Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

14:22

 Vụ Tranh "nồi cơm" với gia đình liệt sĩ":
Sau bị “cướp” đến bị lừa!
 
Chiếc phà sắt đạt chuẩn vừa được gia đình bà Huấn đầu tư 450 triệu đồng nhưng chính quyền coi không an toàn
Trong khi gia đình liệt sĩ bị UBND huyện Cần Giuộc (Long An) buộc phải lên bờ, nhường quyền khai thác bến đò cho một doanh nghiệp ở TPHCM thì nhiều người xuất hiện, hứa giúp rồi hốt tiền của nạn nhân…                                    
Khổ càng thêm khổ
Như Lao Động (số ra ngày 18.11) đã thông tin, gia đình bà Phan Thị Huấn (có 2 em là liệt sĩ, bản thân bà Huấn có Huân chương kháng chiến) ở chợ Kinh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) sống bằng nghề đưa đò từ thời chiến tranh đến nay. Hoạt động tuân thủ đúng pháp luật, nhưng bỗng đùng một cái, gia đình bà Huấn được “lệnh” của UBND huyện Cần Giuộc yêu cầu phải giao bến cho Cty Long Phi Vân (chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, vận tải) ở TPHCM nâng cấp, khai thác. Theo đó, chi phí mà gia đình bà Huấn đã đầu tư xây dựng bến bãi mấy chục năm nay sẽ được Long Phi Vân “hỗ trợ” lại, đồng thời cả gia đình bà Huấn phải “lên bờ”. Bỗng dưng bị tranh mất “nồi cơm”, ông Phạm Thanh Lợi – con trai bà Huấn - khiếu nại khắp nơi.
Trong khi UBND huyện Cần Giuộc tìm mọi cách để giao bến đò cho Long Phi Vân thì một số người tự xưng là “có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo” hứa sẽ giúp đỡ. Thông qua một người quen ở TPHCM, vợ chồng ông Lợi được gặp một phụ nữ tên P.T. K - chủ một quán giải khát ở TP.Tân An, Long An. Ông Lợi trình bày, sở dĩ gia đình ông phải bám lấy bến đò, vì đây là nguồn sống suy nhất. Hơn nữa, gia đình đã vay mượn hơn nửa tỉ đồng để nâng cấp bến bãi và phương tiện, giờ bị buộc phải giao bến thì có bán nhà cũng không trả hết nợ. 
Bà K cho biết, bà có mối quan hệ vô cùng thân thiết với lãnh đạo tỉnh Long An và các cán bộ trung ương, việc lấy lại bến đò chỉ là việc nhỏ. Bà K hứa “giúp đỡ không công”, có điều gia đình ông Lợi phải lo tiền vé máy bay cho phái đoàn của bà “ra trung ương” và tiền quà cáp, ăn nhậu.
Để lấy lòng tin, bà K dẫn gia đình ông Lợi gặp một người phụ nữ tên T. Người này xưng là “cháu của lãnh đạo cấp cao”, còn bà K chính là “con nuôi” của người anh “lãnh đạo cấp cao”. “Trong nhà của họ treo nhiều hình ảnh chụp chung với cán bộ, tôi nhìn là tin ngay nên họ nói gì cũng nghe theo. Kêu cứu trong tuyệt vọng mà chính quyền không đoái hoài, nên khi gặp bà K là tôi như người chết đuối chụp được phao” – ông Lợi kể.
Nhậu tôm hùm 14 triệu đồng
Sau đó, bà K thông báo, ngày 15.11 phái đoàn của bà sẽ dẫn theo cháu ruột của ông Lợi là Phạm Hoàng Thanh ra Hà Nội “gặp lãnh đạo”, yêu cầu ông Lợi lo vé máy bay và chi phí quà cáp. Vợ chồng ông Lợi ra ngân hàng, chuyển khoản để thanh toán tiền vé cho đại lý máy bay 3 vé khứ hồi (gồm bà K, bà T và anh Thanh) mà bà K đã mua hết 12.678.000 đồng. Ra tới Hà Nội, anh Thanh nộp cho bà K 50 triệu đồng. Ba người thuê khách sạn Cửa Nam trên phố Trần Bình Trọng để nghỉ. 
Buổi tối, bà K và bà T dẫn anh Thanh ra nhà hàng Nam Long ở phố Trấn Vũ, gặp một “cán bộ trung ương” tên Đ và một vị là lãnh đạo tỉnh Long An. “Ngồi vào bàn tiệc được một lúc, tôi nghi ngờ mình bị lừa, bởi trong buổi tiệc, anh cán bộ tỉnh Long An chỉ nói chuyện vui vì gặp đồng hương Long An. Suốt cuộc nhậu, tôi không nghe anh nói bất cứ điều gì liên quan đến bến đò của cậu tôi” – anh Thanh kể. 
Đến ngày 15.11, cả nhóm ra sân bay quay về. Tuy nhiên, do bị trễ chuyến nên bà K phải đóng phí hơn 4 triệu đồng cho 3 người. Về đến Long An, bà K còn cử một người xưng là “nhà báo” đi xác minh để viết báo và nhận của ông Lợi 9 triệu đồng “chi phí”.
Sáng 18.12, ông Lợi gọi điện thoại cho bà K. Bà cho biết, số tiền 50 triệu đồng bà không xài đồng nào, mà chỉ là nhận để giúp đỡ. Nếu ông Lợi muốn đòi lại, bà K sẵn sàng trả. “Hiện chị đã lo được đầu Cần Đước rồi. Chỉ còn phía Cần Giuộc chị sẽ lo tiếp. Qua tuần sau, chị còn làm việc với thanh tra chính phủ nữa” – bà K nói qua điện thoại. Trao đổi với PV, bà K cho biết, đúng là bà có nhận tiền của ông Lợi, nhưng là để giúp đỡ ông. “Ra Hà Nội, chị nhậu với lãnh đạo, kêu con tôm hùm. Bữa nhậu đó hết 14 triệu đồng chứ đâu có ít. Rồi ra sân bay bị trễ, chị tốn thêm 4 triệu đồng nữa. Nói chung, chị lấy 50 triệu đồng là để giúp đỡ ngườ ta chứ không có ăn đồng nào trong đây cả...” – bà K nói.
(Theo Lao động) Hữu Danh
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét