duy và trí thông minh của trẻ. Một khi thiếu môi trường giao tiếp, thiếu
môi trường giáo dục ắt dẫn tới tình trạng trẻ em chậm nói, chậm phát triển,
tự kỷ... ngày càng gia tăng. Đây chính là một hạn chế lớn của chính sách
giáo dục mầm non hiện nay.
Đây cũng không phải là lần đầu, những
hình ảnh ghê rợn từ các nhà trẻ bị phát hiện gây bức xúc, hoang mang và
nhiều người mất niềm tin vào các trường mầm non đến thế. Mà các cô giáo ở
nhà trẻ "chui” Phương Anh đóng kịch yêu trẻ rất giỏi, đã lừa hàng chục
phụ huynh, thực tế đã qua mặt cả hệ thống các cơ quan chức năng và sẽ còn
tiếp diễn màn lừa gạt và bạo hành dã man này, nếu không có sự phát giác kịp
thời của quần chúng và báo chí vào cuộc…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết, Sở sẽ tổng rà soát lại và kiên quyết xử lý
những nhà trẻ gia đình không giấy phép. "Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên
gửi con ở các cơ sở đã được cấp phép”. Nhưng số nhà trẻ được cấp phép các
nhà trẻ công lập tỷ lệ nghịch với nhu cầu thì các gia đình biết làm sao?
Muốn xin một suất cho con vào nhà trẻ công lập hiện nay còn khó hơn cho con
vào đại học. Ngay cả những người có thu nhập trung bình cũng không mong gì
"chạy” cho con vào được trường công.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch
Liên minh giáo dục cho mọi người, trường lớp chính là điều đầu tiên cần
thiết để có thể khắc phục tình trạng "lực bất tòng tâm” của giáo dục
mầm non hiện nay. Nhà nước cần kiên quyết buộc các dự án xây dựng nhà ở,
khu chung cư, KCN bắt buộc phải có nhà trẻ. Điều này khiến các địa phương
không thể tăng trưởng "nóng” rồi sa lầy với các dự án khổng lồ mà phải
khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển xã hội, cũng như tiếp
tục cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện một số chính sách can
thiệp để bù đắp cho nhóm người nghèo, cận nghèo.
Theo tác giả cuốn "Thế giới đi
về đâu” Grzegorz Kolodko (Ba Lan) - tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt -
tăng trưởng GDP không phải lúc nào cũng đồng hành với sự phát triển.
"Có một chỉ tiêu hoàn toàn mới về phát triển kinh tế - xã hội. Đó là
chỉ tiêu tổng hợp về thịnh vượng chung, trong đó tăng trưởng về tổng thu
nhập quốc dân (GDP) chỉ chiếm 40%; 60% còn lại là các vấn đề bình đẳng thu
nhập, bảo vệ môi trường, mức độ hài lòng của xã hội…”. Trong thảo luận ở tổ
về kinh tế - xã hội mới đây, các ĐBQH cũng đặc biệt lo lắng tình trạng suy
thoái đạo đức xã hội và cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra
tình trạng suy thoái này là kỷ cương phép nước chưa nghiêm, nhiều luật ban
hành nhưng không được thực hiện.
Luật Giáo dục quy định, "Nhà
nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng
được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập,
tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng”. Để Luật đi
vào cuộc sống, để không còn tình trạng hành hạ trẻ em một cách man rợ, cần
có sự nhất trí rộng rãi đối với việc xử nghiêm những kẻ trực tiếp và gián
tiếp chịu trách nhiệm xảy ra bạo hành trẻ em. Tăng cường mở trường lớp nhà
trẻ, mẫu giáo. Truyền thông mạnh mẽ về tác động tiêu cực của chạy theo
thành tích tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua phát triển mặt xã hội đảm bảo chất
lượng y tế, giáo dục, môi trường... Phổ cập và nâng cao các chương trình
giáo dục giá trị sống. Cần phải quan tâm thực hiện ngay từ bây giờ, nếu cứ
để thời gian qua đi vấn đề xói mòn lòng tin và băng hoại đạo đức sẽ trở nên
trầm trọng hơn nhiều.
(Theo ĐĐK) Thanh
Như
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét