Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

14:39

 Giá gas vọt tăng: Nhà quản đang đuổi theo!

VOV.VN-Dù tăng giá gas vì sao, công tác quản lý thị trường, giá cả đã bộc lộ sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
                                    
"Sốc liên hoàn"! Cụm từ này khái quát tâm trạng của đại đa số gia đình thường dân khi đón nhận liên tiếp thông tin liên quan đến tăng giá gas mấy ngày nay. Bởi người ta chưa kịp hoàn hồn với mức giá tăng vọt tới 80.000 đồng/bình 12 kg, thì một vị chức sắc thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam lại tiếp tục đưa ra dự báo trên báo giới rằng, mặt hàng này tới đây sẽ còn tăng cao hơn nữa, nếu không có giải pháp kịp thời.
Tăng giá gas, giảm chất lượng sống
Cú sốc đầu tiên dội lên người tiêu dùng gas là từ 1/12/2013, giá gas đã được điều chỉnh tăng đồng loạt với mức kỷ lục trong nhiều tháng qua. Cụ thể, với mức tăng khoảng từ 70.000 – 80.000 đồng/bình, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng trung bình vào khoảng 475.000-485.000 đồng/bình 12kg. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
 
Từ 1/12/2013, giá gas bán lẻ đã tăng bình quân lên 475.000-485.000 đồng/bình 12kg (Ảnh minh họa/KT)
Từ khi những con số này được báo giới loan tin, dân tình đâu đâu cũng phàn nàn chuyện giá gas… quá "chát". Chắc chắn hàng triệu hộ gia đình thường dân Việt Nam đang cùng chung tâm trạng thêm lo lắng, bất an với đời sống thường nhật. Bởi vì, hơn ai hết, chính những người hằng ngày phải đãi từng giọt mồ hôi, trí lực của mình để đổi lấy từng đồng tiền công, tiền lương trang trải cho sinh hoạt gia đình mới thấu cảm lo lắng mỗi khi có tin tăng giá mặt hàng thiết yếu.
Cách đây không lâu đã có thông báo tăng giá điện và giá nước sinh hoạt. Sau đó, các cơ quan chức năng còn đang loanh quanh giải thích, phân bua cách tính, cơ chế này nọ, thì hằng ngày hàng triệu người dân đã phải trả tiền điện, tiền nước tăng thêm. Hằng tháng, tiền công, tiền lương của người lao động vốn èo uột lại phải “quặn thắt” trong sự chi tiêu dè xẻn quẩn quanh của các bà nội trợ mong sao duy trì sinh hoạt thường nhật của gia đình.
Nay bỗng giá gas lại đột ngột tăng vọt, mồ hôi người lao động lại phải đổ nhiều thêm vì mưu sinh, vì lo toan cơm áo gạo tiền chống chọi “bão giá”. Không khéo, tăng giá gas chỉ là trận gió mạnh mở đầu cho một loạt các trận bão giá mới từ hàng loạt mặt hàng bắt buộc phải tăng giá hoặc dựa cớ để tăng giá. Khi đó, hệ lụy nhãn tiền là giá hàng thiết yếu, trong đó có giá gas, càng tăng thì chất lượng cuộc sống người lao động càng giảm.
Có lẽ, trong số những mong mỏi của người dân lâu nay, mong mỏi thường trực nhất vẫn là: Dập cơn bão giá! Nhưng ai sẽ đứng ra dập cơn bão giá? Câu trả lời dường như vẫn là một giấc mơ xa. Bởi lẽ, giải thích về tăng giá gas lần này, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam nói rằng, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, một số doanh nghiệp bán lẻ gas găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao cũng là nguyên nhân khiến giá tăng mạnh.
Hơn nữa, giá trong gas nước tăng được lý giải do phụ thuộc nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà sản xuất nội địa vẫn tự hào rằng, hiện gas sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. Nếu thế, vậy chỉ còn 50 – 60% gas phải nhập khẩu, tại sao tăng giá lại đè cả lên 100% gas bán lẻ trên thị trường? Theo bình luận của ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam trên báo Tiền Phong rằng, dù gas sản xuất trong nước, nhưng cơ cấu giá vẫn được tính theo thị trường thế giới!
Điều đáng nói nữa, giá gas đã chính thức vọt tăng từ 1/12, nhưng đến nay, Hiệp hội Gas Việt Nam đang đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu  mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ 5% xuống còn 0% để tạo điều kiện cho các DN kinh doanh LPG có cơ sở điều chỉnh giá bán LPG phù hợp với giá LPG trong khu vực và thế giới, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng. Và, giá bán lẻ gas sẽ tăng 78.000 đồng/bình 12kg nếu thuế không giảm và xu hướng trong tháng 1/2014 sẽ còn tăng cao hơn nữa” – Hiệp hội Gas nhận định.
Quản lý kiểu chống chạy sau bão?
Như thế, chẳng lẽ có 3 nguyên nhân gây tăng giá gas: Do giá thế giới tăng, do cách áp cơ cấu giá và do găm hàng? Nếu quả thế, về nguyên nhân thứ nhất, giá thế giới tăng thì khó tránh tác động đến giá trong nước tăng. Đương nhiên, đó là luật chơi của thị trường!
Nhưng để gas đến tay người tiêu dùng trong nước, dường như các nhà quản lý, phân phối đã quên hoặc cố tình quên rằng, đây là mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa được bình ổn giá. Như vậy, người tiêu dùng gas đang rơi vào cảnh “có tiếng mà không có miếng”. Vì nếu thực hiện bình ổn bằng cách giảm thuế nhập khẩu về 0% như đề xuất, sẽ góp phần hạn chế mức giá tăng quá cao, chia sẻ với người tiêu dùng, góp phần giảm tác động dây chuyền tới các ngành có sử dụng đến gas, tránh việc đẩy giá thành mặt hàng khác liên quan đến việc sử dụng gas tăng cao.
Vậy cơ quan quản lý có công cụ, có hành lang pháp lý để can thiệp thị trường, nhưng vẫn khoanh tay? Về nguyên nhân thứ hai, có gì còn ẩn khuất? Khi các đề xuất còn trên giấy, hằng ngày, người dân đã phải trả giá gas cao và chất lượng cuộc sống đang giảm. 
Hơn nữa, về nguyên nhân thứ ba, nếu nói do găm hàng, vậy ai găm? Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? Đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào trả lời các câu hỏi này, thị trường gas vẫn hiện rõ sự mập mờ trong công tác quản lý, và người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục chịu thiệt, hoặc chí ít là chưa thể hài lòng với những giải thích đây đó.
Nhân chuyện giá gas tăng vọt lần này lại thấy một sự lặp lại đáng lên án đối với công tác quản lý thị trường, giá cả vì vẫn để các mặt hàng thiết yếu xảy ra tình trạng tăng giá thực trên thị trường rồi mới loay hoay bàn giải pháp. Đó là cách làm kiểu “vác chống chạy sau bão”.
Và, dù gas tăng giá với bất kỳ nguyên do gì, người dân đang cần nghe một giải thích, can thiệp minh bạch, công khai từ phía người có trách nhiệm. Sự đòi hỏi này không chỉ chính đáng với tư cách của những người đóng thuế nuôi bộ máy công quyền, mà còn chính đáng hưởng quyền cho và nhận như một bổn phận trong xã hội!./.
Xuân Thân/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét